CÂU CHUYỆN Ở VỆ LONG TRUNG
Do nhã ý của quý anh lớn Cơ Quan Phổ Tế Hội Thánh Truyền Giáo
Cao Đài, tôi lần đầu tiên đặt chân
đến Quảng Ngãi để hôm nay có cơ duyên viếng thăm thánh thất Vệ Long Trung, và
được hân hạnh trò chuyện với quý chức sắc, chức việc, cùng quý huynh tỷ tín hữu
trong họ đạo.
Với bề dày năm mươi mốt năm lịch sử, họ đạo Vệ Long Trung đã
trải qua nhiều giai đoạn khó khăn, có lúc thánh thất tan nát vì đạn bom, rồi
thêm ba thập niên liên tục tu học, hành đạo trong hoàn cảnh lẻ loi đơn độc vì
bên trên không có giáo hội dắt dìu nâng đỡ. Nhưng, bất chấp tất cả những trở
ngại hay thiệt thòi đó, họ đạo Vệ Long Trung vẫn bền bỉ trụ vững, và còn phát
triển.
Chúng ta tin rằng tấm lòng những người con áo trắng nơi đây
luôn luôn được Ơn Trên chứng giám. Chẳng hạn, trong đàn cơ ngày 12-7 Mậu
Thân (Thứ Tư 04-9-1968) tại thánh thất Vệ Long Trung, Đức Giáo Tông Đại
Đạo Lý Thái Bạch dạy:
“Nơi cảnh Vệ Long Trung
nằm vào thôn quê địa cốc, nhưng lòng chư hiền đã đủ đầy nhiệt tâm
với Đạo thì dù nơi bùn sình Bần Đạo cũng đến với chư hiền.”
Trước khi được đến đây để tận mắt nhìn thấy thánh thất Vệ
Long Trung khang trang và đẹp đẽ như thế này, thì năm ngoái tôi đã được nhìn thấy tấm ảnh chụp thánh thất rất
khéo, trông rất mỹ miều, do Ban Cai Quản gởi tặng để làm bìa cho giai phẩm Đại Đạo Văn Uyển tập Hanh (số 14) phát
hành vào Quý Hai năm 2015. Nhân đây, tôi xin
nói phớt qua về loạt sách Văn Uyển.
Sau khi Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo ra
đời được ba năm rưỡi, thì đầu năm 2012 tôi
quyết định chủ biên Đại Đạo Văn Uyển, phát
hành mỗi quý một tập.
Văn Uyển có mục đích tạo nên khu vườn chung để tín hữu Cao
Đài gần xa góp mặt, cùng nhau chia sẻ các sáng tác thơ văn nhạc họa, các bài
nghiên cứu khảo luận, đồng thời giới thiệu hình ảnh và lịch sử các thánh sở
trong cộng đồng Cao Đài, v.v…
Bởi thế, năm ngoái tôi rất
vui khi hiền huynh Lễ Sanh Nguyễn Văn Hiếu, nguyên Trưởng Ban Cai Quản, đã gởi
cho Văn Uyển số 14 (năm 2015) bài viết Lược
Sử Họ Đạo Vệ Long Trung.
Bài viết rất khéo, gọn ghẽ, mà chứa nhiều thông tin. Tôi nghĩ rằng sau khi in bài viết của hiền huynh Lễ
Sanh Nguyễn Văn Hiếu trên Văn Uyển, đã có thêm hàng ngàn người biết được quá
trình hình thành và phát triển của họ đạo chúng ta, từ buổi ban sơ cho tới hôm
nay.
Đầu năm 2016, tôi mở
thêm blog Đại Đạo Văn Uyển và đã đăng
tải hết nội dung mười tám tập Văn Uyển lên Internet. Như thế, bạn đọc khắp nơi
trong nước Việt Nam
và hải ngoại nếu quan tâm tìm hiểu, đều rất dễ dàng tiếp cận được hình ảnh và
lược sử thánh thất Vệ Long Trung.
Tôi ước
mong rằng trong thời gian tới, Văn Uyển sẽ được nhận thêm bài viết từ họ đạo Vệ
Long Trung, để những thông tin về sinh hoạt tu học, hành đạo của tín hữu nơi
đây được chia sẻ rộng khắp trong cộng đồng áo trắng Cao Đài chúng ta, qua cả
hai phương tiện là sách in và Internet.
Trở lại với bài viết Lược
Sử Họ Đạo Vệ Long Trung, qua phần trình bày của hiền huynh Lễ Sanh Nguyễn
Văn Hiếu, tôi biết rằng thánh thất
Vệ Long Trung hiện nay tọa lạc tại thôn Mỹ Hòa, xã Nghĩa Mỹ, huyện
Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi, trên khoảnh đất rộng 3.000m2 đã có
từ năm 1959, do tiền bối Lê Quảng và gia đình hai người cháu nội của
tiền bối hiến cúng.
Năm 1960, thánh thất Vệ Long Trung được thành lập với hai
mươi lăm gia đình.
Lần xây dựng đầu tiên kéo dài bốn
năm. Ngày 15-4 Giáp Thìn (Thứ Ba 26-5-1964) họ đạo khánh thành ngôi tam đài
Vệ Long Trung bê tông cốt thép kiên cố.
Trong buổi sơ ngộ hàn huyên với hiền huynh Đầu Họ Đạo (Thái
Lễ Sanh Nguyễn Văn Bá) và hiền huynh Phụ Tá Đầu Họ (Thái Lễ Sanh Nguyễn Hữu
Hòa), tôi được biết rằng thuở xưa họ đạo rất phân vân giữa ba danh xưng Vệ Long Giang, Vệ Long Nguyên, và Vệ Long Trung. Họ đạo thành tâm cầu
nguyện rồi bốc thăm, chọn được mỹ hiệu Vệ
Long Trung. Tôi còn được hai vị Thái Lễ Sanh cai quản họ đạo cho biết lá
phướn của thánh thất Vệ Long Trung mang hai mươi hai chữ do Đức Lý Thái Bạch
giáng cơ ban ơn: Ngọc chiếu huyền vi vệ
pháp long môn khai chánh giáo, điển quang cơ xảo trung dung Đại Đạo chuyển Kỳ
Tam.
