Thứ Sáu, 9 tháng 9, 2016

91/1. Giao Cảm / Lịch Sử Thánh Thất Cao Đài Thủ Đô Hà Nội


LỊCH SỬ THÁNH THẤT CAO ĐÀI THỦ ĐÔ HÀ NỘI
Quyển 91.1 trong Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo. Nhà xuất bản TÔN GIÁO, Hà Nội 2015.
Ấn tống lần thứ nhất ba ngàn quyển do quý Thiên ân, chức sắc, chức việc, tín hữu Hội Thánh Cao Đài Ban Chỉnh Đạo chung tay góp công quả nhiều đợt khác nhau; tổng cộng 30.000.000 đồng.
Đồng kỉnh nguyện hồi hướng cho quốc thái dân an, đạo pháp trường lưu, chánh giáo hoằng dương, Đại Đạo Cao Đài quy nguyên thống nhứt, vạn linh thức tỉnh hồi đầu, đồng đăng bỉ ngạn.
BAN ẤN TỐNG
MỤC LỤC
Lời giới thiệu (Lễ Sanh Thượng Mai Thanh)
Giao cảm
Giáo Tông Nguyễn Ngọc Tương
Tiền bối Tô Văn Pho ra Hà Nội lần thứ hai (1939)
Thượng Phối Sư Phùng Văn Thới ra Bắc (1942-1948)
Thượng Giáo Hữu Tô Văn Pho ra Hà Nội (1949)
Những năm 1950-1954
Anh Cả Cao Triều Phát tại Hà Nội
Gương sáng chân tu
Thánh thất Hà Nội 1969-2015
Cánh hạc bay lên vút tận trời
Phụ đính: Trở về nhà thánh
Sách báo tham khảo
Lời bạt. (Thượng Phẩm Nguyễn Văn Lãnh)


LỜI GIỚI THIỆU
Hiền hữu Huệ Khải có quá trình tìm hiểu và xuất bản nhiều sách về đạo Cao Đài, trong đó có quyển Lịch Sử Thánh Thất Cao Đài Thủ Đô Hà Nội.
Đây là cuốn sách có giá trị lịch sử đã được hai vị chức sắc tiền bối của Họ Đạo là cố Đầu Sư Thượng Pho Thanh và cố Chánh Phối Sư Hương Bình lúc sinh thời cung cấp tư liệu lịch sử của thánh thất từ khi thành lập cho đến những năm gần đây để hiền hữu ghi lại và viết thành sách. Cuốn sách góp phần làm rõ quá trình hình thành, phát triển của lịch sử khai đạo Cao Đài tại miền Bắc mà trọng tâm là thánh thất Cao Đài Thủ Đô Hà Nội (thuộc Hội Thánh Cao Đài Ban Chỉnh Đạo).
Theo kế hoạch của các Hội Thánh và các tổ chức trong Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ, vào trung tuần tháng 10 năm 2015 sẽ tổ chức tại thủ đô Hà Nội đại lễ kỷ niệm chín mươi năm Khai Đạo Cao Đài. Cuốn sách này được xuất bản có thể xem là một đóng góp ý nghĩa vào nội dung lễ kỷ niệm. Thay mặt Họ Đạo, tôi trân trọng giới thiệu với tất cả quý vị quan tâm tìm hiểu đạo Cao Đài.
Hà Nội, 05-4-2015
Đầu Họ Đạo Cao Đài Thủ Đô Hà Nội
Lễ Sanh Thượng Mai Thanh

(Lê Xuân Mai)

