Thứ Năm, 22 tháng 9, 2016

55/6. CON MÈO NHẬP NIẾT BÀN / Hòa Điệu Liên Tôn


ĐỌC “CON MÈO NHẬP NIẾT BÀN”

Elizabeth Jane Coatsworth (1893-1986) là nữ sĩ Mỹ chuyên sáng tác thơ và viết truyện thiếu nhi. Năm 1930 bà xuất bản truyện The Cat Who Went to Heaven (Con Mèo Nhập Niết Bàn) dài trên 11.000 từ. Năm 1931 tác phẩm này được thưởng Huy Chương Newbery (Newbery Medal).
Giải thưởng văn chương Huy Chương Newbery mang tên John Newbery (1713-1767), người Anh. Ông làm chủ một nhà xuất bản chuyên ấn hành sách dành cho thanh thiếu niên. Ra đời năm 1922, Huy Chương Newbery là giải thưởng văn học thiếu nhi đầu tiên trên thế giới. Giải này tuyên dương các tác giả có tác phẩm xuất sắc đóng góp cho nền văn học thiếu nhi Hoa Kỳ. Cơ quan tổ chức trao giải là Hội Thư Viện Thiếu Nhi (Association for Library Service to Children), một bộ phận của Hội Thư Viện Hoa Kỳ (ALA: American Library Association).
Lấy bối cảnh nước Nhật cổ kính, Con Mèo Nhập Niết Bàn kể chuyện chàng họa sĩ nghèo và con mèo của anh. Nhân vật thứ ba là bà lão giúp việc, cứ cuối một “hồi” thì bà cất giọng xướng một bài thơ. Thật ra nữ sĩ Coatsworth không chia truyện này ra chương, hồi gì cả, nhưng cả thảy có tám bài thơ như thế.
Truyện tóm tắt như sau:
Chàng họa sĩ nghèo nhờ bà lão giúp việc cầm mấy hào ra chợ mua thức ăn. Nào ngờ bà rước về con mèo tam thể, phân trần rằng nhà cửa quạnh quẽ quá.
Họa sĩ không vui chút nào vì bụng đang đói, và lo lắng rằng nuôi thêm con mèo chỉ tăng thêm tốn kém. Anh nhắc bà nhớ người Nhật từ lâu đời đều tin rằng loài mèo là hiện thân của ma quỷ, yêu quái.
Tuy nhiên con mèo rất ngoan, khiến họa sĩ mau chóng đem lòng thương và đặt tên là Tài Lộc (Good Fortune).
Tài Lộc không phải là con mèo tầm thường. Tuy đói, nhưng nó biết dè sẻn phần ăn của mình để dành lại cho bữa sau, như thể thấu hiểu cảnh túng bấn của chủ. Họa sĩ còn thấy nó đứng trước tượng Phật tỏ vẻ cung kính đảnh lễ Đức Thế Tôn. Có lần vồ được con chim, nhưng thay vì ăn cho đỡ đói, Tài Lộc lại thả ra ngay.
Dần dần họa sĩ đem lòng thương mến con mèo bé nhỏ sau khi nhận ra nó có nhiều đức tính mà theo anh thì lắm người chưa chắc đã sánh kịp.
Các nhà sư trong vùng cần thuê một họa sĩ trang trí cho bức tường lớn trong chánh điện. Không biết nên chọn ai, họ viết tên từng họa sĩ lên một mẩu giấy nhỏ rồi ghim hết trước pho tượng Phật lớn nhất trong chánh điện.
Đêm đến, gió thổi các mẩu giấy bay tứ tán, duy chừa lại một mẩu có tên họa sĩ nghèo.
Sáng ra, tận mắt chứng kiến như thế, các nhà sư tin rằng Đức Phật đã chọn giúp họ một người tài đức, xứng đáng. Thế nên họa sĩ được nhà chùa ứng trước một khoản tiền kha khá, đủ để anh an tâm tập trung vẽ bức tranh hoành tráng miêu tả cảnh Đức Thích Ca nhập Niết Bàn, chung quanh nơi Phật Tổ nằm có rất nhiều loài thú đến chầu kính.
Trong quá trình vẽ tranh, họa sĩ thường tham thiền, quán tưởng về cuộc đời Đức Phật để cho từng nét cọ đều có thần khí.
Họa sĩ đưa vào tranh rất nhiều loài thú, nhưng không vẽ con mèo, vì vẫn nhớ rằng dân tộc Nhật nguyền rủa loài mèo bởi chúng kiêu hãnh và trịch thượng nên không chịu kính bái Đức Phật khi Như Lai còn tại thế. Do đó, loài mèo không được phép léo hánh, bén mảng bên cạnh Đấng Thế Tôn lúc Ngài nhập Niết Bàn.
Tranh vẽ hoàn tất. Tài Lộc mon men đến xem và bộc lộ nỗi buồn thê thảm vì không thấy có con mèo nào trong tranh.
Chẳng thể cầm lòng trước dáng vẻ thiểu não của Tài Lộc, họa sĩ rốt cuộc đã cầm cọ vẽ thêm một con mèo bé xíu ở góc tranh, vì không còn chỗ trống nào khác hơn. Thâm tâm anh thừa biết bức tranh tuyệt đẹp của mình sẽ bị nhà chùa từ chối, vì sự yếu lòng này.
Nhưng Tài Lộc rất mãn nguyện. Rồi nó nằm chết yên lành, và được chôn tử tế.
Dưới đây là đoạn kết chuyện Con Mèo Nhập Niết Bàn.
ĐOẠN KẾT TRUYỆN CON MÈO NHẬP NIẾT BÀN ([1])
