Khoảng năm 1845:
Ông nội tiền bối Cao Triều Phát là Cao Cần Thiệt (1825-1884), người Triều
Châu, khoảng 20 tuổi, rời tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc) tới Bạc Liêu khẩn hoang,
lập nên đại nghiệp tại ấp Vĩnh Hinh, xã Vĩnh Lợi, tổng Thạnh Hòa, phủ Ba Xuyên,
tỉnh An Giang. Ngày nay vùng này thuộc thị xã Bạc Liêu.
Cao Cần Thiệt kết hôn với
Trình
Thục Giang (1834-1892) là con một phú hộ tại Bạc Liêu. Hai ông bà
sinh được hai trai, ba gái.([1])
Con thứ hai là Cao Minh
Thạnh (1860-1919) làm trưởng nam vì đầu lòng là gái. Ông sớm trở
thành người tai mắt ở địa phương:
1879: 20 tuổi, làm trưởng
ấp Vĩnh Hinh; rồi làm hương chủ làng Vĩnh Lợi.
1900: 41 tuổi, làm cai
tổng tổng Thạnh Hưng.
1904: 45 tuổi, được phong hàm huyện.
1912: 53 tuổi, được phong hàm phủ.
1918: 59 tuổi được phong hàm đốc phủ sứ.
Ông Cao Minh Thạnh có công đào kinh, đắp lộ, mở mang quận
Vĩnh Châu,([2]) tài
trợ cho Việt Nam Quang Phục Hội của
chí sĩ Phan Bội Châu (1867-1940) và Kỳ Ngoại Hầu Cường Để (1882-1951). Trong
công điện số 331-S ngày 05-12-1926 gởi giám đốc Tổng Nha Mật Thám Đông Dương,
trùm mật thám Nam Kỳ là Paul Arnoux bảo rằng họ Cao là một gia đình chống Pháp
(famille anti-française).([3])
Ông Cao Minh Thạnh kết hôn với Tào Thị Xút (1858-1901),
người ấp An Trạch, làng Vĩnh Lợi. Hai ông bà sinh sáu trai (lót chữ Triều) và hai gái (lót chữ Thoại), theo thứ tự là:
Cao Triều Chấn
(1877-1921);
Cao Triều Chánh
(1880-1955);
Cao Triều Trực
(1884-1968);
Cao Triều Trung
(1886-1956);
Cao Triều Phát
(1889-1956), con trai thứ năm nhưng theo tục lệ miền Nam gọi là Sáu Phát;
Cao Triều Hưng
(1891-1957);
Cao Thoại Ý (1893-1990);
và
TIỀN BỐI CAO TRIỀU PHÁT (1889-1956)
17-4-1889 (18-3 Kỷ Sửu): Giờ Thìn,
tiền bối Cao Triều Phát chào đời tại ấp Vĩnh Hinh, làng Vĩnh Lợi, tổng Thạnh
Hưng, hạt Bạc Liêu. Đi học, tên tự là Thuận Đạt, bút danh là Sơn Kỳ
Giang.
1910: Tiền bối Cao Triều Phát
tốt nghiệp collège Chasseloup-Laubat (Sài Gòn).([6]) Tiền bối không sang Pháp học
vì cha mẹ sợ con lưu lạc xứ người.
1910-1912: tiền bối Cao Triều
Phát học hai năm luật ở Sài Gòn, do Tòa Án Sài Gòn mở. Tốt nghiệp, về làm thư ký
kiêm thông dịch tại Ty Niết (cơ quan tư pháp) ở Bạc Liêu.
1914: Thế Chiến thứ Nhất bùng
nổ, quân Đức xuyên qua Bỉ kéo vào Pháp, hy vọng chiếm giữ Paris . Pháp đưa gần chín vạn người Việt sang
Pháp để phục vụ chiến tranh Pháp-Đức. Tiền bối Cao Triều Phát đăng ký làm thông
ngôn trong một đơn vị lính thợ (để sang Pháp mà khỏi tốn tiền nhà).
1914-1919: Tại Pháp, tiền bối Cao
Triều Phát liên lạc với Tổng Liên Đoàn Lao Động Pháp nhờ trợ giúp bênh vực
quyền lợi người thợ Việt Nam.
01-7-1919 (04-6-Kỷ Mùi): Thân phụ
tiền bối Cao Triều Phát tạ thế tại Bạc Liêu.([7]) Tiền
bối cũng vừa hết hạn hợp đồng thông ngôn, về nước thọ tang. Sau đó, trở qua
Pháp.
1920-1922: Tại Pháp, tiền bối Cao
Triều Phát có nhiều hoạt động như:
Tiếp xúc các thủ lãnh công đoàn, các chính khách cánh tả.
Diễn thuyết để dân Pháp biết đúng về Việt Nam .
Tham gia Viện Hàn Lâm Khoa Học, Nghệ Thuật Và Văn Chương La-Tinh
(Académie latine des Sciences, Arts et
Belles Lettres).
Tham gia Hội Hàn Lâm Lịch Sử Quốc Tế (Société académique d’Histoire internationale).
Tham gia Liên Hiệp Quốc Tế Các Hội Bác Học (Fédération internationale des Sociétés
savantes)...
11-8-1922: Tiền bối Cao Triều
Phát lên tàu thủy về nước, cập bến Sài Gòn giữa tháng 9-1922.
Về sau, viết báo La Tribune indigène (Diễn đàn bản xứ)
trong bước đầu thể nghiệm đấu tranh chống Pháp công khai tại Sài Gòn.
26-6-1925: Chí sĩ Phan Châu
Trinh rời Paris về Sài Gòn. Tiền bối Cao Triều Phát thường tiếp xúc Phan chí sĩ
tại khách sạn Bá Huê Lầu (số 54 đường Pellerin, nay là Pasteur).([11])
Tháng 8 hay 9-1925
(tháng 7 Ất Sửu): Nhóm cầu tiên ở phố Hàng Dừa (Arras) gồm ba tiền bối Cao
Quỳnh Cư, Cao Hoài Sang, Phạm Công Tắc nhờ thông công tiếp xúc được Đức Thượng Đế
Cao Đài tá danh là AĂÂ.
Tháng 11-1925:
Tiền bối Cao Triều Phát dự hai buổi diễn thuyết của chí sĩ Phan Châu Trinh:
“Đạo Đức Và Luân Lý Đông Tây”, ngày 19; và “Quân Trị Chủ Nghĩa Và Dân Trị Chủ
Nghĩa”, ngày 27.
