NHỮNG NĂM 1950-1954
Lá thư miền Nam
Thứ Năm 19-01-1950 (02-12 Kỷ Sửu), dù đang trong
thời kỳ đại tịnh, tiền khai Giáo Tông Nguyễn Ngọc Tương vẫn có thư từ Bến Tre gởi
ra Hà Nội, dặn dò tiền bối Tô Văn Pho như sau:
Em Sáu,
Ông gần ra tịnh. Những
người thiệt tu hành, thiệt trung thành với Hội Thánh Bến Tre, siêng năng sốt
sắng lo làm phải làm lành, lập đức bồi công hằng bữa, hết lòng hết dạ lo giúp
Đạo, thiệt tình khắng khít bên cạnh ông, thì sẽ bị khảo nội khảo ngoại càng
ngày càng thêm nhiều cho đến chừng ông ra tịnh mới hết. Hễ khảo nhiều chừng nào
thì công quả nhiều chừng nấy, nếu không thở than thối chí.
Vậy em cố giữ đức tin cho
thiệt mạnh mẽ luôn luôn, cho bền chặt vững vàng; ai có kiếm điều làm nhục nhã,
ai có mắng nhiếc hăm dọa, ai có muốn làm thiệt hại cho em thế nào thì cũng đừng
giận đừng buồn, đừng nao núng sợ sệt. Dầu có bị đau ốm gầy mòn thương thân
thương thể cho mấy đi nữa cũng đừng sầu thảm ngả lòng mà lảng lơ việc đạo, mà
hao mòn âm chất.
Em nên tin chắc hẳn rằng
người thiệt quên mình lo giúp Đạo tức là làm việc cho Thầy thì có Thần Thánh ủng
hộ luôn luôn, dầu việc hung cho thế mấy đi nữa cũng hóa ra kiết được.
Đạo lịnh
Thứ Hai 13-11-1950 (04-10 Canh Dần), với chữ ký của Thái Chánh
Phối Sư Chung, Ngọc Chánh Phối Sư Đối, Thượng Chánh Phối Sư Thuộc và Ngọc Phối
Sư Núi, một đạo lịnh chung của Văn Phòng Cửu Viện (số 257) và Văn Phòng Tổng Lý
Nội-Lễ-Hòa (số 164) có nội dung như sau:
Vâng y mạng lịnh Đức Lý
Giáo Tông số 26 ban ra ngày 4-10-25 CĐ,([1])
Hội Thánh Bến Tre dưới
quyền lãnh đạo của Đức Lý Giáo Tông ban cho Giáo Hữu Thượng Pho Thanh thay mặt
cho Hội Thánh Bến Tre, nơi họ đạo Hà Nội lãnh thêm phận sự đi thăm viếng đạo
mấy vùng ngoại ô Hà Nội, được quyền sắp đặt ban cai quản nơi mấy chỗ có cần
dùng. Chỗ nào có đạo đông thì được lập một tiểu thánh thất và lập ban cai quản
có đủ giấy tờ gởi về Hội Thánh, được thay mặt cho Hội Thánh Bến Tre mà nhận
lãnh những nhà đất và đồ từ khí của đạo hiến.
Phải có vi bằng và thông
quy gởi về cho Hội Thánh phê chuẩn. Kể từ ban truyền đạo lịnh này, khuyên khá
để trọn tấc lòng lo tròn phận sự.
Tiền khai Phạm Hộ Pháp đến thánh thất Hà Nội
Chủ Nhật 27-7-1941 (04-6 nhuần Tân Tỵ), tiền khai Phạm Hộ
Pháp bị thực dân Pháp đưa xuống tàu Compiège đày sang đảo Madagascar (châu
Phi).
Thứ Tư 21-8-1946 (25-7 Bính Tuất), tiền khai Phạm Hộ Pháp trở về tới Vũng
Tàu trên chiếc tàu buôn Île de France.
