NGHĨ VỀ HOẰNG GIÁO CAO ĐÀI
“Ngay bây giờ các con
phải lên đường với bao sứ mệnh độ đời, gieo truyền thánh đức, làm sao cho nhân
sinh cảm mến giáo lý của Thầy, làm sao cho người người cảm phục.”
Đức NGỌC HOÀNG
THƯỢNG ĐẾ
Trung Hưng Bửu Tòa
08-6 Bính Thân (Chủ Nhật 15-7-1956)
Hôm nay
tại thánh thất Trung Minh,([1]) nhân lễ khai giảng Hạnh Đường hệ Hoằng Giáo khóa Một
(chương trình hai năm 2016-2018), tôi rất hân hạnh được quý chức sắc quản lý Hạnh
Đường của Hội Thánh Truyền Giáo Cao Đài thương mến nên có nhã ý trao tặng tôi một
cơ duyên để chia sẻ chút cảm nghĩ về sự kiện trọng đại này.
Trước hết,
suy nghĩ về hai chữ hoằng giáo, tôi
muốn xin được cùng nhau ôn lại ý nghĩa căn bản của hai chữ này mặc dù nơi đây
ai ai cũng đều hiểu rõ.
Hoằng 弘 là mở rộng ra, làm cho lớn mạnh. Giáo 教 là tôn giáo, và cụ thể ở đây là Cao Đài Giáo, là đạo Cao
Đài.
Tôn giáo
nào cũng có lúc phải trải qua những thăng trầm, biến đổi. Do đó, khi viết bài Tựa cho tác phẩm Kim Liên Chánh Tông Ký,([2]) đạo sĩ Tần Chí An (1188-1244) xưa kia đã khẳng định rằng
tôn giáo hữu thời nhi phế, hữu thời nhi
hưng 有時而廢, 有時而興, nghĩa là tôn giáo có
lúc suy yếu, có lúc hưng thịnh.
Tôn giáo phế hưng đều do sự tác động của
con người. Con người tác động tích cực thì tôn giáo hưng thịnh; con người tác động
tiêu cực thì tôn giáo suy vi.
Thành thử đạo Cao Đài nói chung hay Hội
Thánh Truyền Giáo Cao Đài nói riêng luôn luôn rất cần có những con người hoằng giáo để làm cho tôn giáo Cao Đài
được hưng thịnh và phát triển vững bền.
Tôi nghĩ
rằng nhiệm vụ hoằng giáo ấy không hề dành riêng cho một thành phần đặc biệt nào
trong Hội Thánh.
Tôi luôn
tin rằng hoằng giáo Cao Đài là bổn phận chung của từng người tín đồ Cao Đài. Tại
sao vậy?
Hằng
ngày tín đồ chúng ta cúng tứ thời, mà kết thúc thời cúng bao giờ cũng là nghi
thức đọc Ngũ Nguyện. Hai câu đầu tiên là:
Nam mô
nhứt nguyện Đại Đạo hoằng khai.
Nhì nguyện phổ
độ chúng sanh.
Tôi hiểu
rằng mỗi khi hứa nguyện như thế không có nghĩa là chúng ta cầu xin Ơn Trên ra
tay làm giùm chúng ta việc hoằng khai đạo Cao Đài, và cũng không có nghĩa cầu
xin Ơn Trên ra tay phổ độ chúng sanh giùm chúng ta.
Nói cách
khác, khi quỳ trước Thiên Bàn mà xướng lên hai lời nguyện đó tức là tín đồ
chúng ta hàng ngày bốn lần tự hứa nguyện với Thầy, cũng là bốn lần tự nhắc nhở
bản thân phải thi hành hai bổn phận hoằng giáo Cao Đài và phổ độ nhơn sanh.
Bấy lâu
nay tôi vẫn hiểu và tin bổn phận của người tín đồ Cao Đài là như vậy. Mới rồi,
khi đọc quyển Hồng Ân Tận Độ ([3]) của Giáo Sư Thượng Liêm Thanh thì tôi càng thêm vững dạ
rằng mình đã hiểu đúng và tin đúng.
Thật vậy,
trong sách, ở trang 102, Thượng Giáo Sư Phạm Văn Liêm có chép lời dạy của Đức Cao
Tiếp Văn Pháp Quân tại Trung Hưng Bửu Tòa ngày 30-01 Đinh Dậu (Thứ Sáu
01-3-1957), nguyên văn như sau:
“Về tôn giáo, người tín đồ phải giữ đạo, truyền đạo.”
