Thứ Sáu, 9 tháng 9, 2016

91/2. GIÁO TÔNG NGUYỄN NGỌC TƯƠNG / Lịch Sử Thánh Thất Cao Đài Thủ Đô Hà Nội



GIÁO TÔNG NGUYỄN NGỌC TƯƠNG

Thời kỳ tiềm ẩn của đạo Cao Đài trải từ đầu năm 1920 (cuối năm Kỷ Mùi) đến Thứ Năm 07-10-1926 (01-9 Bính Dần), là ngày chính thức ghi trên Tờ Khai Đạo được gởi đến Quyền Thống Đốc Nam Kỳ Le Fol ([1]) để công khai hóa hoạt động của đạo Cao Đài. Tờ Khai Đạo này đã chính thức xác lập tư cách pháp nhân của đạo Cao Đài.([2])
Số tín đồ bấy giờ còn ít ỏi, nhưng trước đó một tháng, vào Thứ Ba 07-9-1926 (01-8 Bính Dần) Đức Cao Đài đã dạy tiền khai Lê Văn Trung (1876-1934) phải lo lập thánh thất ở Tây Ninh rồi từ đó sẽ phổ độ ra khắp Nam, Trung và cả Bắc Kỳ.
Thứ Năm 21-10-1926 (15-9 Bính Dần), nửa tháng sau khi có Tờ Khai Đạo, tại nhà tiền khai Hồ Quang Châu ([3]) và vợ là bà Phan Thị Lân, Đức Cao Đài dạy:
Từ nay nòi giống chẳng chia ba
Thầy hiệp các con lại một nhà
Nam Bắc cùng rồi ra ngoại quốc
Chủ quyền chơn đạo một mình ta.([4])
Lời dạy ấy chẳng những tiên tri tương lai hoằng đại của nền đạo mới mà còn thôi thúc, nung chí các bậc tiền khai Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ sớm ấp ủ hoài bão đem đạo Cao Đài ra phổ độ ở Trung Kỳ và Bắc Kỳ.
Một trong những vị tiền khai sớm tìm cách thực hiện hoài bão ấy là tiền khai Giáo Tông Nguyễn Ngọc Tương (1881-1951).
Gia đình
Tiền khai Nguyễn Ngọc Tương sinh ngày 22-6-1881 (26-5 Tân Tỵ) tại làng An Hội, tổng Bảo Hựu, tỉnh Bến Tre. Song thân là ông Nguyễn Ngọc Đẩu (1857-1882) và bà Võ Thị Sót (1856-1919). Sớm mất cha, tiền khai ở với ông nội là Nguyễn Hữu Chơn (1832-1908), được nội dạy chữ Nho và quốc ngữ (1886). Tiền khai ra trường tỉnh học lớp ba (1895), thi đậu vào collège de Mỹ Tho (1897) ở tỉnh Mỹ Tho,([5]) rồi lên Sài Gòn học collège Chasseloup-Laubat (1900-1902).([6])
Năm 1902, tiền khai kết hôn với cô Trương Thị Tài (1886-1906), sinh được hai con là Nguyễn Thị Tú (1903-1926) và Nguyễn Ngọc Hớn (1905-1951).
Năm 1908, tiền khai tục huyền với cô Bùi Thị Giàu (1884-1937), sinh được ba trai là Nguyễn Ngọc Kỷ (1910-1978), Nguyễn Ngọc Bích (1911-1966),([7]) Nguyễn Ngọc Nhựt (1918-1952),([8]) và hai gái là Nguyễn Thị Yến (1913-2004), Nguyễn Thị Nguyệt (1915-2009).
Đời công chức (1902-1930)
Tốt nghiệp collège Chasseloup-Laubat, tiền khai Nguyễn Ngọc Tương thi đậu ngạch thơ ký thượng thơ, làm việc một năm ở Dinh Thượng Thơ Sài Gòn ([9]) rồi về quê nhà Bến Tre làm việc (1903-1919).
Năm 1919 (Kỷ Mùi), tiền khai hiệp cùng một số vị đồng thanh khí thành lập Hội Buôn An NamHội Khuyến Văn trước khi đổi đi quận Châu Thành (tỉnh Cần Thơ).
Hội Buôn An Nam nhằm giúp đồng bào ý thức, biết bảo vệ quyền lợi kinh tế và thương mãi vì thời ấy thương trường hầu như do ngoại kiều chi phối trọn vẹn.
Hội Khuyến Văn nhằm khuyến khích dân chúng hiếu học để tiến bộ và bảo vệ phong hóa nước nhà. Hội tổ chức những buổi diễn thuyết và lưu hành một nội san để cổ động đồng bào học quốc ngữ, đọc sách báo, sáng tác thơ văn, đề cao đạo nghĩa nhân luân, tình yêu nước thương nòi, bài trừ mê tín dị đoan, hủ tục…
Cuối năm Kỷ Mùi, tiền khai thi đậu ngạch tri huyện,([10]) được bổ làm chủ quận Châu Thành, tỉnh Cần Thơ, nhưng sau ba tháng thì đổi đi làm chủ quận Hòn Chông, tỉnh Hà Tiên.([11])
Dân địa phương phần đông là người gốc Miên (Khmer) và Hoa kiều, người Việt thưa thớt. Dân chúng hầu hết nghèo nàn, cơ cực, thất học. Tiền khai chỉ dẫn cách nung đá làm vôi, giúp họ kế sinh nhai. Tiền khai cho cất chợ, nhà thương, trường học, đào kinh dẫn nước vào các ruộng, đặc biệt là đào con kinh chạy từ quận Hòn Chông tới quận Rạch Giá. Tiền khai giúp vốn và chỉ dẫn dân chúng khai khẩn đất hoang, đất rừng thành đồng ruộng.