Thứ Sáu 30-8-1946 (04-8 Bính Tuất), tiền khai Phạm Hộ Pháp về tới Tòa
Thánh Tây Ninh.
Năm 1950 (Canh Dần) tiền khai Phạm Hộ Pháp (1890-1959) ra Bắc. Cùng theo đoàn có
các tiền khai Cao Đức Trọng (1897-1958), Lê Thiện Phước (1895-1975), v.v... Dịp này tiền khai Phạm Hộ Pháp sáng tác bài
thơ sau đây:
Non nước hồn thiêng đã tỉnh dần
Xuân
thu xưa nay đổi thu xuân
Nam
phong đỡ vững xa thơ Hán
Bắc
tục xô nghiêng đảnh nghiệp Tần
Bác
ái là đề thi tiến hóa
Nghĩa
nhân ấy mục định duy tân
Thiên
thời địa lợi đôi điều sẵn
Chỉ
thiếu hòa nhân để hiệp quần.
Tiền khai Phạm Hộ Pháp có ghé thánh thất Hà Nội.
Họ đạo Hà Nội được báo tin trước, nên khi xe của tiền khai Phạm Hộ Pháp dừng
trước cửa thánh thất Hà Nội, chiếu hoa đã trải sẵn từ cổng vào tới bửu điện ở
tầng trệt để trân trọng tiếp đón.
Sau khi đảnh lễ Đức Chí Tôn ở bửu điện, trước mặt họ đạo thánh
thất Hà Nội, tiền khai Phạm Hộ Pháp kêu gọi mọi người hãy quy phục về Hội Thánh
Cao Đài Tây Ninh và hãy nộp lại sổ bộ đạo của thánh thất Hà Nội.
Thượng Giáo Hữu Tô Văn Pho đáp lại rằng việc mở đạo Cao Đài ở
miền Bắc là thực hành đúng huấn từ của Đức Cao Đài, như đã được ghi chép lại
trong Thánh Ngôn Hiệp Tuyển do Tòa Thánh
Tây Ninh xuất bản (1928). Việc tiền khai Phạm Hộ Pháp muốn thánh thất Hà Nội
quy phục Tây Ninh thì bổn đạo sở tại không thể tự mình định đoạt mà Hội Thánh Cao
Đài Tây Ninh phải thương nghị cùng Hội Thánh Cao Đài Ban Chỉnh Đạo ở Bến Tre.
Trước khi rời thánh thất Hà Nội, tiền khai Phạm Hộ Pháp nói
với tiền bối Tô Văn Pho: “Nếu ai cũng như em thì Đạo không đến nỗi...”
Tin đồn
Ba hôm sau cuộc ghé thăm của tiền khai Phạm Hộ Pháp,
bổn đạo thánh thất Hà Nội được tin đồn rằng chánh quyền sẽ ra lịnh thu hồi lại
biệt thự số 48 Hòa Mã. Tin đồn này liên quan tới vấn nạn khan hiếm nhà ở vào
năm 1950 tại Hà Nội.
Thật vậy, từ tháng 12-1946, số người hồi cư ngày một tăng. Năm 1950,
trung bình mỗi tháng có khoảng bảy ngàn đồng bào trở về Hà Nội. Tháng 8-1950,
Thị Trưởng thành phố Hà Nội là ông Thẩm Hoàng Tín gởi công văn báo cáo Thủ Hiến
Bắc Việt về tình trạng thiếu nhà ở trầm trọng trong thành phố. Theo ông Tín,
bấy giờ Hà Nội chỉ có 9.296 căn nhà trong lúc số dân khoảng 200.000 người. Giá
thuê (mướn) một cái giường tới hai ba trăm bạc. Thuê một căn phòng không lớn
cũng phải trả hơn 1.000 đồng mỗi tháng.([2])
Bốn đại diện của thánh thất Hà Nội là Thượng Giáo Sư Lê Tụng
(Đầu Họ Đạo), Thượng Giáo Hữu Tô Văn Pho, Giáo Hữu Nguyễn Nguyệt Tiếp, và Chánh
Trị Sự Trần Thị Ngọc cùng đến Phủ Thủ Hiến Bắc Việt ([3])
để xin Thủ Hiến Nguyễn Ngọc Trí xác nhận tin đồn trên.
