DỊCH KHÔNG DIỆT
Tháp Babel hay rào cản ngôn ngữ
Thoạt kỳ thủy nghề phiên dịch không
có. Tại sao thế? Kinh Cựu Ước, Sáng Thế Ký 11:1-9, cho biết ban sơ mọi người
trên thế gian đều nói cùng một thứ tiếng và dùng những từ ngữ giống nhau, ai
cũng dễ hiểu nhau.
Thế rồi con người di chuyển sang phía
Đông, định cư tại Shinar .
Họ nung gạch, làm hồ để xây một thành phố và một tháp cao tận trời. Con người
bấy giờ không muốn bị phân tán khắp mặt đất. Nhưng Ðức Chúa xuống xem thành và
tháp, rồi Ngài làm cho tiếng nói con người xáo trộn, không ai hiểu ai nữa, lại
còn phân tán họ ra khắp nơi trên mặt đất. Cái tháp xây dở dang của họ được đặt
tên là tháp Babel .
Do tích này, một số tác giả dùng
thuật ngữ tháp Babel
như biểu tượng của sự bất đồng ngôn ngữ thế gian. Vì thế, các tác giả trên mạng
Los Vengadores (1) ví những dịch giả phá vỡ rào cản ngôn ngữ là những người có
công đục phá tháp Babel .
Thánh bổn mạng của dịch giả
Chuyện bất đồng ngôn ngữ (qua tích
tháp Babel) sớm được chép trong Kinh Thánh, và có lẽ cũng chính Kinh Thánh là
một trong mấy “nhân duyên” lớn trong cõi nhân gian đã sớm tạo ra một lực lượng
chuyên trách việc dịch thuật. Không biết ở các nền văn hóa khác, ông tổ nghề
dịch là ai, riêng đối với các dịch giả Công Giáo thì từ xưa họ đã sớm có vị
thánh bổn mạng hay thánh quan thầy (patron saint) là Thánh Jerome.
Thánh Jerome là người Hy Lạp, sinh
khoảng năm 347, trở về với Chúa ngày 30-9-420, được Tòa Thánh Vatican phong là
tiến sĩ Hội Thánh (doctor of the Church). Ngài có công dịch Kinh Thánh từ tiếng
Hy Lạp và Hebrew sang tiếng Latin, theo lệnh của Đức Giáo Hoàng Damasus I
(khoảng 305-383) vào năm 382.
Bản dịch Kinh Thánh của Thánh Jerome
được biết với tên gọi Vulgate, tương truyền do hai chữ versio vulgata, có nghĩa
bản văn dịch được phổ biến cho công chúng (the translation made public). Giáo
Hội Công Giáo từng dùng bản dịch này trong nhiều thế kỷ và Thánh Jerome vẫn
được xem là một trong các dịch giả lớn nhất trong lịch sử, mặc dù bản dịch của
Ngài ngay khi vừa công bố đã gây ra nhiều tranh cãi. Chả rõ Thánh Jerome có
liên quan gì tới việc tranh cãi chung quanh câu kinh “Con lạc đà chui qua lỗ
kim” hay không.
Con lạc đà hay sợi dây thừng?
Đây là một “điển” (case) lý thú
thường được giới dịch thuật nhắc tới. Nguyên, trong kinh Tân Ước, ba vị thánh
tông đồ Luca, Maccô, Matthêu (2) đều chép gần giống nhau lời Chúa Giêsu dạy như
sau:
“Quả vậy, con lạc đà chui qua lỗ kim
còn dễ hơn người giàu vào nước Thiên Chúa.” (Luca 18:25)
“Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ
hơn người giàu vào nước Thiên Chúa.” (Macco 10:25)
“Thầy còn nói cho anh em biết: Con
lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu vào nước Thiên Chúa.” (Matthêu
19:24)
Cái lỗ kim bé xíu chỉ đủ xỏ sợi chỉ,
hà cớ dắt lạc đà (camel) có bứu to tướng đi qua cái lỗ ấy mà chi? Những người
rỗi việc, không siêng lo học theo kinh để tu dưỡng tâm tánh mà lại hay lý sự
thường thắc mắc như thế.