31-12-1925
(16-11 Ất Sửu): Nhóm cầu tiên ở phố Hàng Dừa (Arras) vọng Thiên cầu đạo, trở
thành môn đệ Đức Thượng Đế Cao Đài. (Trong khoảng thời gian 1925-1926, tiền bối
Cao Triều Phát có lần tham dự một buổi cầu tiên tại phố Hàng Dừa.)
21-3-1926: Tiền bối Cao Triều
Phát dự cuộc mít-tinh quy tụ khoảng ba ngàn người tại Vườn Xoài, xóm Lách trên
đường Lanzarotte (nay là đường Đoàn Công Bửu, phường 7, quận 3) để phản đối
thực dân Pháp đàn áp nhà báo Trương Cao Động. Trên đường về, tiền bối bị bắt
đưa về bót Catinat và bị giam chung với sáu mươi người nữa. Nhờ báo chí tranh
đấu, thống đốc Nam Kỳ Maurice Cognacq ([12]) phải lệnh cho thanh tra mật thám Bazin ([13]) thả ra sau ba ngày giam giữ tiền bối.
Tháng 10-1926
(tháng 9 Bính Dần): Bạc Liêu bắt đầu biết đạo Cao Đài khi các tiền bối Cao
Quỳnh Cư, Đào Văn Chỉ, Hà Văn Điền, Lâm Hương Thanh, Lê Văn Giảng, Lê Văn
Trung, Lê Văn Yên, Lưu Quang Viễn, Nguyễn Ngọc Thơ, Nguyễn Văn Biện, Phạm Công
Tắc, Trần Đạo Quang, v.v… tuân lịnh Đức Cao Đài đi truyền đạo, lập đàn cơ phổ
độ ở chín tỉnh Bạc Liêu, Cần Thơ, Châu Đốc, Hà Tiên, Long Xuyên, Rạch Giá, Sóc
Trăng, Trà Vinh, và Vĩnh Long.
12-11-1926:
Lúc 3 giờ chiều, tại nhà hàng Cửu Long Giang, số 162-164 đường Espagne (nay là
Lê Thánh Tôn, quận 1), Đông Dương Lao Động Đảng được thành lập, trụ sở Đảng tại
112 đường Espagne. Tiền bối Cao Triều Phát là người sáng lập và soạn Điều Lệ
Đảng, được cử làm chánh đảng trưởng, và làm cố vấn chánh trị cho hai diễn đàn
của Đảng là: Nhựt Tân Báo (ra ngày
thứ Năm, chủ nhiệm là Cao Hải Để); báo
L’Ère nouvelle (Kỷ nguyên mới, ra
ngày thứ Ba và thứ Bảy).
17-8-1926: L’Ère nouvelle ra số đầu tiên.
Khoảng 1928:
Tiền bối Trương Kế An (1899-1983), bác sĩ, lập đàn Minh Thiên ở làng Vĩnh Lợi
(Bạc Liêu).
03-10-1929: Cao Gia Tộc Phổ do hai tiền bối Cao
Triều Trực (1884-1968) và Cao Triều Hưng (1891-1957) soạn và xuất bản. In lần
nhì năm 1950.
Tháng 6-1929:
Thực dân Pháp đóng cửa báo L’Ère nouvelle
(ngày 22); bắt giam chủ nhiệm Cao Hải Để và lục soát tòa soạn (ngày 25).
06-7-1929: Thực dân Pháp đóng
cửa Nhựt Tân Báo.
1930: Tiền bối Cao Triều Phát
được bầu vào Hội Đồng Quản Hạt Nam Kỳ (Conseil
Colonial de Cochinchine).([14])
30-4-1932
(25-3
Nhâm Thân): Tiền bối Cao Triều Phát nhập môn Cao Đài tại thánh thất Thái Dương
Minh, ấp Thạch Sau, xã Khánh Hòa, huyện Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng, thuộc Hội Thánh
Cao Đài Minh Chơn Đạo. Hai vị tiến dẫn là Giáo Sư Nguyễn Kim
Khuê và Ngọc Chưởng Pháp Trần Đạo Quang (1870-1946). Thánh thất Thái Dương Minh
cất trên đất nhà (xã Khánh Hòa, quận Vĩnh Châu, tỉnh Bạc Liêu), do tiền bối Cao
Triều Phát hiến tặng để dân trong vùng có nơi tu hành.([15])
1932: Tiền bối Cao Triều Phát là Bảo Đạo Hiệp Thiên Đài
Hội Thánh Cao Đài Minh Chơn Đạo.
13-10-1933 (24-8
Quý Dậu): Đức Giáo Tông Lý Thái Bạch gieo ý thức về công đồng giáo lý phục vụ
Đông Tây.
18 đến 20-5-1934 (06
đến 08-4 Giáp Tuất): Tiền bối Cao Triều Phát được Ơn Trên giao nhiệm vụ chủ trì
một đại hội với tên gọi Hội Lý Đạo Công Đồng
Giáo Lý Tôn Giáo, do Hội Thánh Minh Chơn Đạo tổ chức tại thánh thất Ngọc
Phước Đàn (Bạc Liêu), mời các tôn giáo bạn (Thiên Chúa, Tin Lành, Phật, các
phái Cao Đài), mục đích xiển dương vạn giáo nhứt lý. Có mười sáu bản tham luận,
sau khi đại hội bế mạc lại nhận thêm sáu bản nữa. Là chủ tịch đại hội, sau đó
tiền bối Cao Triều Phát đã kết tập tài liệu, với bút danh Sơn Kỳ Giang, xuất
bản thành quyển Sau Khi Cuộc Công Đồng
Giáo Lý Tôn Giáo, 225 trang (16x24cm), in tại nhà in Đức Lưu Phương (Sài
Gòn).
28-8-1934 (19-7 Giáp Tuất):
Giờ Tý, tại Ngọc Minh Đàn (thánh thất Ngọc Minh, ở Giồng Bốm, xã Phong Thạnh, quận
Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu),([16]) thân phụ tiền bối Cao Triều Phát giáng cơ
với quả vị là Minh Cảnh Thần Chơn. Ngài xưng danh như sau:
MINH chúc CAO tân sắc Ngọc Cung,
CẢNH
thiên MINH thệ chí tâm trung,
THẦN
triều THẠNH phước nhơn an lạc,
CHƠN
giáo truyền ân PHÁT ngộ tùng.
Bài thơ khoán thủ là
hồng danh Minh Cảnh Thần Chơn, khoán
tâm là Cao Minh Thạnh và Phát.
