NGỌC BÍCH BIỆN HÒA
Đầu năm 1956, họ đạo Nam Phần thành lập, quy tụ bổn đạo Cao Đài miền
Trung đang mưu sinh tại Sài Gòn, Chợ Lớn, Gia Định. Ban sơ, họ đạo Nam Phần tạm
mượn thánh thất Từ Vân (Phú Nhuận) làm nơi sinh hoạt. Ngày 24-5-1965 Hội Thánh
Truyền Giáo Cao Đài cho phép họ đạo Nam Phần thành lập thánh thất Trung Minh.
Từ năm 1971 trở đi danh xưng họ đạo Nam Phần được thay bằng họ đạo Trung Minh.([1])
Nhân dịp họ đạo Trung Minh kỷ niệm sáu mươi năm thành lập (kể luôn tiền
thân là họ đạo Nam Phần), theo lời mời của Ban Tổ Chức, tôi góp bài Ngọc Bích Biện Hòa vào tập kỷ yếu, với ý
hướng giữ lửa cho nhau.
*
Không ít nhà thơ đời Đường nhắc tới ngọc liên thành (viên ngọc đáng giá
nhiều thành trì). Chẳng hạn, Dương Quýnh (650-692) viết: Triệu thị liên thành bích 趙氏連城 璧
(ngọc bích họ Triệu đáng giá nhiều thành liền); Đỗ Phủ (712-770) có câu: Liên thành vi bảo trọng 連城為寶重
(Hãy giữ gìn kỹ ngọc liên thành). Đó là cổ nhân nhắc tới sự tích ngọc bích Biện
Hòa.
Bộ tiểu thuyết Đông Chu Liệt Quốc Chí danh tiếng của Phùng Mộng Long
(1574-1646) gồm một trăm lẻ tám hồi (tức chương). Hồi Thứ Chín Mươi chép sự
tích viên ngọc quý của Biện Hòa như sau:
Vào năm cuối đời Sở Lệ Vương, có người nước Sở là Biện Hòa 卞和
nhặt được ở Kinh Sơn 荆山 một hòn đá lạ và biết rằng trong đó
chứa ngọc, bèn đem dâng Lệ Vương. Nhưng thợ ngọc của vua xem qua lại bảo chỉ là
hòn đá tầm thường. Lệ Vương nổi giận, liền sai chặt chân trái Biện Hòa để trừng
trị tội khi quân.
Lúc Sở Vũ Vương lên nối ngôi, Biện Hòa tuy què vẫn cứ vào triều dâng ngọc
lần nữa. Thợ ngọc trong triều cũng bảo chỉ là đá, Vũ Vương tức giận, ra lệnh
chặt nốt chân phải Biện Hòa.
Rồi tới khi Sở Văn Vương kế vị, Biện Hòa lại muốn vào triều dâng ngọc,
nhưng bấy giờ đã cụt cả hai chân, không thể đi đuợc, đành ôm hòn đá than khóc
thảm thiết ở chân núi Kinh Sơn suốt ba ngày ba đêm, dòng lệ khô cạn, rỏ cả máu
mắt.
Thấy vậy có người hỏi: “Ông hai lần dâng ngọc thì hai lần đều bị chặt
chân. Sao chẳng bỏ ý vào triều đi, lại còn khóc lóc như thế? Vẫn cứ mong vọng,
luyến tiếc lộc vua ban thưởng ư?”
Biện Hòa nói: “Tôi nào phải mong cầu được thưởng, chỉ hận rằng thực sự là
ngọc quý mà cứ bảo là đá. Lòng tôi ngay thẳng mà cứ bị mắng là lừa dối, điên
đảo. Thật giả không được minh bạch, cho nên tôi đau xót lắm!”
Chuyện đến tai Sở Văn Vương, vua bèn cho người đưa Biện Hòa vào triều
cùng viên đá. Vua sai thợ ngọc xẻ hòn đá ra xem, thì quả nhiên được viên ngọc
quý, bèn cho chế tác thành ngọc bích, đặt tên là ngọc bích Biện Hòa.