Chẳng những không tìm cách chiếm hữu các thửa đất mới được khai khẩn, tiền khai còn từ khước việc chánh phủ thuộc địa muốn tưởng thưởng công lao bằng cách cấp một sở đất để tiền khai đứng tên làm chủ (đứng bộ).
Trong mấy năm làm việc ở quận Hòn Chông, tiền khai có tu theo đạo Minh Sư,([12]) ăn chay và tịnh luyện.
Rời Hòn Chông, tiền khai đổi đến quận Cần Giuộc, tỉnh Chợ Lớn, làm chủ quận ba năm (1924-1927). Đức độ và uy tín của tiền khai đối với dân chúng địa phương rất lớn.([13])
Sau khi được thăng ngạch tri phủ,([14]) trong thời gian công tác ở quận Cần Giuộc, tiền khai lại đổi đi làm chủ quận Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa trong ba năm (1927-1930).
Quận này hẻo lánh, gần rừng núi, cạnh bờ biển, hầu như còn hoang sơ. Người Kinh chiếm khoảng phân nửa dân số, còn lại là người dân tộc (thời Pháp thuộc quen gọi là mọi, về sau gọi là đồng bào thiểu số).
Tiền khai cho mở trường học, lập chợ để cải thiện đời sống dân chúng, mở đường giao thông, đặc biệt là con lộ từ Long Hải đi Nước Ngọt; xin phép chánh phủ thuộc địa cho dân khẩn rừng khai hoang lấy đất canh tác.
Tại Xuyên Mộc, tiền khai mở được các thánh thất như: Hội Mỹ, Long Tân, Xuyên Mộc…
Sau này, tuân lời dạy của Đức Cao Đài, tiền khai xin nghỉ việc đời để hành đạo vào cuối năm 1930 (Canh Ngọ).
Thanh tra Lalaurette tuy không thiện cảm với đạo Cao Đài cũng phải thừa nhận chủ quận Nguyễn Ngọc Tương là một công chức đứng đắn và siêng năng.([15])
Vào đạo Cao Đài (tháng 02-1926)
Trong bốn năm tiền khai Nguyễn Ngọc Tương làm việc ở Hòn Chông (1920-1924) thì tiền khai Ngô Văn Chiêu (1878-1932) đang làm việc trên đảo Phú Quốc. Tại Phú Quốc, tiền khai Ngô Văn Chiêu có kết giao với Thái Lão Sư Tùng Ngạc của đạo Minh Sư thì ở Hòn Chông, tiền khai Nguyễn Ngọc Tương cũng biết đạo Minh Sư, tập ăn chay và tu thiền.([16])
Tiền khai Nguyễn Ngọc Tương nhập môn Cao Đài khoảng thượng tuần tháng 02-1926 (hạ tuần tháng 12 Ất Sửu), trong lúc đang làm chủ quận Cần Giuộc.([17]) Thứ Bảy 26-6-1926 (17-5 Bính Dần), thọ Thiên phong Thượng Phối Sư. Thứ Ba 10-8-1926 (03-7 Bính Dần), thăng Thượng Chánh Phối Sư ngày 16-11-1926 (12-10 Bính Dần).
Tối Thứ Tư 29-9-1926 (23-8 Bính Dần), cuộc họp Khai Tịch Đạo tổ chức tại nhà tiền khai Nguyễn Văn Tường (1887-1939, cũng gọi Võ Văn Tường),([18]) trong số 245 môn đồ ký tên vào danh sách đính kèm theo Tờ Khai Đạo, tiền khai Nguyễn Ngọc Tương ở vị trí thứ 158 (tờ 9/11), kế sau Hòa Thượng Như Nhãn (1864-1939) và tiền khai Trần Văn Thụ (1857-1927), tức Thái Lão Sư Trần Đạo Minh. Nhưng khi Đức Chí Tôn điểm danh 28 vị chính thức đứng tên cuối Tờ Khai Đạo thì tiền khai Nguyễn Ngọc Tương là người thứ năm với chức danh “tri phủ, chủ quận Cần Giuộc”.([19])
Đầu năm 1927, tuân lời dạy của Đức Lý Giáo Tông tại chùa Gò Kén (Thiền Lâm Tự 禪林寺, làng Long Thành, tỉnh Tây Ninh),([20]) tiền khai Nguyễn Ngọc Tương cùng tiền khai Chánh Phối Sư Hương Thanh (1874-1937) thay mặt Hội Thánh cùng đứng tên làm chủ đất đai, tài sản mới mua của đạo Cao Đài.
Xuất gia, hành đạo tại Tòa Thánh Tây Ninh (1931-1934)
Cuối năm 1930 (Canh Ngọ), tuân lịnh Đức Cao Đài, tiền khai Nguyễn Ngọc Tương nộp đơn xin từ chức chủ quận, chuẩn bị về Tòa Thánh Tây Ninh hành đạo.
