Thứ Năm, 22 tháng 9, 2016

55/11. CÔNG ĐỒNG VATICAN II / Hòa Điệu Liên Tôn



NỬA THẾ KỶ CÔNG ĐỒNG VATICAN II: MỘT CHÚT TÂM TÌNH CỦA NGƯỜI ĐẠO CAO ĐÀI
Về đạo pháp các con cũng biết
Thầy đến lần ba này làm sao cho
nhơn loại khắp trên mặt địa cầu
được sống lại ơn cứu độ
lan chảy khắp năm châu.
Trước đây năm, sáu mươi năm
các con cũng thấy các tôn giáo như ngủ mê
mà từ ngày được Đạo Thầy hoằng khai
thì các tôn giáo lần lượt chấn hưng.
Sự sống đó chẳng những đến cho các con
mà đến khắp hoàn cầu,
nên phong trào đạo đức đâu đâu cũng sống dậy.([1])
Đức Ngọc Hoàng Thượng Đế
Công Đồng Vatican II là công đồng đại kết (ecumenical council) của Giáo Hội Công Giáo Rôma, được Đức Gioan XXIII (1881-1963) khai mạc ngày 11-10-1962, bốn năm sau ngày đắc cử Giáo Hoàng (28-10-1958). Công Đồng này được Đức Giáo Hoàng Phaolô VI (1897-1978) bế mạc ngày 08-12-1965.
Những ai trót quen suy nghĩ theo lề thói thông thường đều không khỏi sửng sốt, bởi lẽ họ ngỡ rằng Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII đã “quá già” nên không thể nào còn có ý tưởng về một cuộc đổi mới Giáo Hội. Thế nhưng, bằng một quyết định lịch sử, Đức Giáo Hoàng tám mươi mốt tuổi hiển nhiên đã chẳng hề “già cỗi” chút nào hết. Vì vậy, từ ấy đến nay, khi nhắc tới Công Đồng Vatican II, giới tu hành đạo đức vẫn tỏ lòng kính ngưỡng và tán thán công đức hoằng đại của Đức Chân Phước Gioan XXIII (được tôn phong ngày 03-9-2000).
Một chớp nhoáng cảm hứng đột ngột
Trong diễn văn khai mạc Công Đồng Vatican II vào ngày 11-10-1962, khi nhắc tới quyết định triệu tập Công Đồng, Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII gọi đó là “một chớp nhoáng cảm hứng đột ngột – a sudden flash of inspiration”. Ngài còn lưu ý rằng vào ngày 25-01-1959, tức là chưa tròn ba tháng sau khi đắc cử Giáo Hoàng, Ngài đã từng tỏ bày ý định này trước một số vị trong Hồng Y Đoàn (the Sacred College of Cardinals) sau khi dự lễ tại Vương Cung Thánh Ðường Thánh Phaolô Ngoại Thành.
Đức Giáo Hoàng hé lộ rằng hôm ấy, khi bày tỏ ý định trước một số vị Hồng Y, Ngài đã “không chăm chút công phu, tỉ mỉ – without elaboration” chi hết, thế nhưng “hiệu ứng” đến liền tức thì và lan tỏa sâu rộng! Đức Giáo Hoàng kể:
“Mọi người hưởng ứng tức thì. Dường như có tia sáng siêu nhiên nào đó soi rọi vào tâm hồn tất cả những người có mặt: nó phản chiếu trên gương mặt họ; nó tỏ ngời trong ánh mắt họ. Lập tức một làn sóng nhiệt thành quét khắp thế gian, mọi nơi người ta bắt đầu háo hức đợi chờ cuộc lễ tổ chức Công Đồng này.” ([2])
Ngày nay, đọc lại diễn văn khai mạc năm mươi năm trước, những người có đức tin nhận thức rằng“một chớp nhoáng cảm hứng đột ngột” đã đến với Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII ắt hẳn không gì khác hơn là Thần Khí (Spirit) của Chúa Thánh Thần, vì chỉ có Thần Khí ấy mới làm nên một “phép lạ” như Công Đồng Vatican II.
Một lễ Hiện Xuống thứ Hai
Trong diễn văn khai mạc ngày 11-10-1962 của Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII, cũng như trong diễn văn bế mạc ngày 08-12-1965 của Đức Giáo Hoàng Phaolô VI,([3]) nếu tôi không lầm, thì thuật ngữ lễ Hiện Xuống (Pentecost) chưa một lần được nhắc tới. Thế nhưng ngày nay, khi nói tới ý nghĩa lịch sử của Công Đồng Vatican II, hầu như đại đa số vẫn rất trân trọng gọi đây là một “lễ Hiện Xuống thứ Nhì a Second Pentecost”, tính từ lễ Hiện Xuống đầu tiên với các Thánh Tông Đồ được ghi rõ trong Sách Công Vụ Tông Đồ (2:1-41). Sự kiện này càng phản ánh rõ nét và chân thực những gì mà Công Đồng Vatican II đã, đang và sẽ còn tiếp tục tác động tới đời sống tâm linh con người thời đại, chứ không riêng quảng đại cộng đồng Ki Tô hữu.
