Thứ Ba, 20 tháng 9, 2016

55/3. CON CHUỘT TRONG TÂY DU KÝ / Hòa Điệu Liên Tôn


CON CHUỘT TRONG TÂY DU KÝ

Nhân vật Tề Thiên Đại Thánh (Tôn Ngộ Không, Tôn Hành Giả) trong tiểu thuyết Tây Du Ký đời Minh của Ngô Thừa Ân (khoảng 1500-1582) có tài thiên biến vạn hóa nhờ vào bảy mươi hai phép mầu (thất thập nhị huyền công). Đại Thánh từng biến hình ra nhiều thứ bông trái, côn trùng, điểu thú, v.v… Đáng kể là Đại Thánh cũng chẳng nề hà khi hóa phép biến thành con chuột.
Chẳng hạn, ở Hồi Tám Mươi Tư, Đại Thánh lẻn vào một tiệm cơm, biến thành con chuột để ăn trộm khăn áo đem về cho mấy thầy trò cải trang làm thường dân, ngõ hầu đi lọt qua ải nước Diệt Pháp (vì vua nước này kỳ thị tôn giáo, đang thi hành chính sách bách hại sư tăng nhà Phật).
Trường hợp khác, Hồi Tám Mươi Sáu kể chuyện thầy Đường Tăng bị con beo gấm thành tinh bắt ăn thịt. Con yêu này xưng là Nam Sơn Ðại Vương, mấy trăm năm hùng cứ ở núi An Vụ. Trong lúc Đại Thánh đi loanh quanh tìm cách lọt vào động cứu Đường Tăng thì thấy một ngõ sau động, liền hóa ra con chuột chạy xuống khe, lội qua khỏi suối để thám thính.
Tuy Đại Thánh giỏi biến ra chuột, nhưng bản thân lại đấu phép thua một con chuột cống thành tinh. Thật vậy, ở Hồi Hai Mươi, dọc đường thỉnh kinh, Đường Tăng bị yêu quái Huỳnh Phong bắt giam trong động núi chờ ăn thịt.
Kế đến, qua Hồi Hai Mươi Mốt, Đại Thánh đánh nhau với Huỳnh Phong (nghĩa là trận gió vàng). Con yêu này có tên như thế vì nó có phép thổi ra từ lỗ mũi, miệng và hai mắt trận gió vàng rất lợi hại, gọi là gió thần Tam Muội. Ngoại trừ Thần Thánh Tiên Phật, không ai sống sót nếu bị gió Tam Muội thổi trúng. Ngô Thừa Ân diễn tả sức tàn hại của gió Tam Muội như sau:
Ðã làm trời đất tối
Lại thêm quỷ thần kinh
Gặp núi non cũng sập
Nhằm người phải bỏ mình.
Thế nên Tề Thiên Đại Thánh dẫu tài phép cao cường mà bị gió Tam Muội của Huỳnh Phong thổi vào mặt, phải đành đại bại, bưng mắt bỏ chạy. Tuy không chết, nhưng hai mắt Đại Thánh đau nhức dữ dội. Giữa chốn rừng núi hoang vu, vô phương kiếm được bác sĩ nhãn khoa nhờ chữa trị.
May thay, tối đó Hộ Pháp Già Lam biến hóa ra ông lão, đem biếu Đại Thánh thuốc dán Tam Hoa Cửu Tử, chế tạo bằng ba thứ bông và chín thứ hột. Nhờ thế, ngủ tới sáng thì hai mắt Đại Thánh khỏi hẳn.
Con yêu Huỳnh Phong lợi hại đến thế, và y chỉ sợ mỗi Bồ Tát Linh Kiết. Tiên ông Thái Bạch Kim Tinh hiện xuống, biến hóa ra ông lão, chỉ đường cho Đại Thánh đi về hướng Nam ba ngàn dặm, sẽ thấy núi Tiểu Tu Di, là nơi ở của Bồ Tát Linh Kiết.
Bồ Tát Linh Kiết nói với Đại Thánh:
- Trước kia Phật Tổ Như Lai cho ta gậy Phi Long và ngọc Ðịnh Phong để làm bảo bối khống chế Huỳnh Phong. Ta đã từng bắt đặng nó, nhưng vì từ bi nên tha cho nó sống để nó tu hành. Nay nó vẫn không cải hối, xúc phạm đến Đường Tăng, làm ta cũng mang tội lây.
Bồ Tát đem gậy Phi Long và ngọc Ðịnh Phong cùng với Tề Thiên Đại Thánh cỡi mây bay tới động Huỳnh Phong. Đến nơi, Ðại Thánh xuống khiêu chiến, dụ yêu tinh ra khỏi động. Bồ Tát đứng trên mây, cầm ngọc Định Phong chực sẵn.