Thứ Hai 02-02-1931 (15-12 Canh Ngọ), tiền khai gởi bổn đạo Châu Tri số 1,([21]) có lẽ để thông báo chánh thức việc nhận trách nhiệm tại Tòa Thánh Tây Ninh.
Mùa xuân 1931 (tháng 02 Tân Mùi), tiền khai nghỉ việc đời, về Tòa Thánh Tây Ninh hành đạo.
Thứ Bảy 09-5-1931 (22-3 Tân Mùi), tiền khai tự nguyện làm hai văn bản giao cho Hội Thánh giữ làm bằng chứng.
Trong văn bản thứ nhất, tiền khai minh xác rằng thửa đất cất Tòa Thánh tại Tây Ninh do tiền của bổn đạo mua, tiền khai Nguyễn Ngọc Tương và tiền khai Chánh Phối Sư Hương Thanh chỉ ghi tên đứng bộ giúp Hội Thánh mà thôi.
Trong văn bản thứ hai, tiền khai minh xác rằng kể từ ngày 09-5-1931 là ngày tiền khai xuất gia, thì họ tên của tiền khai không còn dùng để làm sở hữu chủ tài sản tư riêng nữa. Từ ngày này về sau, bất kỳ tài sản chi mang tên Nguyễn Ngọc Tương tức là tài sản của Hội Thánh Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ.
Hai văn bản này có chánh quyền làng Long Thành thị thực, và có công chứng tại Tòa Bố tỉnh Tây Ninh.([22])
Khi tiền khai Lê Văn Trung thọ phẩm Quyền Giáo Tông vào Chủ Nhật 12-3-1933 (17-02 Quý Dậu), tiền khai Nguyễn Ngọc Tương được thăng lên Quyền Thượng Đầu Sư. Cùng dịp này, tiền khai Ngọc Chánh Phối Sư Lê Bá Trang (1878-1936) và tiền khai Thái Chánh Phối Sư Nguyễn Ngọc Thơ (1873-1950) cũng được thăng lên Quyền Ngọc Đầu Sư và Quyền Thái Đầu Sư.
Rời Tòa Thánh Tây Ninh, lập Ban Chỉnh Đạo (1934)
Từ đầu tháng 3-1933 (tháng 02 Quý Dậu) đến đầu tháng 3-1934 (tháng 01 Giáp Tuất), tại Tòa Thánh Tây Ninh liên tiếp xảy ra nhiều việc bất hòa giữa các chức sắc lãnh đạo Hội Thánh. Đó cũng là mầm mống để nền Đạo bị phân hóa thành các chi phái sau này.
Trước tình trạng căng thẳng khó có thể giải quyết ổn thỏa, tiền khai Nguyễn Ngọc Tương chọn giải pháp rời Tòa Thánh, lui về Đất Đỏ (Bà Rịa), vào núi Kỳ Vân ([23]) ẩn tu.
Thứ Ba 24-7-1934 (13-6 Giáp Tuất), thể theo nguyện vọng của nhiều chức sắc và tín đồ, nhất là tiền khai Quyền Ngọc Đầu Sư Lê Bá Trang, tiền khai Nguyễn Ngọc Tương rời núi Kỳ Vân, trở về chấn chỉnh nền Đạo và dìu dắt nhơn sanh.
Không thể ở Tòa Thánh Tây Ninh được nữa, tiền khai lập văn phòng tại thánh thất Bình Hòa (Gia Định) và thánh thất An Hội (Bến Tre). Tiền khai ra Châu Tri số 3 thông báo sự việc cho bổn đạo.
Thứ Sáu 27-7-1934 (16-6 Giáp Tuất), tiền khai Quyền Thượng Đầu Sư Nguyễn Ngọc Tương và tiền khai Quyền Ngọc Đầu Sư Lê Bá Trang ra Châu Tri số 4, thông báo việc lập Chương Trình Chỉnh Đạo.
Thứ Ba 20-11-1934 (14-10 Giáp Tuất), một đại hội tại thánh thất An Hội chính thức thành lập Ban Chỉnh Đạo bao gồm đại biểu mười tám tỉnh: Bạc Liêu, Bà Rịa, Bến Tre, Biên Hòa, Cần Thơ, Châu Đốc, Chợ Lớn, Gia Định, Gò Công, Long Xuyên, Mỹ Tho, Rạch Giá, Sa Đéc, Sóc Trăng, Tân An, Tây Ninh, Trà Vinh, và Vĩnh Long. Tổng cộng hai mươi mốt đại biểu (riêng Bến Tre, Chợ Lớn và Gia Định mỗi tỉnh có hai đại biểu). Ban Chỉnh Đạo lập xong buổi sáng thì chiều cùng ngày đại hội nhận được điện tín của Tòa Thánh Tây Ninh báo tin tiền khai Quyền Giáo Tông Lê Văn Trung (1876-1934) quy thiên.
Nhậm chức Giáo Tông (1935)
Triệu tập từ Thứ Hai 11 đến Thứ Năm 14-02-1935 (08 đến 11-01 Ất Hợi), do tiền khai Thượng Chưởng Pháp Lê Bá Trang chủ tọa, Hội Vạn Linh công cử tiền khai Nguyễn Ngọc Tương làm Giáo Tông Hội Thánh Ban Chỉnh Đạo. Lúc ấy Hội Thánh có được chín mươi sáu thánh thất so với một trăm ba mươi lăm thánh thất của toàn Đạo, chiếm tỷ lệ 71%.([24]) Thứ Năm 09-5-1935 (07-4 Ất Hợi), tiền khai chính thức nhậm chức Giáo Tông tại thánh thất An Hội.