Về sau nữa vua nước Triệu có được ngọc bích Biện Hòa. Vua Chiêu Vương
nước Tấn biết được, xin đem mười lăm thành trì đổi ngọc ấy về, vì vậy ngọc bích Biện
Hòa còn gọi là ngọc liên thành. Do
tích này, phàm vật gì rất quý báu thì người xưa gọi là liên thành 連城 (nhiều thành liền nhau).
Cách nay hơn nửa thế kỷ, sự tích dẫn trên được Đức Đại Tiên Ngô Minh
Chiêu dùng làm bài học lịch sử cho người tín hữu Cao Đài.
Tại Trung Hưng Bửu Tòa (Hội Thánh
Truyền Giáo Cao Đài) ở Đà Nẵng, đàn giờ Tý, ngày 06-6
Đinh Dậu (Thứ Tư 03-7-1957), Đức Ngôi Hai Giáo Chủ Ngô Minh Chiêu giáng cơ dạy:
“Đạo Thầy khai ra đến năm nay chưa ngoài
một thế, chánh pháp chưa được phổ cập sâu rộng trong nhơn gian, triều nào cũng
bị khốn đốn.
Các hiền hữu, vì sao nền Đạo mãi thăng
trầm? Đạo mới ra đời chúng sanh còn lạ mắt. Kẻ có quyền thế lại nghi ngờ, chưa
nhận chân giá trị. Các hiền có làm được như Biện Hòa chăng? Biện Hòa là người
thợ ngọc khi tìm được ngọc liên thành quý báu đem dâng cho Sở Lệ Vương. Sở Lệ
Vương không biết ngọc quý, cho là khi quân, chặt mất một chân. Đến triều Vũ
Vương, ông đem dâng ngọc ấy cũng bị cho là khi quân và bị chặt luôn một chân
nữa. Thử hỏi Biện Hòa còn giữ ngọc ấy không? Biện Hòa đã biết nó là quý mặc dù
mình đã vì nó mà thành phế nhân. Nhưng chắc có ngày có người biết giá ngọc, thì
khỏi bị mang danh giả trá. Đến đời Văn Vương được đem ra phá vỏ ngoài lấy ngọc
báu ở trong mà thanh danh Biện Hòa trở nên trung trinh.
Đạo ta đây cũng thế. Có khi các hiền đem
chánh pháp truyền bá cho nhơn gian không khỏi lâm cảnh Biện Hòa, ôm lấy Đạo
chịu thân hình đau khổ.
Bần Đạo ước sao chư hiền đồ là một tược
trong cây đạo đức, mỗi tược sẽ ra nhiều nhánh nhóc. Khi lớn lên mỗi nhánh nhóc
có biết bao nhiêu bông thơm trái ngọt. Nếu nhánh nhóc kia bị gãy đi hay đui
ngọn thì hại biết bao nhiêu! Bây giờ nó là cái tược còn non, nếu không có giữ
gìn thì kẻ tò mò nó ngắt đi là mất cả tương lai hoa quả. Nên khuyên chư hiền đồ
ngay bây giờ ráng lập công tu học để hàm dưỡng tính tình.”
