Thứ Năm, 22 tháng 9, 2016

55/14. CHÚ TIỂU / Hòa Điệu Liên Tôn


XEM CHÚ TIỂU

Có lần một người bạn đưa tôi mượn dĩa phim DVD của Hàn Quốc, nhan đề Chú Tiểu (A Little Monk), phát hành tháng 4-2003, đoạt giải phim xuất sắc tại Liên Hoan Phim Châu Á. Cơ hội thưởng ngoạn tình cờ ấy lắng đọng ở kẻ xem phim chút suy niệm về trải nghiệm kiếp người.

Phim nhẹ nhàng, diễn viên thưa thớt, cảnh trí chủ yếu xoay quanh một ngôi chùa nơi làng quê. Nhịp phim chậm và nội dung chẳng có gì ly kỳ, gay cấn, thế mà dường như mang mễ ít nhiều luận đề triết lý:
- Triết lý về nỗi kiên trì đợi chờ trong vô vọng;
- Triết lý về hành trình giải phóng tâm và cảnh;
- Triết lý về hành động dấn thân để tự dứt bỏ hệ lụy bản thân…
Dài 102 phút, Chú Tiểu là một trong mấy phim hay nhất của Hàn Quốc. Chuyện về ba thầy trò sống chung dưới một mái chùa:
- Hòa thượng già nghiêm khắc nhưng nhân hậu (diễn viên Yeong-su Oh);
- Nhà sư trẻ Jeong-sim hai mươi tuổi (diễn viên Min-gyo Kim);
- Chú tiểu Do-nyeom chín tuổi (diễn viên “nhí” Tae-jin Kim).
Kịch bản của Joo Kyeong-joong đơn giản nhưng cảm động. Chuyện lồng trong một không gian yên lành, thanh tĩnh, đẹp quyến rũ đến nỗi từ hòn đá, ngọn cỏ, cánh hoa, tán cây, dòng nước, mái ngói, nhịp cầu… tất cả đều thơ mộng tưởng như siêu thực! Người xem phim phải xé mình làm hai: vừa theo dõi tình tiết diễn tiến chậm và sâu lắng, vừa thán thưởng các cảnh đẹp tiếp nối nhau cơ hồ chẳng dứt.
Để có được hiệu quả thẩm mỹ ấy, đoàn làm phim mất một năm đi viếng hơn một trăm cảnh chùa, cuối cùng mới chọn chùa Bongjeongsa ở Andong. Hầu hết các cảnh quay đã thực hiện ở chùa này trong bốn năm.
Ngoài chiếc cầu Seungseongyo dẫn đến chùa Bongjeongsa, trong phim còn một chiếc cầu khác tên là Gangseonnu dẫn tới chùa Seonamsa. Nhà tắm chùa Seonamsa đã được mượn cho cảnh quay ba thầy trò tắm chung, vừa ngộ nghĩnh, vừa bàng bạc tình thương yêu đằm thắm.
Tuổi già và tính nghiêm khắc, hòa thượng trụ trì quên bẵng rằng hai môn đệ còn trẻ và thơ dại, họ có những đòi hỏi bức bách riêng và chúng tạo thành những trói buộc của kiếp người ở từng chặng đời. Giải thoát đối với Hòa thượng đơn giản là khép mình vào giới luật, an trú trong hiện tại và chờ ngày bỏ xác đi về cực lạc. Nhưng giải thoát trong hiện tiền đối với chú tiểu và nhà sư trẻ lại theo hai nẻo khác hẳn.
Tràn trề nhựa sống tuổi hai mươi, Jung-sim chỉ mong được thoát khỏi tiếng gọi mãnh liệt của bản năng xác thịt không ngừng đòi hỏi, thúc giục. Trong anh là trận nội chiến khốc liệt: Căm giận chính mình, giữa canh khuya tĩnh mịch, anh gõ mõ dữ dội như muốn đập tan khối gỗ, gào to giọng tụng kinh, còn gương mặt thì đau khổ tột cùng vì không sao xóa nhòa trong tâm tưởng hình ảnh đôi nam nữ đang quấn chặt vào nhau giữa cơn hoan lạc. Tuyệt vọng, anh lấy vải quấn ngón tay, tẩm dầu rồi đốt. Thịt da cháy bỏng rồi mà cớ sao ham muốn sắc dục vẫn cứ tươi nguyên!
