Thứ Bảy, 10 tháng 9, 2016

91/8. GƯƠNG SÁNG CHÂN TU / Lịch Sử Thánh Thất Cao Đài Thủ Đô Hà Nội



GƯƠNG SÁNG CHÂN TU

Thượng Giáo Sư Tô Văn Pho với cương vị mới
Lúc Anh Cả Cao Triều Phát còn tại thế, những khi tiếp xúc với các đoàn thể hay liên giao với các tôn giáo bạn, tiền bối Tô Văn Pho thường được Anh Cả giới thiệu với mọi người là Thượng Giáo Sư.
Thật ra, lúc ấy đất nước đang chia đôi, không liên lạc được với Hội Thánh Cao Đài Ban Chỉnh Đạo trong Nam; thế nên sau Hiệp Định Genève, việc công cử hay thăng thưởng chức sắc ở Hà Nội đều bị ngưng lại. Do đó, tiền bối Tô Văn Pho vẫn giữ nguyên phẩm Thượng Giáo Hữu như thuở còn thanh niên, khi rời Bến Tre ra Hà Nội.

Hà Nội những năm chiến tranh (1965-1974)

Từ tháng 4-1966, Hà Nội đã ở trong tình thế trực tiếp chiến đấu chống lại các cuộc ném bom của không quân Mỹ. Sau lần đầu tiên ném bom ở Văn Điển, các cuộc không tập gia tăng dần mà nhiều khu ở nội thành Hà Nội cũng nằm trong các mục tiêu của máy bay Mỹ.([1])
Cùng với dân Hà Nội, họ đạo thánh thất Hà Nội đều sơ tán theo lịnh chính quyền, duy chỉ có Thượng Giáo Sư Tô Văn Pho kiên quyết trụ lại để gìn giữ thánh thất. Trong những năm sống dưới mưa bom dập xuống Hà Nội, tiền bối Tô Văn Pho tham gia công tác Chữ Thập Đỏ với cương vị Chủ Tịch Quận Hội Chữ Thập Đỏ ở quận Hai Bà Trưng. Tiền bối còn công tác trong Ban Vận Động xóa nạn mù chữ, tham gia đào hầm trú bom, mỗi khi bom dứt lại xông xáo với việc tải thương, đào bới nhà cửa đổ nát để tìm xác nạn nhân, lo tẩn liệm để chuyển đến nơi an táng.
Trận ném bom phố Huế 1967
Sáng Thứ Ba 22-8-1967, tiền bối Tô Văn Pho đạp xe ra phố Huế để họp về công tác giáo dục thì một cán bộ Phòng Giáo Dục ở khu phố Hai Bà Trưng (nay là quận Hai Bà Trưng), vội tìm đến mời tiền bối quay về ngay văn phòng của Phòng Giáo Dục đặt ở số 30 phố Lê Đại Hành để họp.
Tiền bối vừa đạp xe đến cửa văn phòng này thì phố Huế, nơi tiền bối mới rời khỏi, thình lình rung chuyển dữ dội vì một trận bom khủng khiếp dội xuống. Đó là khu đông dân cư của phố Huế, đoạn chắn ngang bởi hai phố Tuệ Tĩnh và Trần Nhân Tông. Hầu hết nhà cửa chỉ còn là những đống gạch vụn ngổn ngang, sạm đen và bốc mùi chết chóc. Bị thương chín mươi người, chết ba mươi lăm.
