Thứ Bảy, 10 tháng 9, 2016

91/7. ANH CẢ CAO TRIỀU PHÁT TẠI HÀ NỘI / Lịch Sử Thánh Thất Cao Đài Thủ Đô Hà Nội



ANH CẢ CAO TRIỀU PHÁT TẠI HÀ NỘI

Chí sĩ Cao Triều Phát,([1]) bậc Thiên ân hướng đạo
Thứ Tư 17-4-1889 (18-3 Kỷ Sửu): Tiền bối Cao Triều Phát chào đời tại ấp Vĩnh Hinh, làng Vĩnh Lợi, tổng Thạnh Hưng, hạt Bạc Liêu.([2]) Song thân là ông Cao Minh Thạnh (1860-1919) và bà Tào Thị Xút (1858-1901).([3])
Năm 1910 (Canh Tuất): Tiền bối tốt nghiệp collège Chasseloup-Laubat (Sài Gòn), học thêm hai năm luật (1910-1912) do Tòa Án Sài Gòn mở, rồi về Bạc Liêu làm thư ký kiêm thông dịch tại Ty Niết (cơ quan tư pháp của tỉnh).
Tháng 8-1914: Thế Chiến thứ Nhất bùng nổ. Thực dân Pháp đưa gần chín vạn người Việt sang Pháp phục vụ chiến tranh Pháp-Đức. Tiền bối đăng ký làm thông ngôn trong một đơn vị lính thợ ([4]) để được sang Pháp mà khỏi tốn tiền nhà. Tiền bối tham gia nhiều hội đoàn tên tuổi và tích cực hoạt động chánh trị trên đất Pháp.([5])
Thứ Sáu 11-8-1922 (19-6 Nhâm Tuất): Tiền bối lên tàu thủy về nước.
Giữa tháng 9-1922 (tháng 7 Nhâm Tuất): Về tới Sài Gòn, tiền bối tiếp tục hoạt động công khai chống Pháp như viết báo, tham dự các buổi diễn thuyết của chí sĩ Phan Châu Trinh (1872-1926)...
Chủ Nhật 21-3-1926 (08-02 Bính Dần): Tiền bối bị thanh tra mật thám Bazin ([6]) bắt giam ở bót Catinat. Ba ngày sau, nhờ báo chí tranh đấu, tiền bối được Bazin thả ra theo lịnh Thống Đốc Nam Kỳ Maurice Cognacq.([7])
Thứ Sáu 12-11-1926 (08-10 Bính Dần): Tại Sài Gòn, tiền bối thành lập Đông Dương Lao Động Đảng, làm chánh đảng trưởng. Hai diễn đàn của Đảng là báo L’Ère Nouvelle (Kỷ Nguyên Mới) và Nhựt Tân Báo lần lượt bị Pháp đóng cửa vào Thứ Bảy 22-6-1929 và Thứ Bảy 06-7-1929.
Năm 1930 (Canh Ngọ): Tiền bối được bầu vào Hội Đồng Quản Hạt Nam Kỳ,([8]) làm việc vài năm thì xin nghỉ vì nhận ra đấu tranh ở nghị trường không kết quả.([9])
Thứ Bảy 30-4-1932 (25-3 Nhâm Thân): Tiền bối nhập môn Cao Đài tại thánh thất Thái Dương Minh, ấp Thạch Sau, xã Khánh Hòa, huyện Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng, thuộc Hội Thánh Cao Đài Minh Chơn Đạo. Hai vị tiến dẫn là Giáo Sư Nguyễn Kim Khuê và Ngọc Chưởng Pháp Trần Đạo Quang (1870-1946). Thánh thất Thái Dương Minh cất trên đất nhà (xã Khánh Hòa, quận Vĩnh Châu, tỉnh Bạc Liêu), do tiền bối Cao Triều Phát hiến tặng để dân trong vùng có nơi tu hành.([10]) Tiền bối sớm trở thành vị hướng đạo uy tín của cộng đồng Cao Đài miền Hậu Giang.([11])
Từ Thứ Sáu 18 đến Chủ Nhật 20-5-1934 (06 đến 08-4 Giáp Tuất): Tiền bối thừa lịnh Ơn Trên chủ trì một đại hội với tên gọi Hội Lý Đạo Công Đồng Giáo Lý Tôn Giáo, do Hội Thánh Cao Đài Minh Chơn Đạo tổ chức tại thánh thất Ngọc Phước Đàn (Bạc Liêu), mục đích xiển dương vạn giáo nhứt lý. Có mời ba tôn giáo Thiên Chúa, Tin Lành, Phật và các phái Cao Đài. Sau đại hội, với bút danh Sơn Kỳ Giang, tiền bối kết tập các bản tham luận, xuất bản quyển Sau Khi Cuộc Công Đồng Giáo Lý Tôn Giáo, 225 trang (16x24cm), in tại nhà in Đức Lưu Phương (Sài Gòn).
