GIỮ LỬA CHO NHAU
Sáng
Chủ Nhật 17-7-2016, tôi vừa xong buổi trò chuyện với quý huynh tỷ hạnh sinh hệ
Hoằng Giáo (khóa Một) của Hội Thánh Truyền Giáo Cao Đài, chánh thức khai giảng
trang trọng tại thánh thất Trung Minh.
Tôi
nghĩ sau đó có thể dồn tâm sức cho công việc ấn tống đang tạm gián đoạn gần cả
tháng rồi, kể từ lúc chuẩn bị ra Đà Nẵng dự lễ kỷ niệm sáu mươi năm thành lập
Hội Thánh Truyền Giáo Cao Đài, kết hợp thăm lại thánh đường Quảng Tín sau ba
năm xa cách, và trao đổi với quý huynh tỷ Trưởng Phó Ban Phổ Tế tỉnh Quảng Nam
cũng như quý chức sắc, chức việc và đạo hữu đất ngũ phụng tề phi. Nào ngờ Cơ
Quan Phổ Tế của Hội Thánh Truyền Giáo lại có nhã ý tạo cơ hội để tôi ra thăm
quý tín hữu áo trắng ở Quảng Ngãi.
Tôi
chưa từng viếng Linh Tháp nên hoan hỷ đón nhận nhân duyên tốt đẹp này. Nhờ vậy,
tôi được tham dự lễ bế mạc chương trình sinh hoạt TÂM HẠNH SỐNG ĐẠO dành cho
thanh thiếu niên Truyền Giáo Cao Đài vốn đã có nền nếp sinh hoạt hai năm một
lần vào mùa hạ. Hơn thế nữa, Cơ Quan Phổ Tế còn ưu ái dành cho tôi một khoảng
thời gian tâm tình với các bạn trẻ thanh thiếu niên, với thế hệ tương lai tươi
sáng của Hội Thánh Truyền Giáo.
Nói thanh
niên Truyền Giáo là tương lai tươi sáng của Hội Thánh Truyền Giáo thì không
phải bởi vui miệng đem lời hoa mỹ tâng bốc bạn trẻ. Nói giới trẻ Cao Đài là
tương lai tươi sáng để chúng ta cùng nhắc nhau ghi nhớ rằng tại thánh thất Nam
Trung Hòa, vào ngày 06-7 Mậu Dần (Thứ Hai 01-8-1938), Đức Chí Tôn từng dạy:
Thầy đã nói tận tường con rõ
Muốn
đời sau đời có bình yên
Đời
nay phải cậy thanh niên
Thanh
niên hiện tại lưu truyền đời sau.
Có
mặt trong buổi hội ngộ hôm nay và được duyên lành trò chuyện với các bạn trẻ
nơi đây, tôi ước mong có thể bắc một nhịp cầu giao cảm giữa chúng ta, giữa các
bạn trẻ Truyền Giáo miền Trung với một bạn đạo miền Nam không còn trẻ trung chi nữa.
Nhắc
tới miền Trung, miền Nam lúc này là để chúng ta cùng nhau giữ bền truyền thống hợp
tác chặt chẽ, đồng tâm tương trợ giữa người đạo hai miền đất nước trong lịch sử
sáu mươi năm hình thành và phát triển Hội Thánh Truyền Giáo, đúng như thánh thi
Đức Tổng Lý Trần Hưng Đạo dạy tại thánh thất Nam Thành, vào ngày 29-9 Ất Mùi
(Chủ Nhật 13-11-1955):
Hỡi hướng đạo ra tay vùa giúp
Hỡi
nhơn sanh nỗ lực tham gia
Một
Thầy một Đạo đâu là Nam Trung.
Chúng
ta rất mừng rằng truyền thống tốt đẹp này vẫn đang được người đạo Cao Đài hai
miền nuôi dưỡng và phát huy liên tục trong nhiều thập niên rồi. Đây quả là một
hồng phúc cho nhà Đạo chúng ta vậy.
Cũng
do truyền thống “Nam Trung âu cũng một nhà”, hôm
nay tôi đến đất thiêng Linh Tháp, đến lần đầu tiên.
Khi chuẩn
bị hội ngộ với TÂM HẠNH SỐNG ĐẠO, thú thật tôi không khỏi lúng túng, rất đỗi lúng
túng. Tôi phân vân không biết mình nên cùng các bạn trẻ Hội Thánh Truyền Giáo tâm
tình về chủ đề gì cho gần gũi và phù hợp.
Xét
theo góc cạnh thời gian lịch sử và không gian xã hội của đất nước, dường như
tuổi trẻ các bạn hôm nay và tuổi trẻ của tôi thuở trước có chỗ khác nhau.
May
thay, chúng ta có một điểm chung, đó chính là yếu tố Cao Đài. Tôi đã từng là
một tuổi trẻ Cao Đài và các bạn giờ đây đang là những tuổi trẻ Cao Đài. Vậy
thì, câu chuyện làm quen giữa chúng ta trong buổi sơ ngộ này có lẽ nên bắt đầu
từ điểm chung tốt đẹp đó.
Trước
hết tôi xin nhắc lại chút ít kỷ niệm không thể nào quên về tuổi thanh niên của
tôi. Nói nhắc lại, bởi vì trong tám năm qua nếu các bạn theo dõi đều đặn hơn
một trăm đầu sách của Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo, các bạn
hẳn đã biết đôi chút về cơ duyên lạ lùng xui khiến tôi ngộ đạo Cao Đài.
Năm
tôi tròn hai mươi tuổi tây thì đúng nhằm lúc lịch sử sang trang. Nói như Hồng Hà
nữ sĩ Đoàn Thị Điểm, đó là “Thuở trời đất
nổi cơn gió bụi…”
Có
hai câu lục bát của nhà thơ Hoài Khanh rất phù hợp với nỗi lòng tôi hơn bốn
mươi năm trước:
Thôi em hạnh
phúc giã từ
Thời hai mươi tuổi đã mù khói sương.
Em trong câu thơ ấy
không phải là tình nhân, không phải là bạn gái, không phải là một bóng dáng tha
thướt yêu kiều buộc tôi phải mượn thơ Nguyên Sa mà thú nhận:
Gặp một bữa anh
đã mừng một bữa
Gặp hai hôm thành nhị hỷ của tâm hồn.
Vâng, với tôi thuở ấy, em trong câu thơ chỉ là nhân cách hóa một ước vọng thanh xuân. Nhưng
ước vọng ấy vụt tan biến vào hư không ở tuổi hai mươi nên tôi hụt hẫng, chỉ
biết tìm khuây lảng trong bộn bề sách cũ, để rồi phát tâm ăn chay trường cái
rụp sau khi tình cờ đọc tập sách mỏng Cô
Ba Cháo Gà Du Địa Phủ.
Thời sinh viên tôi có một cô bạn đồng môn. Mãi
lâu về sau tôi mới biết cô là cháu cố Đốc Phủ Sứ Trần Nguyên Lượng, một tiền
bối Cao Đài cùng thời các tiền khai Cao Đài, đắc quả Chiêu Minh Chơn Thánh.
Thấy tôi ăn chay trường, cô bạn đồng môn về
nhà lục trong tủ sách cụ cố lưu truyền, đem cho tôi mượn Đại Thừa Chơn Giáo và Thánh
Ngôn Hiệp Tuyển.