Bỏ cuộc họp, tiền bối chạy ngược lại phố Huế để làm nhiệm vụ của người công tác Chữ Thập Đỏ. Việc đầu tiên, tiền bối lo sơ cứu người bị thương, rồi chuyển nạn nhân về tuyến hai chăm sóc trước khi đem đến bệnh viện. Sau đó tiền bối moi móc, đào bới trong chốn đổ nát hoang tàn để tìm mọi cách lấy được xác, mà có những cái không còn nguyên vẹn. Tiền bối phải mất nhiều thời gian truy tìm tên tuổi, địa chỉ nạn nhân. Thân nhân người chết sau này nhờ đó tìm được dấu tích người bạc mệnh, họ vô cùng biết ơn và tán thán lòng nhân từ và tận tụy của tiền bối Tô Văn Pho. Khi việc tẫn liệm xong xuôi, tiền bối bàn giao lại cho các toán xe đưa thi hài về nghĩa trang Văn Điển, cách Hà Nội khoảng mười hai cây số (nay nơi đây đã có lò hỏa táng). Tiền bối lo chu toàn hết mọi sự thì đã mười giờ đêm.
Những việc làm tận tụy quên mình đó đã lan xa, và kể từ khi Hà Nội bắt đầu bị ném bom cho đến lúc không quân Mỹ ngừng ném bom, tên tuổi tiền bối Tô Văn Pho đã được mọi giới ở Hà Thành ngưỡng kính, khâm phục. Sau trận phố Huế kinh hoàng ấy, thanh danh và uy tín của người tín đồ Cao Đài Nam Bộ này càng tăng. Buổi sáng sau trận phố Huế, xe của Phủ Chủ Tịch đã đến thánh thất Hà Nội rước tiền bối Tô Văn Pho vào gặp Hồ Chủ Tịch...
Hai năm sau trận ném bom phố Huế, người dân Hà Thành còn nhắc tới tiền bối trong một quyển sách nhỏ:
Ở phố Hòa Mã kể cả các phố lân cận chẳng mấy ai là người không biết ông Tô Văn Pho, Giáo Sư Đầu Đạo Cao Đài phụ trách thánh thất ở Hòa Mã. Mỗi khi nhắc tới tên ông ai nấy đều trầm trồ khen ngợi: Ông ấy là nhà tu hành nhưng rất có nhiệt tình và say sưa với công tác xã hội. Hầu như không có lúc nào ông tỏ ra lơ là, mệt mỏi.
(...) Ông tự nguyện xung phong theo học lớp băng bó cấp cứu để làm công tác được kết quả. Mỗi lần còi báo động vừa dứt, mọi người đã thấy ông ngoài đường phố với túi thuốc phòng không đeo cạnh người để làm nhiệm vụ.
Kể lại trận ném bom phố Huế, có đoạn viết:
Mấy ngôi nhà bị sập, gạch ngói đổ vỡ đè nặng lên những căn hầm có người trú ẩn. Các lực lượng giải quyết hậu quả từ các ngả đường đã nhanh nhẹn kéo về phía nhà đổ cứu chữa. Trong đám đông ấy người ta thấy một người thân hình chắc, khỏe, bộ râu đen nhánh với quần áo nhà tu bạc màu. Đó chính là ông Tô Văn Pho, người tu hành luôn xuất hiện ở những vị trí xung yếu nhất. Ông làm đủ mọi việc từ việc bới gạch, khiêng người bị nạn, đến việc hà hơi chữa ngạt cứu sống các cháu nhỏ. Mọi hành động ông đều tỏ ra bình tĩnh, thận trọng, nhưng lại rất khẩn trương. Nghe tin chỗ nào có người bị thương, ông nhanh nhẹn chạy tới lấy thuốc trong túi đeo bên người băng bó cho nạn nhân đảm bảo trước khi chuyển đi bệnh viện... Riêng trong trận này, chính bàn tay ông đã cứu sống hai cháu bé bị ngạt và băng bó cho nhiều người bị thương khác. Trong lúc ấy thánh thất ở Hòa Mã cũng bị rốc kết làm hư hại một số cửa kính nhưng ông vẫn yên tâm để bám sát và lăn lộn suốt một ngày đêm ở hiện trường, quên cả mệt nhọc và vất vả.([2])