GIAO CẢM
Như đã thuật trong quyển Hành Trạng Tiền Bối Cao Triều Phát,([1]) đầu tháng 3-1993, nhân một chuyến công tác tại Hà Nội, tôi không khỏi ngỡ ngàng khi tình cờ lạc bước đến thánh thất Hà Nội (48 Hòa Mã, quận Hai Bà Trưng).
Bấy giờ nắng chiều đã tắt từ lâu, trời bắt đầu nhập nhoạng tối và se se lạnh. Tôi đẩy cánh cửa cổng thánh thất khép hờ, tự nhiên bước qua vuông sân hẹp tráng xi măng, rồi xăm xăm đi vào gian phòng trống trải có hai cụ đang ngồi bên chiếc bàn gỗ dài đơn sơ, cũ kỹ. Đó là cơ duyên tôi hạnh phùng cụ Sáu Tô Văn Pho (1919-1998) và cô Hai Ngô Thị Bình (1931-2010).
Nghe tôi tự giới thiệu là người đạo Cao Đài, tu học tại Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý, hai cụ rất niềm nở, liền xem tôi như người nhà. Sáng hôm sau, tôi rời khách sạn nhỏ trên đường Phạm Đình Hổ, cách thánh thất không xa lắm, để dọn về tá túc bên cạnh hai bậc hướng đạo đáng kính, tuy sơ ngộ mà lại sớm dành cho tôi tràn trề tình cảm nồng hậu. Dẫu người cố cựu ắt cũng chẳng thể đậm đà hơn.
Suốt một tuần liền (từ ngày 03 đến 10-3-1993) tôi đã hỏi chuyện hai cụ về lịch sử thánh thất Hà Nội. Sau đó, tôi được cụ Sáu đích thân dắt đưa đi khắp các ngõ, tìm đến tận các phố để thấy mấy dấu tích xưa của thánh thất. Tôi được xem, được giải thích tỉ mỉ, và được sao chụp lại nhiều ảnh tài liệu và văn bản lịch sử quý báu liên quan tới thánh thất mà hai cụ vẫn bảo tồn kỹ lưỡng sau bao năm Hà Thành điêu linh khói lửa. Những ngày vui ấy tôi được kề cận bên hai cụ, lịch sử thánh thất Hà Nội mỗi lúc một hiện rõ dần dần trong tâm trí với bao xúc cảm dạt dào...
Về Nam, tôi tập trung viết cho xong bản thảo lịch sử thánh thất Thủ Đô Hà Nội, rồi trở ra Bắc ngày 03-11-1993 để trình cụ Sáu và cô Hai xem lại. Cả ngàn bản thảo (photocopy) đã phổ biến nội bộ năm 1994 và 2006. Sau đó, bản thảo được đăng trên tạp chí Nghiên Cứu Và Phát Triển (Sở Khoa Học Và Công Nghệ Thừa Thiên - Huế, số 5-6 năm 2006), rồi đăng trên nguyệt san Công Giáo Và Dân Tộc, số 147, tháng 3-2007 (chuyên đề về đạo Cao Đài).
Một vài websites, như http://www.nhipcautamgiao.net của Ban Mục Vụ Đối Thoại Liên Tôn (Tổng Giáo Phận Tp. HCM), và http://caodaibanchinhdao.org của Hội Thánh Cao Đài Ban Chỉnh Đạo (Bến Tre), v.v... mấy năm nay đã đăng tải trọn vẹn nội dung bản thảo của tôi để đáp ứng nhu cầu tìm hiểu của bạn đọc các nơi.
Giờ đây, Lịch Sử Thánh Thất Cao Đài Thủ Đô Hà Nội được xuất bản trong Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo, nhân dịp kỷ niệm chín mươi năm Khai Đạo Cao Đài được tổ chức tại Hà Nội (trung tuần tháng 10-2015), tôi chân thành biết ơn sâu sắc các vị:
- Cố Anh Lớn Đầu Sư Thượng Pho Thanh (Tô Văn Pho) và cố Chị Lớn Chánh Phối Sư Hương Bình (Ngô Thị Bình) đã chỉ dẫn, cung cấp hình ảnh, sử liệu (tại Hà Nội, đợt một: 03 đến 10-3-1993; đợt hai: 03 và 04-11-1993).
