Thứ Năm, 22 tháng 9, 2016

55/15. XUÂN HẠ THU ĐÔNG / Hòa Điệu Liên Tôn



XEM XUÂN HẠ THU ĐÔNG
Dài 103 phút, nói tiếng Hàn, kèm phụ đề (Anh, Pháp, Việt…), sau khi phát hành (2004), phim Xuân Hạ Thu Đông… Rồi Lại Xuân (Spring Summer Fall Winter... and Spring) được xếp hạng trong mười phim hay.
Nhân vật:
- Lão hòa thượng (diễn viên Oh Young-soo, cũng là lão hòa thượng trong phim Chú Tiểu – Little Monk);
- Chú tiểu (diễn viên “nhí” Kim Jong-ho, cũng diễn xuất rất hay như bé Tae-jin Kim trong phim Chú Tiểu);
- Cô gái tá túc trong chùa (diễn viên Ha Yeo-jin);
- Tu sĩ (ba diễn viên Seo Jae-kyeong, Kim Young-min, Kim Ki-duk lần lượt thủ vai).
Đạo diễn (kiêm biên kịch, diễn viên): Kim Ki-duk (金基德 Kim Cơ Đức, bốn mươi ba tuổi, tự học nghề điện ảnh)
Câu chuyện lần lượt như sau, qua năm chặng, y như nhan đề phim:
XUÂN – đầu đời, tuổi ấu thơ.
Hồ nước mênh mông, núi cao vây quanh, bềnh bồng mái chùa nổi, chỉ có sư già (diễn viên Oh Young-Soo) và chú tiểu non mười tuổi (diễn viên Kim Jong-ho).
Cảnh lẻ loi, quạnh vắng, nhưng quá hữu tình. Ấn tượng sâu sắc là cách ông thầy từ bi mà nghiêm khắc uốn nắn, dạy dỗ đứa trẻ con tinh nghịch biết yêu thương các sinh vật bé nhỏ để nó từ bỏ trò chơi tai quái, hành hạ cá, ếch, rắn...
Đứa trẻ oằn người với tảng đá nặng thầy buộc ngang lưng; đem chôn xác rắn, bé khóc thảm thiết, day dứt sám hối vì nhớ lời thầy:
- Nếu con giết một sinh vật, tâm con sẽ đeo tảng đá này suốt đời.
– tuổi trẻ phơi phới, nung nấu dục tình như nắng hè thiêu đốt.
Chú tiểu trở thành chàng trai tuấn tú mười bảy tuổi (Seo Jae-kyeong).
Cũng con đường mòn trong núi nhiều năm về trước, cũng những con rắn quen mắt, nhưng bây giờ anh (đang tuổi phát dục) thấy rắn không phải là rắn. Một ổ rắn nhung nhúc từng cặp cuộn vào nhau giao phối, và anh ngất ngây quan sát.
Rắn (biểu tượng của cám dỗ tội lỗi nơi vườn Eden chép trong Cựu Ước) được tái hiện ở Xuân Hạ Thu Đông như báo hiệu cho mỗi lần nhân vật sắp phạm tội.
Nhiều cảnh sau cũng vậy: Rắn bò trên trang kinh, rắn nằm trong ngăn tủ chứa cà sa, trên bàn thờ Phật. Mỗi lần rắn xuất hiện thì sau đó xảy ra đổ vỡ!
Đỗ vỡ khởi đầu từ hôm một cô gái trẻ, xinh xắn (diễn viên Ha Yeo-jin) đến chùa tá túc để thầy anh trị bệnh:
Cô và anh yêu nhau, quấn quýt. Tấm áo thầy tu bèn trút bỏ để hai xác thịt hòa nhịp trên phiến đá giữa thiên nhiên hoang vắng cám dỗ. Họ quyện lẫn vào nhau trong khoang thuyền con bập bềnh giữa mặt hồ canh khuya đồng lõa. Thậm chí là ngay trong mái chùa trang nghiêm, sư phụ say ngủ cận kề và bàn thờ Phật gần trong gang tấc, nhưng đôi trẻ táo tợn dám biến Phật đường thành chốn ái ân hoan lạc!
Cô lành bệnh, rời chùa và anh bỏ thầy, hoàn tục.
Không cản được trò, lão hòa thượng gởi theo anh lời cảnh báo tiên tri:
- Tham dục đưa tới chiếm hữu; chiếm hữu dẫn tới giết chóc.
THU
Người đàn ông ba mươi tuổi (diễn viên Kim Young-min, tức Kim Vinh Mẫn 金榮敏) giết vợ vì ghen. Sau đó kẻ năm xưa bỏ chùa quày trở về với thầy, lòng vẫn đầy thù hận. Để định tĩnh tâm hồn đảo điên thù hận ấy, lão sư phụ buộc y khắc trên sàn bè gỗ (cũng là sân chùa) trọn bài Bát Nhã Tâm Kinh.([1])
Người yêu thư pháp phải nín thở khi xem hòa thượng một tay ôm con mèo (còn sống), một tay cầm đuôi mèo thay ngọn bút lông lần lượt viết trọn hai trăm sáu mươi chữ Hán mỹ miều để làm mẫu cho học trò khắc lõm trên sàn bè gỗ.