Sau khi khánh thành thánh thất, trong tám năm kế tiếp, họ đạo
có hơn một trăm gia đình. Bấy giờ chiến tranh đang leo thang khốc liệt. Sáng
ngày 10-8 Nhâm Tý (Chủ Nhật 17-9-1972), đạn pháo bay đến thánh thất Vệ Long
Trung, làm cho ngôi tam đài sụp đổ hoàn toàn.
Đầu năm 1973, thánh thất được xây dựng
lần thứ hai trên nền cũ, kích thước như trước. Sau hai mươi tháng xây
dựng, vào ngày 15-7 Giáp Dần (Chủ Nhật 01-9-1974) họ đạo làm lễ an vị, nhưng
phần Hiệp Thiên Đài còn dang dở.
Thánh thất Vệ Long Trung trước kia trực thuộc Giáo Hội Cao
Đài Thống Nhất (ở Sài Gòn). Sau khi Giáo Hội này giải thể vào năm 1976, họ
đạo Vệ Long Trung vẫn bền bỉ sinh hoạt độc lập trong ba mươi năm.
Cách nay mười năm, vào ngày 15-4 Bính Tuất (Thứ Sáu
12-5-2006), thánh thất Vệ Long Trung quy hiệp Hội Thánh Truyền Giáo Cao
Đài. Năm 2011 Hội Thánh chấp thuận cho họ đạo xây dựng lại thánh thất.
Lần xây dựng thứ ba dài gần bốn
năm. Thánh thất khánh thành ngày 25-01 Ất Mùi (Chủ Nhật 15-3-2015).
Như vậy họ đạo Vệ Long Trung đã có năm mươi mốt năm lịch sử,
với ba lần xây dựng thánh thất. Từ hai mươi lăm gia đình tín đồ vào năm
1960, đến năm 2015 họ đạo có được một trăm tám mươi gia đình với gần bảy
trăm tín hữu.
Những con số chúng ta vừa nhắc tới thật đáng mừng. Nhìn tòa
tam đài Vệ Long Trung kiên cố lòng chúng ta thật vui. Những thành tựu của họ
đạo hiện tại khiến chúng ta cần nghĩ xa, nhìn xa thêm để phát huy hơn nữa những
gì đang có hôm nay.
Muốn làm được như vậy, tôi nghĩ
rằng mỗi một nhân sự trong họ đạo, mỗi một thành viên trong thánh thất này,
không phân biệt ai với ai, chúng ta luôn luôn cần nhờ thánh giáo soi lối, thánh
ngôn dắt dìu cho từng bước đi.
Giai đoạn hiện thời rõ ràng chúng ta thiếu đàn cơ để được thọ
nhận thánh giáo mới. Tuy nhiên các thánh giáo do các tiền khai Hội Thánh Truyền
Giáo tiếp nhận từ giữa thập niên 1930 và nhiều năm kế tiếp vẫn còn đó, vô cùng
phong phú. Phần lớn thánh giáo ấy đã được kết tập thành bộ Thánh Truyền Trung Hưng.
Thử hỏi những lời Ơn Trên dạy trong Thánh Truyền Trung Hưng có cũ kỹ không? Có lỗi thời không? Câu trả
lời là không. Dứt khoát là không. Bởi lẽ tại Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Đại Đạo,
ngày 20-8 Mậu Thìn, Đức Giáo Tông Lý Thái Bạch dạy:
Thánh giáo thiên thu
chẳng lỗi lầm
Chơn tông vạn thế rạng
thinh âm…
Như vậy chân lý trong Thánh
Truyền Trung Hưng của chúng ta luôn luôn là chân lý vượt thời gian. Hôm nay
hay mai sau, chúng ta đều có thể tìm thấy trong đó nguồn ánh sáng nhiệm mầu soi
đường dẫn lối chúng ta tu học và hành đạo hiệu quả, đúng đắn.
*
Thật vậy, ôn học lại Thánh
Truyền Trung Hưng chúng ta thấy Ơn Trên đã ban lời vàng tiếng ngọc chỉ bày,
hướng dẫn người tín hữu miền Trung từng ly từng tý để con đường tu học và hành
đạo được đúng theo chánh pháp Kỳ Ba.
Ai trong chúng ta nếu trước đây đã từng say mê đọc các pho
truyện Tàu do Tín Đức Thư Xã ở Sài Gòn xuất bản, thì hẳn còn nhớ rằng thời xưa
các vị tôn sư mỗi khi cho phép đệ tử được xuống núi hành đạo độ đời, đều ban
trao cho đồ đệ một cẩm nang (túi
gấm). Đến khi gặp trở ngại không đủ sức vượt qua, thì đệ tử sẽ mở cẩm nang,
liền thấy sư phụ mình đã dặn dò sẵn cách thức thoát ra khỏi bế tắc.
Chẳng hạn, Tôn Tẫn khi bị Bàng Quyên mưu hại, không biết
thoát thân ra sao, bèn mở túi gấm do sư phụ là Quỷ Cốc Tiên Sinh trao cho, thấy
vỏn vẹn một chữ cuồng. Hiểu ý thầy,
Tôn Tẫn bèn giả điên giả cuồng, nhờ thế thoát khỏi âm mưu tàn độc của Bàng
Quyên.