Từ câu chuyện ngọc bích Biện Hòa, Đức Ngô liên hệ tới hoàn cảnh người môn
đệ Cao Đài đã từng trải qua trong lịch sử: “Có khi
các hiền đem chánh pháp truyền bá cho nhơn gian không khỏi lâm cảnh
Biện Hòa, ôm lấy Đạo chịu thân hình đau khổ.” Lời dạy ấy
của Đức Ngô khiến chúng ta nhớ tới Đức Thất Thánh Thượng Hoài Thanh (Nguyễn Tấn
Hoài) trong một lần giáng cơ đã nhắc nhở:
“Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ trải qua bao nhiêu lần thăng trầm bĩ
thái, làm cho tất cả những người hành đạo, tâm đạo, học đạo, đều chịu những nỗi
gian nguy cơ cực, kẻ chết chóc, người lao tù.” ([2])
Cũng thế, trong một đàn cơ khác, Đức Thượng Trung Nhựt và Đức Ngọc Lịch
Nguyệt hồi tưởng:
“Chúng Tiên Huynh đã trải qua biết bao lúc thăng trầm bĩ thới, trở
ngại khó khăn, vào khám ra tù, lưu vong đất khách, hy sinh để tiếp nhận sứ mạng
lập nền Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ từ năm Bính Dần….” ([3])
Đức Lê Kim Tỵ mượn ngọn cơ để lời làm chứng việc thực dân Pháp (Lang Sa)
bách hại đạo Cao Đài:
Một tay, một cánh chống Lang Sa
Họ
quyết bóp tan mối Đạo nhà
Sống
thác thường tình đâu có nệ
Luận Ngữ (thiên Thái Bá) chép lời Đức Khổng Tử: Thủ
tử thiện đạo 守死善道 (giữ đạo lành cho tới chết). Lịch sử
khai đạo và truyền đạo Cao Đài từ những năm 1920 trở đi cũng bao lần thắm đỏ
dòng máu của những bậc Thánh “thủ tử thiện đạo”, mà Đức Liễu Tâm Chơn Nhơn
Huỳnh Ngọc Trác bảo rằng là lửa đỏ thử thách vàng mười ở tất cả những ai trung
kiên vì Thầy vì Đạo:
Có gặp lửa hồng vàng biết giá
Đức Bảo Pháp Chơn Quân Huỳnh Chơn cảm thán:
Ôi nhắc đến mà lòng tha thiết
Bậc
tiền khai tâm huyết trải trang
Biết
bao gian khổ trần hoàn
Những tài liệu lịch sử được kết tập trong quyển sách nhỏ Cấm Đạo Cao Đài Ở Trung Kỳ 1928-1950 ([7]) cũng là những
bằng chứng khách quan để lớp người áo trắng đời sau hiểu rõ, biết rõ những hy
sinh vô bờ bến của hàng hàng lớp lớp tiền nhân đã hiến dâng cho một lý tưởng.
Nhìn sang tôn giáo bạn, lịch sử truyền giáo của đạo Thiên
Chúa cũng đầy những bách hại từ xưa đến nay. Đó là lý do vào cuối tháng
10-2015, khi viết lời tựa cho ấn bản Kinh Thánh bằng tiếng Đức dành cho giới
trẻ, Giáo Hoàng Phanxicô (Francis) viết:
Ngày nay có nhiều Kitô hữu bị bách
hại hơn những ngày đầu của Giáo Hội. Và tại sao họ bị bách hại? Họ bị bách hại
bởi vì họ đeo thánh giá và làm chứng cho Chúa Giêsu. Họ bị kết án bởi vì họ sở
hữu Kinh Thánh. Vì vậy Kinh Thánh là quyển sách cực kỳ nguy hiểm - quá nguy hiểm đến nỗi ở nhiều nước [nếu các con có Kinh Thánh] thì các
con bị đối xử như thể các con đang giấu lựu đạn trong tủ.([8])
Dietrich Bonhoeffer (1906-1945) là mục sư
người Đức thuộc giáo hội Luther. Khi viết Cái
Giá Của Thân Phận Đệ Tử (The Cost of Discipleship),([9]) nhà thần học này khẳng
định:
Trở lại với sự tích ngọc bích Biện Hòa và
thánh giáo Đức Đại Tiên Ngô Minh Chiêu, người môn đệ Cao Đài hôm nay nếu lắng
lòng suy gẫm ắt sẽ nhận thức được những đạo lý sâu kín mà Đức Ngôi Hai ký thác
cho lớp người nối gót đi sau trên viễn đồ thế Thiên hành hóa:
1. Người tín hữu Cao Đài hết lòng trung
kiên ôm giữ Đạo Thầy được Đức Ngô ví như Biện Hòa ôm ngọc quý, bất kể thân xác
mấy phen bị tàn hại. Sự ví von này ở miền Trung vào năm 1957 nhắc chúng ta nhớ
đến một thánh giáo khác của Đức Chí Tôn khi Thầy giáng dạy các môn sanh Hội
Thánh Cao Đài Bạch Y tại Bửu Sơn ở phương Nam .