Khoảng 1935:
Đức Giáo Tông Lý Thái Bạch giao tiền bối Cao Triều Phát sưu tập và biên soạn Lễ
Bổn.
14-02-1937
(04-01 Đinh Sửu): Tại Tòa Thánh Hậu Giang (Minh Chơn Đạo), Đức Cao Đài dạy tiền
bối Ngọc Chưởng Pháp Trần Đạo Quang và tiền bối Bảo Đạo Cao Triều Phát ngày
27-3-1937 (15-02 Đinh Sửu) ra Trung Kỳ để yểm trợ bổn đạo xây dựng thánh thất
Trung Thành. Đức Chí Tôn dạy:
“Đạo Quang, Triều Phát hai
con nghe Thầy dạy.
Đạo Quang, con vì Đạo, vì
nhân sinh, con phải thân hành đi đến Trung Kỳ mở cơ quy nguyên và hoằng hóa.
Phát, vì con mến Đạo thương
đời, con phải nhọc nhằn với Đạo, mượn thế để giác thế, lo việc ngoại giao với
Nam triều.
Vậy hai con nghe đây:
Con vì Đạo chơn trời góc bể
Con thương đời chi nệ đắng cay
Nghiêng vai gồng gánh Đạo Thầy
Phổ thông tôn chỉ Cao Đài chánh chơn
Giục đại cổ chiêu hồn trụy lạc
Khai hồng chung cầu đạt vạn sanh
Hai con trọng trách tâm thành
Nhị ngoạt thập ngũ thượng hành Trung Hưng
Hiệp nhau lại cùng chung huynh đệ
Chuyển cơ linh kẻo trễ thời kỳ
Hoằng khai Đại Đạo Tam Kỳ
Nhơn sanh hưởng ứng đồng quy về cùng
Quang, Phát! Hai con đến Trung Hưng…”
27-3-1937 (15-02 Đinh Sửu): Tiền
bối Bảo Đạo Cao Triều Phát và tiền bối Ngọc Chưởng Pháp Trần Đạo Quang vâng
lịnh Đức Cao Đài ra Trung Kỳ để yểm trợ bổn đạo xây dựng thánh thất Trung
Thành.
15-11-1937 (13-10 Đinh Sửu): Tại Thông Thiên Đài, giờ
Dậu, tiền bối Cao Triều Phát trình dâng Ơn Trên bản thảo Lễ Bổn (Dương Sự, Thể Thức, Tang Tế, Cầu Siêu) do tiền bối sưu tập
và biên soạn trong hai năm, gồm trên một trăm năm mươi bài kinh. Giờ Tý 14 rạng
15-10 Đinh Sửu, Đức Đông Phương Lão Tổ phê duyệt, cho phép ấn hành.
1938: Tiền bối Cao Triều Phát
thành lập Thanh Niên Đạo Đức Đoàn quy
tụ thanh niên Cao Đài Hội Thánh Hậu Giang để huấn luyện những phần tử ưu tú,
đạo đức, ngõ hầu xây dựng nền móng thuần túy, ổn định cho Đạo. Tiền bối được
Hội Thánh cử làm Tổng Trưởng.
Tháng 9-1939:
Tiền bối Cao Triều Phát xuất bản Lễ Bổn
(Dương Sự, Thể Thức, Tang Tế, Cầu Siêu). Sách dày hơn 140 trang, in tại nhà
in Nguyễn Lộc Tiêng, số 63, đường Lamothe de Carrier, Bạc Liêu. Giá 4 cắc một
cuốn.([17])
27-10-1939
(15-9 Kỷ Mão): Bản điều lệ hoạt động của Thanh Niên Đạo Đức Đoàn với tên gọi Kỷ Luật Thanh Niên Đoàn Đạo Đức, gồm tám
điều, do tiền bối Cao Triều Phát soạn được gởi đến chánh quyền thuộc địa.
Một tháng sau, ngày 27-11, chủ tỉnh Bạc Liêu là Larivière ký duyệt. Sau đó, bản
điều lệ được in tại nhà in Nguyễn Lộc Tiêng (Bạc Liêu), dày 18 trang
(12,5x15,5cm). Theo đó, tín đồ nam (18-35 tuổi) gọi là thanh niên, mặc áo dài trắng và đội khăn đóng đen. Tín đồ nữ (16-30
tuổi) gọi là thanh xuân, mặc áo dài
trắng.
10-7-1940: Thống Đốc Nam Kỳ
René Veber ([18]) ra nghị định 3949 đóng cửa
toàn bộ các thánh thất của Minh Chơn Đạo.
12-7-1940: Bằng đạo dụ số 3985,
Thống Đốc Nam Kỳ René Veber ra lệnh khám xét các thánh thất của Minh Chơn Đạo
và nhà riêng của tiền bối Cao Triều Phát. Lúc 6 giờ sáng, nhà của tiền bối ở
xóm Nhà Đèn, làng Vĩnh Lợi, thị xã Bạc Liêu bị khám xét (trong khi tiền bối
không có nhà). Lúc 10 giờ 30 sáng, một nhà khác của tiền bối ở xã Khánh Hòa,
huyện Vĩnh Châu cũng bị khám xét và Pháp tịch thu một số sách vở, giấy tờ.
08-4-1943: Tiền bối Cao Triều
Phát bị quản chế trong phạm vi tỉnh Bạc Liêu, mỗi tuần phải trình diện một lần,
do quyết định số 2519 của Thống Đốc Nam Kỳ Ernest Thimothée Hoeffel.([19])
Đêm 09-3-1945:
Nhật đảo chánh, hất chân Pháp.
24-6-1945 (15-5 Ất Dậu): Thay
mặt Hội Thánh Minh Chơn Đạo, tiền bối Cao Triều Phát hiệp cùng các phái Cao Đài
thành lập Cao Đài Mười Một Phái Hiệp Nhứt tại Tam Giáo Điện Minh Tân (số 221,
quai de la Marne, nay là bến Vân Đồn, Vĩnh Hội, Sài Gòn). Tiền bối được bầu làm
chủ tịch, lãnh đạo tín đồ giữ vững chơn truyền đạo Cao Đài, không để cho danh
xưng Cao Đài bị các phe nhóm chánh trị và quân sự lợi dụng.
Khoảng giữa tháng 8-1945:
Tiền bối Cao Triều Phát làm phó chủ nhiệm Ủy Ban Mặt Trận Việt Minh tỉnh Bạc
Liêu.
22-8-1945: Tiền bối Cao Triều
Phát làm chủ tịch Ủy Ban Giải Phóng Dân Tộc tỉnh Bạc Liêu.