Hiện nay chúng ta đang tu học, hành đạo Kỳ Ba. Mỗi người trên
đường góp phần thực thi sứ mạng trung hưng của Hội Thánh Truyền Giáo chẳng khác
gì những đệ tử xuống núi trong truyện Tàu, và cẩm nang của chúng ta chính là bộ
Thánh Truyền Trung Hưng vậy.
Thường ngày nghiền ngẫm Thánh
Truyền Trung Hưng và ghi nhớ đầy đủ lời Ơn Trên bảo ban trong đó, chúng ta
có thể áp dụng những khuôn vàng thước ngọc ấy cho bản thân mình, cho gia đình
mình, cho họ đạo mình.
Quả thật Thánh Truyền
Trung Hưng dạy rất nhiều điều cần thiết. Riêng trong lãnh vực cai quản và tu học ở một thánh thất, Thánh Truyền Trung Hưng giúp chúng ta
nhiều lời dạy rất hữu ích.
1. Chẳng hạn, đàn cơ tại
thánh thất Tịnh Quang, ngày 08-12 Mậu Tuất (Thứ sáu 16-01-1959), Đức Lý Giáo
Tông dạy cho chúng ta thấy lý do sâu xa
vì sao người chức sắc, chức việc ở một thánh thất lại sút kém uy thế hơn khi so sánh với vị Linh Mục ở một
nhà thờ, hay vị Hòa Thượng ở một ngôi chùa. Đức Lý dạy:
“Các Chánh, Phó Trị Sự
thiếu tôn kỉnh kẻ quyền hành chức sắc ở thánh thất, nên đạo hữu cũng coi người
Chánh, Phó Trị Sự là thường. Bởi mình không tôn trọng quyền pháp, kính nể cấp
trên để làm gương cho cấp dưới, thành ra một tổ chức không được tôn nghiêm.
Ở nhà thờ có vị Linh Mục.
Ở chùa Phật có vị Hòa Thượng. Ở thánh thất có vị Đầu Họ Lễ Sanh. Quyền ấy ngang
nhau mà trông vào vị Linh Mục, Hòa Thượng quan trọng vô cùng, dòm lại thánh
thất ta, người Đầu Họ quá bình dân kém thế!”
Căn cứ theo lời dạy của Đức Lý, chúng ta thấy bởi vì thiếu
quyền pháp mà tôn ti trật tự, sự kỉnh vì ở thánh thất
không được tôn trọng, ảnh hưởng xấu tới sự thành công và phát triển của họ đạo.
Muốn sửa chữa khuyết điểm ấy, chúng ta cần phải làm gì? Câu trả
lời là phải tôn trọng quyền pháp. Muốn cho quyền pháp được tôn trọng, mọi người
trong họ đạo cần phải thông hiểu luật Đạo. Muốn hiểu thông luật Đạo thì phải tổ
chức giảng dạy, học tập luật Đạo trong họ đạo.
Những gì vừa nói đó, chúng ta đều tìm thấy trong Thánh Truyền Trung Hưng. Thật vậy, ở đây
chúng ta dẫn chứng hai trường hợp:
a. Tại thánh thất Nam Trung Hòa, ngày 27-7 nhuần Mậu Dần (Thứ
Ba 20-9-1938), Đức Trường Canh Thái Bạch dạy:
“Lão dạy từ đây mỗi thánh
thất phải giảng luật Đạo cho rành rẽ, đặng cho
chúng sanh noi đó mà thi hành.”
b. Hai tháng sau đó, tại thánh thất Trung Thành, ngày 01-10
Mậu Dần (Thứ Ba 22-11-1938), Đức Quan Thánh Đế Quân dạy:
“Các thánh thất ngày hôm
nay mở rộng ra cả, nghĩa là để cứu lấy nhơn sanh một cách thực tế, rồi sau sẽ
tùy duyên. (…) Các nơi đều phải giảng Tân Luật.”
2. Đứng đầu một họ đạo là
vị Đầu Họ. Nhưng nếu bản thân vị
này, hoặc tín hữu trong họ đạo không hiểu rõ Đầu Họ Đạo quan trọng như thế nào
thì hoặc chính vị Đầu Họ Đạo tự coi nhẹ trọng nhiệm của mình, hoặc tín hữu
thiếu tôn trọng Đầu Họ Đạo.
Bởi thế, tại Trung Hưng Bửu Tòa ngày
16-4 Đinh Dậu (Thứ Tư 15-5-1957), Đức Ngôi Hai Ngô Minh Chiêu dạy:
“Người Đầu Họ
là người rất quan trọng, được Thầy ban quyền ban pháp,
chăm nom trực tiếp đàn chiên. Quyền hành ấy rất là trọng
hệ…”
Đức Ngô Đại Tiên dạy tiếp:
“Người Đầu Họ cầm giữ bộ
đạo, bộ đời thì cái hồn nhơn sanh đã gởi vào tay quyền pháp của người chức sắc
có sứ mạng. Người chức sắc ấy được hồng ân Thiên tứ quyền pháp tối linh là Tứ Bửu.(1)
Hội Thánh đã chia quyền
chăm nom sửa trị nền đạo một nơi thì nhơn sanh còn mất, vui khổ bởi người. Toàn
đạo đều núp dưới ân oai quyền pháp
của người. Đạo hữu chết, người có quyền cầu xin siêu độ. Sanh, đau,
già, khổ đều do người thay Thầy và Hội Thánh mà cứu. Đạo hữu trong họ thuộc
trọn quyền người xin tha xin phạt. Nếu đau, người cho phép chữa bệnh;
tai nạn nghiệp chướng, người cho phép giải oan; lầm lỗi, người tẩy
tịnh; khờ dại, người khai đàn; biết tùy sự, tùy khả năng mà
phân công an vị; giáo hóa giác ngộ là trấn thần; cứu đói trợ nghèo, chia
đau sớt buồn, xây dựng quyền sống thế gian là chẩn bạt, chẩn bạt
cho phần hồn mới liễu kiếp. Nên quyền pháp người Đầu Họ
trở nên quan trọng.” [1]
3. Mối quan hệ giữa Đầu Họ và tín đồ trong họ đạo là mối quan hệ giữa người chăn chiên và đàn chiên. Trong
thánh giáo tại Trung Hưng Bửu Tòa vừa dẫn trên, Đức Ngô Đại Tiên dạy rõ:
“Chuồng chiên đã giao cho
chăn giữ không nên nhốt chiên mãi trong chuồng, bỏ tù, phạt đói (nỗi sợ mất
đạo) hoặc thả đi rong cương, không theo coi chừng chăm sóc, hướng dẫn nơi ăn
chỗ núp (phó mặc đạo hữu).