Ra Huế và Hà Nội (1937)
Trong khoảng bảy năm (1935-1942) với trọng trách chưởng quản Cửu Trùng Đài Hội Thánh Ban Chỉnh Đạo, tiền khai Giáo Tông Nguyễn Ngọc Tương đã không quên thực hiện hoài bão đem đạo Cao Đài vượt ra ngoài địa giới Nam Kỳ. Năm 1937 (Đinh Sửu), người đích thân đi Huế và Hà Nội trong hoàn cảnh luật đời đang ngăn cấm nền tôn giáo mới.
Triều đình Huế cấm đạo Cao Đài
Từ năm 1928 triều đình Huế đã cấm truyền đạo Cao Đài ở Trung Kỳ. Năm Bảo Đại thứ Ba ([25]) có Thông Tư ngày 04-01 như sau:
“Cơ Mật Viện thông tư các nha tại kinh đô và các phủ, tỉnh, đạo tại ngoại:
Chiếu theo khoản thứ 13 trong hòa ước năm 1884, thời được truyền giáo giảng giáo trong bản quốc duy giáo Thiên Chúa mà thôi, ấy là thuộc về đồng tôn và các ông giám mục, linh mục, giáo sĩ về giáo La Mã ([26]) mới được truyền thọ giáo pháp.
Gần đây nghe được có tân giáo tức là hội Tin Lành và đạo Cao Đài truyền giáo tại xứ Nam Kỳ đã nhiều, mới đây đã tràn ra vài tỉnh phía nam Trung Kỳ, nếu hai giáo ấy truyền bá càng ngày càng nhiều, người tin theo càng ngày càng đông, thời những kẻ hiếu sự không khỏi mượn đó mà làm rối loạn cuộc trị an trong bản hạt, mà nhơn dân phải mắc lầm, tức như tụi Võ Trứ và Trần Cao Vân ([27]) năm trước đều nhơn sự truyền giáo mà phiến loạn, cho đến họa cập bình dân thiệt là gương trước mắt.
Vậy nên thương đồng với với các quan công sứ, cấm chỉ tân giáo ấy và đạo Cao Đài, chớ cho truyền bá lưu hành trong hạt Trung Kỳ; hễ không tuân thời chiếu luật nghĩ trị. Khoản nầy đã thương quý khâm sứ đại thần ý hiệp. Vậy nên thông tư cho các quan biết mà làm.” ([28])
Năm sau, Thông Tri số 40, Thứ Tư 06-3-1929 (25-01 Kỷ Tỵ, năm Bảo Đại thứ Tư) tiếp tục cấm dân chúng theo đạo Cao Đài và cấm truyền đạo Cao Đài ở Trung Kỳ.([29])
Hai năm trước khi tiền khai Giáo Tông Nguyễn Ngọc Tương ra Huế, Thượng Thư Bộ Lễ là Tôn Thất Quảng đã gởi các quan tỉnh Trung Kỳ Thông Tri số 1104, Thứ Tư 19-6-1935 (19-5 Ất Hợi), nội dung như sau (dịch):
“Nhiều tỉnh vừa mới báo cáo cho tôi biết về hoạt động của các người truyền đạo Cao Đài trong dân An Nam ở Trung Kỳ. Về vấn đề này, tôi muốn nhắc nhở các ông rằng việc theo đạo Cao Đài và truyền đạo Cao Đài hay ‘Phật Giáo chấn hưng’ vẫn còn bị cấm ở Trung Kỳ, chiếu theo các quy định vẫn còn hiệu lực của Thông Tri số 40 ngày 25 tháng Giêng năm Bảo Đại thứ Tư (ngày 06-3-1929), và những người vi phạm các quy định đó sẽ bị truy tố. Tôi yêu cầu các ông xem xét kỹ việc các tri phủ, tri huyện dưới quyền thông báo cho dân chúng biết về lệnh cấm này và các quy định của Thông Tri này phải được chấp hành nghiêm nhặt.
“Qua các quan công sứ ở các tỉnh, xin các ông vui lòng báo cáo ngay cho tôi biết về bất kỳ một biểu hiện nào có tính cách Cao Đài.” ([30])
Trong hoàn cảnh ấy, chuyến đi Huế năm 1929 của tiền khai Thái Chánh Phối Sư Nguyễn Ngọc Thơ và sau đó là chuyến đi Bình Định của tiền khai Thượng Giáo Sư Vương Quan Kỳ (1880-1939), đều là chức sắc Hội Thánh Cao Đài Tây Ninh, vì thế đã thất bại. Chuyến đi Huế và Hà Nội của tiền khai Giáo Tông Nguyễn Ngọc Tương có thể xem là để thăm dò tình thế.
Đi theo tiền khai Giáo Tông Nguyễn Ngọc Tương trong chuyến ra Bắc năm 1937 có thanh đồng Tô Văn Pho mười tám tuổi.