Cuối cùng họ “giải mã” rằng chẳng qua
có sự nhầm lẫn của các dịch giả Kinh Thánh. Theo họ, câu này lẽ ra phải là xỏ
sợi dây thừng qua lỗ kim còn dễ… Giữa sợi dây thừng và sợi chỉ có sự tương đồng
nào đó, như vậy ẩn dụ của Chúa Giêsu mới hữu lý và thâm thúy.
Ở đâu ra con lạc đà?
Nói có sách, mách có chứng. Những
người đòi “hiệu đính” bản dịch Tân Ước tỏ ra rất chịu khó lục lọi sách vở để
chứng minh lý lẽ của họ đúng. Họ trưng dẫn nhiều kiểu, nêu ra khá nhiều chứng
cớ. Ở đây tạm dẫn lại một trường hợp mà thôi.
Theo họ, chữ dây thừng, dây cáp
(rope, cable) trong tiếng Hy Lạp là kamilos; nó rất giống chữ kamêlos là con
lạc đà. Quả thật, camel (lạc đà) trong tiếng Anh có từ nguyên Latin là camêlus,
và camêlus bắt nguồn từ gốc Hy Lạp là kamêlos. Đó là lý do dịch nhầm!
Sự nhầm lẫn do tự dạng chữ viết na ná
nhau như thế xưa nay vốn chẳng lạ. Người học chữ Nho ắt đều nhớ trường hợp chữ
tác 作 (làm) nhầm với chữ tộ 祚 (phúc lành), chữ ngộ 遇 (gặp gỡ)
nhầm với chữ quá 過 (lầm lỗi).
Nhưng họ có cố biện giải, có ráng
chứng minh thế nào thì Kinh Thánh trước sau vẫn cứ giữ nguyên “hiện trạng” là
“con lạc đà chui qua lỗ kim”.
Kể ra cũng nên thông cảm cho những kẻ
“lý sự” về ý muốn hiệu đính lạc đà (kamêlos) thành dây thừng (kamilos), bởi họ
chỉ muốn dịch phải trung thực, phải chính xác, không được phản bội nguyên tác.
Khi nói dịch mà không phản bội, ai
cũng nhớ ngay câu nói Latin quá nổi tiếng: Traduttore, traditore.
Traduttore, traditore.
Xưa nay giới dịch văn thường nhắc tới
câu Traduttore, traditore như một cảnh báo về tai nạn nghề nghiệp. Người Anh
dịch câu này là Translator, traitor (người dịch, kẻ phản bội), còn người Pháp
dịch là Traduire, c'est trahir. Do ảnh hưởng của tiếng Pháp, trong mấy mươi năm
qua người Việt quen nói Dịch là phản.
Xét ra cách dịch của Anh, Pháp rất
khéo vì họ đều lặp lại ba chữ cái “tra-” giống như tiếng Latin, chẳng khác gì
chơi chữ. Trái lại, cách dịch của người Việt không thể hiện được sự lặp lại
này.
Có lẽ đã nhận ra điều chưa khéo ấy,
thời gian gần đây người Việt sửa lại: Dịch là diệt.
Diệt (hủy diệt, tiêu diệt) và dịch có
hai âm na ná nhau, nên khắc phục được thiếu sót ba chữ cái “tra-” xưa kia. Quả
là sáng kiến tài tình!
Tuy nhiên không bám sát vào nguyên
tác chưa hẳn đã là “diệt”. Câu thơ nổi tiếng của Thôi Hiệu (khoảng 704-754)
trong bài Hoàng Hạc Lâu là “Yên ba giang thượng sử nhân sầu”. 煙波江上使人愁. Rõ
ràng nhân là người ta; sử nhân sầu là khiến xui cho người ta buồn. Nhưng Tản Đà
(1888-1939) dịch nhân là ai, và hạ thủ một câu tuyệt tác: Trên sông khói sóng
cho buồn lòng ai. Chữ ai này không phải để hỏi, nó là chữ ai độc đáo của tiếng
Việt như Bà Huyện Thanh Quan than thở: Khiến ai qua đó chạnh niềm đau. Và sau
khi Tản Đà dịch tới bến tới bờ như thế rồi thì dường như sau ông không còn ai
dịch bài thơ Lầu Hạc Vàng hay hơn được nữa! Thế thì, chẳng những không “diệt”
Thôi Hiệu mà Tản Đà đã sáng tạo, gieo được dấu ấn rất riêng của mình trong bản
dịch. Dịch mà sáng tạo, đó chính là quan điểm của Nguyễn Hiến Lê (1912-1984).