Cũng như các con chiên bị
bịnh không đi ăn được mà không cỏ nuôi thân (chẩn tế) nhiều con bị ghẻ chốc lở
lói không kiếm thuốc đắp dặt cho lành (trị bịnh), đám chiên nhơ bẩn bùn lầy
không lo tắm rửa (tẩy tịnh) thì nào khác chi đạo hữu trong họ đạo nhiều kẻ nhơ
bẩn phạm phải quy giới, đạo pháp mà không làm các pháp trên để cứu độ về phần
hồn cũng như đời sống.”
4. Thánh thất rất quan trọng nhưng không phải người đạo Cao Đài nào
cũng hiểu rõ điều này. Chức sắc, chức việc nếu chưa tròn trọng nhiệm ở thánh
thất cũng vì không thấy thánh thất rất quan trọng. Các tín đồ lợt lạt với thánh
thất cũng vì không thấy được tầm quan trọng rất mực của thánh thất. Để chấn
chỉnh sai lầm này, các Đấng nhiều lần giáng cơ dạy bảo. Chẳng hạn hai trường
hợp sau đây:
a. Tại tỉnh đạo Quảng Nam , ngày 27-01 Bính Thân (Thứ Sáu
09-3-1956), Đức Cái Thiên Cổ Phật dạy:
“Thánh thất là nhà chung,
là cơ sở của nhơn sanh mà cũng là Bát Quái Đài tại đó. Nên
có câu:
Ai cũng muốn Tây phương
lạy Phật
Sao không lo thánh thất
chầu Thầy?
Vì thánh thất là Bạch
Ngọc Kinh của cấp nhỏ.”
b. Tại thánh thất Minh Đức, ngày 03-3 Bính Thân (Thứ Sáu
13-4-1956), Đức Phan Thanh Giản dạy:
“Các hiền có hiểu chữ
thánh thất nghĩa là chi không? Thánh thất là một chỗ ngự trụ to lớn của các Bậc
thiêng liêng và cũng là một nơi học hỏi của tín đồ tất cả. Nó là một nơi của
tín đồ giao cảm cùng Thần Tiên mà cũng là nơi Thần Tiên dạy
đạo cho tín đồ.”
5. Vì thánh thất là một nơi
học hỏi của tín đồ cho nên tại thánh tịnh Thanh Quang, ngày 27-8 Mậu Dần (Thứ
Năm 20-10-1938), Đức Vân Hương Thánh Mẫu nhắc nhở:
“Mỗi tháng có những ngày
vía lễ, hãy đến thánh thất nghe Ơn Trên dạy, bạn hữu bày, các hướng đạo giảng.
Nghe thì phải nghiệm đi suy tới. Về nhà phải nhớ luôn luôn.”
Nhưng muốn tín đồ đến thánh thất để học đạo thì thánh thất
phải thường xuyên tổ chức giảng đạo.
Do đó, ngay khi đạo Cao Đài vừa ra đời (1926), trong Tân Luật (Ðạo Pháp, Chương III, Điều Thứ
Mười Chín) đã sớm có quy định như sau:
“Một tháng hai ngày sóc
vọng, bổn đạo phải tựu lại thánh thất sở tại mà làm lễ và nghe dạy.”
Mặc dù luật Đạo quy định rõ ràng như vậy, nhưng rất nhiều
thánh sở Cao Đài trong cả nước mấy mươi năm qua đều không tổ chức được việc
giảng đạo hàng tháng hai kỳ cho tín đồ.
Bởi vậy, có không ít tín đồ tuy là con nhà đạo dòng nhưng lại
hoàn toàn mù mờ về những hiểu biết căn bản của đạo Cao Đài. Tôi kể câu chuyện có thật này để chúng ta suy gẫm,
nhưng xin giấu tên địa phương và Tòa Thánh nơi đó.
Sáng Thứ Hai 04-7 vừa qua tôi bay ra Đà Nẵng để dự lễ kỷ niệm sáu mươi năm
thành lập Hội Thánh Truyền Giáo. Tình cờ, quanh chỗ ngồi của tôi là một nhóm các chị các cô cũng bay ra Đà Nẵng
du lịch. Nghe các hành khách này rôm rả trò chuyện, biết họ là người huyện H,
tỉnh T, tôi vui miệng hỏi một chị
chừng ba mươi ngoài ngồi ghế bên cạnh: “Chị có theo đạo Cao Đài không?”
Chị ấy vui vẻ đáp: “Dạ, con là Cao Đài đạo dòng. Ông ngoại con là Lễ Sanh.”
Tôi hỏi tiếp: “Hay quá! Cụ Lễ Sanh thuộc phái
nào?”
Chị nói không biết. Tôi hỏi: “Cụ mặc áo đạo
màu gì?”
Chị ấy đáp: “Màu xanh.”