([1]) Ngày 09-4-1926 Aristide Eugène le Fol, ngạch tham biện hạng nhất (administrateur de 1er classe), được bổ làm Quyền Thống Đốc Nam Kỳ, nhậm chức ngày 19-4-1926. Như vậy các sách sử Cao Đài hay chép Le Fol là “Thống Đốc” thì không đúng. Ông chỉ là Quyền Thống Đốc, đảm nhiệm chức vụ khoảng hơn nửa năm trong lúc chờ một thống đốc chính thức từ Pháp bổ sang. Tuy nhiên, trong cách xưng hô (như trên Tờ Khai Đạo ngày 07-10-1926), mọi người vẫn gọi ông là Thống Đốc vì phép lịch sự.
([2]) [Huệ Khải 2008: 30-42]. Chú thích này nghĩa là xin đọc trang 30-42, quyển sách của Huệ Khải in năm 2008. Chi tiết đầy đủ về quyển này có trong Sách Báo Tham Khảo, tr. 132-134.
([3]) Tối Thứ Tư 29-9-1926 (23-8 Bính Dần), cuộc họp Khai Tịch Đạo tổ chức tại nhà tiền khai Nguyễn Văn Tường (cũng gọi Võ Văn Tường, 1887-1939) ở số 237 bis Gallieni, Sài Gòn (nay là Trần Hưng Đạo, quận 1), trong số 245 môn đồ ký tên vào danh sách kèm theo Tờ Khai Đạo, ở vị trí thứ 94 (tờ 6/11) có ghi phương danh Hồ Quang Châu.
([4]) [Thánh Ngôn Hiệp Tuyển 1928: 42].
([5]) Nghị định ngày 17-3-1879 của Thống Đốc Nam Kỳ Le Myre de Vilers thành lập collège de Mỹ Tho tại tỉnh Mỹ Tho (nghị định bổ sung ngày 14-6-1880). Ngày 02-12-1942, trường đổi tên là collège Le Myre de Vilers. Do nghị định 179-NÐ ngày 22-3-1953 của Tổng Trưởng Giáo Dục Nguyễn Thành Giung, trường đổi tên là trung học Nguyễn Ðình Chiểu cho tới nay. Ông Giung sinh năm 1894 tại Sa Đéc, lấy tiến sĩ vạn vật học tại Marseille (Pháp), làm Tổng Trưởng Bộ Giáo Dục nhiệm kỳ 1952-1953 thời Bảo Đại làm quốc trưởng Quốc Gia Việt Nam (l’État du Việt Nam). Bấy giờ Thủ Tướng là Nguyễn Văn Tâm, nhiệm kỳ từ 23-6-1952 đến 07-12-1953. (Theo wikipedia).
Charles Marie le Myre de Vilers là cựu tỉnh trưởng (préfet), cựu giám đốc dân sự vụ (directeur des affaires civiles) ở Algérie (Bắc Phi), được bổ làm Thống Đốc Nam Kỳ ngày 13-5-1879, nhậm chức từ 07-7-1879 đến 11-01-1883, vắng mặt ở Sài Gòn từ 04-3-1881 đến 31-10-1881. [SHAOAB 1981: 538-539]
([6]) Lược sử collège Chasseloup-Laubat như sau: Pháp thành lập école Normale colonial (trường sư phạm thuộc địa, 10-7-1871); xây trên nền cũ chùa Khải Tường (12-8-1871). Đổi tên thành collège Indigène (trường bản xứ, 1874) [có lẽ do một nghị định của Phó Đô Đốc, Thống Đốc Nam Kỳ Jules François Emile Krantz ký ngày 14-11-1874. (Huệ Khải chú)]. Đổi tên thành collège Chasseloup-Laubat (1876), chia ra khu Âu (quartier européen) và khu bản xứ (quartier indigène). Tách khu bản xứ nhập sang collège de Cochinchine (trung học Nam Kỳ, 15-7-1927). Collège Chasseloup-Laubat đổi tên thành lycée Chasseloup-Laubat (1928), còn collège de Cochinchine đổi tên thành lycée Petrus Ký. [Nguyễn Đình Đầu 1998: 696, 730]
Chasseloup-Laubat là Bộ Trưởng Hải Quân Và Thuộc Địa của triều đình Pháp, chủ trương chiếm Sài Gòn để làm căn cứ thuận lợi cho quân viễn chinh Pháp ở Viễn Đông. Ông ta tác động vua Napoléon III rất nhiều trong chính sách xâm lược, cướp Nam Kỳ làm thuộc địa. [Nguyễn Thế Anh 1974: 14, 22, 25]
([7]) Ông Nguyễn Ngọc Bích sinh năm 1911 tại làng An Hội, tổng Bảo Hựu (nay là phường 5, thành phố Bến Tre), qua Pháp học trường Bách Khoa (Polytechnique) ở Paris. Tốt nghiệp kỹ sư cầu cống, ông về nước làm việc tại Sở Thủy Lợi của tỉnh Sóc Trăng đến ngày Nhật đảo chánh Pháp. Sau ngày toàn quốc kháng chiến (19-12-1946) ông tham gia kháng chiến, làm Khu Bộ Phó của Khu 9 (Tây Nam Bộ). Đầu năm 1947, giặc Pháp càn quét ở Sóc Trăng, ông bị bắt làm tù binh. Năm 1948, ông bị cưỡng bách đưa về Pháp (vì có quốc tịch Pháp). Tại Paris, ông mở nhà xuất bản Minh Tân, in được nhiều tác phẩm giá trị. Ông lấy thêm bằng bác sĩ, chuyên khoa ung thư. Ông mất năm 1966 tại Thủ Đức vì ung thư, an táng tại Bến Tre, gần mộ bào đệ Nguyễn Ngọc Nhựt.