Huỳnh Phong đánh với Đại Thánh sơ sịa vài hiệp, rồi quen mửng cũ, xoay mặt về hướng Ðông Nam (cung Tốn) hớp gió thổi ra. Trên mây thấy vậy, Bồ Tát Linh Kiết ném ngọc Định Phong xuống thì gió tan, lại quẳng thêm gậy Phi Long xuống hóa ra con rồng vàng tám móng, chụp đầu Huỳnh Phong đập vào núi. Y hiện nguyên hình là con chuột cống với bộ lông màu vàng nghệ.
Đại Thánh vung gậy sắt toan đập chết cho hả giận, nhưng Bồ Tát cản lại:
- Ðừng giết! Nguyên nó là con chuột cống, tu dưới chân núi Linh Sơn (nơi Phật Tổ ở). Nó uống trộm dầu trước bàn Phật, đèn ấy thiếu dầu lu hoài. Sợ Phật Kim Cang bắt giam, nó trốn xuống trần gian làm yêu quái bấy lâu. Bây giờ bắt đặng, ta phải nạp cho Phật Tổ xét xử.
Xét về phương diện dụ ngôn, câu chuyện con chuột cống ăn trộm dầu của Phật Tổ rất thâm thúy.
Núi Linh Sơn là nơi Phật Tổ ở. Ẩn dụ này ám chỉ bất cứ một thánh đường của bất kỳ một tôn giáo nào hiện hữu trên thế gian chứ không nói riêng gì đạo Phật.
Phật Tổ vì thế tượng trưng cho bất kỳ vị giáo chủ nào mà tín đồ thờ phụng trong thánh đường của mình.
Dầu thắp đèn trên bàn thờ Phật tượng trưng cho những lễ phẩm hay tài sản vật chất mà tín đồ đem cúng vào thánh sở để giúp người tu có phương tiện tu học và hành đạo giúp đời.
Con chuột cống ăn trộm dầu của Phật tượng trưng những kẻ giả danh tu hành, núp bóng trong thánh đường để dễ “tham nhũng” những thứ mà tín đồ thành tâm cúng hiến cho đạo.
Con chuột cống thành yêu tinh, xuống trần gian nhiễu hại bá tánh. Ẩn dụ này ám chỉ những kẻ đội lốt tôn giáo, núp bóng thánh đường làm rối đạo, phá hoại đức tin của tín đồ.
Con chuột cống sở trường phép nổi gió độc làm đau mắt. Ẩn dụ này ám chỉ những kẻ giả danh tu hành để thụ hưởng lợi ích vật chất cho bản thân. Chúng thường giỏi tài “mà mắt” thiên hạ, khiến người đời khó lòng phân biện hư thật, không thể nhìn rõ giả chân, nhờ thế bọn “chuột cống” mới dễ dàng lợi dụng đức tin của tín đồ mà thâu tóm của cải về cho bản thân.
Trong thư thứ nhất gởi ông Timôthê, Thánh Phaolô viết:
“Thật thế, cội rễ sinh ra mọi điều ác là lòng ham muốn tiền bạc, vì buông theo lòng ham muốn đó, nhiều người đã lạc xa đức tin và chuốc lấy bao nỗi đớn đau xâu xé.” (6:10)
Trong đạo Cao Đài có giới răn thứ hai: Nhì bất du đạo. Ngoài ra, Điều thứ Hai Mươi Hai trong Chương Năm của Tân Luật (về Tứ Đại Điều Quy, điều thứ ba) nói rõ: “Bạc tiền xuất nhập phân minh. Đừng mượn vay không trả.”
Giới luật quy định như thế là để ngăn ngừa và cấm ngặt bè đảng yêu quái Hoàng Phong đục khoét. Nhưng giữ được giới luật ấy nghiêm minh hay không thì còn tùy ở nội lực tu đức, luyện kỷ của mỗi người trong cửa đạo.
Huệ Khải
14-01-2008
CGvDT số 1642-1643, ngày 25-01-2008




 Quý đạo hữu gần xa muốn nhận các kinh sách do Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo xuất bản, được gởi biếu qua bưu điện, xin vui lòng gởi e-mail về: daidaovanuyen@gmail.com
Và xin quý đạo hữu hoan hỷ trả giúp cước phí cho bưu điện ngay khi nhận được sách biếu.
Ban Ấn Tống trân trọng cảm ơn quý đạo hữu.