Bấy giờ Đổng Lý Văn Phòng của Thủ Hiến Bắc Việt là ông Vũ
Quý Mão đã tiếp đoàn, khéo léo giải thích rằng có
nhận được báo cáo cho biết hiện nay ở số 48 Hòa Mã không còn là nơi thờ phượng
nữa nên chánh quyền định thu hồi biệt thự; nhưng nếu thánh thất vẫn còn hoạt
động thì sẽ hủy bỏ lịnh thu hồi. Ông Mão khuyên mọi người an tâm trở về. Sau đó,
quả thực mọi việc vẫn bình thường như trước.
Ngô Thị Bình (1931-2010)
Thứ Hai 21-12-1931 (13-11 Tân Mùi), tiền bối Ngô Thị Bình
chào đời tại Hà Nội, là chị cả trong gia đình có tám chị em. Song thân là ông
Ngô Đình Công (1903-1972), thợ sửa đồng hồ, và bà Trần Thị Tân (1912-1993).([4])
Gia đình tiền bối tuy sùng tín việc đi lễ ở các đền, theo tín ngưỡng Đạo giáo dân
gian phổ biến trên đất Bắc, nhưng tôn trọng tự do tín ngưỡng của tiền bối. Bà
nội và cha mẹ tiền bối đều tích cực trợ giúp tiền bối tìm đúng đường lối tu
hành cho riêng mình. Sau khi tiền bối đã nhập môn đạo Cao Đài rồi thì trọn gia
đình cũng nối tiếp bước đi mở đường ấy, đều trở thành tín đồ Cao Đài.
Bắt đầu từ Thứ Sáu 03-3-1950 (15-01 Canh Dần), khi đang làm
giáo viên trường Nữ Công Gia Đình, bỗng dưng tiền bối gầy rộc cả người, không
hiểu nguyên nhân. Theo lời khuyên của người quen là bác sĩ Tuân, song thân đưa tiền
bối đi dâng lễ tại nhiều đền, nhưng cúng bái đã lắm vẫn không kết quả.
Thứ Tư 17-5-1950 (01-4 Canh Dần), tiền bối dọn một nơi tụng
kinh Phật trong nhà mặc dù cha mẹ không ai theo đạo Phật; riêng bên ngoại có lập chùa Vân Hồ, ở quận
Hai Bà Trưng, Hà Nội.
Buổi sáng tiền bối vẫn đi dạy bình thường, nhưng tan trường
về nhà thì trở nên trầm lặng. Nhiều sự việc khó giải thích tiếp theo là tiền
bối bỗng dưng có ý hướng cầu đạo. Theo lời thân thích chỉ dẫn, song thân cho tiền
bối thử đội bát nhang vào Thứ Hai 28-8-1950 (15-7 Canh Dần), đi trình đồng Chủ
Nhật 01-10-1950 (20-8 Canh Dần), v.v...
Bên nội tiền bối có lập đền Vọng Tiên ở
số 120B phố Hàng Bông, Hà Nội. Ở đền này, Thánh Mẫu về
dạy:
Ta truyền lịnh cho họ
Ngô, tuổi hai mươi này không phải là người của Mẫu, Ta không nhận. Không phải
người của Phật, không cho cạo đầu. Là người của Ngọc Hoàng Thượng Đế; tìm đâu
có Ngọc Hoàng Thượng Đế thì trả về.
Thứ Năm 19-10-1950 (09-9 Canh Dần), tiền bối phát tâm giữ
giới ăn chay trường.