Hôm ấy, đàn cơ vào giờ Dậu, ngày 30-5 Ất
Hợi (Chủ Nhật 30-6-1935), Thầy huấn dụ rằng mối Đạo mà Thầy ban trao cho con
cái trên dải đất hình chữ S này ví như một viên ngọc quý, các môn đệ phải cẩn
thận bảo vệ giữ gìn cho ngọc khỏi bị cướp đoạt mất. Lời Thầy dạy như sau:
“Hễ con
nào cầm ngọc quý của Thầy vào tay thì ma đón ngách, quỷ chận đường, làm cho các
con kinh hồn hoảng vía, coi các con có yếu dạ bỏ chạy thì nó cướp ngọc của các
con.
Các con
ôi! Các con có liệu sức mình, có tài ba hùng lực nhắm không chi cự nổi thì con
sẽ thủ ngọc của Thầy mà gìn giữ, bằng không thì thôi, chớ các con lơ lỉnh thì
ắt mất ngọc của Thầy, lại làm cho bầy quỷ lộng nó dể duôi đến Thần Thánh nữa.” ([11])
2. Ngọc bích Biện Hòa dẫu rằng có giá trị
liên thành chăng nữa chung quy cũng chỉ là vật quý vô tri làm của riêng cho một
người, cho một ông vua.
Trái lại, “viên ngọc Kỳ Ba” do Đức Cao Đài
Thượng Đế ban trao lại là bảo bối hy hữu vô giá dành chung cho một dân tộc hôm
nay và cho cả chúng sanh hay nhân loại mai sau trong chí ít thất ức niên dư.
Bởi thế, hướng về một trăm năm đạo Cao Đài
đang đến gần, trong chỗ ý tại ngôn ngoại, xin chép lại sau đây đôi dòng thánh
thi nhắn nhủ của Đức Hộ Pháp Phạm Công Tắc, để anh chị em áo trắng chúng ta
cùng dưỡng nuôi ý thức bảo toàn danh Thầy danh Đạo, giúp nhau trân trọng giữ
gìn cho “viên ngọc Kỳ Ba” này chẳng những không bị cướp đoạt mất, không bị sứt
mẻ mà lại còn mãi mãi tỏa sáng rực rỡ vẻ đẹp thiêng liêng diệu mầu của hồng ân
tận độ:
Mong sao hậu tấn khôn hơn trước
Để cố
xiển dương mối Đạo Thầy.([12])
Huệ Khải
Nhiêu Lộc, 08-5-2016
([8]) There are
more persecuted Christians in the world today than in the early days of the
Church. And why are they persecuted? They are persecuted because they wear a
cross and bear witness to Jesus. They are convicted because they own a Bible.
The Bible is therefore a highly dangerous book - so dangerous that you are treated in some countries as
if you were hiding hand grenades in your closet.
http://aleteia.org/2015/10/17/the-bible-is-an-extremely-dangerous-book-pope-tells-young-people/
► Quý đạo hữu gần xa muốn nhận các kinh sách do Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo xuất bản, được gởi biếu qua bưu điện, xin vui lòng gởi e-mail về: daidaovanuyen@gmail.com
Và xin quý đạo hữu hoan hỷ trả giúp cước phí cho bưu điện ngay khi nhận được sách biếu.
Ban Ấn Tống trân trọng cảm ơn quý đạo hữu.