Thứ Tư, 21 tháng 9, 2016

55/5. Con Mèo Trong Thiền Thoại / Hòa Điệu Liên Tôn


CON MÈO TRONG THIỀN THOẠI

Các thiền thoại lưu truyền ở Á Đông có nhắc tới con mèo. Đây là ba chuyện tôi nghe:
1. Con mèo nghi thức
Chuyện kể rằng mỗi khi thiền sư và đệ tử bắt đầu hành thiền vào canh ba lại bị con mèo nuôi trong tu viện quấy rầy. Nó hay đi loanh quanh sục sạo, gây tiếng động làm mọi người phân tâm.
Thiền sư bèn ra lệnh hễ đến khuya thì bắt con mèo trói lại, hết giờ thiền mới thả ra. Lệnh này được thi hành nghiêm ngặt.
Sau khi thiền sư tạ thế, người kế vị vẫn giữ nguyên lệnh này. Rồi con mèo già chết đi, người ta nuôi con mèo khác để đến khuya lại trói nó trước khi hành thiền.
Rất nhiều năm trôi qua. Lớp người cũ nối nhau qua đời. Lớp người mới không rõ vì sao cứ phải bắt con mèo trói lại trước khi hành thiền canh ba. Nhưng mọi người đều thành kính duy trì truyền thống này, và hễ mèo chết hay bỏ đi mất thì lập tức tìm con khác thế vào. Ai cũng tin rằng đây là một nghi thức do tổ sư và lớp tiền bối bày ra, ắt phải có mật nghĩa huyền vi nào đó trợ duyên cho các hành giả tập thiền.
Cuối cùng, trong lớp thiền sinh hậu bối có kẻ vốn ham nghiên cứu, hâm mộ học thuật. Người này bắt đầu dành thời gian để nghiền ngẫm, tham khảo kinh điển để viết thành một quyển sách nhằm lý giải ý nghĩa cao siêu của việc trói con mèo trước khi hành thiền mỗi đêm khuya.
Câu chuyện này thoạt nghe có vẻ hài hước, nhưng nó phản ánh thói quen bắt chước mà không tìm hiểu lý lẽ căn cội của một sự việc. Thói quen này là đầu mối của mê tín.
2. Cái đầu mèo chết
Tào Sơn Bản Tịch (840-901), là một thiền sư danh tiếng đời Đường (Trung Quốc), là cao đồ của thiền sư Động Sơn Lương Giới (807-869). Hai thầy trò cùng sáng lập ra phái thiền Tào Động. Người ta giải thích tên phái thiền này ghép chữ Tào của trò (Tào Sơn) và chữ Động của thầy (Động Sơn). Phái Tào Động truyền sang Việt Nam do thiền sư Thông Giác Thủy Nguyệt (1636-1704).
Chuyện kể rằng một hôm có đệ tử hỏi thiền sư Tào Sơn trên đời này cái gì mới thật là vô giá. Chẳng chút do dự, sư nói ngay:
- Cái đầu con mèo chết.
Đệ tử không khỏi… ú ớ! Nghĩ bụng chắc thầy nghe mình hỏi chưa rõ. Thế nên liền nhắc lại:
- Bạch thầy, con hỏi là trên đời cái gì thật sự vô giá.
Sư điềm nhiên đáp:
- Cái đầu con mèo chết.
Lần này thì tất cả đệ tử có mặt trong giảng đường đều bối rối. Sau cùng, một người làm gan, hỏi vặn lại:
- Bạch thầy, tại sao nó lại vô giá?
Sư đáp:
- Bởi vì không ai biết nó đáng giá bao nhiêu.
3. Thiền sư chém mèo
Đời Đường (Trung Quốc) có thiền sư Nam Tuyền Phổ Nguyện (738-835) là thầy thiền sư Triệu Châu Tòng Thẩm (778-897). Cả hai đều danh tiếng lừng lẫy.