Đêm Thứ Năm 26-10-1950 (16-9 Canh Dần), tiền bối nằm mộng,
thấy một bàn thờ với cách sắp đặt hoa quả, rượu trà, bát hương khác hơn những
cách bài trí tiền bối quen gặp ở các đền chùa tại Hà Nội bấy lâu. Bà nội tiền
bối cũng có giấc mơ tương tự.
Chủ Nhật 24-12-1950 (16-11 Canh Dần), một người bà con đưa tiền
bối đến chùa Trung Tự ở quận Đống Đa,([5]) nhưng tiền bối không có
duyên quy y Phật.
Trên đường về, tình cờ đi qua số 48 Hòa Mã, như bị vô thức
điều khiển, tiền bối tự động đẩy cánh cổng khép hờ rồi bước vào xin thắp hương.
Chính hôm đó tiền bối Ngô Thị Bình đã sửng sốt không còn tin
vào mắt mình khi thấy rõ Thiên Bàn ở bửu điện thánh thất Hà Nội chính là bàn
thờ tiền bối được nhìn thấy trong giấc mơ vào hai tháng trước.
Tiền bối bèn hỏi Thượng Giáo Hữu Tô Văn Pho nơi đây thờ ai.
Khi biết thánh thất thờ Trời, thờ Ngọc Hoàng Thượng Đế với tá danh Cao Đài Tiên
Ông Đại Bồ Tát Ma Ha Tát, tiền bối nhận thức ngay tức khắc là đã về đúng mái
nhà Thiên định của mình. Lời dạy của Thánh Mẫu ở đền Vọng Tiên ba tháng trước
đó vẫn văng vẳng bên tai: Là người của
Ngọc Hoàng Thượng Đế; tìm đâu có Ngọc Hoàng Thượng Đế thì trả về.
Một giấc mơ khác sau đó chỉ dẫn tiền bối phải nhập môn ngày
12-12 Canh Dần (Thứ Sáu 19-01-1951).([6]) Thánh thất Hà Nội không
chấp nhận, vì thông lệ chỉ làm lễ nhập môn trong hai ngày sóc vọng (mùng 1 và
rằm). Thân phụ tiền bối khéo léo nói rằng ở nhà đi xem bói, được khuyên nếu
muốn đường tu của tiền bối trọn vẹn thì phải chọn ngày ấy nhập môn. Vì gia đình
hết sức khẩn cầu, cuối cùng thánh thất Hà Nội đành nhượng bộ cho trường hợp hy
hữu này.
Nữ tu Ngô Thị Bình (1951)
Thứ Sáu 19-01-1951 (12-12
Canh Dần), lễ nhập môn của tiền bối Ngô Thị Bình được tổ chức tại bửu điện
thánh thất Hà Nội vào giờ Ngọ. Vì không đúng đàn lệ hàng tháng nên không đông
tín đồ như mọi khi. Chỉ vỏn vẹn mười hai người hành lễ, kể cả vị chứng đàn là
Thượng Giáo Hữu Tô Văn Pho. Các chức sắc khác gồm có Thái Giáo Hữu Lê Văn
Thung, Thái Giáo Hữu Trần Văn Đường, Bảo Đàn Nguyễn Văn Hiền. Nữ phái có Giáo Hữu
Nguyễn Nguyệt Tiếp.
Tiền bối đã từ khước một lời
cầu hôn trong năm này và chọn con đường làm nữ tu, hiến thân hành đạo.