Chủ Nhật 14-02-1937 (04-01 Đinh Sửu): Tại Tòa Thánh Hậu Giang (Minh Chơn Đạo), Đức Cao Đài dạy tiền khai Ngọc Chưởng Pháp Trần Đạo Quang và tiền bối Bảo Đạo Cao Triều Phát ra Trung Kỳ vào Thứ Bảy 27-3-1937 (15-02 Đinh Sửu) để yểm trợ bổn đạo địa phương xây dựng thánh thất Trung Thành. Đức Chí Tôn dạy:
Đạo Quang, Triều Phát hai con nghe Thầy dạy.
Đạo Quang, con vì Đạo, vì nhân sinh, con phải thân hành đi đến Trung Kỳ mở cơ quy nguyên và hoằng hóa.
Phát, vì con mến Đạo thương đời, con phải nhọc nhằn với Đạo, mượn thế để giác thế, lo việc ngoại giao với Nam triều.
Vậy hai con nghe đây:
Con vì Đạo chơn trời góc bể
Con thương đời chi nệ đắng cay
Nghiêng vai gồng gánh Đạo Thầy
Phổ thông tôn chỉ Cao Đài chánh chơn
Giục đại cổ chiêu hồn trụy lạc
Khai hồng chung cầu đạt vạn sanh
Hai con trọng trách tâm thành
Nhị ngoạt thập ngũ thượng hành Trung Hưng
Hiệp nhau lại cùng chung huynh đệ
Chuyển cơ linh kẻo trễ thời kỳ
Hoằng khai Đại Đạo Tam Kỳ
Nhơn sanh hưởng ứng đồng quy về cùng
Quang, Phát! Hai con đến Trung Hưng…
Hai vị Trần và Cao đã vâng tùng Thiên lịnh.
Thứ Hai 15-11-1937 (13-10 Đinh Sửu): Tại Thông Thiên Đài, tiền bối trình dâng Ơn Trên bản thảo Lễ Bổn do tiền bối biên soạn vâng theo thánh lịnh Đức Giáo Tông Lý Thái Bạch (1935). Sau khi Đức Đông Phương Lão Tổ phê duyệt, tiền bối xuất bản Lễ Bổn vào tháng 9-1939.([12])
Thứ Sáu 27-10-1939 (15-9 Kỷ Mão): Bản điều lệ hoạt động của Thanh Niên Đạo Đức Đoàn với tên gọi Kỷ Luật Thanh Niên Đoàn Đạo Đức, gồm tám điều, do tiền bối Cao Triều Phát soạn được gởi đến chánh quyền thuộc địa. Thứ Hai 27-11-1939, chủ tỉnh Bạc Liêu là Larivière ký duyệt. Bản điều lệ được in tại nhà in Nguyễn Lộc Tiêng (Bạc Liêu), dày 18 trang (12,5x15,5cm). Theo đó, tín đồ nam (18-35 tuổi) gọi là thanh niên, mặc áo dài trắng và đội khăn đóng đen. Tín đồ nữ (16-30 tuổi) gọi là thanh xuân, mặc áo dài trắng.
Thứ Sáu 12-7-1940: Bằng đạo dụ số 3985, Thống Đốc Nam Kỳ René Veber ra lệnh khám xét các thánh thất của Hội Thánh Cao Đài Minh Chơn Đạo và nhà riêng của tiền bối Cao Triều Phát. Lúc 6 giờ sáng, nhà của tiền bối ở xóm Nhà Đèn, làng Vĩnh Lợi, thị xã Bạc Liêu bị khám xét (trong khi tiền bối không có nhà). Lúc 10 giờ 30 sáng, một nhà khác của tiền bối ở xã Khánh Hòa, huyện Vĩnh Châu cũng bị khám xét và Pháp tịch thu một số sách vở, giấy tờ.
Thứ Năm 08-4-1943 (04-3 Quý Mùi): Do quyết định số 2519 của Thống Đốc Nam Kỳ Hoeffel,([13]) tiền bối bị quản chế trong phạm vi tỉnh Bạc Liêu, mỗi tuần phải trình diện một lần.
Nhà cách mạng Cao Triều Phát
Chủ Nhật 24-6-1945 (15-5 Ất Dậu): Thay mặt Hội Thánh Minh Chơn Đạo, tiền bối hiệp cùng các phái Cao Đài thành lập Cao Đài Mười Một Phái Hiệp Nhứt tại Tam Giáo Điện Minh Tân (số 221, quai de la Marne, nay là bến Vân Đồn, Vĩnh Hội, quận 4). Tiền bối được bầu làm chủ tịch, lãnh đạo tín đồ giữ vững chơn truyền đạo Cao Đài, không để cho danh xưng Cao Đài bị các phe nhóm chánh trị và quân sự lợi dụng.
