CON CỌP TRONG TÂY DU KÝ
Tây Du Ký nói nhiều về cọp
Tiểu thuyết Tây Du Ký của Ngô Thừa Ân (đời Minh, thế kỷ 16) dài một trăm
hồi (hay chương), chép đầy những chuyện thú vật biến thành yêu quái, trong đó cọp
là con vật xuất hiện nhiều hơn cả, được họ Ngô đưa vào tiểu thuyết ở tám hồi Mười
Ba, Mười Bốn, Hai Mươi, Ba Mươi, Bốn Mươi Sáu, Sáu Mươi Mốt, Sáu Mươi Tư, và Chín
Mươi Chín.
Hồi Chín Mươi Chín là lúc Quan Âm Bồ Tát tổng kết rằng trong mười mấy năm
từ thành Trường An (Trung Quốc) đi sang Lôi Âm Tự (đất Phật) để thỉnh kinh,
thầy Đường Tăng đã chịu tám mươi tai nạn. Trong số đó, nạn
thứ năm là khi thầy vừa mới ra khỏi địa giới nhà Đường (Trung Quốc) thì bị cọp tấn công, và nạn thứ hai mươi
ba là bị yêu quái hóa phép biến thầy thành cọp, nhốt trong cũi sắt.
Nạn thứ hai mươi ba được kể tỉ mỉ trong Hồi Ba Mươi. Sau khi
đuổi Tề Thiên về núi Hoa Quả, Đường Tăng cùng Sa Tăng và Bát Giới tới nước Bảo
Tượng. Vua có công chúa bị con yêu Huỳnh Bào bắt đem về động ép làm vợ. Đường
Tăng sai Sa Tăng tới đánh yêu để cứu công chúa nhưng thất bại. Huỳnh Bào bèn trả
thù. Hắn vào triều vu khống thầy trước mặt vua quan như sau: Có
con cọp tu luyện hơn mười năm thành tinh. Gặp Ðường Tăng đi thỉnh kinh, nó ăn
tươi nuốt sống rồi hóa phép biến ra Ðường Tăng, cướp lấy công văn, hộ chiếu của
thầy mà lừa gạt nhà vua. Để chứng minh, y xin nửa chén nước, niệm thần chú, rồi
hớp một ngụm phun vào người Ðường Tăng. Thầy liền biến thành con cọp gấm và bị
nhốt vào cũi sắt.
Nạn thứ năm là việc Đường Tăng suýt bị cọp vồ sau khi vừa ra
khỏi cửa ải chót của nhà Đường. May có thợ săn Lưu Bá Khâm kịp thời giết cọp
cứu mạng.
Căn cứ theo trình tự diễn tiến trong Hồi Mười Ba, lẽ ra Ngô
Thừa Ân nên tính đó là nạn thứ sáu, và nạn thứ sáu phải kể là nạn thứ năm.
Thật vậy, trước khi gặp Lưu Bá Khâm (cuối Hồi Mười Ba), Đường
Tăng tới núi Song Xoa, bị sụp hầm của cọp tinh (Dần tướng quân). Hai kẻ tùy
tùng bị lũ yêu làm thịt. Đường Tăng được Thái Bạch Kim Tinh cứu thoát. Việc này
kể ở đầu Hồi Mười Ba.
Chuyện cọp rừng và cọp thành yêu quái tấn công Đường Tăng không
chỉ có bao nhiêu đó.
Hồi Mười Bốn, thợ săn Lưu Bá Khâm hộ tống Đường Tăng tới núi
Lưỡng Giới (nghĩa là ranh giới hai nước) rồi chia tay sau khi thầy cứu được Tề
Thiên khỏi bị đè dưới núi Ngũ Hành (cũng là núi Lưỡng Giới). Vừa qua khỏi núi,
hai thầy trò liền bị cọp đói tấn công.