Hai cảnh sát hình sự cuối cùng cũng lần dò ra kẻ sát nhân đang ẩn mình nơi ngôi chùa trơ trọi giữa hồ.
Trước khi dẫn độ kẻ sát nhân, hai cảnh sát đồng ý dành cho y thêm thời gian để hoàn thành sám hối. Khi y kiệt sức lăn quay ra ngủ, hai cảnh sát cùng lão sư phụ cầm cọ xúm vào giúp y tô màu rực rỡ từng chữ kinh khắc lõm.([2])
Trò bị áp giải đi rồi, hòa thượng già cô độc chất củi lên thuyền, ra giữa hồ mượn ngọn lửa tự thiêu để thoát hồn về cõi Phật.
ĐÔNG
Mãn tù, gã đàn ông (diễn viên Kim Ki-duk) quay lại chùa xưa hoang phế, kiên trì tháng ngày hành xác, khổ tu sám hối.
Một đêm khuya, có người đàn bà che mặt lén bỏ đứa hài nhi trước sân chùa đóng băng lạnh giá.
XUÂN – phục sinh, tái tạo cuộc đời mới.
Nay đã già, nhà sư tận tâm cưu mang trẻ dại, lặp lại mảnh đời lão hòa thượng đã nuôi dạy chú tiểu khi xưa.
Thế là chu nhi phục thỉ (hết một vòng lại quay về khởi điểm), là vòng tuần hoàn (Dịch hóa).
*
Xuân Hạ Thu Đông đẹp lộng lẫy. Có người ngỡ phim giàu tính mỹ thuật và trầm lắng tư tưởng triết giáo thường tẻ nhạt, nhưng Xuân Hạ Thu Đông khác hẳn. Đạo diễn Kim Ki-duk và giám đốc hình ảnh Baek Dong-hyeon tốn nhiều công sức quay nhiều cảnh thiên nhiên đẹp lặng người, được chọn từ những góc cạnh ở một công viên quốc gia của Hàn Quốc. Vì thế Xuân Hạ Thu Đông còn thể hiện nhận thức về thiên nhiên đang dung chứa con người.
Cũng như phim Chú Tiểu của đạo diễn Joo Kyeong-joong, Xuân Hạ Thu Đông của đạo diễn Kim Ki-duk rất ít diễn viên, dè sẻn lời thoại. Ngôn ngữ thanh âm nhường chỗ cho ngôn ngữ hình ảnh.
Nhiều cảnh quay trở thành biểu tượng mang tính ẩn dụ:
Con gà trong Xuân Hạ Thu Đông có thể là sự thức tỉnh;
Con rắn là cám dỗ…
Tất cả những vui buồn, yêu ghét, sướng khổ, hợp tan, sống chết… xảy ra chỉ quanh quẩn ở mái chùa chơ vơ giữa hồ nước mênh mông: Mặt hồ đó tượng trưng biển khổ cuộc đời (khổ hải vạn trùng ba), là cõi nhân gian thu nhỏ.
Tuy đầy biểu tượng, tuy ẩn sau liên tiếp các cảnh đẹp nên thơ là luận đề triết giáo nhưng Xuân Hạ Thu Đông không bí hiểm mà thấm nhập người xem hoàn toàn tự nhiên vì Kim Ki-duk có tài biến triết giáo thâm sâu trở thành phim truyện lãng mạn.
Xuân Hạ Thu Đông kết thúc bằng những cảnh giống như khi mở đầu, tưởng như đấy chỉ là một sự lặp lại, tuy chẳng y hệt đến từng chi tiết. Bằng cách này đạo diễn và biên kịch Kim Ki-duk đã thể hiện triết lý về vòng đời là một bánh xe luân hồi (samsara) gồm bốn nhịp Thành Trụ Hoại Không (hay Thành Trụ Hoại Diệt), Sinh Trưởng Thâu Tàng, Sinh Lão Bệnh Tử…
Nhan đề phim Xuân Hạ Thu Đông… Rồi Lại Xuân tự nó đã diễn bày triết lý này, có điều, thay vì dùng các thuật ngữ đượm mùi Tam Giáo (Nho, Lão, Thích) thì Kim Ki-duk chỉ nói giản dị là Xuân Hạ Thu Đông, lấy tên bốn mùa làm ẩn dụ thơ mộng cho bốn chặng đời người.
Chú bé đầu phim và chú bé cuối phim đều ngây thơ nhưng đều tàn nhẫn với cá, ếch, rắn: Phải chăng người làm phim muốn nhắc tới luận đề của Tuân Tử 荀子 (313-238 trước Công Nguyên): Nhân chi sơ tính bản ác – Ban sơ con người tính tình vốn hung ác.