Tháng 9-1945: Từ
17 đến 24, tiền bối Cao Triều Phát vận động tín đồ Cao Đài Minh Chơn Đạo tham
gia “Quỹ độc lập” và “Tuần lễ vàng”. Tiền bối và gia đình hiến cách mạng năm
ngàn héc-ta ruộng và tất cả số vàng dành dụm của gia đình.
01-10 đến 15-11-1945:
Tiền bối Cao Triều Phát làm chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Bạc Liêu.
19 và 20-11-1945: Tiền
bối Cao Triều Phát triệu tập hội nghị chức sắc toàn Hội Thánh Cao Đài Minh Chơn
Đạo để thảo luận và quyết định thành lập mặt trận Giồng Bốm hay là rút vào
rừng. Quyết nghị là lập mặt trận để chống trả quân Pháp.
16-11-45 đến 06-01-1946: Tiền
bối Cao Triều Phát làm ủy viên trưởng Tài Chánh Kinh Tế của Ủy Ban Kháng Chiến
miền Hậu Giang.
06-01-1946:
Tiền bối Cao Triều Phát được bầu vào Quốc Hội (đại biểu tỉnh Bạc Liêu).
Tháng 02-1946:
Tiền bối Cao Triều Phát làm cố vấn quân sự tối cao chiến khu 9.
06-01 đến 24-4-1946:
Tiền bối Cao Triều Phát làm chỉ huy trưởng mặt trận Giồng Bốm, bị trúng mảnh
đạn pháo. Nhờ chiến sĩ Y liều chết, cõng xuống chiếc xuồng con neo ở Lung Lá
mới thoát hiểm. Mặt trận tan vỡ.([20])
02-11-1946:
Tiền bối Cao Triều Phát phát động phong trào Quyển sổ vàng Cao Đài cứu quốc gây quỹ kháng chiến. Tiền bối cùng
với gia đình đóng góp 1.540 đồng. Sau bốn tháng vận động tín đồ được thêm
136.478 đồng (thời ấy, một đồng mua được một giạ lúa).
06-3-1947: Tiền bối Cao Triều
Phát rời chiến khu 9 vào chiến khu Đồng Tháp Mười, lần lượt giữ nhiều chức vụ
quan trọng. Tiền bối sống và làm việc dưới mái nhà lợp đưng ([21]) bên bờ kinh Dương Văn Dương. Trong chiến
khu, khi đi làm việc các nơi, tiền bối đội nón cối hay nón bàng, lưng mang nóp
bàng, một tay cắp cặp cũng đan bằng bàng, một tay chống gậy.
Tháng 7-1947:
Tiền bối Cao Triều Phát vận động tín đồ đóng góp một trăm ngàn đồng mua đấu giá
chiếc áo lụa của Hồ Chủ Tịch để gây quỹ giúp đỡ thương binh.([22])
14 đến 17-10-1947:
Tại chiến khu Đồng Tháp Mười, Cao Đài Cứu Quốc Mười Hai Phái Hiệp Nhứt ra đời. Tiền
bối Cao Triều Phát làm chủ tịch. Báo Đường
Sáng là cơ quan ngôn luận của tổ chức này, do Cao Hải Để làm chủ nhiệm.
16-10-1947: Cao
Đài Cứu Quốc Mười Hai Phái Hiệp Nhứt bầu ra Hội Thánh Duy Nhứt Đại Đạo Tam Kỳ
Phổ Độ.
1948: Hội Nghị Ủy Ban Kháng
Chiến Hành Chánh Nam Bộ (UBKC) diễn ra tại bưng biền Đồng Tháp Mười. Tiền bối Cao
Triều Phát (cố vấn UBKC) đã tham dự. Hội Nghị này có mặt các ông: Lê Duẩn (bí
thư xứ ủy), Lê Đức Thọ (chính ủy phân liên khu miền Tây Nam Bộ), Phạm Văn Bạch
(chủ tịch UBKC), Phạm Ngọc Thuần (phó chủ tịch UBKC), Phan Văn Chương (đổng lý
văn phòng UBKC), Ngô Tấn Nhơn (đặc phái viên của Chính Phủ bên cạnh UBKC)...
14 đến 18-10-1948:
Tại chiến khu Đồng Tháp Mười, Cao Đài Cứu Quốc Mười Hai Phái Hiệp Nhứt đổi tên
thành Cao Đài Cứu Quốc Mười Hai Phái Thống Nhứt, tiền bối Cao Triều Phát làm
chủ tịch.([23])
19-10-1948:
Hội Thánh Duy Nhứt Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ công cử tiền bối Cao Triều Phát nắm quyền
chưởng quản Cửu Trùng Đài.
25-4-1949: Tiền
bối Cao Triều Phát được
tặng Huân Chương Độc Lập hạng Nhì, do quyết định số 32/SL, Chủ Tịch nước Hồ Chí
Minh ký.
1953: Tiền bối Cao
Triều Phát công tác ở Vàm Cái Nước, Cà Mau. Bên cạnh có vợ (Châu Thị Tùng), con
gái Cao Bạch Liên, con trai Cao Triều Khiết, và con gái nuôi (Ba Kim). Trong năm
này, tiền bối dự Liên Hoan Các Dân Tộc, Các Tôn Giáo Và Các Giới do Ủy Ban Liên
Việt Nam Bộ tổ chức ở miền Tây Nam Bộ.
28-02-1953:
Khi được hội nghị khoáng đại Cao Đài Cứu Quốc lần thứ Tư đề nghị mặc phẩm phục
Giáo Tông, tiền bối Cao Triều Phát từ khước, và nói: “Cứu nhơn sanh không phải bằng đạo phục. (…) Tôi trước đây đã lội sình,
ăn cơm gạo mốc mà vẫn cứu được nhơn sanh. Không phải tôi cực khổ để có được
ngôi Giáo Tông.”
26-4-1954: Hội Nghị Genève (tại Thụy Sĩ) khai mạc, bàn về vấn đề
khôi phục hòa bình tại Triều Tiên và Đông Dương.
08-5 đến 23-6-1954: Hội Nghị
Genève thảo luận vấn đề Đông Dương vì vấn đề Triều Tiên không đạt được kết quả.
24-6 đến 20-7-1954: Tại Hội Nghị
Genève phái đoàn Pháp và Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa đàm phán trực tiếp để giải
quyết các vấn đề cụ thể.