Tiếp qua
trang 110-111, lại thấy Đức Cao Tiếp Văn Pháp Quân minh định:
“Bây giờ nói qua về phần truyền đạo.
Phần nầy không phải riêng cho giáo sĩ truyền giáo, mà cũng không riêng cho
Thiên phong chức sắc của Hội Thánh, mà là phần việc chung của mỗi tín đồ.”
Nói như
vậy, không có nghĩa chúng ta loại trừ chức năng chuyên biệt của quý vị giáo sĩ,
hay của quý vị chuyên trách đặc nhiệm truyền giáo, hoằng giáo.
Chúng ta
lúc nào cũng rất cần có một đội ngũ đông đảo quý vị chuyên trách đặc nhiệm truyền
giáo, hoằng giáo. Bởi lẽ các vị này với năng lực chuyên môn của mình sẽ giúp
cho tín đồ biết giữ đạo và biết truyền đạo bằng cách sống đạo giữa đời thường.
Không phải
mọi người tín đồ nào cũng biết rõ bổn phận của mình là giữ đạo. Hai chữ giữ đạo mà Đức Cao Tiếp Văn Pháp
Quân đặt trước hai chữ truyền đạo cho
thấy đây là ưu tiên một.
Phải giữ đạo trước rồi mới truyền đạo
sau. Không giữ đạo mà truyền đạo thì nói như Đức Cao Tiếp Văn Pháp Quân, nào khác chi lấy “hai tay không vãi vào thiên hạ”, chẳng
có hạt giống nào cả.
Nhưng nên hiểu thế nào là giữ đạo?
Lập
Thiên Bàn ở nhà, ăn chay, mặc áo trắng đội khăn đen đến thánh thất vào các ngày
sóc vọng, lễ lạt, v.v... chỉ mới là giữ đạo bề ngoài, giữ đạo hình thức.
Người
tín đồ khoác áo trắng Cao Đài còn phải biết giữ đạo ở chiều sâu, ở tận cốt tủy.
Muốn giữ
đạo được sâu thẳm như vậy, mỗi tín đồ chúng ta cần phải thấm thía và tu tập
đúng theo thánh giáo của Đức Chí Tôn dạy tại Trung
Hưng Bửu Tòa ngày 08-6 Bính Thân (Chủ Nhật 15-7-1956):
“Người của
các con là người của Đạo. Lời nói của các con là lời nói của Thầy. Việc làm của
các con là việc làm của hàng thánh đức. Các con đừng tưởng rằng không quan hệ.
Các con buồn lẫy, giận hờn, câu mâu, lỗ mãng; người ta không
nói là thái độ của cá nhân, mà người ta cho bao nhiêu cử
chỉ hành động của mỗi con là hiện thân của Đại Đạo.
Các con có phá Đạo không? Có làm nhục hổ cho Thầy
không?”
Lời Thầy
dạy rõ ràng như thế, cách nay tròn sáu mươi năm. Nhưng đối với phần đông tín đồ,
chúng ta nào dám nói có bao nhiêu người lãnh hội mà làm đúng lời Thầy.
Bởi vậy,
trong đàn cơ ngày Thứ Sáu 01-3-1957 dẫn trên, Đức Cao Tiếp Văn Pháp Quân than thở:
“Ôi! Từ
lâu người tín đồ ngỡ là vào cửa Đạo để cho vui, chưa thấy cái giá trị tôn quý
trong hàng thánh đức, nên vào thì vào, tu cũng tu, chớ nào thấy cái trọng trách
phải làm sao cho xứng đáng và được đẹp lòng Thầy điều độ.”
Tóm lại,
nói tới sự thiếu sót ý thức bổn phận của phần đông tín đồ là để khẳng định vai
trò cực kỳ quan trọng và rất mực cần thiết
của quý huynh tỷ được Hội Thánh tin cậy, chọn lựa, và chánh thức đào tạo
trước khi ban trao đặc nhiệm hoằng giáo để giúp tín đồ biết giữ đạo và truyền đạo.