Cuối cùng mái chùa đã hướng cái ác bản năng trở thành cái thiện. Đó là vai trò thiêng liêng của giáo dục nhân bản nói chung, của đạo lý tôn giáo nói riêng.
Chàng trai khi bỏ chùa để hoàn tục, lén trộm tượng Phật mang đi. Giết người, trở về chùa, tượng Phật vẫn đem theo bên mình. Đi tù xong rồi quày lại chùa tu tiếp, trải qua mấy chục năm dập vùi tâm hồn và thân xác thế mà tượng Phật cũ vẫn toàn vẹn, để rồi được đem đặt trên đỉnh núi cao nhìn xuống thung lũng giữa ánh sáng đẹp ngời như hào quang tung tỏa. Đây chính là ẩn dụ.
Bằng ẩn dụ này, phải chăng Kim Ki-duk ngụ ý nói tới Như Lai, Phật Tánh? Tới không thêm, đi không bớt, là Như Lai. Còn Phật Tánh thì không sinh cũng không diệt.
Con người dù lăn lóc trần cấu, đắm chìm trong tham dục và sa đọa chốn tội tình, nhưng cái hạt giống thiện căn Trời phú không bao giờ mất đi. Cao Đài gọi đó là Tính Trời (Thượng Đế Tính). Thế nên mới nói: Không vị Thánh nào không có quá khứ và chẳng kẻ trộm nào chẳng có tương lai.
Các nhân vật trong Xuân Hạ Thu Đông hoàn toàn vô danh, vì Xuân Hạ Thu Đông không hề là mảnh đời riêng của cậu Giáp, cô Ất nào đó. Nó là câu chuyện chung của anh chị, của tôi, của tất cả những ai đang mang thân phận con người: Chúng ta phải đớn đau giằng xé, phải oằn oại đấu tranh với chính bản năng tự nhiên để cố gắng thăng hoa phần thánh thiện phú bẩm nội tại, để trong ta phần CON ngày càng giảm thiểu và phần NGƯỜI ngày càng tăng trưởng.
HUỆ KHẢI
24-7-2006




([1]) Bản dịch chữ Hán (của Tam Tạng Pháp Sư Huyền Trang đời Đường, thế kỷ 7) gồm hai trăm sáu mươi chữ, mở đầu như sau:
Quán Tự Tại Bồ Tát hành thâm bát nhã ba la mật đa thời, chiếu kiến ngũ uẩn giai không, độ nhất thiết khổ ách. 觀自在 菩薩行深般若波羅蜜多時, 照見五蘊皆空, 度一切苦厄.
Nghĩa là:
Đức Bồ Tát Quán Tự Tại lúc thực hành thâm sâu bát nhã ba la mật, soi thấy năm uẩn đều không, vượt qua mọi khổ nạn.
([2]) Chi tiết này nhắc chúng ta nhớ tới nhân vật Toàn Khai (Zenkai 全開). Là con trai một võ sĩ (samurai 武士), anh rời quê nhà tới Giang Hộ (Edo 江戸) hầu cận một ông quan. Dan díu với vợ quan, chuyện vở lỡ, anh giết ông chồng rồi dắt người tình trốn đi, trở thành hai kẻ trộm cắp. Người tình ấy quá tham lam, Toàn Khai khinh ghét, bỏ trốn tới một nơi xa xôi là Phong Tiền (Buzen 豐前) xin ăn qua ngày.
Trong vùng có một dốc núi hiểm trở làm nhiều người mất mạng. Để sám hối tội lỗi, Toàn Khai bắt tay đào một đường hầm xuyên núi. Ban ngày xin ăn, ban đêm đào hầm, sau ba mươi năm ròng rã, chỉ dùng đục và búa anh đào được đường hầm dài khoảng một trăm tám mươi lăm mét.
Trước khi đường hầm hoàn tất, con trai ông quan lần dò ra tung tích Toàn Khai và tìm tới Phong Tiền. Bằng lòng chịu chém, nhưng Toàn Khai khẩn khoản xin gia hạn cho tới khi đào xong đường hầm. Kẻ báo thù ưng chịu. Thời gian chờ đợi quá lâu, để quên đi chán nản vì nhàn rỗi, kẻ đòi nợ máu bèn cầm búa và đục. Rốt cuộc, anh hóa ra siêng năng, lẳng lặng phụ giúp Toàn Khai suốt hai năm, và nhân cách kẻ sám hối dần dần chinh phục anh hoàn toàn.
Khi Toàn Khai sung sướng ném búa đục xuống, thản nhiên ngửa cổ đón chờ lưỡi gươm oan nghiệt bổ xuống thì kẻ kia nước mắt ràn rụa thốt: “Làm sao con giết sư phụ của con được!”.