21-7-1954: Hiệp Định Genève bắt đầu được ký kết,
chấm dứt chế độ thực dân Pháp tại bán đảo Đông Dương, công nhận nền độc lập của
ba nước Việt Nam, Lào, và Cam Bốt. Trong những nội dung cơ bản, có quy định: lấy sông Bến Hải
(vĩ tuyến 17) làm giới tuyến quân sự tạm thời chia Việt Nam làm hai vùng tập
kết quân sự; chính quyền và quân đội Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa tập trung về
miền Bắc; chính quyền và quân đội khối Liên Hiệp Pháp tập trung về miền Nam;
dân chúng được tự do đi lại giữa hai miền trong ba trăm ngày là thời gian để
chính quyền và quân đội các bên hoàn thành việc tập trung, v.v...
28-8-1954: Chính quyền cách mạng ra
mắt đồng bào thị xã Cà Mau trước ngày tập kết. Dịp này, tiền bối Cao Triều Phát
và ông Lê Duẩn (bí thư xứ ủy) cùng đặt vòng hoa tưởng niệm trước đài liệt sĩ. Buổi
lễ có mặt luật sư Phạm Văn Bạch (chủ tịch Ủy Ban Kháng Chiến Hành Chánh Nam
Bộ).
17-9-1954: Tiền bối Cao Triều
Phát tập kết ra Bắc, từ sân bay Tân Sơn Nhứt bay ra Gia Lâm (Hà Nội). Vì Hà Nội chưa
được tiếp quản, tiền bối đi lên huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên, là nơi đang đặt
các cơ quan trung ương của chính quyền cách mạng. Tiền bối tới nơi vào chiều
ngày 19.
10-10-1954:
Tiền bối Cao Triều Phát đặt chân tới Hà Nội.
1954: Tiền bối Cao Triều Phát
cùng đoàn đại biểu dự Hội Nghị Hòa Bình Thế Giới tại Thụy Điển. Trong đoàn có các
ông: Tâm Minh Lê Đình Thám (trưởng đoàn),([24]) Xuân Thủy (phó đoàn), Hồ Thành Biên (linh
mục), Huỳnh Văn Trí (sư thúc Hòa Hảo), La Côn và Xuân Oanh (hai phiên dịch).
Trong hành trình đoàn có ghé Trung Quốc, viếng Ung Hòa Cung 雍 和 宮 (chùa Lạt Ma Giáo).([25]) Tiền bối cùng với đoàn
đã ghé Mạc Tư Khoa (Nga) cũng trong hành trình này.
01-01-1955: Tiền
bối Cao Triều Phát tổ chức hội nghị thống nhất đạo Cao Đài ở miền Bắc.
24-01-1955
(01-01 Ất Mùi): Tại thánh thất Hà Nội (48 Hòa Mã, quận Hai Bà Trưng), tiền bối
Cao Triều Phát tổ chức buổi họp giới thiệu đạo Cao Đài với đồng bào và chính
quyền.
06-02-1955 (14-01 Ất Mùi): Tiền bối Cao Triều Phát
với cương vị là Anh Cả chưởng quản Cửu Trùng Đài của Hội Thánh Duy Nhứt Đại Đạo
Tam Kỳ Phổ Độ, ban hành đạo lịnh số 02 ([26])
như sau:
ĐẠO LỊNH
HỘI THÁNH DUY NHỨT
ĐẠI ĐẠO TAM KỲ PHỔ ĐỘ
(Cao Đài Cứu Quốc Mười
Hai Phái Hợp Nhất)
Chiếu y Tân Luật và Pháp
Chánh Truyền của Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ,
Xét vì đại hội nhơn sanh
mười hai phái Đạo họp ngày 14-10-1948 ở Đồng Tháp Mười đã bầu lên Chưởng Quản
Cửu Trùng Đài Hội Thánh Duy Nhứt để đảm nhận những quyền tối cao của vị Giáo Tông
quy định trong Tân Luật của Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ.
Xét vì Thượng Hội dưới
quyền chủ tọa của Chưởng Quản Cửu Trùng Đài Hội Thánh Duy Nhứt có thẩm quyền
phong thưởng chức sắc cho mười hai phái Đạo trong hàng ngũ Cao Đài Cứu Quốc đã
giữ vững chơn truyền của Đại Đạo và đã tham gia cứu nước và kiến thiết nước
nhà,
Chiếu y chương trình hành
đạo được Khoáng Đại Hội Nghị Cao Đài Cứu Quốc Nam Bộ thông qua ngày 14-10-1948.
RA ĐẠO LỊNH
Điều thứ
nhứt
a. Hiền hữu Đầu Họ Đạo,
hiền hữu Chánh Hội Trưởng Ban Cai Quản thánh thất trung ương Hà Nội thuộc phái
Ban Chỉnh Đạo và các Ban Trị Sự trực thuộc,
b. Hiền hữu Đầu Tộc Đạo,
hiền hữu Chánh Hội Trưởng Ban Cai Quản thánh thất Thăng Long thuộc phái Tòa Thánh
Tây Ninh và các Ban Trị Sự trực thuộc,
Đoàn kết hợp tác với nhau
đi các nơi củng cố hàng ngũ tín đồ, trấn tĩnh tinh thần bổn đạo ở thủ đô và các
tỉnh.
Điều thứ hai
Vị
Giáo Hữu Thượng Pho Thanh và vị Lễ Sanh Thái Thái Thanh, mỗi người tùy theo
phận sự, chiếu Đạo Lịnh thi hành.
Thủ đô Hà Nội, ngày 14
tháng Giêng âm lịch năm Ất Mùi (06-02-1955).
Anh Cả
Chưởng Quản Cửu Trùng Đài
Hội Thánh Duy Nhứt Đại Đạo
Tam Kỳ Phổ Độ
(Cao Đài Cứu Quốc Mười
Hai Phái Hợp Nhứt)
Cao Triều Phát
(Chữ
ký và con dấu)
Tháng
3-1955: Tiền bối Cao Triều Phát làm đại biểu Quốc Hội khóa I,
tham dự kỳ họp thứ tư tại Hà Nội.
29-9-1955
(14-8 Ất Mùi): Anh Cả Cao Triều Phát thăng
Lễ Sanh Đoàn Thị Dư (thánh thất Thăng Long) lên phẩm Giáo Sư. Anh Cả phân định Thượng Phối Sư Nguyễn Văn Khoan
về hành đạo ở thánh thất Hà Nội (Hội Thánh Cao Đài Ban Chỉnh Đạo), Thái Đầu Sư Nguyễn
Hiền Ngô về thánh thất Thăng Long (Hội Thánh Cao Đài Tây Ninh).