Vậy mà, khi được hỏi về mục đích triệu tập Công Đồng Vatican II, Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII nói đơn giản là “để mở tung những cánh cửa sổ … và cho chút không khí trong lành lọt vào – to open the windows … and let in some fresh air”.(4)
Lời Ngài đơn giản đến thế, nhưng phải chăng lại hàm ngụ một ẩn ý rằng cái bầu khí trước Công Đồng Vatican II đã “ngột ngạt”? đang cần “đổi gió”? tức là tới lúc để đổi mới? ([4])
Nhưng thay vì chỉ là đổi mới, Công Đồng Vatican II được thán thưởng là một công cuộc “Đại Canh Tân – a Great Renewal”.([5])
Một công cuộc Đại Canh Tân
Trên thế gian này, đời hay đạo, thế quyền hay giáo quyền, dù ở đâu và dù thời đại nào thì cũng phải tuân theo quy luật Thành, Trụ, Hoại, Diệt. Muốn thoát khỏi quy luật này, mọi thiết chế (institution) đều phải kịp thời tự điều chỉnh trước khi quá trình đào thải đã đi quá xa, và mọi nỗ lực cứu vãn bấy giờ sẽ không còn hiệu quả!
Trong đạo Lão xưa kia (thời Nhị Kỳ Phổ Độ, nói theo sử quan Cao Đài) từng cho thấy sự khác biệt giữa Đạo (tuyệt đối) và Giáo (tức tôn giáo, tương đối). Vì tuyệt đối nên Đạo không đầu không cuối, không mở màn không bế mạc, không thịnh không suy. Trái lại, vì tương đối nên Tôn Giáo có trước có sau, có thịnh có suy. Kim Liên Chính Tông Ký của đạo Lão viết:
“Đạo không đầu cuối, Giáo có trước sau. (…) Đạo thì chân thường, siêu việt. Giáo thì dạy cách độ người. Đạo là bản thể, tuy trải qua muôn ngàn đời, chưa hề biến dịch. Giáo là công dụng, có lúc thịnh, có lúc suy.” ([6])
Qua Tam Kỳ Phổ Độ (đạo Cao Đài), thánh giáo Đức Mẹ (Vô Cực Từ Tôn Diêu Trì Kim Mẫu) diễn bày tỉ mỉ hơn lời lẽ trong đoạn văn dẫn trên của đạo Lão:
“Đạo không hình không tướng. Thế nên đừng ai lấy thúng mà úp cái Đạo, đừng ai lấy khuôn mà đổ cái Đạo. Phải hiểu Đạo là uyển chuyển, thiên biến vạn hóa; tùy cơ duyên mà phổ độ; tùy hoàn cảnh thực tại mà linh động, uyển chuyển tác dụng cho hợp thời đúng lúc; tùy trình độ căn trí mà biện minh phân giải, thuyết lý độ đời. Điều nào hay thì giữ gìn mà phát triển. Điều nào dở không thích hợp thì phải trả về cho quá khứ. Điều nào thiếu thì sẽ thêm vô cho đủ. Điều nào dư thì hãy cắt xén bớt cho tròn vẹn.” ([7])
Nói cách khác, mọi tôn giáo bất kỳ, càng trải qua chiều dài lịch sử lâu chừng nào thì càng phải đặt ra vấn đề canh tân, đổi mới. Dạy triết và tôn giáo đối chiếu (comparative religion) tại Viện Đại Học New Mexico, Giáo Sư Archie J. Bahm (1907-1996) từng xác định:
Các hình tướng, giáo lý và thiết chế đặc biệt mà qua đó các nhu cầu, và kinh nghiệm tu hành của một số người đã được phô diễn thì chúng có thể hóa ra lỗi thời, mà sự tiếp tục duy trì chúng thường trở nên có hại cho sự tu hành lành mạnh.” ([8])
Tóm lại, mọi tôn giáo đều có yêu cầu tất yếu và khách quan là phải t đổi mới. Đổi mới để trường tồn và phát triển. Với Công Đồng Vatican II, Ðức Gioan XXIII mở ra một diễn trình (process) đại canh tân Giáo Hội, làm tươi trẻ lại các cơ cấu và khơi thông dòng nhựa sống trường xuân sung mãn dồi dào cho Giáo Hội.