Chuyện rằng một hôm các thầy tăng trong thiền viện chia làm hai phe tranh cãi nhau về một con mèo, làm huyên náo, mất cả thanh tĩnh nơi tôn nghiêm.
Thiền sư Nam Tuyền bước ra, tóm lấy con mèo trong tay một học trò và giơ lên, bảo:
- Nói đi, nói đi! Nói được thì con mèo này thoát chết. Không nói được thì ta giết nó.
Tất cả môn đồ đều ú ớ chẳng nói nên lời trước tình huống bất ngờ này. Rốt cuộc sư Nam Tuyền chém con mèo làm đôi!
Tối đến, Triệu Châu từ nơi khác trở về thiền viện, vào chào thầy. Sư Nam Tuyền kể lại chuyện xảy ra trong ngày. Nghe xong, Triệu Châu nín thinh, lột đôi dép đặt lên đầu, rồi lùi ra ngoài.
Sư Nam Tuyền nói vói theo:
- Hồi sáng có trò ở đó thì cứu được con mèo rồi.
Thiền thoại chém mèo dẫn trên trở thành một công án nổi tiếng cho các thiền sinh tham cứu trong nhiều đời, ở nhiều nước Á Đông.
Về việc chém mèo, có người nghi ngờ rằng không thật. Họ bảo sư Nam Tuyền chẳng lẽ phạm giới sát sinh, ắt là sư thả mèo đi chứ không phải mất công chạy vô bếp xách dao phay ra.
Nhưng có người cãi, lý luận rằng quân tử nhất ngôn, lệnh đã phán rồi thì sư buộc phải thi hành. Sư tuy giết mèo mà vẫn không phạm tội sát sinh vì sư đã đắc đạo, sư không có tâm sát sinh nên không tạo nghiệp sát sinh.
Về việc Triệu Châu lột dép đội lên đầu, có người bàn rằng dép là để mang dưới chân, lấm đất cát dơ bẩn. Đầu là chỗ đội nón, chỗ tôn quý của con người. Lấy dép dơ bẩn dưới chân đội lên đầu là nghịch lý, trái lẽ thường. Vậy thì Triệu Châu ngụ ý rằng tranh cãi là chuyện thị phi thế gian, tôi nay đứng ngoài cuộc. Hễ còn tranh cãi đúng sai là còn kẹt trong thế giới nhị nguyên (dualistic). Lấy dép dơ để lên đầu là tâm không phân biệt, tâm nhất như, tâm bất nhị (nondualistic), đã thoát ra khỏi nhận thức nhị nguyên.
Tuy nhiên lại có quan điểm khác, cho rằng con người vốn không thấy được bản tánh chân thật của mình vì còn sống với dòng ý thức. Công án thiền tung ra đột ngột là để ném con người vào chỗ bối rối cùng tột, mọi ý thức tư duy hay lý trí thường tình đều tắt ngấm. Trong chỗ ngưng đọng đó, tâm họ sẽ tự vận động đến một lúc cao trào thì sẽ bùng vỡ để họ đạt được cái mà thiền gọi là ngộ, chứng ngộ. Cho nên, cùng một công án mà mỗi người do căn cơ khác nhau sẽ tìm được đáp án khác nhau. Không có một đáp án chung. Thế thì, cố đem lý luận, kiến thức mà giảng giải công án là sai lầm ngay từ căn bản vì vẫn còn trôi trong dòng ý thức.
Huệ Khải
08-01-2011
CGvDT số 1793-1794, ngày 28-01-2011




 Quý đạo hữu gần xa muốn nhận các kinh sách do Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo xuất bản, được gởi biếu qua bưu điện, xin vui lòng gởi e-mail về: daidaovanuyen@gmail.com
Và xin quý đạo hữu hoan hỷ trả giúp cước phí cho bưu điện ngay khi nhận được sách biếu.
Ban Ấn Tống trân trọng cảm ơn quý đạo hữu.