Đọc Đại
Thừa Chơn Giáo, tôi thấy Đức Cao Đài dạy:
“Nên hội Tam
Giáo Công Đồng, Thầy lập tờ
đoan thệ, đem Đạo mầu phổ hóa độ tất cả đám quần sanh.
Nếu các con
chẳng chịu tu hành, không bỏ dữ làm lành, Đạo không thành Thầy nguyện không trở về ngôi vị cũ.”
Rồi Đức Cao Đài nhắc lại lời dạy ấy bằng bài thơ
tứ tuyệt:
Muôn kiếp các
con chịu lạc đường
Thấy vầy Thầy luống động lòng thương
Nên đoan thệ với hàng Tiên Phật
Lập Đạo không thành chịu tội ương.
Đọc tới đó tự dưng nước mắt tôi tuôn trào,
người tôi nổi gai ốc. Ngay lúc ấy từ sâu thẳm tâm linh, tôi biết rõ rằng đạo
Cao Đài chính là đạo của tôi, mặc dù cả nhà tôi hơn bốn mươi năm trước không ai
biết Cao Đài là gì hết.
Tôi hỏi cách xin vô đạo Cao Đài. Nhưng gia
đình cô bạn đồng môn không giúp được. Dường như “nhiệm vụ” của cô bạn ấy chỉ là
đem cho tôi mượn hai bộ Đại Thừa Chơn
Giáo và Thánh Ngôn Hiệp Tuyển mà
thôi.
Ở nhà ba má tôi có thờ Phật Thích Ca đã nhiều
năm, từ lúc ba tôi dạy học ở miền Tây cho đến khi dọn lên Sài Gòn. Tôi thấy
trong Thánh Ngôn Hiệp Tuyển Đức Chí
Tôn dạy:
Thích Ca Mâu Ni
thị Ngã… kim viết Cao Đài.
Thế là tôi yên tâm, tạm gác lại chuyện xin nhập
môn, cứ noi theo hướng dẫn trong Thánh
Ngôn Hiệp Tuyển mà cúng Thầy hàng ngày. Tôi quỳ lạy trước hình vẽ Phật
Thích Ca nhưng niệm Nam mô Cao Đài Tiên
Ông Đại Bồ Tát Ma Ha Tát. Dĩ nhiên, tôi chẳng có khăn đóng đen, áo dài
trắng chi hết. Tôi cũng chưa biết tụng kinh cúng Tứ Thời.
Mãi hai năm sau, vào đầu mùa hè Đinh Tỵ tôi
mới có cơ duyên được một bạn đạo dẫn dắt về Vĩnh Nguyên Tự (Cần Giuộc, Long An)
nhập môn Cao Đài. Người bạn đạo ấy lớn tuổi hơn tôi rất nhiều nên tôi gọi bằng
chú. Ông dắt tôi vào Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Cao Đài Giáo Việt Nam và tôi gia
nhập tập thể Thanh Thiếu Niên Phổ Thông Giáo Lý. Về sau, ông tu theo pháp môn
Chiếu Minh và đắc quả là Huỳnh Quang Chơn Nhơn.
*
Hiền giả người Pháp là Pascal nói: “Cái tôi đáng ghét.”
Vừa rồi tôi đã làm một việc thật dễ ghét là
đem cái tôi đáng ghét của mình mà tâm tình với các bạn trẻ. Thật ra qua chuyện
cũ ấy tôi muốn chia sẻ một suy niệm từ trải nghiệm bản thân.
Khi chủ biên Đại Đạo Văn Uyển (nhà xuất
bản Tôn Giáo, Hà Nội, ba tháng ra một tập), bốn năm nay tôi vẫn mời gọi
quý tín hữu Cao Đài gởi bài cộng tác và kể lại nguyên do vì sao quý vị vào đạo
Cao Đài.
Vấn đề này đáng cho chúng ta quan tâm lắm chứ.
Người nước ngoài cũng hay quan tâm tìm hiểu lý do vì sao chúng ta theo đạo Cao
Đài thay vì một tôn giáo khác.
Từ ngày 01-7-2015 tới 30-4-2016, có một dự án
của sinh viên châu Âu đi qua ba mươi ba quốc gia ở bốn lục địa Âu, Á, Phi, Mỹ
để thúc đẩy những sáng kiến về chung sống liên tôn giáo. Website của họ là www.interfaithtour.com. Để thực hiện dự
án, họ chia thành nhiều nhóm nhỏ, mỗi nhóm đi tới một số nước.
Đầu tháng Hai năm nay, một nhóm năm anh chị đã
ghé Sài Gòn. Họ muốn tìm hiểu về đạo Cao Đài nên nhờ linh mục Phanxicô Xaviê
Bảo Lộc, Trưởng Ban Mục Vụ Đối Thoại Liên Tôn của Tổng Giáo Phận TpHCM làm cầu
nối, và linh mục Bảo Lộc mời tôi đến văn phòng Ban Mục Vụ Đối Thoại Liên Tôn
tiếp chuyện họ.
Thế là chiều Thứ Sáu ngày 05-02-2016 tôi trò
chuyện với ba cô sinh viên châu Âu trong nhóm năm bạn trẻ đó. Một cô theo Do
Thái Giáo, một cô theo đạo Thiên Chúa, và một cô vô thần (không theo tôn giáo
nào). Họ đặt cho tôi một số câu hỏi về đạo Cao Đài, trong đó có câu này: Tại sao ông theo đạo Cao Đài?
Câu hỏi của họ trùng hợp lòng mong muốn nhiều
năm nay của tôi là ấn tống được một tập sách tương đối dày dặn, bao gồm những
chuyện kể của các đạo hữu cho biết lý do vì sao trong lúc quanh ta đang có sẵn
những tôn giáo lâu đời, bề thế, hoành tráng, được coi là tôn giáo hoàn cầu mà
ta không chọn không theo, ta lại gõ cửa Cao Đài, một tôn giáo vốn chịu nhiều
ngộ nhận, xuyên tạc và bách hại từ khi vừa ra đời.
Nếu làm được cuốn sách mong ước đó, kết tập nhiều
câu trả lời khác nhau từ nhiều tín hữu khác nhau, tôi tin rằng sẽ giúp chúng ta
hiểu được sự nhiệm mầu của ơn cứu độ Kỳ Ba, thấy được cách Thượng Đế đưa tay
nắm lấy chúng ta rất diệu kỳ.
Hẳn chúng ta đều biết, xưa kia, ngày Thứ Năm 31-12-1925
tại phố Hàng Dừa ở Sài Gòn (nay là đường Cống Quỳnh), Đức Chí Tôn hỏi ba vị
tiền khai Cao Quỳnh Cư, Cao Hoài Sang, Phạm Công Tắc rất trìu mến như sau:
“Thầy đến với các
con như thế ấy, các con có thương Thầy không?”
Câu hỏi ấy của Thầy sẽ luôn luôn còn vang vọng
trong sâu thẳm tâm hồn từng tín hữu chúng ta mỗi khi chúng ta hồi tưởng lại
cách mà Thầy đã âm thầm đưa tay dắt dìu chúng ta trở về với Thầy.