Tôi cười: “Vậy thì cụ thuộc phái Thượng.”
Con nhà Cao Đài đạo dòng mà
mờ mịt như thế, chúng ta có thấy se lòng không? Bởi vậy, tôi rất mừng rằng Hội
Thánh Truyền Giáo có Ban Phổ Tế ở thánh thất, vừa có Đoàn Phổ Tế Lưu
Động với tính cách trợ giảng cho nhiều thánh thất, đó là một ưu
điểm; rồi hai năm nữa, khóa Một hệ Hoằng Giáo tốt
nghiệp, việc dạy đạo, giảng đạo ở các thánh thất càng phát triển, đó quả là
những điểm sáng của Hội Thánh Truyền Giáo chúng ta. Đáng vui thay!
6. Ngày nay, khi đi đến các
thánh thất Cao Đài, chúng ta thường thấy có mặt nhiều gương mặt nữ phái. Các nữ tín đồ Cao Đài ở nhiều thánh thất
lắm khi lại chiếm phần trội hơn hẳn nam phái.
Chúng ta biết rằng khi đạo
Cao Đài ra đời vào đầu thế kỷ 20, thì xã hội Việt Nam còn nặng óc trọng nam
khinh nữ. Giáo lý Cao Đài đã dành một nội dung rất phong phú để giải thoát
cho nữ phái bằng cách dẫn dắt nữ phái vào đường tu học, hành đạo; vì
chỉ có tu hành chứng quả mới là con đường giải thoát tuyệt
đối cho chúng ta nói chung, và cho các ái nữ của Đức Mẹ Vô Cực Từ Tôn nói
riêng.
Để gần gũi các nữ tín hữu,
ngoài Đức Diêu Trì Kim Mẫu và Đức Quan Âm Bồ Tát, còn có các Đấng Thánh Mẫu,
Thánh Nữ, Tiên Nương, Thần Nữ, v.v… lần lượt lâm đàn dạy dỗ nữ phái Cao Đài.
Đây quả là một đặc điểm nổi bật của giáo lý Tam Kỳ Phổ Độ khi so sánh với kinh
điển các tôn giáo bạn.
Do đó, quý đạo tỷ môn sanh
Hội Thánh Truyền Giáo có thể tìm thấy trong Thánh
Truyền Trung Hưng rất nhiều đề mục hướng dẫn nữ phái tu học và hành đạo để
lập công bồi đức ngõ hầu trở về với Thầy Mẹ.
Tôi nghĩ rằng nếu tập thể nữ phái tại mỗi thánh
thất có thể tổ chức định kỳ hàng tháng những
buổi học tập các bài thánh giáo dạy riêng nữ
phái được trích trong Thánh
Truyền Trung Hưng, thì quý đạo tỷ sẽ thấy rất gần gũi với tâm trạng, hoàn
cảnh đa đoan của người phụ nữ Việt Nam vừa lo gồng gánh việc nhà, đảm đương
việc xã hội, vừa còn phải dành thời gian để tới thánh thất tu học.
Trong câu chuyện hôm nay, tôi thử nêu ra một số ít
đề mục dạy nữ phái để chúng ta tham khảo. Hy vọng rằng từ một ít trích dẫn tiêu
biểu này, quý đạo tỷ sẽ cảm thấy hứng thú để rồi sẽ tìm cách tổ chức học tập Thánh Truyền Trung Hưng với những phần
dạy riêng cho nữ phái.
a. Trước hết, chúng ta thấy
Ơn Trên rất thương cảm cho thân phận phụ
nữ phải chịu đựng quá nhiều thiệt thòi do ảnh hưởng của tập tục xã hội lâu
đời.
Tại thánh thất Trung An,
ngày 14-7 Đinh Hợi (Thứ Sáu 29-8-1947), Đức Quan Âm Bồ Tát dạy:
“Bấy lâu nữ phái các em vẫn không ra khỏi tam tùng, mà tùng trong xó bếp
góc nhà, tùng ra trước ngõ, tùng trước rặng rau, tùng sau luống sắn, có chi là
rỗi rảnh để bàn đạo đức tu trì. Bần Đạo lại nhìn vào đó càng thương hại cho tấm
thân nhi nữ quá phải nhọc nhằn! Cuộc đời nhi nữ quá đau thương!”
Tám năm sau, tại thánh thất
Thái Hòa, ngày 13-9 Ất Mùi (Thứ Sáu 28-10-1955), Đức Quan Âm Bồ Tát dạy:
“Hiện nay có hiền nữ còn bao nhiêu sự đời trói cột: Nào con nào chồng,
ruộng vườn, nhà cửa, trâu heo, suốt tháng tối ngày bao nhiêu vật ấy sai sử, cứ
vâng vâng dạ dạ, phục vụ mãi mà không chán không lờn. Ngoại cảnh: Lợi danh,
đỉnh chung, vật chất câu nhử cuốn lôi. Nội giới: Lục dục thất tình sai sử, mà
các hiền nữ nào biết nào ngờ. Thân phận khổ đau, linh hồn khốn đốn, nên bước ra
nửa bước đã nhớ lại nhà, vắng một phút một giây sợ của tiền trộm đạo, thì sao
hưởng được hạnh phúc công bằng, sao thấy được tự do chơn lý.”
b. Những bất công áp đặt lên
thân phận phụ nữ và óc trọng nam khinh
nữ đã bắt rễ từ lâu đời khiến cho nữ phái thường có mặc cảm tự ti, thấy mình thua kém nam giới từ trong nhà ra ngoài xã
hội, kể cả khi bước chân vào thánh thất.
Để giúp nữ phái xóa bỏ mặc cảm tự ti, các Đấng thiêng
liêng luôn luôn nhắc nhở nữ phái nhớ rằng gái cũng như trai, nữ cũng như nam;
vì vậy trên đường tu học và hành đạo thì nữ và nam đều bình đẳng và đồng hành trọng
trách với nhau.