Thứ Năm 22-3-1951 (15-02 Tân
Mão), nhân lễ vía Đức Thái Thượng Đạo Tổ, tiền bối Ngô Thị Bình làm lễ xuất gia,
vào ở luôn trong thánh thất. Ngoài giờ đi dạy, tiền bối lại trở về nếp sống một
nữ tu.([7])
Như trên đã nói, tình trạng khan hiếm nhà ở tại Hà Nội từ năm
1950 trở đi đang là một vấn nạn lớn của thành phố. Do đó, khi xuất gia, tu
trong thánh thất, Ngô tiền bối phải chịu nhiều sự khảo đảo thử thách vì từ đầu năm 1951 có người sanh tâm muốn
chiếm đoạt thánh thất, gây phiền não, khổ sở cho các vị thật tâm tu. Giữa năm
1951 tình trạng càng tệ hơn, đến nỗi dù gốc người Bắc, Bảo Đàn Nguyễn Văn Hiền chịu
không xiết, đành bỏ hẳn về Nam không trở ra nữa. Thái Giáo Hữu Trần Văn Đường
cũng như một số nữ lễ sanh đành quay về sống với gia đình.
Tiền bối Ngô Thị Bình, nữ tu Phạm Thị Miên cùng tiền bối Tô
Văn Pho vẫn kiên trì trụ lại, không rời thánh thất. Cả ba kết nghĩa anh em (Thứ
Ba 03-7-1951) trước khi tiền bối Pho về Tòa Thánh An Hội (Bến Tre)
để thọ tang tiền khai Giáo Tông Nguyễn Ngọc Tương (quy thiên Thứ Hai 18 rạng Thứ Ba 19-6-1951).
Sáng Thứ Sáu 03-8-1951 (01-7 Tân Mão), tiền bối
Tô Văn Pho trở lại thánh thất Hà Nội.
Hiệp Định Genève 1954
Thứ Hai
26-4-1954: Hội Nghị Genève (tại Thụy Sĩ) khai mạc, bàn về vấn đề khôi phục hòa
bình tại Triều Tiên và Đông Dương.
Thứ Bảy
08-5 đến Thứ Tư 23-6-1954: Hội Nghị
Genève thảo luận vấn đề Đông Dương vì vấn đề Triều Tiên không đạt được kết quả.
Thứ Năm
24-6 đến Thứ Ba 20-7-1954: Tại Hội Nghị Genève, phái đoàn Pháp và Việt Nam Dân
Chủ Cộng Hòa đàm phán trực tiếp để giải quyết các vấn đề cụ thể.
Thứ Tư 21-7-1954: Hiệp Định Genève bắt đầu được ký kết, chấm dứt chế độ
thực dân Pháp tại bán đảo Đông Dương, công nhận nền độc lập của ba nước Việt
Nam, Lào, và Cam Bốt. Trong những nội
dung cơ bản, có quy định: lấy sông Bến Hải (vĩ tuyến 17) làm giới tuyến quân sự
tạm thời chia Việt Nam làm hai vùng tập kết quân sự; chính quyền và quân đội
Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa tập trung về miền Bắc; chính quyền và quân đội khối
Liên Hiệp Pháp tập trung về miền Nam; dân chúng được tự do đi lại giữa hai miền
trong ba trăm ngày là thời gian để chính quyền và quân đội các bên hoàn thành
việc tập trung, v.v...
Chiều Chủ Nhật 10-10-1954, lúc 3 giờ, Hà Nội hoàn toàn được
tiếp quản. Ngay ngày này Ngân Hàng Quốc Gia Việt Nam đã tiến hành thu đổi tiền
Đông Dương. Từ Thứ Hai 01-11-1954 các trường đại học bắt đầu hoạt động.([8])
Nhân sự thánh thất Hà Nội thời gian này có thay đổi khi
Thượng Giáo Sư Lê Tụng (Đầu Họ Đạo) di cư vào Nam.
Nhiệm vụ mới của Thượng Giáo Hữu Tô Văn Pho
Thứ Sáu 24-9-1954 (28-8 Giáp Ngọ), từ Bến Tre, một đạo lịnh
chung của Văn Phòng Cửu Viện (số 231) và Văn Phòng Tổng Lý (số 173) có chữ ký
của ba vị Chánh Phối Sư Thái Chung Thanh, Thượng Hoàng Thanh, Ngọc Biên Thanh
và Giáo Sư Thái Ninh Thanh, chính thức bổ nhiệm Thượng Giáo Hữu Tô Văn Pho lãnh
phận sự Quyền Đầu Họ Đạo thánh thất Hà Nội để thay thế Thượng Giáo Sư Lê Tụng.