Phần tôi, khi ngộ ra Thầy đã mạc khải cho mình
như thế nào, tôi bày tỏ:
Tạ ơn Thầy âm
thầm đưa con tới
Chiếc thuyền từ giữa bể khổ đầy vơi
Thân nghiệp chướng nếu không Thầy soi lối
Con làm sao thành thật biết ơn đời.
Tôi xét trường hợp bản thân, hiểu rằng mình đã
không tìm kiếm, không chọn lựa; nhưng hễ đúng ngày đúng giờ thì Thầy đưa tay
dắt mình vô cửa Đạo.
Tôi luôn nghĩ rằng hôm nay sở dĩ anh chị em chúng
ta được làm môn đệ Cao Đài là bởi trước khi sinh vào cõi Diêm Phù Đề này chúng
ta đã se duyên với Cao Đài.
Chúng ta có thể tin như vậy bởi vì tại Trung
Hưng Bửu Tòa, vào ngày 01-01 Bính Thân (Chủ Nhật 12-02-1956), Đức Chí Tôn dạy:
Thân con, thân
của Cao Đài
Người con, người của Thầy sai xuống trần.
Trên đây là chúng ta vừa trao đổi với nhau về cơ
duyên khiến chúng ta trở thành môn đệ Cao Đài.
Một lần nữa, tôi tha thiết mong rằng sau câu
chuyện này, sẽ có nhiều đạo hữu nơi đây sốt sắng gởi bài viết tới Đại Đạo Văn Uyển, kể rõ ràng và kể rất
hay về cơ duyên đã đưa quý đạo hữu nhập môn Cao Đài, để được gọi Thượng Đế chúa
tể vũ trụ càn khôn là “Thầy” một cách thân thương.
*
Ở ngoài đời, đâu hiếm chuyện đôi lứa đã se
duyên rồi mà sau cùng lại cam đành bứt đứt đường tơ, đem buộc vào mối khác. Trong
đạo cũng thế, cũng có người đường tơ bứt đứt, mối khác buộc vào. Sau đây chúng ta
trao đổi tiếp về những người đạo hữu cất bước sang
ngang.
Chúng ta thấy thế này: Có người nhập môn Cao
Đài rồi thì vẫn thủy chung, một lòng son sắt cho đến khi từ giã cuộc đời. Trái
lại có người nhập môn Cao Đài rồi, thậm chí đã trải qua vài mươi năm tuổi đạo
rồi, thì bỗng trở nên nhạt tình, đem lòng hờ hững, và rẽ qua tôn giáo khác.
Ngoài đời, khi nam nữ mới yêu nhau, lẽ thường ai
ai cũng ước mong tình đầu là tình cuối.
Trong đạo, khi một người xin nhập môn Cao Đài, chắc chắn người đó không bao giờ
nghĩ rằng sẽ có ngày họ bỏ đạo, rồi sang ngang, bước qua tôn giáo khác. Bởi lẽ,
nếu đã nghĩ như vậy, họ chẳng nhập môn làm gì.
Trong Đại
Thừa Chơn Giáo, Thầy dạy:
Nếm mùi Đạo, ôi
thôi ngon ngọt
Mát mẻ lòng vui trót đêm ngày
Đạo mầu càng nhiễm càng say…
Như vậy phải chăng sau nhiều năm sống trong
đạo Cao Đài, người bạn chúng ta bỏ đạo bởi vì bạn ấy không hề cảm nhận được mùi
vị đạo Cao Đài ra sao. Bạn ấy không hề nếm được cái ngon ngọt lạ lùng của đạo
Cao Đài nó thấm sâu vào tâm hồn, tan chảy vào máu thịt như thế nào. Cũng vì vậy
mà bạn ấy chưa từng được say men đạo.
Nói về người tín đồ nhạt đạo, phôi pha tình
đạo, thì chuyện này chẳng hề mới mẻ gì. Nó là chuyện cũ và vẫn còn tái diễn.
Vâng, nó là chuyện không mới bởi vì cách nay hơn nửa thế kỷ, tại thánh thất Từ
Vân (Quảng Nam), vào ngày 21-01 Nhâm Thìn (Thứ Bảy 16-02-1952), Đức Lý Thái
Bạch dạy:
“Lão thấy lạ
quá! Hồi mới nhập môn cầu Đạo thì tâm chí lại được gần Thầy. Còn tu lên một
ngày, một tháng, một năm cho đến nhiều năm thì bước tu lại lần lần dang xa nền Đạo,
mà gần như không khác chi kẻ tục tình, chỉ còn ba miếng chay ít ngày là nhiều,
chớ có kể gì quy giới, có lo nghĩ gì sự chung gánh nặng nề, chung mùi vui khổ,
chung sự đắp xây, chung phần trách nhiệm! Vậy, thế thì sai lạc biết bao!”
Nói tới vấn đề nhạt đạo và bỏ đạo, chúng ta nên
suy gẫm lời Đức Cao Tiếp Văn Pháp Quân dạy ngày 30-01 Đinh Dậu (Thứ Sáu
01-3-1957), trong đàn cơ tại Trung Hưng Bửu Tòa:
“Về tôn giáo
người tín đồ phải giữ đạo, truyền đạo.”
Chúng ta hiểu:
- Giữ đạo trước hết là giữ cho bản thân. Bản
thân không còn đạo thì hòng truyền cho ai? truyền cái gì?
Không giữ được đạo mà lại truyền đạo thì nói
như Đức Cao Tiếp Văn Pháp Quân, nào khác chi lấy “hai tay không vãi vào thiên hạ”.
- Truyền đạo trước hết nên là truyền
cho chính những người thân trong gia đình mình, ruột thịt của mình:
Ngô gia bất độ,
hà gia độ?
(Nhà mình không độ, độ nhà ai?)
Chúng ta biết rằng có một số gia đình vốn là
đạo dòng, nhưng qua đời sau, dần dà con cháu hoặc chọn đạo khác, hoặc không
theo đạo nào, hoặc chỉ còn mang hình thức đạo Cao Đài trên danh nghĩa vì đã
nhập môn nhiều năm mà tâm hồn vẫn không khác một người chưa hề nhập môn.
Tại Minh Lý
Thánh Hội, vào ngày 08-12 Đinh Mùi (Chủ Nhật 07-01-1968), Đức Quan Âm Bồ Tát
dạy:
“Trên đường đời cũng như trong cửa đạo, nhiều
trường hợp hay trái ngược nhau. Ông bà cha mẹ tu hành, cháu con không gìn giữ
gốc thiện, trái lại còn khảo đảo sự tu hành của cha mẹ là một đàng khác.”
Ở nơi này nơi khác, quả thật việc giữ đạo và
truyền đạo đã không trọn vẹn ngay từ trong gia đình, gia tộc của những người mà
hột giống Cao Đài đã một thời được gieo xuống.
Nhận định như vậy để thấy rằng các bạn trẻ
đang ngồi đây rất diễm phúc.
Các bạn trẻ Truyền Giáo ơi! Các bạn có đồng ý
là các bạn diễm phúc không? Diễm phúc chỗ nào?
Tôi xin xác định chỗ diễm phúc của các bạn như
sau:
Các bạn đã được sinh ra trong gia đình Cao
Đài. Các bạn được Hội Thánh Truyền Giáo đoàn ngũ hóa để trở thành lớp người kế
thừa, tiếp nối truyền thống Cao Đài của cha ông. Nhờ thế, sáu mươi năm nay Hội
Thánh Truyền Giáo luôn luôn có sinh lực của giới trẻ phả vào mọi cuộc lễ lớn
nhỏ.