Từ tháng 8-1945 tới tháng 8-1954: Tiền bối tham gia kháng chiến, vào bưng biền, giữ nhiều chức vụ quan trọng.
Từ Thứ Hai 17 đến Thứ Hai 24-9-1945: Tiền bối vận động tín đồ Cao Đài Minh Chơn Đạo tham gia “Quỹ độc lập” và “Tuần lễ vàng”. Tiền bối và gia đình hiến cách mạng năm ngàn héc-ta ruộng và tất cả số vàng dành dụm của gia đình.
Thứ Bảy 02-11-1946 (09-10 Bính Tuất): Tiền bối phát động phong trào Quyển sổ vàng Cao Đài cứu quốc gây quỹ kháng chiến. Tiền bối và gia đình đóng góp 1.540 đồng. Sau bốn tháng vận động, tín đồ góp được thêm 136.478 đồng (thời ấy, một đồng mua được một giạ lúa).
Chủ Nhật 27-7-1947: Ngày thương binh liệt sĩ ra đời, tiền bối vận động tín đồ đóng góp một trăm ngàn đồng mua đấu giá chiếc áo lụa của Hồ Chủ Tịch để gây quỹ giúp đỡ thương binh.
Từ Thứ Ba 14 đến Thứ Sáu 17-10-1947: Cao Đài Cứu Quốc Mười Hai Phái Hiệp Nhứt ra đời tại chiến khu Đồng Tháp Mười, tiền bối làm chủ tịch.
Thứ Năm 16-10-1947 (03-9 Đinh Hợi): Hội Thánh Duy Nhứt Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ được bầu ra.
Từ Thứ Năm 14 đến Thứ Hai 18-10-1948: Tại chiến khu Đồng Tháp Mười, Cao Đài Cứu Quốc Mười Hai Phái Hiệp Nhứt đổi tên thành Cao Đài Cứu Quốc Mười Hai Phái Thống Nhứt, tiền bối Cao Triều Phát làm chủ tịch.
Thứ Ba 19-10-1948 (17-9 Mậu Tý): Hội Thánh Duy Nhứt Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ công cử tiền bối nắm quyền chưởng quản Cửu Trùng Đài.
Thứ Bảy 28-02-1953 (15-01 Quý Tỵ): Khi Hội nghị khoáng đại Cao Đài Cứu Quốc lần thứ Tư đề nghị mặc phẩm phục Giáo Tông, tiền bối từ khước, và nói: “Cứu nhơn sanh không phải bằng đạo phục. (…) Tôi trước đây đã lội sình, ăn cơm gạo mốc mà vẫn cứu được nhơn sanh. Không phải tôi cực khổ để có được ngôi Giáo Tông.
Tập kết ra Bắc
Thứ Tư 21-7-1954: Hiệp Định Genève được ký kết.
Thứ Sáu 17-9-1954: Tiền bối Cao Triều Phát tập kết ra Bắc, từ sân bay Tân Sơn Nhứt bay ra Gia Lâm (Hà Nội). Vì Hà Nội chưa được tiếp quản, tiền bối đi lên huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên, là nơi đang đặt các cơ quan trung ương của chính quyền cách mạng.
Chiều Chủ Nhật 19-9-1954: Tiền bối đến huyện Đại Từ.
Thứ Hai 10-10-1954: Tiền bối đặt chân tới Hà Nội.
Anh Cả Cao Triều Phát tại thánh thất Hà Nội (1955-1956)
Thứ Bảy 01-01-1955 (08-12 Giáp Ngọ): Tiền bối tổ chức hội nghị thống nhất đạo Cao Đài ở miền Bắc.
Thứ Hai 24-01-1955 (mùng 1 tết Ất Mùi): Tại thánh thất Hà Nội, tiền bối tổ chức buổi họp giới thiệu đạo Cao Đài với đồng bào và chính quyền.
Chủ Nhật 06-02-1955 (14-01 Ất Mùi): Với cương vị là Anh Cả của Hội Thánh Duy Nhứt Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ, tiền bối ban hành đạo lịnh số 02 như sau:

ĐẠO LỊNH

HỘI THÁNH DUY NHỨT ĐẠI ĐẠO TAM KỲ PHỔ ĐỘ

(Cao Đài Cứu Quốc Mười Hai Phái Hợp Nhất)
Chiếu y Tân Luật và Pháp Chánh Truyền của Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ,
Xét vì đại hội nhơn sanh mười hai phái Đạo họp ngày 14-10-1948 ở Đồng Tháp Mười đã bầu lên Chưởng Quản Cửu Trùng Đài Hội Thánh Duy Nhứt để đảm nhận những quyền tối cao của vị Giáo Tông quy định trong Tân Luật của Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ.
Xét vì Thượng Hội dưới quyền chủ tọa của Chưởng Quản Cửu Trùng Đài Hội Thánh Duy Nhứt có thẩm quyền phong thưởng chức sắc cho mười hai phái Đạo trong hàng ngũ Cao Đài Cứu Quốc đã giữ vững chơn truyền của Đại Đạo và đã tham gia cứu nước và kiến thiết nước nhà,
Chiếu y chương trình hành đạo được Khoáng Đại Hội Nghị Cao Đài Cứu Quốc Nam Bộ thông qua ngày 14-10-1948.
RA ĐẠO LỊNH

Điều thứ nhứt

a. Hiền hữu Đầu Họ Đạo, hiền hữu Chánh Hội Trưởng Ban Cai Quản thánh thất trung ương Hà Nội thuộc phái Ban Chỉnh Đạo và các Ban Trị Sự trực thuộc,
b. Hiền hữu Đầu Tộc Đạo, hiền hữu Chánh Hội Trưởng Ban Cai Quản thánh thất Thăng Long thuộc phái Tòa Thánh Tây Ninh và các Ban Trị Sự trực thuộc,
Đoàn kết hợp tác với nhau đi các nơi củng cố hàng ngũ tín đồ, trấn tĩnh tinh thần bổn đạo ở thủ đô và các tỉnh.