Thứ Bảy 25-9-1954 (29-8 Giáp Ngọ), Giáo Sư Thái Ninh Thanh
thay mặt Nội Viện gởi văn thư số 628 cho Ban Cai Quản và Ban Trị Sự thánh thất
Hà Nội, nội dung như sau:
Chư hiền hữu,
Do theo tờ phúc số 66 đề
ngày 18-8-29 ([9]) của chư hiền hữu xin cho Giáo Hữu Thượng Pho Thanh làm Phó Đầu Họ Đạo trong
thời kỳ vị Đầu Họ Đạo vắng mặt.
Hội Thánh xét thấy hiền
hữu Giáo Hữu Thượng Pho Thanh là người thay mặt cho Hội Thánh để giúp họ đạo và
để phổ độ người vào Đạo tu hành nơi Bắc Việt. Nếu nay cử làm Phó Đầu Họ Đạo thì
không hợp với phận sự của người.
Nhưng nghĩ vì hoàn cảnh
đặc biệt hiện thời, việc đạo nơi thánh thất không thể bỏ trống vị Đầu Họ Đạo được,
nên Hội Thánh cũng tạm cho Giáo Hữu Thượng Pho Thanh là Quyền Đầu Họ Đạo nơi
thánh thất trung ương Hà Nội cho đến khi cử được người thay thế thì Giáo Hữu
Thượng Pho Thanh sẽ giao lại.
Khi tiếp được đạo lịnh
chư hiền hữu hãy chọn ngày mời tất cả chức sắc, chức việc tân và cựu, và đạo
hữu lưỡng phái hiệp nơi thánh thất đến chứng đàn cho Giáo Hữu Thượng Pho Thanh
lập nguyện lãnh đạo lịnh.
Hội Thánh tin rằng chư
hiền hữu vì việc chung của Đạo sẽ ủng hộ giúp vùa ([10]) cho Giáo Hữu Thượng Pho Thanh được làm tròn phận sự.
Thừa lịnh Hội Thánh, tôi
xin chúc lành chư hiền hữu cùng họ đạo lưỡng phái.
Đất nước chia đôi, Thượng Giáo Hữu Tô Văn Pho vẫn
ở lại Hà Nội, củng cố mọi sinh hoạt của thánh thất trong lúc tình hình xã hội
đổi thay: Người rời Bắc di cư vào Nam; người từ Nam tập kết ra Bắc, trong đó có
tiền bối Cao Triều Phát.
HUỆ KHẢI
([7]) Tiền bối
Ngô Thị Bình rời trường phổ thông cơ sở Đoàn Kết để nghỉ hưu năm 1982. Là giáo
viên dạy giỏi, ba lần tiền bối được Công Đoàn ngành giáo dục bầu
chọn là chiến sĩ thi đua vì yêu nghề, mến trẻ, tận tụy dìu dắt các giáo viên
mới vào nghề, chia sẻ kinh nghiệm của người chị đi trước đối với đàn em tiếp
nối.
([10]) Vùa: Giúp đỡ. Vùa nhau: Giúp nhau. Giúp vùa:
Trợ giúp.
► Quý đạo hữu gần xa muốn nhận các kinh sách do Chương
Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo xuất bản, được gởi biếu qua bưu điện,
xin vui lòng gởi e-mail về: daidaovanuyen@gmail.com
Và xin quý đạo hữu hoan hỷ trả giúp cước phí cho bưu điện ngay khi nhận được sách biếu.
Và xin quý đạo hữu hoan hỷ trả giúp cước phí cho bưu điện ngay khi nhận được sách biếu.
Ban Ấn Tống trân trọng cảm ơn quý đạo hữu.