Giá như nhiều nơi khác trong cộng đồng Cao Đài
hiện nay cũng gây dựng được thế hệ tiếp nối giống như Hội Thánh Truyền Giáo thì
mừng vui biết mấy!
Tại Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Cao Đài Giáo
Việt Nam, vào ngày Khai Minh Đại Đạo năm Quý Sửu (Thứ Sáu 09-11-1973), Đức Chí
Tôn nhắc nhở:
Thanh thiếu niên
mầm non quốc đạo
Truyền thống nhiều hoài bão tương lai
Đời còn có một ngày mai
Nhờ nay các trẻ nghiêng vai gánh gồng.
Thế nên, mỗi khi chúng ta tới dự lễ ở một
thánh sở Cao Đài lớn nhỏ bất kỳ, nếu thấy vắng bóng giới trẻ ở đó, chúng ta hãy
nên buồn lo, bởi vì điều ấy báo hiệu sự lão hóa, báo hiệu con đường phía trước
của nơi ấy mịt mờ vì thiếu thế hệ tiếp nối.
Chúng ta trở lại với việc truyền đạo.
Trong Thánh
Ngôn Hiệp Tuyển, đàn ngày 20-7 Bính Dần (Thứ Sáu 27-8-1926), Đức Chí Tôn
dạy các môn đệ: “… buộc mỗi đứa phải độ
cho đặng ít nữa là mười hai người.”
Nếu chúng ta hiểu rằng chỉ cần chú ý tới số
lượng mà không quan tâm tới phẩm chất, thì dẫu có độ được gấp bội lần con số
mười hai ấy, kết quả e khó vững bền.
Tại Minh Lý Thánh Hội, ngày 06-10 Kỷ Dậu (Thứ
Bảy 15-11-1969), Đức Vạn Hạnh Thiền Sư nhắc nhở chúng ta:
“Lòng mong độ
thêm một người chưa biết đạo phải song song với sự nuôi dưỡng đức tin đối với người
bạn đạo. Nếu vô tình hoặc cố ý để mất đức tin một người bạn đạo lâu năm còn
quan trọng hơn độ thêm năm, mười người khác nữa.”
Từ lời dạy của Đức Vạn Hạnh Thiền Sư chúng ta
rút ra bài học này:
Phát triển số lượng tín đồ quả
là cần, nhưng chưa đủ.
Muốn đủ, còn phải ra sức bồi dưỡng phẩm
chất tín đồ.
Chúng ta đừng quên chăm sóc, bồi dưỡng phẩm
chất những tín đồ đang có, để các bạn mình xứng đáng là người đạo Cao Đài.
Thầy Cao Đài vô hình vô ảnh, ai mà thấy được.
Bá tánh mến mộ hay rẻ rúng đạo Cao Đài là do họ nhìn trực tiếp vào phẩm chất người
tín đồ. Bởi lẽ đó, vào ngày 21-01 Nhâm Thìn (Thứ Bảy 16-02-1952), tại một thánh
thất ở Trung Kỳ, Đức Lý Thái Bạch nhắc nhở chúng ta:
“Đạo hữu là căn
bản và danh dự của Đạo. Ta không nên quên mà lo giúp đỡ, chỉ bày.”
Nếu ghi nhớ lời này của Đức Lý, mỗi khi nghe
nói có anh Giáp, chị Ất bỏ đạo Cao Đài rẽ qua đạo khác, ắt chúng ta giật mình,
xét lại mình xem có liên đới trách nhiệm hay không.
Thông thường, khi biết có một người bạn Cao
Đài trong tập thể đạo chúng ta vừa cất bước sang ngang, chúng ta dễ phản ứng
bằng cách tiếc rẻ cho người đó, hoặc trách cứ, quy lỗi cho người đó.
Lẽ ra chúng ta cần công tâm xét lại xem tập
thể áo trắng chúng ta bấy lâu đã làm được gì để nâng đỡ, bồi dưỡng, củng cố đức
tin bạn mình; chúng ta đã làm được gì để bạn mình thật sự nếm được mùi đạo ngon
ngọt, để đêm ngày say mê như lời Thầy dạy trong Đại Thừa Chơn Giáo:
Nếm mùi Đạo, ôi
thôi ngon ngọt
Mát mẻ lòng vui trót đêm ngày
Đạo mầu càng nhiễm càng say…
Một bạn đạo chúng ta rời bỏ tập thể áo trắng
để đổi lấy màu áo khác, điều đó cũng có nghĩa người ấy chưa từng thấy trong đạo
Cao Đài có giá trị hy hữu vô song.
Sau nhiều năm làm tín hữu Cao Đài, nếu thấy
vẫn quẩn quanh cúng lạy với lễ lạt, vẫn lặp lại những lời khuyên dạy làm lành
lánh dữ, tập lòng bác ái để thương người mến vật, v.v… thì ắt người bạn ấy nghĩ
rằng đạo Cao Đài chung quy cũng chỉ là một tôn giáo giống như các tôn giáo Nhất
Kỳ và Nhị Kỳ Phổ Độ mà thôi.
Nếu người bạn ấy suy nghĩ như vậy, thì phải
chăng là do chúng ta thiếu sót, chưa giúp cho bạn đạo của mình nhận ra giá trị hy
hữu vô song của đạo Cao Đài?
Nhưng bây giờ, giả sử có ai hỏi: Cái gì là giá trị hy hữu vô song của đạo Cao
Đài? Chúng ta có thể dễ dàng trả lời cho thuyết phục được không?
Thật sự là khó trả lời cho thuyết phục nếu như
chúng ta không đầu tư tim óc, tâm huyết vào công cuộc nghiên cứu thánh giáo Cao
Đài một cách hết sức nghiêm túc.
Bởi suy nghĩ như vậy, sáng Chủ Nhật 17-7 vừa
qua tại thánh thất Trung Minh, trong câu chuyện với các hạnh sinh hệ Hoằng Giáo
khóa Một, tôi chia sẻ ý kiến rằng công cuộc hoằng giáo Cao Đài ngày nay không
đơn thuần chỉ là rao giảng cho tín đồ biết ăn hiền ở lành, gây tạo phước đức.
Tôi đang nói với các bạn trẻ về việc truyền
giáo, các bạn có nghĩ rằng sớm quá, chưa phù hợp với lứa tuổi các bạn chăng?
Không đâu, phù hợp lắm chứ, đúng đối tượng lắm
chứ. Tại thánh thất Trung Thành, vào ngày 15-01 Canh Thìn (Thứ Năm 22-02-1940),
Đức Tổng Lý Trần Hưng Đạo dạy thanh niên như sau:
“Chào các thanh
niên. Giờ nầy Bản Thánh đến để lời phân trần cặn kẽ bổn phận làm người và cái
trọng nhiệm của tín đồ Đại Đạo, nhất là danh dự của lớp người tuổi trẻ.
(…)
Hỡi các bạn
thanh niên! Cơ Đạo hiện thời đã bước đến thời kỳ chuẩn bị rồi.