07-9-1956: Buổi tối, tiền bối Cao
Triều Phát thọ bệnh (xuất huyết bao tử). Lúc này tiền bối và gia đình ngụ ở số
26C Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.
09-9-1956 (05-8 Bính Thân): Lúc 2
giờ chiều, tiền bối Cao Triều Phát quy thiên tại bệnh viện B303 (Hà Nội). Linh
cữu quàn tại Ủy Ban Trung Ương Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam (46 Tràng Thi, quận Hoàn Kiếm, Hà
Nội). Chủ Tịch nước Hồ Chí Minh, Chủ Tịch Quốc Hội Tôn Đức Thắng, Thủ Tướng
Phạm Văn Đồng kính viếng với ba vòng hoa, đều có hàng chữ “Vô cùng thương tiếc Cụ Cao Triều Phát”.
10-9-1956: Lúc 13 giờ 30, xe tang
đưa linh cữu tiền bối Cao Triều Phát rời trụ sở Ủy Ban Trung Ương Mặt Trận Tổ
Quốc Việt Nam (46 Tràng Thi, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) đưa đến nghĩa trang Nam Kỳ
(số 32 Nguyễn Công Trứ, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội). Tại nghĩa trang, Chủ Tịch
Quốc Hội Tôn Đức Thắng đọc điếu văn vĩnh biệt tiền bối Cao Triều Phát.
1956: Sau khi tiền bối quy
thiên, Bảo Tàng Cách Mạng xin gia đình chiếc áo lụa của Hồ Chủ Tịch để làm hiện
vật lịch sử. Chiếc áo này do tiền bối Cao Triều Phát vận động tín đồ đóng góp
một trăm ngàn đồng mua đấu giá để gây quỹ giúp đỡ thương binh (tháng 7-1947).
1960: Di hài tiền bối Cao Triều
Phát được cải táng lần thứ nhất, để đưa về nghĩa trang Đa Phúc, tỉnh Vĩnh Phúc,
cách Hà Nội 46km, vì nghĩa trang Nam Kỳ (số 32 Nguyễn Công Trứ, quận Hai Bà
Trưng, Hà Nội) bị giải tỏa để làm bến xe Thống Nhất.
1961: Di hài tiền bối Cao Triều
Phát được cải táng lần thứ hai, để đưa về nghĩa trang Yên Kỳ, xã Bất Bạt, huyện
Ba Vì, tỉnh Sơn Tây, vì nghĩa trang Đa Phúc (tỉnh Vĩnh Phúc, cách Hà Nội 46km) bị
giải tỏa để làm sân bay Nội Bài.
30-4-1961: Chủ Tịch nước Hồ Chí Minh ký truy tặng tiền bối Cao Triều Phát Huân Chương Kháng Chiến hạng Nhất,
quyết định số 49/LCT.
30-8-1961: Chủ Tịch nước Hồ Chí Minh ký
truy tặng tiền bối Cao Triều Phát thêm Huân
Chương Kháng Chiến hạng Nhất, quyết định số 22/LCT.
25-01-1966
(05-01 Bính Ngọ): Tại thánh tịnh Ngọc Minh Đài (thuộc Hội Thánh Tiên Thiên,
đường Nguyễn Khoái, Vĩnh Hội, quận 4, Sài Gòn), Đức Cao Triều Phát giáng cơ xưng
là: “Bảo Đạo chưởng quản Hiệp Thiên Đài Tòa
Thánh Hậu Giang”. Tiền bối dạy:
Thân xác gởi dặm trường quan ải,
Hồn
linh còn đi lại các nơi.
Để
lo xây dựng Đạo Trời,
Chờ
cơ hội đến chờ thời phục hưng.
Đem
giáo lý phong thuần mỹ tục,
Cho
muôn dân hưởng phút thanh nhàn.
Cho
người đừng tưởng trái ngang,
Đời
đời đạo đạo mà toan nghĩ lầm.
08-02-1967
(29-12 Bính Ngọ): Đàn giờ Tuất tại thánh
tịnh Ngọc Minh Đài (thuộc Hội Thánh Tiên Thiên, đường Nguyễn Khoái, Vĩnh
Hội, quận 4, Sài Gòn), Đức Chí
Tôn dạy: “Thầy đã truyền lịnh cho Cao
Triều Phát lai đàn hầu dạy thanh thiếu niên Phổ Thông Giáo Lý, để cho các con
được thông cảm tình đồng đạo, và Cao Triều Phát lập công tiến vị theo sự khẩn
cầu của Tiền Bối Đại Đạo đang ở bên cạnh của Thầy.” Sau đó, Đức Cao
Triều Phát giáng cơ, xưng danh:
CAO thấp hơn thua một nước cờ,
TRIỀU suy kẻ sĩ há làm ngơ,
PHÁT ngôn chẳng ngại ai thương ghét,
Bản tánh như nhiên tự thuở giờ.
20-8-1967 (15-7 Đinh Mùi): Tại thánh tịnh Ngọc Minh Đài (thuộc
Hội Thánh Tiên Thiên, đường Nguyễn Khoái, Vĩnh Hội, quận 4, Sài Gòn), chiếu theo sắc lịnh Đức Lý Giáo Tông giao phó, Thanh Thiếu Niên Phổ
Thông Giáo Lý ([27]) được
đặt dưới quyền trực tiếp lãnh đạo vô vi của Đức Tiền Bối Cao Triều Phát.
22-6-1969: Tại Sài Gòn, trên báo Đuốc Nhà Nam, Thiếu Sơn (Lê Sĩ Quý,
1908-1978) viết: “Hiện tượng Cao Triều
Phát là một hiện tượng đặc biệt nói lên cái nghĩa khí của người dân Nam Bộ, hơn
nữa lại là một nhà giàu muôn hộ trọng nghĩa và khinh tài.”
02-12-1971
(15-10 Tân Hợi): Tại Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý, Đức Cao Triều Phát dạy thanh
thiếu niên: “Tiên Huynh đã đi qua, chiếc
bóng đã nằm xuống. Nhưng tinh thần của Tiên Huynh mãi mãi theo gót chân của các
em mà đi vào ánh sáng Đạo, vào bóng tối của trần gian.”
Tháng 9-1983: Di
hài tiền bối Cao Triều Phát được cải táng lần thứ ba (hỏa táng). Thánh thất Đô
Thành (số 414/30 Hậu Giang, phường 12, quận 6, thuộc Hội Thánh Ban Chỉnh Đạo)
tổ chức cung nghinh di cốt tiền bối (hũ tro) về thánh thất để làm lễ truy điệu.