*
Hôm nay,
hệ Hoằng Giáo khai giảng sau khi Hội Thánh Truyền Giáo vừa long trọng tổ chức
viên mãn đại lễ kỷ niệm Hội Thánh tròn trịa một hoa giáp. Phải chăng lựa chọn
thời điểm này để khai giảng hệ Hoằng Giáo là có hàm ý sâu xa của Hội Thánh? Tức
là quý huynh tỷ hạnh sinh vinh dự hiện diện hôm nay sau hai năm nữa sẽ có cơ hội
được góp phần đạo sự vào một viễn đồ phát triển mới mẻ của Hội Thánh.
Sáu mươi
năm trước, Hội Thánh Truyền Giáo được thành lập với sứ mạng trung hưng, và giáo
sở trung ương của Hội Thánh tại Đà Nẵng được mang mỹ hiệu Trung Hưng Bửu Tòa.
Trung hưng 中興 là chi?
Trung
hưng tức là phục hưng 復興; làm cho cái gì đang suy yếu trở lại mạnh mẽ.
Tôn giáo
nào cũng cần phải trung hưng. Trung hưng tôn giáo là quy luật tự nhiên của trời
đất. Tôn giáo nào không biết trung hưng ắt sẽ phải tuân theo quy luật thành trụ
hoại diệt.
Năm
1956, khi Hội Thánh Truyền Giáo được thành lập do mệnh Trời thì bấy giờ nền đạo
Cao Đài đã phân hóa đến mức mà mọi nỗ lực hàn gắn để thống nhất đều không đạt
được kết quả mảy may.
Tuy
nhiên, sự tự giải thể của Liên Hòa Tổng Hội vào năm 1940 (sau mười hai đại hội
Long Vân được lần lượt tổ chức ở cả hai miền Nam và Trung) không phải là đặt dấu
chấm hết cho công cuộc thống nhất đạo Cao Đài.
Chính sứ
mạng trung hưng đặt để cho Hội Thánh Truyền Giáo đã xác định rằng công cuộc thống
nhất đạo Cao Đài vẫn còn phải kiên trì tiếp tục.
Bên cạnh
đó, danh xưng Hội Thánh gắn liền với hai chữ Truyền Giáo lại cho thấy rằng để
thực thi và hoàn thành sứ mạng trung hưng, thì phải dùng biện pháp truyền giáo,
và những nhân sự đảm nhận đặc nhiệm truyền giáo, hoằng giáo đương nhiên là những
nhân tố rất đỗi quan trọng.
Bởi vậy,
tôi nghĩ rằng
những vị đã được Hội Thánh Truyền Giáo Cao Đài chọn lựa để hôm nay bắt đầu
chánh thức được đào tạo và rồi hai năm nữa sẽ được ban trao sứ mạng hoằng giáo
quả là những vị rất đỗi vinh dự mà cũng vô cùng gian nan khổ nhọc. Tại sao lại
như thế?
Tôi nghĩ rằng công cuộc hoằng giáo ngày nay của Hội Thánh
không đơn thuần chỉ hướng tới việc phát triển tôn giáo với số lượng thánh đường
nguy nga đua nhau mọc lên khắp nơi, và cũng không phải chỉ nhắm vào mục đích
nâng con số tín hữu lên cho tăng thêm vài triệu.
Công cuộc
hoằng giáo ngày nay phải gắn với cơ
tái tạo Kỳ Ba, gắn với mục
đích kép của Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ là Thế Đạo đại đồng và Thiên Đạo
giải thoát.
Do đó, về
mặt Thiên Đạo, công cuộc hoằng giáo
ngày nay không thể đứng ngoài con đường vô vi tâm pháp để đưa tín đồ đi đến chỗ
tu chứng, như lời Đức Đông
Phương Lão Tổ dạy tại Trung Hưng Bửu Tòa, ngày 17-01 Kỷ Hợi (Thứ Ba
24-02-1959):
Đạo vô vi phải tu mới chứng
Tu chứng rồi mới xứng Thiên ân
Ân oai quyền pháp độ dân
Làm cho sáng tỏ xa gần kỉnh tin.
Song
song đó, về mặt Thế Đạo, công cuộc hoằng
giáo ngày nay không đơn thuần chỉ là rao giảng cho tín đồ biết ăn hiền ở lành,
gây tạo phước đức.