(…)
Muốn thế, trước
phải lấy thanh niên làm nòng cốt và thí điểm, vì thanh niên là lớp người quan
hệ cho tương lai, có nghị lực hăng hái làm việc. Như vậy trong bước đầu tổ chức
phải huấn luyện thế nào cho mỗi thanh niên rành rẽ bổn phận của người giữ đạo,
truyền đạo, có một bản chất thuần túy đạo đức tiến thủ.”
Như vậy, chúng ta nói chuyện truyền đạo bây
giờ là để chuẩn bị đầy đủ hành trang và nội lực cho mai sau.
Trong cách truyền đạo, chúng ta cần lưu ý điểm
này: Chúng ta cần học hiểu căn bản giáo lý tôn giáo bạn, nhưng không nên lặp
lại giáo lý đó một cách sống sít. Có người đứng ở bục giảng Cao Đài mà chỉ
“phát thanh” nguyên xi các chủ đề giáo lý của tôn giáo khác, y hệt như đang làm
vai trò “phát ngôn viên” do tôn giáo khác gởi đến.
Những buổi giảng sống sít đáng tiếc như vậy càng
dễ xui khiến bá tánh ngộ nhận rằng Cao Đài không có chi hết, đành phải vay mượn,
chắp vá giáo lý của các tôn giáo khác.
Thật ra, chúng ta cần học hỏi và lãnh hội giáo
lý các tôn giáo bạn nhưng với mục đích là dùng sở học đó quy chiếu vào giáo lý
Cao Đài để làm sáng tỏ chân lý vạn giáo đồng nguyên và vạn giáo quy nguyên, để
soi rọi cho mọi người nhìn nhận con đường Từ
Đại Đạo phát sinh Tam Giáo Đạo, rồi từ Tam Giáo Đạo trở về nguồn gốc Đại Đạo.
*
Người đạo chúng ta thường quen miệng nói rằng Cao
Đài là tôn giáo mới, là tân tôn giáo. Vậy, các bạn trẻ
Truyền Giáo Cao Đài hiểu thế nào là tân tôn giáo?
Phần đông bá tánh nói Cao Đài là tân tôn giáo
và quen hiểu chữ tân hạn hẹp theo ý
nghĩa thời gian, căn cứ cái mốc ra đời vào những năm 1920. Nếu hiểu hạn hẹp như
vậy thì quả thật rất không nên cho đạo Cao Đài. Tại sao thế?
Bản tiếng Anh của từ điển bách khoa Wikipedia, mục từ List of New Religious Movements (Liệt kê các phong trào tôn giáo
mới, tôi truy cập ngày 04-8-2016) kể ra 211 phong trào tôn giáo mới trên thế
giới xuất hiện trong thế kỷ 20 (tôi đã loại bớt những phong trào hoặc không rõ
thời gian ra đời, hoặc ra đời trong thế kỷ 19 và 21). Trong 211 cái tên do
Wikipedia kể ra (xếp theo thứ tự ABC), đạo Cao Đài cũng gọi Đại Đạo Tam Kỳ Phổ
Độ đứng ở số 52.
Wikipedia đã đồng hóa Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ
(gọi tắt là Cao Đài) với 210 phong trào tôn giáo mới ra đời trong thế kỷ 20 chỉ
vì đơn giản xét theo tiêu chí thời gian xuất hiện. Đây quả là một ngộ nhận rất tai
hại vì nó xóa nhòa sứ mệnh Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ; nhưng ai nên chịu
trách nhiệm cho ngộ nhận tai hại đó?
Chính người đạo Cao Đài chúng ta nên chịu
trách nhiệm.
Một học giả người Anh lỗi lạc là Giáo Sư Ralph
Bernard Smith (1939-2000), giảng dạy tại Trường Nghiên Cứu Phương Đông Và Châu
Phi (SOAS) thuộc Viện Đại Học London, vào năm 1970 từng nhắn nhủ chúng ta:
“Trong chừng mức
nào đó, việc người phương Tây không hiểu biết về đạo Cao Đài là trách nhiệm của
chính những người Cao Đài.” ([1])
Chúng ta nên chịu trách nhiệm vì chúng ta chưa
làm sáng danh Thầy rạng danh Đạo.
Chúng ta nên chịu trách nhiệm vì chúng ta bấy
lâu nay trót làm cho hình ảnh đạo Cao Đài trước con mắt người đời chỉ như một
tôn giáo địa phương nhỏ bé, chứ không phải là Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ.
Trước hiện tình nhân loại hoàn cầu thời hạ
nguơn mạt kiếp đang sống trong kỷ nguyên phân ly chia rẽ và hủy diệt, đạo Cao
Đài ra đời để hàn gắn và tái tạo, thế nhưng chính bản thân cộng đồng Cao Đài trong
buổi sơ khai lại sớm phân rẽ chia ly thành nhiều phái!
Trở lại với cách nói Cao Đài là tân tôn giáo, trước
hết chính cộng đồng tín hữu chúng ta phải hiểu chữ tân này siêu vượt khỏi cái mốc thời gian ra đời là những năm 1920. Chúng
ta cần hiểu chữ tân đó theo ý nghĩa
đã được Đức Thánh Trần Hưng Đạo, cũng là Tổng Lý vô vi của Hội Thánh Truyền
Giáo minh định như sau:
“Vì tranh chấp,
vì dị đồng, vì lý tưởng xung đột, vì tín ngưỡng chia rẽ, vì quyền lợi đảng phái
nên đảng phái cạnh tranh mà nền đạo mới phải ra đời. Ra đời để
đem lại sự đồng nhứt cho loài người, làm cho chấm dứt những tình trạng thù ghét
rẽ riêng, thì sự lập thành một tân tôn giáo mới là có ý nghĩa.” ([2])
Lời dạy của Đức Thánh Trần Hưng Đạo nhắc chúng
ta nhớ lại lời Đức Chí Tôn được ghi lại trong Thánh Ngôn Hiệp Tuyển, đàn ngày 13-3 Bính Dần (Thứ Bảy 24-4-1926):
“Vốn từ trước
Thầy lập Ngũ Chi Ðại Ðạo là Nhơn Đạo, Thần Đạo, Thánh Đạo, Tiên Đạo, Phật Đạo,
tùy theo phong hóa của nhơn loại mà gầy chánh giáo, là vì khi trước càn vô đắc
khán, khôn vô đắc duyệt,([3]) thì nhơn loại
duy có hành đạo nội tư phương mình mà thôi.
Còn nay thì nhơn
loại đã hiệp đồng, càn khôn dĩ tận thức,([4]) thì lại bị
phần nhiều đạo ấy ([5]) mà nhơn loại
nghịch lẫn nhau, nên Thầy mới nhứt định quy nguyên phục
nhứt.”
Khi thấu hiểu lời Đức Thánh Trần, lời Đức Chí
Tôn như vừa trích dẫn, chúng ta có thể xác tín rằng đạo Cao Đài ra đời không
phải để góp thêm tôn giáo thứ ngàn lẻ một cho cõi thế gian vốn đã sẵn có quá
nhiều cổ kim tông phái.
Bởi lẽ, nếu Cao Đài chỉ là tôn giáo thứ ngàn
lẻ một thì Đức Ngọc Hoàng Thượng Đế đâu phải lập tờ đoan thệ trước Hội Công
Đồng Tam Giáo rằng nếu Đạo không thành thì Thượng Đế không trở về ngôi vị cũ.