Dịch khéo cũng là sáng tạo
Trong Hồi Ký, Nguyễn Hiến Lê cho
biết, khi dịch văn, gặp những chữ Dieu hay God ông không dịch là Thượng Đế hay
Chúa mà chọn cách gọi xưa nay quen thuộc, tình cảm của đông đảo người Việt là
Trời Phật. Ông còn xác định:
“… dịch một bài văn, một bài thơ,
cũng như diễn một bản nhạc, cũng là làm công việc sáng tạo mặc dầu dịch rất sát
không thêm bớt. Dịch giả – nếu có tài – cũng là một nghệ sĩ, và mỗi bản dịch
cũng là một nghệ phẩm. Không một bản dịch nào đúng hẳn với nguyên tác; bản dịch
nào cũng mang ít nhiều cá tính, tài năng của người dịch, tinh thần của ngôn ngữ
người dịch, cũng để lộ tâm tư của người dịch, cái không khí của thời đại người
dịch.” (3)
Từ quan điểm cho rằng dịch khéo thì
cũng là sáng tạo, hãy quay lại với Kinh Thánh. Ai cũng biết tuyết (snow) là
tuyết, và dừa (coconut) là dừa. Hai thứ khác nhau hoàn toàn (cũng như dây thừng
và… lạc đà). Thế nhưng đã có người dám dịch tuyết thành dừa, mà không hề “diệt”
Kinh Thánh.
Tuyết hay dừa?
Trong một hồi ức, Mục Sư Richard
Wurmbrand (người Romania, sinh 24-3-1909, trở về với Chúa ngày 17-02-2001) kể
rằng ông đã từng cố ý dịch sai Cựu Ước.
Trong chương 1 Sách tiên tri Isaiah,
câu 18, thường được dịch như sau: Dầu tội các ngươi [đỏ] như hồng điều, sẽ trở
nên trắng như tuyết … (though your sins be as scarlet they shall be as white as
snow…).
Khi giảng đạo cho người Trung Phi,
Mục Sư Wurmbrand sực nhớ rằng họ cả đời không thấy tuyết rơi trắng xóa, không có
khái niệm tuyết trắng ra sao. Trái lại, với trái dừa thì người Trung Phi nào
cũng quá quen thuộc. Thế nên, để cho họ dễ lãnh hội câu kinh Isaiah 1:18, Mục
Sư không ngần ngại dịch chệch đi như sau: Dầu tội các ngươi như hồng điều, sẽ
trở nên trắng như cơm dừa …
Người Trung Phi không mất công chứng
minh ông mục sư “cả gan” này đã “Traduttore, traditore”, mà họ dành thời gian
để thực hành sống đạo, sao cho tội lỗi của họ sẽ được gột rửa sạch tinh như màu
trắng muốt của miếng cơm dừa mà từ thuở bé đến già, ngày nào họ cũng nhìn thấy,
đến quen cả mắt.
(1)
http://losvengadores.theavengers.tv
(2) Theo bản dịch của Nhóm Phiên Dịch
Các Giờ Kinh Phụng Vụ (www.catholic.org.tw).
(3) Nguyễn Hiến Lê, Hồi Ký. Nxb Văn
Học 1993, tr. 407.
HUỆ KHẢI
30-01-2007
CGvDT số 146, tháng 2-2007► Quý đạo hữu gần xa muốn nhận các kinh sách do Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo xuất bản, được gởi biếu qua bưu điện, xin vui lòng gởi e-mail về: daidaovanuyen@gmail.com
Và xin quý đạo hữu hoan hỷ trả giúp cước phí cho bưu điện ngay khi nhận được sách biếu.
Ban Ấn Tống trân trọng cảm ơn quý
đạo hữu.