Tháng 4-1968, không quân Mỹ ngừng ném bom Hà Nội, nhưng bốn năm sau Hà Nội lại hứng chịu những trận bom ác liệt.
Từ Thứ Hai 18-12-1972, một lực lượng lớn máy bay B52 đã liên tục mười hai ngày đêm trút bom xuống nhiều mục tiêu ở nội và ngoại thành. Nhiều khu phố như Khâm Thiên, An Dương, thị trấn, thôn xóm, nhà ga Hà Nội, kho tàng, trường học, bệnh viện Bạch Mai... đã nằm trong mục tiêu.([3])
Thánh thất Hà Nội dù chỉ còn duy nhất một người là Thượng Giáo Sư Tô Văn Pho gắng gỏi giữ gìn đã vững vàng trải qua binh lửa chiến loạn mà tồn tại.
Trận lụt lớn năm 1969
Bấy giờ, tham gia công tác hộ đê và chống lụt, tiền bối Tô Văn Pho đã sáng suốt tìm cách cứu một làng hơn hai trăm dân ở bãi giữa bên kia sông Hồng, thuộc khu phố Hai Bà Trưng.
Vào lúc chập tối, khi nước sông Hồng dâng cao quá nhanh, dân chúng không thoát được, phải trèo lên mái nhà mà nước đã mấp mé, rồi chỉ còn biết phó mặc cho số mạng.
Khi thấy tình thế đã quá nguy hiểm mà một cán bộ địa phương chỉ huy lại tỏ ra tắc trách, tiền bối Tô Văn Pho đã khẳng khái cãi lịnh ông ta để tránh cho dân chúng một thảm kịch. Tiền bối chủ động cho điều động hết các phương tiện chuyên chở từ bên này bờ sang bên kia sông Hồng và kịp thời cứu sống hơn hai trăm mạng người già trẻ lớn bé.
Một số dữ kiện khác về tiền bối Tô Văn Pho
Kể từ tháng 12-1956 về sau, tiền bối đảm nhiệm:
- Ủy viên Mặt Trận Tổ Quốc thành phố Hà Nội, đại biểu chính thức của Cao Đài Giáo miền Bắc trong Mặt Trận.
- Ủy viên Ban Vận Động Mặt Trận Dân Tộc Thống Nhất (1955).
- Ủy viên thường trực Ban Quan Hệ Bắc-Nam (1958).
- Phó chủ tịch Ủy Ban Mặt Trận Tổ Quốc quận Hai Bà Trưng.
- Chủ tịch Quận Hội Chữ Thập Đỏ quận Hai Bà Trưng (nhưng sau 1975 tiền bối xin giữ chức phó chủ tịch vì tuổi cao và muốn dành nhiều thì giờ để tập trung lo việc đạo).
- Đại biểu Hội Đồng Nhân Dân quận Hai Bà Trưng từ khóa I-XIV.
Thượng Giáo Sư Đầu Họ Đạo Tô Văn Pho nhiều lần được khen thưởng:
- Huân Chương Kháng Chiến hạng Nhất (16-12-1985).
- Huy Chương Vì Sự Nghiệp Đại Đoàn Kết Toàn Dân (19-5-1990).
- Huy Chương Vì Sự Nghiệp Chữ Thập Đỏ Việt Nam (01-11-1991).
- Huy Chương Vì Sự Nghiệp Giáo Dục.
HUỆ KHẢI




([1]) [Hà Nội 1984: 213]
([2]) [Đinh Văn Thanh 1969: 9-10]
([3]) [Hà Nội 1984: 215]


 Quý đạo hữu gần xa muốn nhận các kinh sách do Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo xuất bản, được gởi biếu qua bưu điện, xin vui lòng gởi e-mail về: daidaovanuyen@gmail.com
Và xin quý đạo hữu hoan hỷ trả giúp cước phí cho bưu điện ngay khi nhận được sách biếu.
Ban Ấn Tống trân trọng cảm ơn quý đạo hữu.