Nghe nói tranh đã vẽ xong, sáng hôm sau sư trụ trì liền ghé nhà. Chào hỏi mấy câu, họa sĩ đưa sư đến xem tác phẩm.
Sư chăm chú xét nét tỉ mỉ, rồi nói khẽ:
- Đẹp quá!
Bất chợt, sư sa sầm nét mặt, hỏi:
- Anh vẽ con gì thế kia?
- Con mèo.
Họa sĩ trả lời, lòng não nề trĩu nặng.
Sư nghiêm nghị bảo:
- Anh không biết ư? Loài mèo từng bất kính Đức Thế Tôn nên không được nhận phúc lành của Phật, và không được phép vào cõi Niết Bàn.
Họa sĩ đáp:
- Thưa thầy, tôi biết.
Sư nói:
- Mỗi người phải chịu nghiệp quả do mình gây ra. Con mèo phải lãnh nghiệp của nó, và anh phải lãnh nghiệp của anh. Vì không thể xóa chỗ đã vẽ, ta sẽ đem tranh đi và mai sẽ chánh thức thiêu hủy. Chùa sẽ treo tranh của một họa sĩ khác.
Suốt ngày bà lão giúp việc khóc thầm trong bếp, vì lẽ con mèo bé bỏng bà mang về đã làm hại cậu chủ.
Suốt ngày họa sĩ ngồi trong phòng nghĩ ngợi. Tác phẩm của anh đã bị lấy đi, cùng với một phần đời anh gởi gắm trong đó. Mai các nhà sư sẽ thiêu hủy tranh trong sân chùa. Từ nay lại càng thêm vắng người tìm tới anh mua tranh. Anh tiêu rồi, và mọi hy vọng cũng tan thành mây khói. Nhưng anh không hối tiếc việc mình làm. Trong rất nhiều ngày qua anh đã sống trong suy niệm về tình thương và những gương hy sinh, thế nên anh chẳng quá đau khổ khi phải đánh đổi cho Tài Lộc được hưởng khoảnh khắc cực lạc.
Suốt đêm anh ngồi trong bóng tối, mắt mở thao láo với bao nỗi suy tư. Bà lão giúp việc không dám quấy rầy. Anh thấy tia sáng nhợt nhạt len qua mành và nghe tiếng gió lùa qua kẽ lá. Một giờ sau, anh nghe tiếng chân rầm rập chạy về nhà mình. Các nhà sư vây quanh anh, vị trụ trì giật giật tay áo anh.
Họ cứ kêu to:
- Tới mau! Tới mau! Tới đi anh! Thật là phép lạ! Ôi, lòng bao dung của Đức Phật! Ôi, lòng từ bi của Đấng Thế Tôn!
Sửng sốt không kịp thở, họa sĩ tức tốc chạy theo họ về chùa. Tất cả mọi người ùa vào chánh điện. Các nhà sư đã treo tranh anh lên, bày nhang đèn phía trước. Tranh vẫn y nguyên như anh đã vẽ, nhưng mà không!
Họa sĩ quỳ sụp xuống, khóc:
- Ôi, Đức Từ Bi!
Vì chỗ anh vẽ con mèo giờ đây chỉ phơi ra nền lụa trắng, cơ hồ chưa từng có vết mực nào chạm tới; và Đức Phật – Đức Như Lai anh đã vẽ với hai bàn tay khép lại đặt trên ngực – bây giờ đang duỗi cánh tay ra ban phước. Bên dưới bàn tay Đấng Thế Tôn con mèo bé bỏng khép nép quỳ, cái đầu trắng xinh xắn cúi xuống với vẻ cung kính, an lạc.
SUY NIỆM VỀ TRUYỆN CON MÈO NHẬP NIẾT BÀN
Câu chuyện đạo lý thâm thúy trên đây do một nữ sĩ người Mỹ viết cho thiếu nhi đọc.
Tôi biết truyện này khoảng bốn mươi năm trước, thuở còn cắp sách đến trường trung học Hồ Ngọc Cẩn (gần chợ Bà Chiểu). Tuổi thiếu niên, đọc bản dịch trên một tờ tuần báo thì chỉ biết thích thú với cốt chuyện nhẹ nhàng, tao nhã, ly kỳ. Vậy thôi.
Trải qua một thời dâu biển, những sách báo ngày xưa không còn giữ được, nhưng thỉnh thoảng hồi niệm năm tháng tuổi xanh làm con mọt sách, tôi vẫn không quên câu chuyện nước ngoài. Tôi cảm nhận nó không chỉ là truyện thiếu nhi. Gờn gợn trong tôi một ý nghĩa đạo học mà câu chuyện hàm ngụ.
Muốn đọc lại truyện, tôi thử gõ vài từ khóa (key words) vào công cụ tìm kiếm Google thì dễ dàng tìm được khá nhiều websites đăng tải trọn vẹn nguyên bản tiếng Anh danh tác của nữ sĩ Elizabeth Jane Coatsworth.
Thế là tôi dịch (ngày 07-01-2011), để giới thiệu một câu chuyện đạo lý, và chia sẻ một vài suy niệm của mình.
Theo giáo lý Cao Đài, Thượng Đế là khối Đại Linh Quang, mỗi loài trong vũ trụ là một điểm tiểu linh quang chiết ra từ Thượng Đế. Trong Đại Thừa Chơn Giáo, bài Nhơn Vật Tấn Hóa, Thầy gọi điểm linh quang đó là “một điểm nguyên hồn”. Thầy dạy:
“Luật tấn hóa của thảo mộc, thú cầm, nhơn loại, nó từ từ tăng tiến mãi, nhưng cũng có thối hóa vậy.
Các con nghe: Như loại thảo mộc cũng có thọ nơi Thầy một điểm nguyên hồn. Nó cũng sống, nhưng trí hóa khờ ngây.