Chú tiểu Do-nyeom chín tuổi không có chút ký ức gì về mẹ, nhưng luôn luôn khao khát tình mẹ, chỉ đau đáu mong có mẹ y như các trẻ đồng trang lứa trong ngôi làng gần chùa. Năm này sang năm khác, chú khao khát được thấy mẹ tới đem chú rời khỏi chùa để về sống trong một mái nhà thật sự. Vì chùa chẳng phải là nhà. Mỗi lần có bóng tín nữ ghé chùa là thêm một lần chú nuôi ảo vọng. Xem phim, khó cầm lòng khi thấy chú bé thơ ngây đang thèm hơi ấm của mẹ, thổn thức giãi bày với hòa thượng:
- Thầy ơi! Trong chùa lạnh lắm, không đêm nào con ngủ được!
Cuối cùng Do-nyeom và Jung-sim nhận ra mỗi người phải tự hành xử, phải đích thân giải quyết vấn nạn bản thân theo cách riêng của mình. Và đã quyết định, thì họ ra đi, bỏ chùa bỏ thầy. Kết quả? Nào biết là thành hay bại, vì phim kết thúc sau khi hai kẻ đau khổ lần lượt lên đường, dũng cảm dấn thân.
Đạo diễn Joo Kyeong-joong chọn người bỏ chùa sau cùng là chú tiểu. Bằng cách này, đoạn kết phim làm người xem se thắt cõi lòng, khi xúc động dõi mắt theo từng bước chân nhỏ bé loạng choạng lún sâu vào mênh mông tuyết lạnh đang phủ dày con đường tìm mẹ – một bà mẹ trong nỗi khát khao bất tận mà chú bé không hề biết ở đâu, thậm chí không hề có lấy một nét mặt mơ hồ trong tâm tưởng!
*
Mái chùa thường gắn liền với khái niệm thanh tĩnh. Đấy là nơi lắng đọng cho những ai muốn xa lìa cuộc đời phồn ba náo nhiệt. Nhưng phim Chú Tiểu cho thấy ngược lại. Khi lòng người chưa tĩnh lặng thì chùa thanh vắng, tịch mịch vẫn hóa ra xáo trộn, rộn ràng.
Có người nghĩ rằng tuổi nhỏ dễ tu, vì không bị chướng ngại tham dục. Nếu đúng vậy, cớ sao chú bé vẫn không thể an trú bên thầy dưới mái chùa trang nghiêm? Phải chăng tham dục ở lòng trai hai mươi của Jung-sim đã hóa thân thành tham ái ở chú bé chín tuổi Do-nyeom? Thế thì khao khát yêu thương cũng là chướng ngại khuấy động thanh tĩnh cuộc sống người tu ư?
Đối với hòa thượng, tợ như cây khô cằn cỗi, có lẽ thầy không bị tham ái hay tham dục chi phối. Chướng ngại của thầy dường như là định kiến của thầy vào cách đạt tới giải thoát. Thầy không giúp được trò và hai đệ tử đã bỏ thầy ra đi. Lão sư phụ ở lại, cô đơn giữa cảnh chùa thênh thang quạnh quẽ. Biết thầy có còn giữ được tâm hồn an nhiên nữa không nếu như nắng xuống chiều lên cũng bắt thầy nhớ nghĩ những bóng hình một thời thân thương, gần gũi?
HUỆ KHẢI
24-6-2006
CGvDT số 1567, ngày 21-7-2006


 Quý đạo hữu gần xa muốn nhận các kinh sách do Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo xuất bản, được gởi biếu qua bưu điện, xin vui lòng gởi e-mail về: daidaovanuyen@gmail.com
Và xin quý đạo hữu hoan hỷ trả giúp cước phí cho bưu điện ngay khi nhận được sách biếu.
Ban Ấn Tống trân trọng cảm ơn quý đạo hữu.