Chúng ta xác định rằng tôn giáo nào cũng quý,
chánh pháp nào cũng là chánh pháp. Nhưng mối Đạo Kỳ Ba gieo trồng trên thánh
địa Việt Nam lại có chỗ hy hữu vô song.
Bởi vì Cao Đài có chỗ vô song hy hữu nên sau
khi được Thiên Đình phong thánh, trong lần đầu tiên trở về trần gian tái ngộ đồng
đạo Hội Thánh Truyền Giáo tại thánh thất Thái Hòa, vào ngày 24-8 Ất Mùi (Chủ
Nhật 09-10-1955), Đức Tiếp Văn Pháp Quân Cao Hữu Chí tán thán:
“Đại Đạo Tam Kỳ
Phổ Độ hoằng khai trong buổi hạ nguơn, kết tập bao nhiêu thời gian thế hệ, bao
nhiêu tinh hoa cố hữu của các bậc cứu thế.
Vì vậy nên pháp
môn Đại Đạo là pháp môn có sẵn, pháp môn đã từng cứu độ biết bao nhiêu sinh
linh được siêu phàm nhập thánh, đã từng đem lại cho bao thời đại huy hoàng, đã
hằng đưa đến cho đời cơm no áo ấm, trật tự hòa bình.
(…)
Nay Đại Đạo
hoằng khai, mục đích làm cho bao nhiêu pháp môn về trước được sáng tỏ diệu
huyền, làm cho pháp môn hóa thành linh năng hữu ích, mà đời không ai không ham
chuộng yêu mến.”
Chúng ta nên chú ý tới thánh giáo của các bậc
tiền bối liễu đạo khi các Đấng trở về trần gian lần đầu tiên hàn huyên với
chúng ta trên ngọn linh cơ. Tại sao vậy?
Sau khi bỏ xác thân tứ đại rồi, xóa sạch vô
minh rồi, không còn bị duyên trần nghiệp tục che mắt bịt tai nữa, các Đấng tiền
bối trở về trần gian để làm chứng nhân cho chân lý Cao Đài, thì lời tâm tình
trong lần đầu tiên tái ngộ đồng đạo bao giờ cũng có những khải thị quan trọng
giúp chúng ta sáng mắt sáng lòng mà hiểu ra giá trị hy hữu vô song của đạo Cao
Đài.
Chúng ta có thể nêu ra một minh chứng khác.
Vào ngày 07-6 Tân Dậu, trong lần đầu tiên trở về trần gian tái ngộ đồng đạo, Quảng
Đức Chơn Tiên đã hoan hỷ thốt lên rằng:
Mừng đặng sinh trong cơ tái tạo
Đặng
làm người học Đạo Kỳ Ba.
Ngài
Quảng Đức mừng đó là mừng giùm cho
chúng ta, để chúng ta khắc ghi vào đáy lòng mình một duyên phận tam nguơn hy
hữu và đừng bao giờ sơ sẩy, dể duôi tự mình đánh mất cái hồng phúc ba nguơn mới
có một lần.
Một
khi chúng ta lãnh hội sâu sắc chỗ tam nguơn hữu hạnh của người tín đồ Cao Đài
thì chúng ta sẽ không tự mình làm cho Cao Đài trở thành tôn giáo thứ ngàn lẻ
một, chúng ta cũng sẽ không tự mình làm cho nền Đạo Kỳ Ba này trở thành tôn
giáo của Nhất Kỳ và Nhị Kỳ Phổ Độ.
*
Về chỗ
khác nhau giữa nền Đạo Kỳ Ba so với các tôn giáo
của Kỳ Một và Kỳ Hai, tôi rất tâm đắc thánh giáo của
Đức Nhất Phẩm Nhị Thừa Hoan Hỷ Chơn Quân Thái Sơ Thanh.
Vào
ngày 22-4 Mậu Tuất (Thứ Hai 09-6-1958) tại Trung Hưng Bửu Tòa, Đức Thái Sơ
Thanh ví von bóng bảy và rất thâm thúy về chỗ khác nhau giữa nền đạo Cao Đài Kỳ
Ba so với các tôn giáo đã ra đời trong hai kỳ trước như sau:
“Chánh pháp ở Thầy là quyền hành chỉnh
pháp vạn giáo. Bông vẫn là bông, đẹp vẫn là đẹp, hương vị đều có, nhưng hương
thơm bởi buổi mai, buổi chiều theo âm dương thăng lên hoặc giáng xuống.”
Trong
câu chuyện hôm nay, các bạn trẻ có lẽ đã nhận ra tôi hay trích dẫn Thánh Truyền Trung Hưng. Vâng, chủ tâm
của tôi là vậy, và tôi sẽ còn tiếp tục trích dẫn Thánh Truyền Trung Hưng. Tôi muốn các bạn trẻ thấy rằng môn sanh Hội
Thánh Truyền Giáo đang có một gia tài vô giá là Thánh Truyền Trung Hưng.
Các
bạn trẻ Truyền Giáo hãy làm người thợ lặn, hãy lặn sâu vào biển thẳm mênh mông
của Thánh Truyền Trung Hưng, và các
bạn sẽ khám phá nhiều món báu vô giá, nhiều hơn những gì tôi trích dẫn.
*
Vừa
rồi chúng ta nêu câu hỏi: Cái gì là giá
trị hy hữu vô song của đạo Cao Đài? Chúng ta cũng thú nhận rằng không dễ
trả lời thỏa đáng câu hỏi này một cách thuyết phục.
Nhưng
không phải chỉ có một câu hỏi đó. Còn nhiều câu hỏi khác vẫn đang thách thức
chúng ta bấy lâu nay.
Trước
những câu hỏi ấy các bạn trẻ ở đây chắc đã từng lúng túng và có lẽ vì bế tắc mà
các bạn không khỏi thắc mắc: Cao Đài có
cơ bút, tại sao Ơn Trên không dạy hết mọi lẽ từ A tới Z cho chúng ta? Tại sao
Ơn Trên không phơi bày tất cả những đáp án giùm chúng ta?
Riêng
tôi nghĩ thế này: Nếu cơ bút giãi bày hết tất cả từ A tới Z thì chúng ta không
còn chút công quả nào để trình dâng Thầy Mẹ nữa khi chúng ta kết thúc cuộc hành
trình trên cõi tạm phù vân.
Xưa kia Đức Khổng Tử dạy học trò cũng giống như thế.
Có bốn góc thì Đức Khổng chỉ dạy một góc, ba góc còn lại Ngài để cho bản thân học
trò phải tự mình ráng hết sức tìm ra manh mối (Luận Ngữ, Thuật Nhi: … cử nhất
ngung tắc dĩ tam ngung phản…).
Nói cách khác, Thượng Đế Cao Đài ban trao cho chúng
ta vàng ngọc. Nhưng ngọc ấy được giấu trong đá, vàng ấy nằm lẫn trong quặng.
Người môn đệ Cao Đài chúng ta có bổn phận nối tiếp nhau xẻ đá lọc quặng để cầm
được vàng ngọc trong tay rồi trau tria cho hào quang càng thêm tỏa sáng rực rỡ.