Hồi Hai
Mươi, tới núi Huỳnh Phong, mấy thầy trò Đường Tăng bị
cọp từ trên chóp núi phóng xuống chụp (nạn thứ mười ba). Đây là cọp tinh, xưng
là Tiền Lộ Hổ, vì nó là tướng tiên phong của chúa yêu Huỳnh Phong.
Hồi Bốn
Mươi Sáu, tại nước Xa Trì, Đường Tăng bị yêu cọp lông
vàng hóa làm đạo sĩ thách đấu khả năng ngồi lâu, bất động trên đỉnh năm mươi
cái ghế xếp chồng lên nhau (nạn thứ ba mươi bốn). Yêu cọp này xưng là đại tiên Hổ
Lực, cùng với hai đồng đảng là yêu nai (tự xưng đại tiên Lộc Lực) và yêu dê (tự
xưng đại tiên Dương Lực) được vua nước Xa Trì phong làm ba vị quốc sư.
Tề Thiên hóa thành cọp
Trên đây là những tai nạn do cọp rừng và cọp thành tinh tấn
công. Nhưng Tề Thiên với tài thiên biến vạn hóa của mình có hai lần dùng phép
thuật biến hình thành cọp.
Lần thứ nhất (Hồi Sáu Mươi Mốt), Ngưu Ma Vương (con trâu) đấu
phép với Tề Thiên. Y hóa ra con cheo, đứng ăn dưới chân núi. Tề
Thiên liền hóa ra con cọp, nhảy tới vồ con cheo.
Lần thứ hai (Hồi Sáu Mươi Bốn), mấy thầy trò rời nước Tế Thoại, sáu mươi ông sãi bịn rịn cứ bám theo. Biết
họ không đủ sức đi thỉnh kinh, Tề Thiên bèn nhổ một túm lông, niệm chú, ném vãi ra để hóa thành bầy cọp beo dọa cho các sãi bỏ
chạy.
Phục hổ
Như tôi đã luận
trong Giải Mã Truyện Tây Du, tiểu
thuyết Tây Du Ký hàm chứa các ẩn ngữ về hành thiền, tu luyện theo đạo Lão. Con
cọp xuất hiện nhiều trong Tây Du Ký gợi nhớ đến thuật ngữ phục hổ của các đạo sĩ. Hổ là cọp. Phục hổ là chế ngự cọp dữ.
Đạo Lão xem tinh
khí thần là ba món vật báu của con người (tam
bảo, tam bửu), nhờ đó mà con người tu luyện thành Tiên, trường sinh bất tử.
Tinh là tinh trùng, liên quan tới thận, dâm dục. Người tu thiền (hành giả) phải tuyệt dục,
giới dâm để bảo tinh (không cho xuất
tinh ra). Dâm dục làm hao tinh, thân thể suy mòn. Giữ cho tinh vững bền, không lọt ra ngoài để nuôi dưỡng mạng sống,
đạo Lão gọi đó là cố tinh dưỡng mạng.
Dâm dục phá hoại công đức người tu nguy hiểm đứng vào hàng đầu, vì thế đạo Lão
ví nó như cọp dữ.
Có chuyện kể rằng chú tiểu mồ
côi được sư phụ nuôi trên núi cao hẻo lánh từ tấm bé. Khi đã lớn, lần đầu tiên
được thầy dẫn xuống núi, chú thấy cái gì cũng lạ, nhất là các cô gái trẻ trung
xinh xắn. Chú cứ lom lom nhìn theo bóng các cô. Sư phụ dọa: “Cọp đó con! Coi chừng
nó ăn thịt!”
Trở về núi, suốt đêm chú trằn
trọc, thở dài. Sư phụ
hỏi lý do. Chú thành thật khai báo: “Con thấy mấy con cọp đó quá dễ thương. Con
cũng muốn cho nó ăn thịt con, thầy ơi!”