Điều thứ hai

Vị Giáo Hữu Thượng Pho Thanh và vị Lễ Sanh Thái Thái Thanh, mỗi người tùy theo phận sự, chiếu Đạo Lịnh thi hành.
Thủ đô Hà Nội, ngày 14 tháng Giêng âm lịch năm Ất Mùi (06-02-1955).
Anh Cả
Chưởng Quản Cửu Trùng Đài
Hội Thánh Duy Nhứt Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ
(Cao Đài Cứu Quốc Mười Hai Phái Hợp Nhứt)
Cao Triều Phát
(Chữ ký + con dấu)
Vài ghi nhận trong năm 1955
Thứ Hai 06-6-1955 (16-4 Ất Mùi): Giáo Sư Thượng Khảm Thanh (Phó chưởng quản Cửu Trùng Đài Hội Thánh Duy Nhứt) bệnh nặng, quy thiên tại bệnh viện 108, an táng tại nghĩa trang Nam Kỳ (số 32 Nguyễn Công Trứ, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội).([14]) Anh Cả Cao Triều Phát làm chủ tang, đã tổ chức tang lễ theo nghi thức Đại Đạo rất trang trọng.
Thứ Năm 29-9-1955 (14-8 Ất Mùi): Anh Cả Cao Triều Phát thăng ba vị Đoàn Thị Dư (thánh thất Thăng Long), Phạm Thị Giá (con học giả Thượng Chi Phạm Quỳnh), Nguyễn Văn Thái (phái Thái) lên phẩm Giáo Sư.
Tháng 10-1955: Thượng Giáo Sư Tô Văn Pho là ủy viên Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam thành phố Hà Nội.
Tháng 11-1955: Tòa Thị Chính thành phố Hà Nội chấm dứt việc thu tiền thuê nhà tại số 48 Hòa Mã. Đạo Cao Đài được trọn quyền sử dụng biệt thự này vì lý do tôn giáo, tuy nhiên chính quyền chưa cấp giấy chủ quyền sở hữu.([15])
Anh Cả Cao Triều Phát quy thiên (1956)
Thời gian Anh Cả Cao Triều Phát hành đạo tại cố đô Thăng Long chỉ được hai năm.
Thứ Tư 06-6-1956 (28-4 Binh Thân): Tiền bối dự triển lãm của Trung Quốc tại Hà Nội.
Tối Thứ Sáu 07-9-1956 (03-8 Bính Thân): Tiền bối thọ bệnh (xuất huyết bao tử). Lúc này tiền bối và gia đình ngụ ở số 26C Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Chủ Nhật 09-9-1956 (05-8 Bính Thân): Lúc 2 giờ chiều, tiền bối quy thiên tại bệnh viện B303 (Hà Nội). Tiền bối Ngô Thị Bình đi thăm họ đạo Cao Xá (Hà Đông) vừa về tới thánh thất thì được tin chẳng lành.
Linh cữu Anh Cả quàn tại Ủy Ban Trung Ương Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam (46 Tràng Thi, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội). Chủ Tịch nước Hồ Chí Minh, Chủ Tịch Quốc Hội Tôn Đức Thắng, Thủ Tướng Phạm Văn Đồng kính viếng với ba vòng hoa, đều có hàng chữ: Vô cùng thương tiếc Cụ Cao Triều Phát.
Thứ Hai 10-9-1956 (06-8 Bính Thân): Lúc 13 giờ 30, xe tang đưa linh cữu tiền bối rời trụ sở Ủy Ban Trung Ương Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam, đến nghĩa trang Nam Kỳ (số 32 Nguyễn Công Trứ, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội). Tại nghĩa trang, Chủ Tịch Quốc Hội Tôn Đức Thắng đọc điếu văn vĩnh biệt tiền bối.
Thứ Tư 30-8-1961: Hồ Chủ Tịch ký quyết định số 22/LCT, truy tặng Cao Triều tiền bối Huân Chương Kháng Chiến hạng Nhất.([16])
Chủ Nhật 22-6-1969: Trên báo Đuốc Nhà Nam phát hành tại Sài Gòn, nhà văn Thiếu Sơn ([17]) đã đăng “Bài Học Cao Triều Phát”, có đoạn viết:
“Cụ đã tham gia kháng chiến ngay từ giờ đầu và đã kháng chiến tới già tới chết. Phần lớn sự nghiệp của Cụ, Cụ đã cống hiến cho cách mạng.
Hiện tượng Cao Triều Phát là một hiện tượng đặc biệt nói lên cái nghĩa khí của người dân Nam Bộ, hơn nữa lại là một nhà giàu muôn hộ trọng nghĩa và khinh tài.”
Thủ Tướng Võ Văn Kiệt (1922-2008) từng nói:
“Tôi tham gia cách mạng nếu có mất mát thì cũng chẳng mất mát thứ gì, còn những người như Cụ Cao Triều Phát thì mất mát lớn lao. Họ đã đánh đổi cuộc sống giàu sang để vì sự nghiệp chung của dân tộc.” ([18])