- Cố Giáo Sư Ngọc Luyện Thanh (Trần Luyện), Hội Thánh Truyền Giáo Cao Đài, đã cho đọc gia phả (tại Đa Kao, quận 1, 1993).
- Cố Giáo Sư Hương Tùng (Châu Thị Tùng, tại Tân Định, quận 1, tháng 6-1993), và hiền tỷ Cao Bạch Liên (ái nữ tiền bối Cao Triều Phát) đã đọc bản thảo, nhiều lần góp ý kiến, bổ sung tài liệu, cung cấp ảnh lưu trữ của gia đình.
- Anh Lớn Thượng Phẩm Nguyễn Văn Lãnh (Hội Thánh Cao Đài Ban Chỉnh Đạo) đã cung cấp các tập Kỷ Yếu lễ tang Đầu Sư Thượng Pho Thanh (tháng 10-1998) và Nữ Chánh Phối Sư Hương Bình (tháng 6-2010), các tập san Hành Đạo (của Hội Thánh Cao Đài Ban Chỉnh Đạo), v.v...
- Hiền huynh Lễ Sanh Thượng Mai Thanh (Trưởng Ban Cai Quản Họ Đạo Cao Đài Thủ Đô Hà Nội) và hiền tỷ Nguyễn Thị Thu Hà (Phòng Thơ), đã giúp cập nhật dữ liệu về thánh thất (28-12-2014, 02-6-2015, và 04-8-2015).
Nơi đây, tôi cũng xin được tha thiết nói lời tri ân tất cả quý Thiên ân chức sắc, chức việc, đạo hữu và đạo tâm các nơi. Với lòng thương Thầy mến Đạo, với ý cao tình đẹp không phân biệt chi phái, đông đảo quý vị Mạnh Thường Quân suốt từ tháng 6-2008 cho tới nay đã tin cậy và nhiệt thành góp phần tài trợ dồi dào, liên tục cho Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo. Nhờ thế quyển sách này cũng như hơn một trăm nhan đề khác mới có điều kiện ấn tống với số lượng khá lớn để nối tiếp nhau đi về các họ đạo trong nước và hải ngoại.
Linh Mục Nguyễn Phương (1921-1993) tin rằng sử luôn luôn phải được viết ra và được viết lại.([2]) Còn Nguyễn Hiến Lê (1912-1984) thì khuyên: “... phần ai biết được một tài liệu gì về sử cũng có bổn phận phải chép lại bằng cách nào cũng được, miễn thận trọng và thành tâm là quý rồi. Nếu không vậy thì thực khổ tâm cho những người sau muốn tìm hiểu những người trước ...” ([3])
Cho nên, những gì được trình bày trong tập sách này chỉ dám mong là một đóng góp nhỏ nhoi vào bước đầu tìm hiểu lịch sử truyền đạo Cao Đài ra miền Bắc, mà chủ yếu là thánh thất Thủ Đô Hà Nội, để người sau uống nước nhớ nguồn, biết đến gương sáng các tiền nhân khai sơn phá thạch, mở ra con đường cho miên viễn, và cũng để người viết có dịp được chia sẻ với quý bạn đọc tấm lòng cùng tưởng nhớ hai bậc tiền bối đáng kính là Đầu Sư Thượng Pho Thanh và Chánh Phối Sư Hương Bình.
Nhiêu Lộc, Mạnh Hạ Ất Mùi (2015)
HUỆ KHẢI



([1]) Hà Nội: Nxb Tôn Giáo, 2010, 2012. Quyển 27-2 trong Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo.
([2]) Nguyễn Phương, Phương Pháp Sử Học. Sài Gòn: Nxb Sao Mai, 1974, tr. 52-53.
([3]) Nguyễn Hiến Lê, báo Mai, số 20 ngày 25-4-1961.


 Quý đạo hữu gần xa muốn nhận các kinh sách do Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo xuất bản, được gởi biếu qua bưu điện, xin vui lòng gởi e-mail về: daidaovanuyen@gmail.com
Và xin quý đạo hữu hoan hỷ trả giúp cước phí cho bưu điện ngay khi nhận được sách biếu.
Ban Ấn Tống trân trọng cảm ơn quý đạo hữu.