Trở lại chuyện cọp. Theo
quan niệm về ngũ hành của đạo Lão, nó thuộc hành kim. Kim sinh thủy, tương đồng
với thủy của thận (nơi sinh ra tinh trùng). Kẻ ham sắc dục nhiều vì vậy phải
tìm uống thuốc tráng dương bổ thận. Cho nên phục hổ ám chỉ việc người tu thiền
phải chế ngự ham muốn sắc dục, giữ gìn tinh trong sạch (nguyên tinh) để luyện
đạo.
Tổ sư Tử Dương (đạo Lão) dạy
đệ tử có nói: “Thân chẳng động thì hổ gầm. Hổ gầm thì tinh ngưng. Nguyên tinh
ngưng thì đủ để bảo toàn hình thể.”
Từ ý nghĩa của phục hổ sẽ hiểu vì sao nhiều tranh thiền vẽ một
hành giả ngồi bên con cọp nằm ngủ ngoan hiền.
Tấm
da cọp của Tề Thiên
Truyện Tây Du bằng tranh vẽ Tề Thiên quấn ngang thắt lưng tấm
da cọp. Chuyện này chép trong Hồi Mười Bốn.
Như trên đã nói, Đường Tăng tới núi Lưỡng Giới cứu được Tề
Thiên khỏi bị đè dưới núi. Vừa qua khỏi núi, hai thầy trò liền bị cọp đói tấn
công. Tề Thiên vội móc thiết bảng giấu trong lỗ tai ra đánh chết cọp, lại nhổ một sợi lông,
làm phép biến thành con dao phay lột da cọp, cắt làm hai tấm, cuốn một tấm cất,
còn một tấm dùng làm quần, bứt gân cọp làm sợi dây lưng.
Đã quy y Phật, đi thỉnh kinh mà Tề Thiên còn muốn chơi hàng
độc thời trang ư?
Thật ra đây là một hình ảnh mang tính ẩn ngữ. Tề Thiên còn có
tên là Tôn Hành Giả. Hành giả là người tu thiền. Người tu thiền ngoài việc phục
hổ còn phải giữ gìn bốn thời khắc tu
luyện (hành thiền) trong ngày theo thứ tự là Mẹo, Ngọ, Dậu, Tý. Giờ Mẹo (Mão)
từ 5 tới 7 giờ sáng.
Muốn thiền giờ Mẹo, hành giả phải dậy sớm hơn, lo vệ sinh cá
nhân, tập thể dục, thường là đi bộ một tiếng đồng hồ (gọi là kinh hành). Như
vậy, hành giả phải thức vào giờ Dần (từ 3 giờ sáng). Dần là cọp.
Sách xưa Trung Quốc có câu “Nhất nhật chi kế tại ư
Dần” (Kế hoạch trong
một ngày phải bắt đầu từ giờ Dần). Điều này chẳng những đúng với những người
siêng năng việc đời mà còn rất đúng với nếp sống các hành giả tu thiền.
Đó là lý do Ngô Thừa Ân sắm quần da cọp cho Tề Thiên mặc suốt mười mấy
năm hộ tống Đường Tăng đi qua đất Phật thỉnh kinh.
HUỆ KHẢI
29-01-2010
CGvDT số 182, tháng 02-2010
► Quý đạo hữu gần xa muốn nhận các kinh sách do Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo xuất bản, được gởi biếu qua bưu điện, xin vui lòng gởi e-mail về: daidaovanuyen@gmail.com
Và xin quý đạo hữu hoan hỷ trả giúp cước phí cho bưu điện ngay khi nhận được sách biếu.
► Quý đạo hữu gần xa muốn nhận các kinh sách do Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo xuất bản, được gởi biếu qua bưu điện, xin vui lòng gởi e-mail về: daidaovanuyen@gmail.com
Và xin quý đạo hữu hoan hỷ trả giúp cước phí cho bưu điện ngay khi nhận được sách biếu.
Ban Ấn Tống trân trọng cảm ơn quý đạo hữu.