Đạo Cao
Đài ra đời không phải để góp thêm tôn giáo thứ ngàn lẻ một cho thế gian vốn đã
sẵn có quá nhiều cổ kim tông phái. Bởi lẽ nếu Cao Đài chỉ là tôn giáo thứ ngàn
lẻ một thì Quảng Đức Chơn Tiên đâu cần phải hoan hỷ thốt lên rằng:
Mừng
đặng sinh trong cơ tái tạo
Đặng
làm người học Đạo Kỳ Ba…
Nhân loại hoàn cầu đang sống trong cảnh
phân ly, chia rẽ đến mức cực độ của rẽ chia, ly tán. Do đó công cuộc hoằng giáo
hôm nay còn phải cùng lúc đảm đương hai mặt đối nội và đối ngoại.
- Về đối
ngoại, công cuộc hoằng giáo cần thiết khêu tỏ lý đồng
nguyên và quy nguyên để mỗi người
tín hữu Cao Đài đồng thời còn là một người bảo vệ, ủng hộ nhiệt thành cho mọi nỗ
lực hòa đồng vạn giáo, hòa hợp liên tôn trong nước và ngoài nước, góp phần xây
dựng xã hội đại đồng.
- Về đối
nội, công cuộc hoằng giáo không chỉ giúp cho tín hữu Cao Đài thấu
hiểu được cốt tủy nền đạo của mình (giáo lý và thực hành) mà còn dìu dẫn tư tưởng,
tâm chí tín hữu luôn luôn hướng về sự nghiệp thống nhất đạo
Cao Đài, xem đó là hoài bão, lý tưởng suốt cả đời mình.
Vào ngày 22-4 Mậu Tuất (Thứ Hai
09-6-1958) tại Trung Hưng Bửu Tòa, Đức Nhất Phẩm Nhị Thừa Hoan Hỷ Chơn Quân
Thái Sơ Thanh có ví von bóng bảy rất thâm thúy về chỗ khác nhau giữa nền đạo
Cao Đài Kỳ Ba so với các tôn giáo đã ra đời vào hai kỳ trước. Ngài dạy như sau:
“Chánh
pháp ở Thầy là quyền hành chỉnh pháp vạn giáo. Bông vẫn là bông, đẹp vẫn là đẹp, hương vị đều
có, nhưng hương thơm bởi buổi mai, buổi chiều theo âm dương thăng lên hoặc
giáng xuống.”
Thế thì,
người hoằng giáo Cao Đài cần giúp cho tín đồ cũng như những người thực tâm muốn
tìm hiểu Đạo Thầy nhận ra được trong vườn bông thơm tho vạn giáo, thì cái bông
Cao Đài thơm khác hơn ở chỗ nào. Đây là một thách thức gay go; bao lâu chúng ta
chưa làm sáng tỏ một cách thuyết phục thì bá tánh vẫn còn dể duôi nói rằng đạo
Cao Đài chả có gì mới, chỉ là sự chắp vá, trộn lẫn đủ thứ của các tôn giáo
khác.
Khi
phóng tầm nhìn về con đường hoằng giáo như vậy, chúng ta liền thấy có yêu cầu cấp
thiết phải chuẩn bị một hành trang, xây dựng một chương trình huấn luyện sao
cho tương thích. Một chương trình đào tạo hai năm hay tăng thêm vài lần hai năm
nữa e rằng cũng khó lòng đáp ứng trong hiện trạng toàn đạo Cao Đài nói chung
hay Hội Thánh Truyền Giáo nói riêng.
Thế thì
không thể không đặt ra cho mỗi nhân sự hoằng giáo một hành trình liên tục
tự đào tạo để phát huy những vốn liếng được Hội Thánh trang bị.
Viễn đồ
trước mắt những người hoằng giáo quả thật rất mực khó khăn. Nhưng xưa nay người
đạo Cao Đài chúng ta vốn đã tin sâu và từng nhiều phen thực chứng phép nhiệm mầu
của lý lẽ Thiên nhân hiệp nhất.
Tại thánh thất Trung An, ngày 04-8 Đinh
Hợi (Thứ Năm 18-9-1947), Đức Thái Bạch
Trường Canh nung chí chúng ta:
Thân có
khó, ta thì chịu khó
Chí có lay, ta có ơn Thầy
Tung
hoành Nam Bắc, Đông Tây
Bình
sinh một thuở, có ngày nên công.