Vàng ngọc Thượng Đế đã trao cho, nhưng thay vì giác
ngộ bổn phận môn đồ mà dốc công khai thác, người bạn đạo chúng ta lại bỏ ra đi và
rẽ sang nẻo khác, cất bước sang ngang; vậy là bạn chúng ta đã vướng đúng vào điều
mà Đức Mẹ Diêu Trì đã răn dè con cái trong đàn cơ tại thánh tịnh Ngọc Minh Đài,
vào ngày 15-4 Bính Ngọ (Thứ Sáu 03-6-1966):
“Nếu các
con cứ ở non Tần trông núi Sở, thấy ánh sáng bên ngoài vội tắt sinh lực của
mình, thiệt chẳng khờ khạo lắm ru!”
Lời răn dạy của Đức Mẹ năm mươi năm trước không ngờ gần
đây đã trúng vào một ít môn sanh Hội Thánh Truyền Giáo.
Quên rằng mình đang có gia tài Thánh Truyền Trung Hưng cao siêu phong phú, quên rằng mình đang có
tâm pháp luyện châu mầu nhiệm do Đức Ngô Minh Chiêu trực tiếp trao truyền, một ít
môn sanh Hội Thánh Truyền Giáo dù đã khá nhiều tuổi đạo, khi nghe lời huyên
truyền rằng ở địa phương nào đó mới mở ra một chỗ linh ứng nhiệm mầu, thì số ít
ấy bèn mau chân tìm đến...
Các bạn trẻ ơi, nhân dịp bàn tới chuyện người đạo
Cao Đài nửa đường rẽ bước sang ngang, chúng ta vừa liên hệ chút xíu thực tế đáng
tiếc như vậy để mà dè dặt nhắc nhau: Hồn
ai nấy giữ!
Và xin chúng ta luôn luôn tâm niệm lời Thầy dạy
trong Thánh Ngôn Hiệp Tuyển, đàn ngày
15-7 Bính Dần (Chủ Nhật 22-8-1926):
“Buổi Bạch
Ngọc Kinh và Lôi Âm Tự lập pháp Tam Kỳ Phổ Ðộ, quỷ vương đã khởi phá khuấy chơn
đạo. Đến danh Ta nó còn mượn, duy ngai Ta nó chẳng dám ngồi mà thôi.”
*
Trở lại với câu hỏi: Cái gì là giá trị hy hữu vô song
của đạo Cao Đài? Tôi nghĩ rằng để có được câu trả lời đầy đủ và chính xác,
chúng ta vẫn còn đang phải dành rất nhiều thời gian tìm tòi học hỏi và luôn cầu
nguyện Ơn Trên soi sáng.
Tuy
nhiên, một trong những đặc thù nổi bật của đạo Cao Đài mà chúng ta cần lưu ý,
đó là đại ân xá Kỳ Ba.
Tại thánh thất Minh Đức, ngày 03-3 Bính Thân (Thứ Sáu 13-4-1956), Đức Thánh
Phan Thanh Giản dạy:
Đạo Tam Kỳ là đại ân xá lần ba
Truyền
khắp cõi ta bà mà nước ta hưởng trước
Được
gặp rồi, tiến bước giữ gìn tu.
Người
trần tục biết chí thành tu theo pháp môn Cao Đài thì bản thân được hưởng đại ân
xá. Trong số những đại ân xá thọ hưởng, người tín đồ được giảm bớt tội lỗi trót
gây tạo trong quá khứ theo tỷ lệ ba-bảy như sau:
Con biết tu Thầy
thu lại bớt
Tội đủ mười Thầy sớt còn ba.
Đồng thời, hễ người tu làm được một công quả thì
Ơn Trên nhân với hệ số ba. Tại Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Cao Đài Giáo Việt Nam,
ngày 30-12 Tân Hợi (Thứ Hai 14-02-1972), Đức Đông Phương Chưởng Quản dạy:
“Thời đại ân xá, ai
tu cũng có thể được đắc quả. Một việc làm thiện dầu nhỏ nhen đến thế mấy đi nữa
cũng vẫn là việc thiện và được ghi ở hệ số ba.”
Hơn nữa, một người biết tu, có công với Đạo thì cha mẹ, ông bà người đó cũng được hưởng đại
ân xá Kỳ Ba, mặc dù lúc còn sống ông bà, cha mẹ người đó chưa biết tu. Trong
lễ truy phong tại Linh Tháp (Quảng Ngãi) ngày 08-4 Bính Thân (Thứ Năm
17-5-1956), Đức Thích Ca Như Lai dạy chúng ta như thế.
Huyền nhiệm đại ân xá Kỳ Ba còn vào tận mười cửa
địa ngục để cứu rỗi những linh hồn tội lỗi:
1. Chúng ta hẳn đều biết vị môn đồ đầu tiên của
Đức Cao Đài là tiền khai Ngô Văn Chiêu. Từ ngày 13-3 Giáp Tuất (Thứ Năm
26-4-1934), Đức Ngô bắt đầu du địa phủ một trăm ngày để phán đoán và châm chế
tội lỗi các linh hồn, sau đó Đức Ngô chứng vị Ngôi Hai Giáo Chủ.
Tại Thảo Lư (Cần Thơ), đàn ngày 23-6 Giáp Tuất
(03-8-1934), Đức Chí Tôn nhắc tới chuyến du địa phủ của Đức Ngô như sau:
Ngôi Hai chứng vị
đến kỳ
Trăm ngày vừa mãn bước đi âm đài
Mười cửa điện Ngôi Hai đã trải
Xét thưởng răn công quả dày công
Tha cho khỏi chốn giam cầm
Linh hồn thong thả lo chăm trở về.
Nhờ thánh giáo Cao Đài hé lộ, chúng ta biết
thêm rằng chuyến du địa phủ của Đức Ngô để cứu rỗi các âm hồn không phải là duy
nhất.
2. Ái nữ của tiền khai Lê Văn Lịch (Đầu Sư
Ngọc Lịch Nguyệt) là Lê Ngọc Trang tu hành chứng quả Quán Pháp Chơn Tiên. Đức
Quán Pháp cũng du địa phủ để giúp các âm hồn được thọ hưởng đại ân xá Kỳ Ba.
Chúng ta biết được sự kiện trọng đại này qua lời dạy của Quảng Đức Chơn Tiên:
“Này chư đệ
muội! Vì nghe tiếng rên la thảm thiết kêu cứu của những vong hồn nơi âm cảnh –
những âm hồn ấy cũng đáng thương, khi còn
tại thế tu hành nhưng lầm đường lạc lối và vô tình gây nhiều nghiệp quả – động
lòng trước lời khẩn cầu ấy, Đức Quan Âm Bồ Tát cùng Quán Pháp Chơn Tiên đang
tuần du nơi A Tỳ địa ngục với đại nguyện dụng thần thông hoán cải những vong
hồn tự giác ngộ và mong chờ Đức Thượng Đế trong kỳ đại ân xá chế giảm tội, sớm
được luân hồi chuyển kiếp, thoát cảnh ngục hình.”
3. Trong lịch sử Hội Thánh Truyền Giáo chúng
ta cũng có một đấng tiền bối du địa ngục một trăm ngày như Đức Ngô Đại Tiên
vậy.