Tại thánh tịnh Thanh Quang, ngày 03-01 Kỷ Mão (Thứ Ba 21-02-1939), Đức Trưng Trắc Thánh Nương dạy:
Biết đâu gái cũng như trai
Cũng con Thượng Đế
hai vai cũng đồng.
Tại thánh thất Trung Thành, 08-01 Mậu Tý (Thứ Tư 17-02-1948), Đức Tổng Lý
Trần Hưng Đạo dạy:
Đồng thời gái cũng như trai
Chớ mong nhụt bước,
chớ phai tấc lòng.
Tại Trung Hưng Bửu Tòa, ngày 02-01 Bính Thân (Thứ Hai 13-02-1956), Đức Tổng
Lý Trần Hưng Đạo dạy:
Gánh đạo từ đây chung nặng
nhọc
Độ đời thì gái cũng như trai.
Đức Tổng Lý Trần Hưng Đạo
dạy thêm:
Trai gái cùng chung một bước
đường
Dãi dầu nhiệm vụ với mười phương.
Nữ phái được khuyên dạy hãy bỏ đi mặc cảm, bỏ
thói quen rụt rè để mạnh dạn gánh vác việc phổ độ quần sanh. Tại thánh thất Trung An, ngày 20-7 Đinh Sửu
(Thứ Tư 25-8-1937), Đức Diêu Trì Kim Mẫu dạy:
Bớ con nữ lo đi cho kịp
Này trẻ thơ kíp kíp thi hành
Làm sao ra độ quần sanh
Làm sao nữ phái đắc thành
đó con!
c. Nữ phái muốn gánh vác việc phổ độ quần sanh như lời Đức
Mẹ dạy thì nữ phái phải được sắm sửa một hành trang, gầy dựng một vốn liếng
để đủ sức đảm đương.
Hành trang đó, vốn liếng đó muốn có thì nữ
phái hãy thực hành pháp môn Tam Công của Cao Đài gồm có công quả, công
trình, công phu.
Khuyên nữ phái làm công quả, tại thánh tịnh Thanh Quang, ngày 25-4 Mậu Dần (Thứ Ba 24-5-1938). Đức Diêu Trì Kim Mẫu dạy:
Con nữ phái ráng tu giỏi giỏi
Tu làm sao thoát khỏi Diêm Phù
Tu vầy mới gọi rằng tu
Tu sao công quả ngàn thu hưởng đời.
Công phu ở Hội Thánh
Truyền Giáo là pháp môn luyện châu do Đức Ngô Đại Tiên truyền dạy. Nữ phái cũng
được khuyến nhủ phải thực hành công phu. Tại thánh tịnh Thanh Quang, ngày 25-01 Mậu Dần (Thứ Năm 24-02-1938), Đức
Quan Âm Bồ Tát dạy:
Giáng đàn dạy dỗ thấp cao
Bớ chư tín nữ chớ xao lòng vàng
Cùng nhau chị hỏi em han
Chị em han hỏi tìm đàng chơn tu
Tu cần rèn lấy công phu
Công phu rồi đặng đường tu mới mầu.
Tại thánh thất Kim Quang Minh Đài, ngày 10-12 Ất Mùi (Chủ Nhật 22-
01-1956), Đức Diêu Trì Kim Mẫu dạy nữ phái song tu công quả, công phu:
Con ôi! Nữ phái tiến lên
Công phu, công quả xây nền Thánh nhi.
Về
công trình thì sao? Công trình tức
là phần luyện kỷ. Nội dung luyện kỷ có nhiều đề mục, ở đây chúng ta tạm nêu ra
một vài điều tiêu biểu.
-
Nữ phái được dạy thay vì tụm nhau chuyện phiếm, hãy tiết kiệm thời gian, dành
nhiều giờ cho việc tu học. Tại thánh thất Kim Quang Minh
Đài, ngày 10-12 Ất Mùi (Chủ Nhật 22- 01-1956), Đức Diêu Trì Kim Mẫu dạy nữ
phái:
Đừng
nhàn rỗi xúm ngồi đùa bỡn
Kiệm những giờ chơi
giỡn lập công
Con
ôi! Quả phúc lo trồng
Con
ôi! Khuya sớm dọn lòng thờ Cha.
- Ôn lại lịch sử đạo Cao
Đài, chúng ta nhớ rằng vào năm 1934, Đức Diêu Trì Kim Mẫu Vô Cực Từ Tôn thành
lập Nữ Chung Hòa Phái. Sau đó, vào
khoảng cuối thập niên 1960 thì Đức Mẹ thành lập Nữ Chung Hòa. Điều này phải chăng hàm ngụ ý nghĩa là nữ phái với
bản tánh mềm mỏng, hiền dịu, nhu thuận của mình xứng đáng làm yếu tố tích cực
góp phần xây dựng sự hòa hiệp trong
cộng đồng Cao Đài nói chung, trong từng thánh thất nói riêng.
Muốn làm được chức năng
xây dựng sự hòa hiệp thì bản thân mỗi nữ tín đồ phải sống hòa hiệp, thuận thảo
với chị em bạn đạo ngay trong thánh thất của mình.
Tại Đa Hòa, ngày 11-3
Bính Tý (Thứ Năm 02-4-1936), Đức Lê Sơn Thánh Mẫu dạy:
Khuyên nữ nhi nên gìn cho trọn
Hiệp chị em lỗi mọn thương nhau
Chẳng nên lời chuốt tiếng bào
Chê bai kích bác nên màu lạt phai.