Một lần khác, tại thánh thất Thái Hòa, ngày 14-4 Ất Mùi (Thứ Bảy
04-6-1955), Đức Lý Thái Bạch thêm sức
cho chúng ta:
Người nhiệt huyết Thầy hằng soi
chiếu
Người
chí thành cửu khiếu Thầy khai
Xưa nay
tin một không hai
Thần
thông hóa độ liên đài viên minh.
Để mở ra được cái kênh thông công giao tiếp
giữa Thiên nhân ngõ hầu đón nhận sức Trời ơn Thánh hộ trì, trong quá trình đào
luyện trí năng hoằng giáo nhất định phải thật dày công vun bồi tâm hạnh.
Suy nghĩ đến yêu cầu tâm hạnh của con người hoằng giáo, chúng ta có thể nương
theo lời Đức Quan Âm Bồ Tát dạy ngày 19-3 Mậu Tuất (Thứ Tư 07-5-1958) tại Trung
Hưng Bửu Tòa để xác quyết rằng những vị đang dấn thân vào dặm dài hoằng giáo
không phải nhằm mưu cầu một chức danh hay một địa vị; trái lại, quý huynh tỷ hệ
Hoằng Giáo hôm nay đã vì giác ngộ mà lập công.
Hai chữ lập công ấy luôn
luôn được soi dẫn bằng thánh ngôn của Thầy ban trao tại Trung Hưng Bửu Tòa,
ngày 16-5 Bính Thân (Chủ Nhật 24-6-1956). Hôm ấy, Thầy chúng ta dạy rất ngắn
gọn:
“Có công
không hạnh không thành; có hạnh không công không lập.”
*
Tôi không
phải là môn sanh Hội Thánh Truyền Giáo, nhưng kể từ khi tập tễnh bước chân vào
ngưỡng cửa Cao Đài, tôi luôn
luôn ngưỡng mộ Hội Thánh Truyền Giáo, luôn luôn tin tưởng rằng sứ mạng trung
hưng sẽ được những can trường thiết thạch của núi sông anh linh tú khí miền
Trung dốc hết tuệ tài hoàn thành viên mãn.
Trong tình cảm ấy của tôi, câu chuyện ngày khai giảng hệ Hoằng
Giáo hôm nay cầu xin được vinh hạnh làm món lễ phẩm đơn sơ nhưng chơn thật, để
giờ đây anh chị em chúng ta cùng hiệp tâm dâng lên Đức Chí Tôn, dâng lên Liệt
Thánh Tông Đồ Hội Thánh Truyền Giáo, cầu xin các Đấng chan rưới hồng ân cho
Hạnh Đường hệ Hoằng Giáo khóa Một này sẽ kết thành bông trái mỹ miều, Hội Thánh
chúng ta sẽ gặt hái một vụ mùa đầu tiên thạnh mậu.
Thánh thất Trung Minh, 17-7-2016
Huệ Khải
([2]) Tần Chí An 秦至安 người Lăng Xuyên (nay thuộc tỉnh Sơn Tây). Tương truyền ông ba lần thi tiến
sĩ nhưng đều hỏng. Năm 1213 chạy loạn về phương Nam. Năm 1288 cha mất, ông
không màng việc nhà, phiêu lãng vùng núi Tung Sơn. Ông đọc nhiều kinh sách Phật
và Lão, rồi làm đạo sĩ, là tác giả quyển Kim
Liên Chánh Tông Ký 金蓮正宗記.
([3]) Hà Nội:
Nxb Tôn Giáo. Quyển 92-1 trong Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại
Đạo.
► Quý đạo hữu gần xa muốn nhận các kinh sách do Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo xuất bản, được gởi biếu qua bưu điện, xin vui lòng gởi e-mail về: daidaovanuyen@gmail.com
Và xin quý đạo hữu hoan hỷ trả giúp cước phí cho bưu điện ngay khi nhận được sách biếu.
► Quý đạo hữu gần xa muốn nhận các kinh sách do Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo xuất bản, được gởi biếu qua bưu điện, xin vui lòng gởi e-mail về: daidaovanuyen@gmail.com
Và xin quý đạo hữu hoan hỷ trả giúp cước phí cho bưu điện ngay khi nhận được sách biếu.
Ban Ấn Tống trân trọng cảm ơn quý đạo hữu.