Sau đó di cốt được đưa về nhà riêng của con gái và rể (số 4 Đặng Tất, phường
Tân Định, quận 1).
21-5-2000: Di cốt (hũ tro) của
tiền bối Cao Triều Phát được đưa về nghĩa trang thành phố (quận Thủ Đức).
01-01-2001: Trần Bạch Đằng viết trên
nhật báo Cần Thơ, số 1: “Tôi nghe tiếng Cụ Cao Triều Phát khi tôi
còn đi học bậc tiểu học. Có một cái gì đó như
huyền thoại bao quanh Cụ mà thỉnh thoảng cha tôi nhắc đến với sự kính trọng đặc
biệt...”
09-9-2001: Lúc 9 giờ sáng, kỷ niệm
lần thứ bốn mươi lăm ngày tiền bối Cao Triều Phát quy thiên, câu lạc bộ Văn Học
thuộc Cung Văn Hóa Lao Động Thành Phố (55B Nguyễn Thị Minh Khai, quận 1) tổ
chức nói chuyện về cuộc đời tiền bối. Nhà văn Dũ Lan Lê Anh Dũng giới thiệu tác
giả Phan Văn Hoàng (thạc sĩ sử học) và Chương I (Vào Đời), Chương II (Thử
Nghiệm) trong tác phẩm Cao Triều Phát
– Nghĩa Khí Nam Bộ (Nhà xuất bản Trẻ, 2001). Nhà nghiên cứu Lan Đình giới
thiệu Chương III (Dấn Thân) trong tác
phẩm này của thạc sĩ Phan Văn Hoàng. Nhà văn Nguyên Hùng, nhà văn Trần Kim
Trắc, và tác giả Phan Văn Hoàng đã phát biểu cảm tưởng.
06-11-2001: Chủ Tịch nước Trần Đức
Lương ký truy tặng tiền bối Cao Triều Phát Huân Chương Hồ Chí Minh, quyết định
số 854/KTCT. Trao tặng ngày 29-12-2001.
12-2002: Hiền tỷ Cao Bạch Liên,
ái nữ tiền bối Cao Triều Phát hoàn thành bản thảo hồi ức Cha Và Con (hai tập).
09-9-2006: Mặt Trận Tổ Quốc Việt
Nam tại thành phố tổ chức họp mặt tại số 55 Mạc Đĩnh Chi, quận 1, để kỷ niệm năm
mươi năm ngày tiền bối Cao Triều Phát quy thiên. Ngoài phần phát biểu của Chủ
Tịch Mặt Trận (Trần Thành Long), các vị: Đạo trưởng Thiên Vương Tinh (phụ tá Bảo
Pháp Chơn Quân, Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Đại Đạo), Giáo Sư Thượng Minh Thanh
(trưởng ban đại diện Văn Phòng Đại Diện của Hội Thánh Cao Đài Tây Ninh tại
thành phố), Giáo Sư Ngọc Đầy Thanh (trưởng ban đại diện Hội Thánh Cao Đài Ban
Chỉnh Đạo tại thành phố), Đầu Sư Thượng Sáng Nhựt (Hội Thánh Cao Đài Minh Chơn
Đạo)... đã lần lượt đọc tham luận, phát biểu cảm tưởng.
31-10-2006:
Chủ Tịch nước Nguyễn Minh Triết ký truy tặng tiền bối Cao Triều Phát Huân
Chương Vì Sự Nghiệp Đại Đoàn Kết Dân Tộc. Ủy Ban Trung Ương Mặt Trận Tổ Quốc
Việt Nam tổ chức truy tặng ngày 11-8-2007.
Tháng 9-2010:
Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Cao Đài liên kết nhà xuất bản Tôn Giáo
(Hà Nội) ấn tống năm ngàn bản Hành Trạng
Tiền Bối Cao Triều Phát, kỷ niệm ngày tiền bối quy thiên (09-9-1956 /
09-9-2010).
HUỆ KHẢI
([4]) Người con gái út là nhân vật rất đặc
biệt, sanh giờ
Tuất, ngày 28-02-1896 (16-01 Bính Thân) tại Bạc
Liêu. Năm 1916 (Bính Thìn) cô kết hôn với Nguyễn Bá Tính, là con thứ của đốc phủ sứ Nguyễn Bá Phước, người ấp
Tân Hưng, xã Vĩnh Lợi. Ngày 12-7-1920 (27-5
Canh Thân), bà qua đời (lúc 23 giờ 30), 25 tuổi, chưa có con.
(Theo Cao Gia Tộc Phổ, xuất bản kỳ Nhì, năm Canh
Dần, 1950, tr. 44.) Sau khi quy thiên, bà là Cửu Nương, vị thứ chín trong chín vị Tiên Nương Diêu Trì Cung, phò
giá Đức Phật Mẫu (Diêu Trì Kim Mẫu Vô Cực Từ Tôn).
([6]) Lược sử trường này như sau: Pháp thành lập
école Normale colonial (trường sư phạm thuộc địa, 10-7-1871); xây trên phần đất
chùa Khải Tường (12-8-1871). Đổi tên thành collège Indigène (trường bản xứ,
1874), có lẽ do một nghị định của Phó Đô Đốc, Thống Đốc Nam Kỳ Jules François
Emile Krantz ký ngày 14-11-1874. Đổi tên thành collège Chasseloup-Laubat
(1876), chia ra khu Âu (quartier européen)
và khu bản xứ (quartier indigène).
Tách khu bản xứ nhập sang collège de Cochinchine (trung học Nam Kỳ, 15-7-1927).
Collège Chasseloup-Laubat đổi tên thành lycée Chasseloup-Laubat (1928), còn
collège de Cochinchine đổi tên thành lycée Petrus Ký. [Theo Nguyễn Đình Đầu, “Giáo Dục Dưới Triều Nguyễn Và Dưới Thời Pháp
(1698-1955)”, trong Địa Chí Văn Hóa
Thành Phố Hồ Chí Minh, tập II:
Văn Học – Báo Chí – Giáo Dục. 1998, tr. 696, 730.] Nói
thêm: Chasseloup-Laubat là Bộ Trưởng Hải Quân và Thuộc Địa của triều đình Pháp,
chủ trương chiếm Sài Gòn để làm căn cứ thuận lợi cho quân viễn chinh Pháp ở Viễn
Đông. Ông ta tác động vua Napoléon III rất nhiều trong chính sách xâm lược, cướp
Nam Kỳ làm thuộc địa. [Theo Nguyễn Thế Anh, Việt
Nam Dưới Thời Pháp Đô Hộ. Sài Gòn: Trung Tâm Sản Xuất Học Liệu Bộ Văn Hóa
Giáo Dục Và Thanh Niên, 1974, tr. 14, 22, 25.]