Ghi chép về việc cải táng di thể Anh Cả Cao Triều Phát
Năm 1960 (Canh Tý): Cải táng lần thứ nhất, đưa tiền bối về nghĩa trang Đa Phúc, tỉnh Vĩnh Phúc, cách Hà Nội 46km, vì nghĩa trang Nam Kỳ bị giải tỏa để làm bến xe Thống Nhất.
Năm 1961 (Tân Sửu): Cải táng lần thứ hai, đưa về nghĩa trang Yên Kỳ, xã Bất Bạt, huyện Ba Vì, tỉnh Sơn Tây, vì nghĩa trang Đa Phúc bị giải tỏa để làm sân bay Nội Bài.
Tháng 9-1983: Cải táng lần thứ ba (hỏa táng). Thánh thất Đô Thành (số 414/30 Hậu Giang, phường 12, quận 6, thuộc Hội Thánh Cao Đài Ban Chỉnh Đạo) tổ chức cung nghinh di cốt tiền bối (hũ tro) về thánh thất để làm lễ truy điệu. Sau đó di cốt được đưa về nhà riêng của con gái và rể (số 4 Đặng Tất, phường Tân Định, quận 1).
Chủ Nhật 21-5-2000 (18-4 Canh Thìn): Hũ tro của tiền bối được đưa về nghĩa trang thành phố (quận Thủ Đức).
Thứ Năm 14-4-2011 (12-3 Tân Mão): Hội Thánh Cao Đài Minh Chơn Đạo thỉnh một phần tro đưa về làm lễ an vị ở Đền Trung Liệt Thánh vào Thứ Bảy 16-4-2011 (14-3 Tân Mão).
HUỆ KHẢI