Tại thánh tịnh Thanh Quang, ngày 25-02 Mậu Dần (Thứ Bảy 26-3-1938), Đức
Kim Mẫu Từ Tôn dạy:
Này trẻ con ôi có thấu chăng?
Chị em dìu dắt tập nhau quen
Trên hòa dưới thuận tên còn mãi
Mãi mãi công cao đức hạnh tăng.
- Nếu tập thể nữ phái trong một thánh thất đã thuận thảo, hòa hiệp với
nhau thì tình chị em bạn đạo càng thêm gắn bó, dễ dìu dắt nhau, dễ nâng đỡ
nhau, đem chỗ mạnh ở chị này bù đắp cho chỗ yếu ở chị khác, giúp nhau cùng
tiến bộ trên đường tu học và hành đạo lập công.
Tại thánh thất Trung An, ngày 20-7 Đinh Sửu (Thứ Tư 25-8-1937), Đức Diêu
Trì Kim Mẫu dạy:
Nữ phái này con có biết chưa
Chị em dìu dẫn sớm cùng trưa
Con ôi! Bể khổ muôn điều thảm
Khuyên khá bền tâm chớ thớt thưa.
Tại thánh tịnh Thanh Quang, ngày 25-3 Mậu Dần (Thứ Hai 25-4-1938), Đức Vô Cực Từ Tôn dạy:
Con ôi! Giữ Đạo thờ Thầy
Chị em khắn khít mong ngày ân ban.
Mai sau về nước Thiên Đàng
Sớm hôm có Mẹ bình an muôn đời.
Tại thánh thất Thái Hòa, ngày 15-9 Ất Mùi (Chủ Nhật
30-10-1955), Đức Diêu Trì Kim Mẫu dạy:
Chị em nâng đỡ lẫn nhau
Trước dù chậm chạp thì sau nhắc chừng.
Các
đề mục dạy nữ phái trong Thánh Truyền Trung Hưng rất phong phú, gồm
nhiều nội dung khác nhau để huấn luyện nữ phái trở nên đạo hạnh có tâm, có đức,
có tài. Tuy nhiên, trong khuôn khổ một buổi nói chuyện nho nhỏ, tôi chỉ có thể trích dẫn
rất ít để chúng ta cùng nhau xác định Thánh Truyền Trung Hưng là một món
báu vô giá mà Ơn Trên ban trao cho tín hữu Hội Thánh Truyền Giáo.
7. Ngoài nữ phái, trong sinh hoạt mỗi họ đạo thuộc Hội Thánh Truyền Giáo
còn có giới trẻ, tức là các thanh thiếu niên. Đây là tương lai của
đạo Cao Đài, là thế hệ tiếp nối lớp đàn anh đàn chị để giữ cho con đường Trung
Hưng được vững bền và phát triển theo thời gian.
Tại
thánh thất Trung Thành, ngày 15-01 Canh Thìn (Thứ Năm 22-02-1940), Đức Tổng Lý
Trần Hưng Đạo dạy:
“Chào các thanh niên. Giờ nầy Bản Thánh đến
để lời phân trần cặn kẽ bổn phận làm người và cái trọng nhiệm của tín đồ Đại
Đạo, nhất là danh dự của lớp người tuổi trẻ.
Tuổi trẻ trung là
cái tuổi ham làm việc, hăng say với nhiệm vụ, xông pha vì đạo nghĩa, dày dạn
với phong trần, để lo xốc gánh nhơn sanh, đưa dân tộc yếu hèn nhu nhược đến một
bước tự cường tự chủ.”
Tại
thánh thất Nam Trung Hòa, ngày 06-7 Mậu Dần (Thứ Hai 01-8-1938), Đức Chí Tôn
dạy:
Thầy đã nói tận
tường con rõ
Muốn đời sau đời có bình yên
Đời nay phải cậy thanh niên
Thanh niên hiện tại lưu truyền đời sau.
Thanh niên phải dồi
trau đạo đức
Thanh niên cần trí thức cho cao
Thanh niên làm chủ đời sau
Đời sau hư tệ tại màu thanh niên.
Đời vị tấn bình yên
thạnh trị
Bởi thanh niên có chí lo đời
Thanh niên sanh đứng trong trời
Thanh niên để tạo cái đời thanh niên.
Hôm
nay ở Vệ Long Trung tôi trích dẫn Thánh Truyền Trung Hưng
về thanh thiếu niên vắn vỏi như thế, nhưng có thể minh chứng rằng Thánh
Truyền Trung Hưng rất phong phú và đầy đủ, quả thật là một cẩm nang tu học,
hành đạo cho mọi thành phần tín hữu trong một họ đạo.
Do đó, chúng ta cần có chương
trình tổ chức thường xuyên học tập Thánh Truyền Trung Hưng đều khắp các
họ đạo. Một lần nữa, chúng ta nhìn nhận rằng Hội Thánh Truyền Giáo có ưu điểm
là thánh thất nào cũng có Ban Phổ Tế, năm nay lại có thêm Đoàn Phổ Tế Lưu Động
để yểm trợ cho các họ đạo, hai năm nữa quý anh chị hạnh sinh hệ Hoằng Giáo khóa
Một tốt nghiệp; như thế, chúng ta có thể vững lòng tin tưởng rằng trong thời
gian không xa, việc học tập Thánh Truyền Trung Hưng sẽ gặt hái nhiều kết
quả tốt đẹp, từ đó sẽ tác động tích cực đến việc hành đạo tại mỗi họ đạo.
8. Trong phần đầu câu
chuyện nhỏ hôm nay, tôi có bày tỏ niềm hân hoan
khi nhìn thấy tòa tam đài Vệ Long Trung uy nghi đẹp đẽ.