Những người có tôn giáo đang hành đạo bên cạnh Công Giáo dĩ nhiên dễ có xu hướng ưu tiên tìm hiểu xem trong công cuộc đại canh tân Giáo Hội, Công Đồng Vatican II “nhắm tới” các tôn giáo khác theo định hướng nào.
Bằng Sắc Lệnh Ad Gentes Về Hoạt Động Truyền Giáo Của Giáo Hội (Decree Ad Gentes on the Mission Activity of the Church), Công Ðồng rõ ràng đã “yêu cầu” người Công Giáo phải hòa mình với người khác tôn giáo. Ad Gentes (số 11) viết:
“Để có thể làm chứng về Chúa Ki Tô một cách hiệu quả, các Ki Tô hữu hãy đem lòng kính trọng và tình thương mà liên kết với những người ấy; hãy biết mình là thành phần của nhóm người mình chung sống; hãy chia sẻ đời sống văn hóa, xã hội qua những giao tiếp và hoạt động khác nhau trong cuộc sống thế nhân; hãy làm quen với những truyền thống dân tộc và tôn giáo của những người ấy; hãy sung sướng và kính cẩn mà khám phá ra những hạt giống Lời Chúa đang tiềm ẩn trong những người ấy.” ([9])
Tìm hiểu những nội dung đổi mới hoạt động truyền giáo trong tương quan với các tôn giáo khác, người ta thấy Công Đồng Vatican II nhìn nhận: Có nhiều cách đưa tới cứu độ và tất cả các tôn giáo nên được quyền bình đẳng. Các Ki Tô hữu phải cùng với những người khác truy tầm chân lý.([10])
Tạm gọi đó là thái độ hay cách ứng xử của Ki Tô hữu với tôn giáo bạn dưới ánh sáng soi rọi của Công Đồng Vatican II. Thái độ hay cách ứng xử này gợi nhớ tới thuật ngữ lễ Hiện Xuống thứ Hai (the Second Pentecost) hoặc một lễ Hiện Xuống Mới (a New Pentecost) vẫn được dùng khi nói về Công Đồng. Rồi từ đó, thuật ngữ này đưa đến một liên tưởng xa hơn, là tháp Babel – biểu tượng cho rào cản ngôn ngữ giữa các chủng tộc, dân tộc trên thế giới.
Phá tháp Babel trong tương giao giữa các tôn giáo
Theo Sách Công Vụ Tông Đồ, trong lễ Hiện Xuống đầu tiên, các Thánh Tông Đồ “ai nấy đều được tràn đầy ơn Thánh Thần, họ bắt đầu nói các thứ tiếng khác, tùy theo khả năng Thánh Thần ban cho. (…) Nghe tiếng ấy, có nhiều người kéo đến. Họ kinh ngạc vì ai nấy đều nghe các ông nói tiếng bản xứ của mình.” (Cv 2:4,6)
Người truyền giáo theo tinh thần Công Đồng Vatican II cũng sẽ đón nhận được ơn Thánh Thần trong lễ Hiện Xuống Mới để thông thạo các ngôn ngữ, nhưng không phải ngôn ngữ của các sắc dân khác nhau, mà là ngôn ngữ riêng của từng tôn giáo không phải Công Giáo.
Xưa nay, những ngộ nhận, kỳ thị, phân biệt, v.v… giữa các tôn giáo thường là do người đạo này chưa hiểu được tiếng nói của người đạo khác, dẫu rằng họ đang sống chung một quốc thổ, mang chung một quốc tịch, và nói chung một quốc ngữ.
Nhà truyền giáo trong môi trường đa tôn giáo nếu có khả năng dùng được tiếng nói của tôn giáo bạn để đối thoại liên tôn thì “tháp Babel” trong tương giao giữa các tôn giáo bị phá sập.
Không chỉ nhìn lại, mà còn nhìn tới
Tính từ lúc khai mạc, đến tháng 10 năm nay Công Đồng Vatican II sẽ tròn trịa nửa thế kỷ. Một con số đẹp để kỷ niệm “kim khánh” theo truyền thống nhân gian. Từ góc độ một người đạo Cao Đài, qua bài viết ngắn này, tôi mạo muội chia sẻ mấy suy nghĩ của riêng mình về Công Đồng Vatican II, cụ thể là hai ấn tượng nổi bật mà Công Đồng Vatican II đã in dấu vào tâm tình của người tín hữu Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ: cuộc Đại Canh Tân và lễ Hiện Xuống Mới.
Nhấn mạnh hai chữ “tâm tình” như thế, có nghĩa là những điều vừa chia sẻ trên đây chẳng có tí gì mang tính cách “hàn lâm” khi nhắc tới một sự kiện rất trọng đại của lịch sử Giáo Hội Công Giáo hoàn cầu, đã diễn ra vào giữa thế kỷ trước mà sang tới thế kỷ này, sứ mệnh lịch sử của Công Đồng Vatican II vẫn tiếp tục tỏa sáng và không ngừng mời gọi mọi thiện tâm, thiện chí, cùng ra sức thực thi.