Các con coi đó, từ thảo mộc bắt đầu lên cho chí loài người, nó có ba cái phép:
1. Như thảo mộc thì cái gốc trở xuống, ngọn day lên (gốc đầu, ngọn chơn).
2. Rồi nó tấn hóa đến bực thú cầm thì cái đầu, cái đuôi ngang nhau.
3. Thú cầm qua nhơn loại thì cái đầu trở lên trên cái chơn xuống dưới.
Ấy là ba phép.
Vậy từ thảo mộc có một phần hồn. Thảo mộc tấn hóa mãi, muôn vạn kiếp mới bước sang qua thú cầm thì từ thú cầm đã đặng hai phần hồn. Thú cầm mới dần dần tấn hóa mãi, trăm, ngàn, muôn kiếp lên đặng làm người thiệt là trăm đắng ngàn cay, muôn thảm vạn sầu, biết bao nhiêu là công phu khổ hạnh, xả thân giúp đời một cách khó khăn cực nhọc, nhưng cũng vui lòng, mãn kiếp nọ sang kiếp kia, cứ lập công quả mãi.” ([2])
Những con vật đã tiến hóa nhiều thì khôn lanh, biết yêu thương chủ nuôi, giúp đỡ chủ… Riêng con mèo trong truyện của Elizabeth Jane Coatsworth lại có trình độ tiến hóa tâm linh khác thường. Chứng kiến những biểu hiện tiến hóa của con vật mà lúc đầu anh đã có thành kiến và không muốn nuôi dưỡng, họa sĩ tự trách: “Ta xấu hổ khi nghĩ rằng ta đã gọi một con mèo ngoan như thế là yêu tinh. Nó còn đức hạnh hơn một thầy tu.” ([3])
Tóm lại, câu chuyện của Coatsworth là một minh họa thú vị về sự tiến hóa ở loài vật. Nó cũng soi tỏ cho ta hiểu rõ thêm vì sao người tu hành không được sát sanh, và nên giữ giới ăn chay. Sát sanh phạm đức hiếu sinh của Thầy và cản đường tiến hóa của con vật. Đức Chí Tôn dạy:
“Thầy lại phân tánh Thầy mà sanh ra vạn vật là vật chất, thảo mộc, côn trùng, thú cầm, gọi là chúng sanh. Chi chi hữu sanh cũng do bởi chơn linh Thầy mà ra. Hễ có sống ắt có Thầy.” ([4])
HUỆ KHẢI
CGvDT số 193, tháng 01-2011 / Bổ túc 25-7-2012




([1]) Tôi dịch phần cuối truyện, bản tiếng Anh dài 514 từ. Bản dịch này đã đăng nguyệt san Công Giáo Và Dân Tộc số 193, tháng 01-2011. Phần suy niệm tiếp theo bản dịch tôi mới bổ sung năm nay (25-7-2012).
([2]) Đại Thừa Chơn Giáo. Hà Nội: Nxb Tôn Giáo, 2011, tr. 156-157. Quyển 36 trong Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo.
([3]) “I am ashamed when I think that I called such a cat a goblin,” he thought. “Why, she is more virtuous than a priest.”.
([4]) Thánh Ngôn Hiệp Tuyển, bài Bất Sát Sanh.




 Quý đạo hữu gần xa muốn nhận các kinh sách do Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo xuất bản, được gởi biếu qua bưu điện, xin vui lòng gởi e-mail về: daidaovanuyen@gmail.com
Và xin quý đạo hữu hoan hỷ trả giúp cước phí cho bưu điện ngay khi nhận được sách biếu.

Ban Ấn Tống trân trọng cảm ơn quý đạo hữu.