Những năm vừa qua, giống như Vệ Long Trung, nhiều thánh thất
của Hội Thánh Truyền Giáo ở nhiều địa phương khác nhau cũng lần lượt cổi bỏ xác
thể cũ kỹ và mang mặc một thân hình mới xinh đẹp hơn, khang trang hơn.
Người đạo chúng ta cùng chan hòa niềm vui với nhau vì sự tốt
đẹp này. Nhưng chúng ta không thể bằng lòng mãn nguyện mà tự cho phép mình dừng
lại ở niềm vui ấy. Nghĩa là mỗi lần nhìn thấy một thánh thất xây mới hay tái
thiết nguy nga, mỹ miều, người đạo chúng ta nên nhớ lại lời dặn dò của Đức Tổng
Lý Trần Hưng Đạo tại thánh đường Quảng Tín, ngày 11-7 Canh Tuất (Thứ Tư
12-8-1970):
“Giờ đây, thánh đường
ngoại giới đã an bài, toàn đạo hoan hỷ quay về xây
dựng thánh đường nội tâm. Bởi nơi ấy Thầy hằng ngự và bốn phương dễ dàng chung
về. Hãy cố gắng xây dựng thánh đường nội tâm được chắc chắn, thêm uy nghi, xán lạn.”
Thánh đường ngoại giới là Bạch Ngọc Kinh thu nhỏ.
Thánh đường nội tâm là Bạch Ngọc Kinh để Thầy, là Thượng Đế
Cao Đài, ngự trị trong tâm khảm chúng ta.
Thánh đường nội tâm ấy không xây dựng bằng vật chất hữu hình
mà bằng công phu tu luyện hàm dưỡng rất lâu ngày của mỗi tín đồ áo trắng.
Mỗi người tín hữu trong họ đạo không thể cô đơn trên hành
trình xây dựng cho bản thân thánh đường nội tâm.
Ăn cơm có canh, tu hành
có bạn.
Ban Cai Quản mỗi thánh thất với quyền pháp Hội Thánh trao phó là những người
giúp đỡ tín hữu trong họ đạo của mình xây dựng thành công thánh đường nội tâm.
Bởi lẽ đó, tại thánh thất Minh Đức, ngày 03-3 Bính Thân (Thứ
Sáu 13-4-1956), Đức Phan Thanh Giản dạy:
“Ban Cai Quản hãy cố gắng
xây đắp một thánh thể yêu thương, một tâm hồn Thượng Đế, giúp tín đồ giới giữ
quy gìn, và phải xây dựng cho mọi người được một đức tin rắn rỏi, một đạo hạnh
hoàn toàn để kịp thời mà đạt phẩm Thần Tiên.”
*
Thánh thất là một Hội Thánh thu nhỏ. Sự thành tựu tốt đẹp ở
mỗi thánh thất góp phần tạo nên sự thành tựu to tát của Hội Thánh.
Mối tương quan yêu thương và bảo trọng quyền pháp giữa chức
sắc, chức việc cùng tập thể tín hữu trong từng họ đạo quyết định những thành
tựu vững chắc của thánh thất, của họ đạo.
Hội Thánh Truyền Giáo chúng ta, các họ đạo thuộc Hội Thánh
chúng ta rất hữu hạnh khi có sẵn cẩm nang tu học hành đạo là bộ Thánh Truyền Trung Hưng, do Thầy Mẹ,
Phật Tiên, Thánh Thần ban trao.
Các Ban Phổ Tế và Đoàn Phổ Tế Lưu Động hiện nay là những bộ
phận chuyên trách đặc nhiệm truyền giáo sẽ đem Thánh Truyền Trung Hưng rao giảng cho thấm nhuần từng tâm hồn, từng
cuộc đời tín hữu trong mỗi họ đạo. Như vậy lo gì chúng ta không góp phần ý
nghĩa vào sứ mạng trung hưng chánh pháp Kỳ Ba cho thành tựu mỹ mãn.
Câu chuyện nhỏ hôm nay giữa tôi và họ đạo Vệ Long Trung trong buổi đầu sơ ngộ
xin được làm lời nguyện cầu chung của tất cả chúng ta:
Xin cầu nguyện Vệ Long Trung luôn luôn làm sáng danh Thầy,
rạng danh Đạo trong hồng ân tận độ Kỳ Ba.
Vệ Long
Trung, 09-8-2016
Huệ Khài
Tứ Bửu Pháp: Bốn pháp báu Ơn Trên ban
cho Hội Thánh Truyền Giáo Cao Đài. Bốn pháp này do Đầu Họ Đạo làm, hoặc vị Lễ
Sanh được Đầu Họ Đạo ủy quyền. Tứ Bửu gồm có:
(a) Khai Đạo Thông (thuộc về Hành Chánh:
Tẩy Tịnh, Khai Đàn, Trấn Thần, An Vị); (b) Khai Pháp Thông (thuộc về Minh Tra:
Giải Oan, Tắm Thánh); (c) Khai Nguyên
Giáo Pháp (thuộc về Phổ Tế: Trị Bịnh);
(d) Khai Sinh Cơ Thông (thuộc về Phước Thiện: Chẩn Tế).
► Quý đạo hữu gần xa muốn nhận các kinh sách do Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo xuất bản, được gởi biếu qua bưu điện, xin vui lòng gởi e-mail về: daidaovanuyen@gmail.com
Và xin quý đạo hữu hoan hỷ trả giúp cước phí cho bưu điện ngay khi nhận được sách biếu.
► Quý đạo hữu gần xa muốn nhận các kinh sách do Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo xuất bản, được gởi biếu qua bưu điện, xin vui lòng gởi e-mail về: daidaovanuyen@gmail.com
Và xin quý đạo hữu hoan hỷ trả giúp cước phí cho bưu điện ngay khi nhận được sách biếu.
Ban Ấn Tống trân trọng cảm ơn quý đạo hữu.