([1]) Để biết chi tiết về cuộc đời và đạo nghiệp tiền bối Cao Triều Phát (1889-1956), có thể tham khảo: Cao Bạch Liên và Huệ Khải, Hành Trạng Tiền Bối Cao Triều Phát. Hà Nội: Nxb Tôn Giáo, 2010, 2012. Quyển số 27-2 trong Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo.
([2]) Tiền bối tự Thuận Đạt, bút danh Sơn Kỳ Giang.
([3]) Trong công điện số 331-S ngày 05-12-1926 gởi giám đốc Tổng Nha Mật Thám Đông Dương, trùm mật thám Nam Kỳ là Paul Arnoux báo cáo rằng họ Cao là một gia đình chống Pháp (famille anti-française). [Phan Văn Hoàng 2001: 29].
([4]) Trong hai cuộc thế chiến, thực dân Pháp bóc lột những người lao động không có tay nghề chuyên môn ở các nước thuộc địa, để thay thế thợ thuyền Pháp bị động viên ra chiến trường. Vì làm việc trong các xưởng quân khí hoặc các xí nghiệp liên quan quốc phòng Pháp, những người lao động Việt Nam thường xưng là lính thợ (ONS, tức là Ouvriers Non Spécialisés: công nhân không chuyên nghiệp).
([5]) Tại Pháp, tiền bối Cao Triều Phát quan hệ mật thiết với chí sĩ Phan Châu Trinh là nhà ái quốc mà tiền bối hết lòng ngưỡng mộ; tiếp xúc các chính khách cánh tả, các thủ lãnh công đoàn, Tổng Liên Đoàn Lao Động Pháp để nhờ bênh vực quyền lợi người thợ Việt Nam; diễn thuyết để dân Pháp biết đúng về Việt Nam.
Tiền bối tham gia: Viện Hàn Lâm Khoa Học, Nghệ Thuật Và Văn Chương La Tinh (Académie latine des Sciences, Arts et Belles Lettres); Hội Hàn Lâm Lịch Sử Quốc Tế (Société académique d’Histoire internationale); Liên Hiệp Quốc Tế Các Hội Bác Học (Fédération internationale des Sociétés savantes); Hội Nhân Quyền (Ligue des droits de l’homme), và Hội Tam Điểm (Franc-Maçonnerie).
Hội Nhân Quyền thành lập tháng 02-1898, có mục đích bảo vệ những nguyên tắc về tự do, bình đẳng và công lý. Hội này đã vận động để nhà cách mạng Phan Châu Trinh được trả tự do (1910).
Hội Tam Điểm là hiệp hội quốc tế, không phải hội kín, chỉ dành riêng một số người, xây dựng tình huynh đệ và đoàn kết.
([6]) Bazin đã ra lệnh đàn áp cuộc biểu tình của học sinh trường Petrus Ký, bắn chết trò Trần Văn Ơn… Khoảng 6 giờ 30 sáng ngày 28-4-1950, trong lúc đi bộ từ nhà đến gần cửa Tòa Thị Chính trên đường Espagne (nay là Lê Thánh Tôn, quận 1), Bazin bị tổ ám sát của Ty Công An Sài Gòn (kháng chiến) bắn chết với năm viên đạn găm vào ngực.
([7]) Maurice Cognacq (1870-1949) làm thống đốc ở Nam Kỳ, nhiệm kỳ 1921-1926.
([8]) Thành lập năm 1880, dưới thời Thống Đốc Le Myre de Vilers, Hội Đồng Quản Hạt Nam Kỳ (Conseil Colonial de Cochinchine) đại diện Sài Gòn, Gia Định, Chợ Lớn, Gò Công, Tây Ninh, có nhiệm vụ thảo luận ngân sách địa phương. Lúc đầu hội viên gồm có mười người Pháp, sáu Việt. Sau tăng lên mười bốn Pháp, mười Việt. Hội viên người Việt do đại diện các hương chức Nam Kỳ bầu.
([9]) Năm 1933 tiền bối vẫn đang làm trong Hội Đồng Quản Hạt. (Lễ Bổn. Hà Nội: Nxb Tôn Giáo, 2009, tr. 15.)
([10]) Thánh thất Thái Dương Minh bị hủy hoại trong chiến tranh. Năm 1972 cất mới tại ấp Thạnh An 3, xã Thạnh Thới Thuận, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng.
([11]) Có tài liệu cho biết tiền bối là Thái Chưởng Pháp, chưởng quản Hiệp Thiên Đài Hội Thánh Minh Chơn Đạo. Trong một đàn cơ tại thánh tịnh Ngọc Minh Đài (Vĩnh Hội, quận 4, Sài Gòn) vào Thứ Ba 25-01-1966 (05-01 Bính Ngọ), Đức Cao Triều Phát giáng, xưng là “Bảo Đạo chưởng quản Hiệp Thiên Đài Tòa Thánh Hậu Giang”.
([12]) Sách dày hơn 140 trang, in tại nhà in Nguyễn Lộc Tiêng, số 63, đường Lamothe de Carrier, Bạc Liêu. Giá bốn cắc một cuốn.
Quý Bốn năm 2008, thông qua Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo, hiền tỷ Cao Bạch Liên (ái nữ tiền bối Cao Triều Phát) đã tái bản Lễ Bổn, với phần san nhuận của Huệ Khải và Lê Anh Minh, dày 256 trang 14,5x20,5cm, ấn tống một ngàn bản (Nxb Tôn Giáo, Hà Nội). Sang quý Bốn năm 2009, sách được sửa chữa và ấn tống sáu ngàn bản (Nxb Tôn Giáo).
([13]) Ernest Thimothée Hoeffel (1900-1952) là thống đốc Nam Kỳ cuối cùng, nhiệm kỳ 1942-1945.
([14]) Ngoài Thượng Giáo Sư Nguyễn Văn Khảm, rời quê hương miền Nam tập kết ra Bắc còn có Thái Đầu Sư Nguyễn Hiền Ngô, Thượng Phối Sư Nguyễn Văn Khoan... Theo sự phân định của Anh Cả Cao Triều Phát, Thượng Phối Sư Nguyễn Văn Khoan về hành đạo ở thánh thất Hà Nội (Hội Thánh Ban Chỉnh Đạo), Thái Đầu Sư Nguyễn Hiền Ngô về thánh thất Thăng Long (Hội Thánh Tây Ninh).
([15]) [Hành Đạo 3: 19]
([16]) Có tài liệu cho biết Chủ Nhật 30-4-1961, Chủ Tịch nước Hồ Chí Minh ký quyết định số 49/LCT, truy tặng tiền bối Cao Triều Phát Huân Chương Kháng Chiến hạng Nhất. Xin ghi lại để tham khảo.
([17]) Thiếu Sơn (1908-1978) tên thật là Lê Sĩ Quý, người Hải Dương, vào Nam làm công chức bưu điện (1927), rồi thành danh với nghề viết báo, phê bình văn học.
([18]) Tạp chí Công Tác Tôn Giáo, số 8 (Hà Nội, 2015), tr. 29.


 Quý đạo hữu gần xa muốn nhận các kinh sách do Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo xuất bản, được gởi biếu qua bưu điện, xin vui lòng gởi e-mail về: daidaovanuyen@gmail.com
Và xin quý đạo hữu hoan hỷ trả giúp cước phí cho bưu điện ngay khi nhận được sách biếu.
Ban Ấn Tống trân trọng cảm ơn quý đạo hữu.