([8]) Ông Nguyễn Ngọc Nhựt sinh ngày 15-9-1918 tại làng An Hội (nay là phường 5, thành phố Bến Tre), du học ở Pháp, đậu bằng kỹ sư tạo tác, làm chuyên viên kỹ thuật cho các hãng buôn của Pháp trong nhiều năm. Vợ là con một kỹ sư người Pháp. Công ty kênh đào Suez từng mời ông về làm việc, nhưng ông từ chối.
Năm 1946, ông tìm cách về nước để tham gia kháng chiến. Nhờ sự giúp đỡ của bào huynh là kỹ sư Nguyễn Ngọc Bích (bị Pháp bắt đưa sang quản thúc tại Pháp năm 1948), ông Nhựt làm căn cước giả, trà trộn trong số lính thợ Việt Nam (ONS: Ouvrier Non Spécialisé), đáp tàu thủy về Sài Gòn.
Đầu năm 1947, ông Nhựt ra vùng kháng chiến tại chiến khu Đồng Tháp Mười.
Năm 1948, ông được cử làm ủy viên Ủy Ban Kháng Chiến Hành Chánh Nam Bộ, phụ trách công tác thương binh và xã hội.
Ngày 02-6-1949, trong một trận càn của quân Pháp ở Đồng Tháp Mười, ông bị bắt tại Cái Bèo (tỉnh Sa Đéc, nay là tỉnh Đồng Tháp). Ông khai là Nguyễn Văn Huyện, giáo viên bình dân học vụ, nhưng quân Pháp đã điều tra được thân thế của ông.
Sau rất nhiều cố gắng mua chuộc, dụ hàng bị thất bại, quân Pháp tra tấn ông dã man, tiêm thuốc cho ông rối loạn thần kinh. Sau hai lần chuyển nhà tù, ông bị giặc đưa về giam ở nhà thương điên Biên Hòa, không được chữa trị. Tại đó, ông hy sinh ngày 16-5-1952. Chính Phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa truy tặng ông bằng liệt sĩ và Huân Chương Kháng Chiến hạng nhất.
([9]) Theo [Vương Hồng Sển 1990: 110] thì Dinh Thượng Thơ (Direction de l’Intérieur) gọi thay cho danh xưng Dinh Đổng Lý Nội Vụ (Direction de l’Intérieur), trụ sở cất xong năm 1864. Từ năm 1946 gọi là Dinh Thủ Hiến Nam Việt, rồi trở thành Tòa Đại Biểu Nam Phần, sau đó là Bộ Kinh Tế Việt Nam Cộng Hòa (nằm trên đường Gia Long, gần góc đường Tự Do). Theo [Đào Văn Hội 1971: 18], Dinh Thượng Thơ sau này cũng gọi là Dinh Hiệp Lý.
([10]) Những năm khoảng trước 1925, trường cao đẳng dạy luật và hành chánh ở Hà Nội (école supérieure de droit et d’administration) chưa đào tạo và cung cấp đủ người dùng, thì ngạch tri huyện cũng được tuyển chọn trong hàng thơ ký lâu năm, nhưng buộc họ phải qua hai kỳ thi gay go: (a) examen de culture générale, khảo về học lực phổ thông; (b) concours professionnel, khảo về chuyên nghiệp và khả năng. Ngạch tri huyện có hai bậc: Hạng nhì (huyện de 2e classe), và cao hơn là hạng nhất (huyện de 1er classe). Năm 1920, mức lương tri huyện hạng nhất khoảng 1.222 đồng. [Huệ Khải 2012b: 10]
([11]) Do một nghị định ngày 15-02-1898, chủ quận được tuyển trong số viên chức hành chánh người Việt nào đã có ngạch huyện, phủ, đốc phủ sứ. Chủ tỉnh vẫn là người Pháp. [Huệ Khải 2008: 15]
([12]) Từ Trung Quốc tổ sư đời thứ 15 của đạo Minh Sư là Đông Sơ đưa đạo Minh Sư truyền sang Xiêm (Thái Lan) rồi qua Việt Nam năm 1863 (đời vua Tự Đức, năm thứ 16). Trước tiên, tổ sư Đông Sơ lập chùa tại tỉnh Hà Tiên, đặt tên là Quảng Tế Phật Đường.
([13]) Truyền rằng mới đổi về quận Cần Giuộc không lâu, tiền khai xử vụ kiện như sau: Lấy chồng được sáu tháng, cô vợ cuốn gói bỏ về nhà cha mẹ, bên chồng đệ đơn xin chủ quận xử. Tại công đường, cha cô giãi bày rằng trong nửa năm ở nhà chồng thật sự cô chỉ làm dâu chứ không hề được làm vợ. Người chồng thú thật đã vay hai mươi đồng lo cưới vợ, nên sau đám cưới phải đi ở đợ để trả cho tới khi nào dứt vốn lẫn lời; vợ chồng mới cưới vì thế đành phân ly cách biệt. Chủ nợ cũng xác nhận sự việc như vậy. Chạnh lòng trước cảnh khổ của cặp vợ chồng son, tiền khai lấy tiền riêng trả nợ thay cho họ.