Lần đầu tiên trở lại Hội Thánh, trong đàn cơ ngày
22-4 Mậu Tuất (Thứ Hai 09-6-1958) tại Trung Hưng Bửu Tòa, Đức Nhất Phẩm Nhị
Thừa Hoan Hỷ Chơn Quân Thái Sơ Thanh thuật rõ chuyến du địa phủ của Ngài như
sau:
“Tôi khi bỏ xác
thịt nầy được Thầy truyền dạy đến cung U Minh Bồ Tát để cùng Người với tôi một
trăm ngày du khắp địa phủ rao lời giáo pháp tận cứu của kỳ đại ân xá Chí Tôn.
(...)
Tôi đã gặp biết
bao đạo hữu phá giới khai trai, phản Tam Bảo, pháp quyền, hoặc yếu đuối đức tin
nghe lời quyến rủ mà xa Đạo rồi theo tà thuyết, danh lợi gây nên tội báo.
Khi tôi đến nơi
nào cũng giơ cao xâu châu lên mà miệng cầu hồng ân xá tội. Ai nhìn trông đến là
được cứu. Kẻ được cứu bởi quyền pháp giác ngộ.
(...) Người nào
ít tội được siêu thăng thiên giới. Còn thân nhân huyền tổ của người tu hành
chính đáng, công hạnh dày thì đều được rước lên Tịnh Độ.”
*
Các bạn trẻ ơi, câu chuyện của chúng ta đã dông
dài rồi, và tôi đã chia sẻ với các bạn một số điều như sau:
- Cơ duyên chúng
ta vào đạo Cao Đài.
- Khi người bạn đạo
của chúng ta sang ngang.
- Cách chúng ta giữ
đạo, truyền đạo.
- Giá trị hy hữu
vô song của đạo Cao Đài.
- Nên hiểu tân
tôn giáo theo ý nghĩa nào.
- Cao Đài không
phải là tôn giáo thứ ngàn lẻ một.
- Cao Đài khác
hơn các tôn giáo thuộc Nhất Kỳ và Nhị Kỳ Phổ Độ.
- Đại ân xá Kỳ
Ba.
Đem ngần ấy chủ điểm dồn vào một buổi trò
chuyện, tôi muốn chúng ta chuẩn bị một góc độ để từ đó cùng nhau phóng tầm nhìn
về một tương lai không còn xa chi nữa.
Vâng, đạo Cao Đài chúng ta sắp tròn một trăm
tuổi. Chúng ta sẽ kỷ niệm một trăm năm Cao Đài trong thực trạng ngổn ngang trăm
mối.
Ở tuổi một trăm, chúng ta sẽ có thành tựu gì
thật sự xứng đáng để kính dâng lên Thầy Mẹ? Chúng ta sẽ có kết quả gì ý nghĩa
nhất để người đời trân trọng ngưỡng mộ, mến yêu Đại Đạo?
Hai câu hỏi này nêu ra không phải để bày tỏ
thái độ bi quan tiêu cực; nhưng để xác định trách nhiệm của chúng ta, đặc biệt
là của thanh niên, của thế hệ tiếp nối.
Tại thánh thất Nam Trung Hòa, ngày 06-7 Mậu
Dần (Thứ Hai 01-8-1938), Đức Chí Tôn thương yêu gởi gắm thanh niên Truyền Giáo lời
dặn dò như sau:
Thanh niên phải
dồi trau đạo đức
Thanh niên cần trí thức cho cao
Thanh niên làm chủ đời sau...
(…)
Đời thanh niên
biết truyền đạo đức
Đời vị lai nhờ sức thanh niên
Thanh niên nắm vững mối giềng...
Như phần đầu câu chuyện hôm nay đã xác định
rằng các bạn trẻ Truyền Giáo rất diễm phúc. Các bạn trẻ đang còn quỹ thời gian
để đầu tư cho tiền đồ Đại Đạo. Các bạn có thể chuẩn bị từ bây giờ trong sự tin
yêu chăm sóc và gầy dựng của Hội Thánh Truyền Giáo.
Những chủ điểm chúng ta vừa trao đổi hôm nay
ước mong có thể gợi mở một định hướng để các bạn trẻ sắm sửa hành trang cho
bước đường truyền giáo mai hậu.
Giờ đây, thay vì ngỏ lời cảm ơn Ban Tổ Chức và
các bạn trẻ đã tặng cho tôi một buổi chiều đàm đạo, thay vì chúc nhau cùng an
lạc, và thay vì cầu nguyện cho ngọn lửa tin yêu được giữ bền mãi mãi trong mỗi
anh chị em chúng ta, tôi xin trân trọng gởi đến toàn thể cộng đồng áo trắng nơi
đây đôi dòng thô vụng:
Về
Linh Tháp, về đất thiêng Linh Tháp
Lửa
tin yêu ta thắp giữ cho nhau
Những
thanh xuân áo trắng đẹp tươi màu
Dâng
tuổi trẻ xây Đài Cao Việt quốc.
Dòng
sử Đạo rập ràng chân người trước
Đường
Trung Hưng rộn rã bước ai sau
Trời
La Hà xanh ngăn ngắt trên cao
Sóng
thương hải dạt vào bờ hưng phế.
Đây
Truyền Giáo, đây thanh niên thế hệ
Đây
tương lai, đây nam tuấn nữ tài
Cùng
nấu nung chung lý tưởng Cao Đài
Cùng
hoài bão một Kỳ Ba quốc đạo.
Ơi
bạn trẻ, ta giúp nhau thiện bảo
Hạt
giống thiêng Đức Từ Phụ phó trao
Ngày
lại ngày vun xới với trồng gieo
Những
mùa tới thêm sum sê hoa trái.
Ơi
bạn trẻ, đường ta đi hoằng đại.
Huệ Khải
Linh Tháp (La Hà, Tư Nghĩa, Quảng
Ngãi)
11-8-2016
([1]) “To some extent Western ignorance about
Caodaism is the responsibility of the Caodaists themselves.” Đại Đạo Văn Uyển, tập
Nguyên (số 13), quý Một năm Ất Mùi. Hà Nội: Nxb Tôn Giáo 2015, tr. 79.
([2]) Minh Lý Chơn Giải. Lời nói đầu.
([3]) Càn vô đắc khán, khôn vô đắc duyệt 乾無得看, 坤無得閱: Con
người chưa khám phá, tìm hiểu (khán, duyệt) được vũ trụ, thế giới (càn khôn).
([4]) Càn khôn dĩ tận thức 乾坤已盡識: Con người đã hiểu biết rõ
vũ trụ, thế giới (càn khôn).
([5]) Bị phần nhiều đạo ấy: Bởi vì tình trạng
có nhiều đạo như thế ấy.
► Quý đạo hữu gần xa muốn nhận các kinh sách do Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo xuất bản, được gởi biếu qua bưu điện, xin vui lòng gởi e-mail về: daidaovanuyen@gmail.com
Và xin quý đạo hữu hoan hỷ trả giúp cước phí cho bưu điện ngay khi nhận được sách biếu.
► Quý đạo hữu gần xa muốn nhận các kinh sách do Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo xuất bản, được gởi biếu qua bưu điện, xin vui lòng gởi e-mail về: daidaovanuyen@gmail.com
Và xin quý đạo hữu hoan hỷ trả giúp cước phí cho bưu điện ngay khi nhận được sách biếu.
Ban Ấn Tống trân trọng cảm ơn quý đạo hữu.