Là người có Đạo bên cạnh cộng đồng Ki Tô hữu, tôi nghĩ rằng tìm hiểu và thấu cảm những sứ điệp mà Công Đồng Vatican II truyền gởi tới thời đại chúng ta, cũng là một việc làm đúng đạo lý để góp bàn tay cùng vận hành bánh xe tiến hóa tâm linh của toàn nhân loại mà xưa nay người Việt chúng ta quen gọi là Thiên cơ (Heaven’s plan).
Sau năm mươi năm, ngoài việc nhìn lại quá trình Công Đồng Vatican II, hãy nên nhìn tới những viễn cảnh tốt đẹp mà Công Đồng Vatican II có khả năng sẽ mang đến để góp phần cứu vãn một hành tinh đang cực kỳ nguy khốn này.
Khi nghĩ thấu đáo như vậy, người tôn giáo ngoài Công Giáo không nên xem Công Đồng Vatican II là chuyện riêng của nội bộ Công Giáo.
Chia sẻ sứ điệp cao cả của Công Đồng gởi tới các tôn giáo bạn, thì cũng cần ý thức chủ động hưởng ứng những nỗ lực mời gọi đối thoại và hợp tác liên tôn từ Công Giáo để chung tay xây dựng hạnh phúc đích thực, an bình vững bền cho con người – vốn dĩ là một mục đích chung của mọi nền chánh giáo kim cổ Đông Tây.
HUỆ KHẢI
29-6-2012
CGvDT số 1866-1867, ngày 06-7-2012




([1]) Bác Nhã Thiền Đường (Long Hải, Vũng Tàu), Tuất thời, ngày 13-5 Giáp Dần (02-7-1974).
([2]) “The response was immediate. It was as though some ray of supernatural light had entered the minds of all present: it was reflected in their faces; it shone from their eyes. At once the world was swept by a wave of enthusiasm, and men everywhere began to wait eagerly for the celebration of this Council.” Tham khảo: Opening Address to the Council, mục “The Decision to Hold the Second Vatican Council”.
http://www.catholicculture.org/culture/library/view.cfm?recnum=3233
([3]) Tham khảo: “Second Vatican Council II Closing Speech”.
http://www.papalencyclicals.net/Paul06/p6closin.htm.
([4]) http://vatican2voice.org/4basics/themes.htm
([5]) http://www.catholicapologetics.info/modernproblems/vatican2/renew2.html
([6]) Đạo vô chung thủy, Giáo hữu hậu tiên. (…) Trạm tịch chân thường, Đạo dã. Truyền pháp độ nhân, Giáo dã. Đạo chi vị thể, tuy kinh vô số kiếp, vị thường thiểu biến. Giáo chi vi dụng, hữu thời nhi phế, hữu thời nhi hưng. 道無終始, 教有後先. (…) 湛寂真常, 道也. 傳法度人, 教也. 道之為體, 雖經無數 劫未常少變. 教之為用, 有時而廢, 有時而興. (金蓮正宗記)
http://nhantu.net/TrietHoc/LecomteDuNouy/LecomteDuNouy3-1.htm
([7]) Thánh thất Nam Thành, ngày 05-8-1971 (15-6 Tân Hợi).
([8]) “The particular forms, doctrines, and institutions through which the religious needs and experiences of some people have been expressed may become obsolete, and their continuance often becomes detrimental to healthy religion.” Archie J. Bahm: The World’s Living Religions. New York: Nxb Dell, 1964, p. 14.
([9]) “In order that they may be able to bear more fruitful witness to Christ, let them be joined to those men by esteem and love; let them acknowledge themselves to be members of the group of men among whom they live; let them share in cultural and social life by the various undertakings and enterprises of human living; let them be familiar with their national and religious traditions; let them gladly and reverently lay bare the seeds of the Word which lie hidden among their fellows.”
http://www.vatican.va/archive/hist_councils/ii_vatican_council/documents/vat-ii_decree_19651207_ad-gentes_en.html
([10]) There are many ways to salvation and that all religions should have equal rights. … Christians must search with others to find the truth.
http://www.catholicapologetics.info/modernproblems/vatican2/renew2.html


 Quý đạo hữu gần xa muốn nhận các kinh sách do Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo xuất bản, được gởi biếu qua bưu điện, xin vui lòng gởi e-mail về: daidaovanuyen@gmail.com
Và xin quý đạo hữu hoan hỷ trả giúp cước phí cho bưu điện ngay khi nhận được sách biếu.

Ban Ấn Tống trân trọng cảm ơn quý đạo hữu.