([14]) Cũng như ngạch tri huyện, ngạch tri phủ có hai hạng. Người có ngạch tri huyện hạng nhất, đủ thâm niên sẽ được thi lên ngạch tri phủ hạng nhì (phủ de 2e classe), mức lương năm 1924 khoảng 1.672 đồng; hạng nhất (phủ de 1er classe), mức lương năm 1926 khoảng 1.933 đồng. Cao hơn ngạch tri phủ là đốc phủ sứ, thường gọi tắt là đốc phủ. [Huệ Khải 2012b: 11]
([15]) [Lalaurette 1932]
([16]) [Nguyễn Ngọc Tương 1958: 13]
([17]) [Nguyễn Ngọc Tương 1958: 13] cho rằng tiền khai nhập môn “cuối năm 1925, tại quận Cần Giuộc”. Nhưng theo [Hương Hiếu I: 47] mãi đến 19-12 Ất Sửu (Thứ Hai 01-02-1926) tiền khai vẫn chưa vào đạo Cao Đài, và chính ngày ấy tiền khai Lê Văn Trung đã bạch với Đức Cao Đài xin phép cho ba vị Lê Văn Trung, Cao Quỳnh Cư, Phạm Công Tắc đi Cần Giuộc để độ tiền khai Nguyễn Ngọc Tương. Như vậy, tiền khai Nguyễn Ngọc Tương nhập môn sớm lắm thì cũng trong hạ tuần tháng 12 Ất Sửu, tức thượng tuần tháng 02-1926.
([18]) Đêm ấy, lúc 8 giờ, tại nhà tiền khai Nguyễn Văn Tường, số 237 bis, trong một hẻm trên đường Gallieni (nay là số 208 đường Cô Bắc, quận 1), có cuộc họp đông đảo để chuẩn bị đăng ký tư cách pháp nhân của đạo Cao Đài. Ngay trước cuộc họp, một cơn mưa như trút kéo dài nhiều giờ làm ngập nhiều nơi chung quanh. Cuộc họp vì thế được cô lập, tránh khỏi sự tò mò của người ngoài cuộc, nhất là cảnh sát thuộc địa.
Có thể xem đây là phép mầu nhiệm thiêng liêng để cuộc họp không bị nhà chức trách ngăn trở, vì lẽ thời ấy họp từ 20 người trở lên phải xin phép chánh quyền. Chưa biết cuộc họp khoảng 250 người hôm ấy có xin phép hay không, nhưng khi chọn địa điểm tại nhà tiền khai Nguyễn Văn Tường, ngoài yếu tố nhà rộng, ắt còn có yếu tố tâm lý vì đấy là nhà của một thông ngôn (interprète) tại Sở Tuần Cảnh Sài Gòn.
Dưới sự đồng chủ trì của ba vị tiền khai Thượng Đầu Sư Lê Văn Trung (1876-1934), Ngọc Đầu Sư Lê Văn Lịch (1890-1947) và Thượng Phẩm Cao Quỳnh Cư (1888-1929), cuộc họp lịch sử này quy tụ hơn hai trăm chức sắc và tín đồ đầu tiên của đạo Cao Đài.
Kết quả có 245 vị ký tên vào danh sách đính kèm theo hồ sơ. Còn văn bản tiếng Pháp có 28 môn đệ ký tên, ghi ngày 07-10-1926, được tiền khai Lê Văn Trung đích thân mang đến Quyền Thống Đốc Nam Kỳ Le Fol tại Phủ Thống Đốc Nam Kỳ (từ 13-12-1999 đến nay gọi là Bảo Tàng Thành Phố, số 65 Lý Tự Trọng, quận 1). [Huệ Khải 2008: 32-34].
([19]) Đức Cao Đài giáng cơ tại nhà tiền khai Nguyễn Văn Tường ngay sau buổi họp, và ban ơn cho 28 vị (chọn trong danh sách 245 vị) được đồng ký tên dưới Tờ Khai Đạo, gồm có:
1. Bà Lâm Ngọc Thanh, nghiệp chủ, Vũng Liêm. / 2. Ông Lê Văn Trung, cựu thượng nghị viên, ngũ đẳng bửu tinh, Chợ Lớn. / 3. Ông Lê Văn Lịch, thầy tu, làng Long An, Chợ Lớn. / 4. Ông Trần Đạo Quang, thầy tu, làng Hanh Thông Tây, Gia Định. / 5. Ông Nguyễn Ngọc Tương, tri phủ, chủ quận Cần Giuộc. / 6. Ông Nguyễn Ngọc Thơ, nghiệp chủ, Sài Gòn. / 7. Ông Lê Bá Trang, đốc phủ sứ, Chợ Lớn. / 8. Ông Vương Quan Kỳ, tri phủ, Sở Thuế Thân, Sài Gòn. / 9. Ông Nguyễn Văn Kinh, thầy tu, Bình Lý Thôn, Gia Định. / 10. Ông Ngô Tường Vân, thông phán Sở Tạo Tác, Sài Gòn. / 11. Ông Nguyễn Phát Đạt, nghiệp chủ, Sài Gòn. / 12. Ông Ngô Văn Kim, điền chủ, đại hương cả, Cần Giuộc. / 13. Ông Đoàn Văn Bản, đốc học trường Cầu Kho, Sài Gòn. / 14. Ông Lê Văn Giảng, thơ ký kế toán hãng Hippolito, Sài Gòn. / 15. Ông Huỳnh Văn Giỏi, thông phán Sở Tân Đáo, Sài Gòn. / 16. Ông Nguyễn Văn Tường, thông ngôn Sở Tuần Cảnh, Sài Gòn. / 17. Ông Cao Quỳnh Cư, thơ ký Sở Thương Chánh, Sài Gòn. / 18. Ông Phạm Công Tắc, thơ ký Sở Thương Chánh, Sài Gòn. / 19. Ông Cao Hoài Sang, thơ ký Sở Thương Chánh, Sài Gòn. / 20. Ông Nguyễn Trung Hậu, đốc học trường tư thục Đa Kao, Sài Gòn. / 21. Ông Trương Hữu Đức, thơ ký Sở Hỏa Xa, Sài Gòn. / 22. Ông Huỳnh Trung Tuất, nghiệp chủ, Chợ Đũi, Sài Gòn. / 23. Ông Nguyễn Văn Chức, cai tổng, Chợ Lớn. / 24. Ông Lại Văn Hành, hương cả, Chợ Lớn. / 25. Ông Nguyễn Văn Trò, giáo viên, Sài Gòn. / 26. Ông Nguyễn Văn Hương, giáo viên, Đa Kao. / 27. Ông Võ Văn Kỉnh, giáo tập, Cần Giuộc. / 28. Ông Phạm Văn Tỉ, giáo tập, Cần Giuộc. [Huệ Khải 2008: 32-34].