([13]) Bazin
chính là kẻ đã ra lệnh đàn áp cuộc biểu tình của học sinh trường Petrus Ký, bắn
chết trò Trần Văn Ơn… Ty Công An Sài Gòn (kháng chiến) giao cho tổ năm người
(La Văn Liếm tức Bảy Liếm, Trịnh Khắc Phương tức Tư Sơn, Trần Ngọc Phú, Võ Thế
Lung và Nguyễn Văn Vinh) nghiên cứu kế hoạch ám sát Bazin. Tư Sơn chọn đội cảm
tử 16B gồm ba người là Đình (bí số A16), Tâm (B16) và Danh (C16, người Bình
Đăng, Chợ Lớn) thi hành. Bazin ngụ ở số 213 Catinat (nay là Đồng Khởi, quận 1),
nhà trông sang vườn hoa. Mỗi sáng sớm Bazin thường đi bộ một quãng từ Catinat
rồi quẹo vào Espagne (nay là Lê Thánh Tôn, quận 1), đến gần cửa Tòa Thị Chính
mới lên xe hơi đã chờ sẵn. Khoảng 6 giờ 30 sáng ngày 28-4-1950, Bazin ra khỏi
nhà, cặp tay bạn là đại úy không quân Roger bước về hướng Tòa Thị Chính. Danh
đã dùng súng Remington bắn chết Bazin, với năm viên đạn găm vào ngực. (http://nld.com.vn)
([14]) Hội
Đồng Quản Hạt Nam Kỳ (Conseil Colonial de
Cochinchine), đại diện Sài Gòn, Gia Định, Chợ Lớn, Gò Công, Tây Ninh. Hội
Đồng thành lập năm 1880, dưới thời Thống Đốc Le Myre de Vilers, có nhiệm vụ
thảo luận ngân sách địa phương. Lúc đầu hội viên gồm có mười người Pháp, sáu
Việt. Sau tăng lên mười bốn Pháp, mười Việt. Hội viên người Việt do đại diện
các hương chức Nam Kỳ bầu.
([17]) Quý
IV-2008, thông qua Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo (tại thánh
thất Bàu Sen, quận 5), hiền tỷ Cao Bạch Liên (ái nữ của tiền bối Cao Triều
Phát) đã tái bản Lễ Bổn, với phần san
nhuận của Huệ Khải và Lê Anh Minh, dày 256 trang 14,5x20,5cm, ấn tống một ngàn
bản (nhà xuất bản Tôn Giáo, Hà Nội). Sang quý IV-2009, sách được sửa chữa và ấn
tống sáu ngàn bản (nhà xuất bản Tôn Giáo), do các Mạnh Thường Quân trong Tam Kỳ
Phổ Độ công quả tài trợ.
([20]) Chủ
Nhật 01-10-1967 (28-8 Đinh Mùi), giờ Ngọ, tại Diêu Trì Bửu Điện (thánh thất
Bình Hòa), Đức Cao Triều Phát giáng cơ nhắc lại với thanh thiếu niên Cơ Quan
Phổ Thông Giáo Lý: “… Anh đã làm những gì
những năm xưa nơi miền Giồng Bốm. Nhưng than ôi! Sức người có hạn, cường lực
lại vô biên, Anh đành chịu thúc thủ trước thế cuộc trong lúc bấy giờ.”
([21]) Là loại cây hoang dã rất thích nghi đất nhiễm phèn nặng như Đồng Tháp Mười,
đưng hao hao giống như lác, nhưng lá to và cao hơn, bẹ ốp lại thành thân và mọc
thẳng đứng. Cũng như cọng bàng, cây tranh, đưng dùng để lợp nhà. Mùa khô đưng
già đi, bẹ có màu đỏ thẫm, là lúc có thể cắt mang về dùng. Cắt đưng phải dùng
liềm thật bén, xả cho nó nằm xuống đất, sau đó nắm ngọn giũ, lựa những cọng cao
nhất bó lại. Cọng đưng trải ra sân phơi vài nắng cho khô, rồi chẻ hom tre bện
đưng thành tấm, dài khoảng một mét hai đến một mét rưỡi để lợp nhà. Từ lúc cắt
đưng ở rừng, chọn tre già chẻ hom, khâu bện (gọi là đánh đưng) tốn nhiều công
và thời gian. Vì thế muốn lợp nhà cần chuẩn bị trước vài ba tháng. Nhà lợp bằng
đưng ở mát, nhưng dễ bén lửa. (http://www.tanphuoc.vn)
([25]) Năm 1694, vua Khang Hy nhà Thanh xây cung
điện cho hoàng tử thứ tư. Sau hoàng tử này lên ngôi, hiệu là Ung Chính (trị vì
1723-1735), giữ lại một nửa cung điện cũ để làm hành cung, một nửa làm tăng
viện. Hành cung bị cháy, còn sót tăng viện, sau đổi tên là Ung Hòa Cung (1725),
trở thành chùa Lạt Ma Giáo (1744), dài 480 thước, rộng khoảng 120 thước. Lạt Ma
Giáo (Lamaism) là cách phương Tây gọi
Phật Giáo Tây Tạng (thuộc ngành đại thừa). Các vị cao tăng của Phật Giáo Tây
Tạng được gọi là lamas, chữ Hán phiên
âm là lạt ma 喇 嘛.
([27]) Một năm trước, ngày 30-8-1966 (15-7 Bính Ngọ), tại thánh tịnh Ngọc Minh Đài, Đức Giáo Tông Lý Thái Bạch thành lập một tập thể
mang danh hiệu Thanh Thiếu Niên Phổ Thông Giáo Lý.
► Quý đạo hữu gần xa muốn nhận các kinh sách do Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo xuất bản, được gởi biếu qua bưu điện, xin vui lòng gởi e-mail về: daidaovanuyen@gmail.com
Và xin quý đạo hữu hoan hỷ trả giúp cước phí cho bưu điện ngay khi nhận được sách biếu.
► Quý đạo hữu gần xa muốn nhận các kinh sách do Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo xuất bản, được gởi biếu qua bưu điện, xin vui lòng gởi e-mail về: daidaovanuyen@gmail.com
Và xin quý đạo hữu hoan hỷ trả giúp cước phí cho bưu điện ngay khi nhận được sách biếu.
Ban Ấn Tống trân trọng cảm ơn quý
đạo hữu.