([20]) Sử sách đạo Cao Đài quen gọi là Từ Lâm Tự.
([21]) Tháng 4-1936 (tháng 3 Bính Tý): Hội Thánh Cao Đài Ban Chỉnh Đạo xuất bản Châu Tri Chỉnh Đạo 1934-1936, dày 74 trang (16x24cm). Không có hai Châu Tri số 1 và 2, chỉ bắt đầu từ Châu Tri số 3.
([22]) [Nguyễn Ngọc Tương 1958: 24]
([23]) Thời gian làm chủ quận Xuyên Mộc, tiền khai Nguyễn Ngọc Tương có cất cái am để tu dưỡng trên núi Kỳ Vân (nay thuộc xã Phước Hải, huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu).
([24]) [Nguyễn Ngọc Tương 1958: 48]
([25]) Thông tư ban hành lúc Bảo Đại (Nguyễn Phước Vĩnh Thụy, 1913-1997) đang học ở Pháp (từ năm 1922). Cuối năm 1925 Vĩnh Thụy về Huế chịu tang vua Khải Định, rồi lên ngôi lấy hiệu Bảo Đại (08-01-1926), xong trở qua Pháp học cho đến tháng 9-1932 mới trở về nước. [Huệ Khải 2012a: 15]
([26]) Tức là Roman Catholic Church.
([27]) Võ Trứ (?-1898) người làng Nhơn Ân, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định. Tham gia phong trào Cần Vương của Mai Xuân Thưởng (1885) nhưng thất bại, ông trốn lên núi, ẩn tu trong chùa nhỏ ở huyện Đồng Xuân (tỉnh Phú Yên). Sau này ông kết hợp với Trần Cao Vân mưu việc chống Pháp. Cuộc khởi nghĩa ở Phú Yên (1898) thất bại, ông bị Pháp xử tử.
Trần Cao Vân (1866-1916) tên thật là Trần Công Thọ, một tên khác là Trần Cao Đệ, biệt hiệu Hồng Việt, bí danh Chánh Minh, biệt danh là Bạch Sĩ. Ông người làng Tư Phú, tổng Đa Hòa, phủ Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Ông cùng Thái Phiên và vua Duy Tân tổ chức khởi nghĩa kháng Pháp, vì thất bại nên bị chém (1916). Đặc điểm của hai nhà ái quốc Võ và Trần là mọi hoạt động tuyên truyền, đi lại các nơi để chiêu tập nghĩa binh, thu phục nhân tâm… đều ngụy trang dưới hình thức tín ngưỡng dân gian: Võ Trứ khoác cà sa làm sư cho thuốc cứu bệnh dịch; Trần Cao Vân làm đạo sĩ kiêm thầy phong thủy.
([28]) [BOLI 1928: 6] hoặc hồ sơ J.939, Trung Tâm Lưu Trữ Quốc Gia 2.
([29]) [BAA 1935: 801-802]
([30]) [BAA 1935: 801-802], Diệu Nguyên dịch từ tiếng Pháp.
(Trước khi ban hành, Thông Tri này được Đổng Lý Văn Phòng Patau (thay mặt khâm sứ Trung Kỳ và được ủy quyền) duyệt ở Huế ngày 22-6-1935.)
Để biết thêm thông tin về quá trình cấm đạo Cao Đài ở Trung Kỳ, có thể tham khảo: Huệ Khải, Cấm Đạo Cao Đài Ở Trung Kỳ (1928-1950) / Caodaism under Persecution in Central Vietnam (1928-1950). Hà Nội: Nxb Tôn Giáo 2012. Quyển 53-1 trong Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo.
HU KHẢI


 Quý đạo hữu gần xa muốn nhận các kinh sách do Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo xuất bản, được gởi biếu qua bưu điện, xin vui lòng gởi e-mail về: daidaovanuyen@gmail.com
Và xin quý đạo hữu hoan hỷ trả giúp cước phí cho bưu điện ngay khi nhận được sách biếu.
Ban Ấn Tống trân trọng cảm ơn quý đạo hữu.