Thứ Năm, 22 tháng 9, 2016

55/8. ĐỨC GIÊSU Ở ẤN ĐỘ / Hòa Điệu Liên Tôn

ĐỨC GIÊSU Ở ẤN ĐỘ

Nghiên cứu về Tam Giáo Việt Nam, tôi rất thú vị khi thấy trong quyển Tam Giáo Kinh người Việt xưa kia đã vẽ Tam Giáo Tổ Sư (Thích Ca, Lão Tử, Khổng Tử) ngồi chung một tòa sen. Phật ngồi tòa sen là hình ảnh quen thuộc, nhưng Khổng và Lão mà ngồi tòa sen thì rất độc đáo!
Sau này tôi lại càng ngạc nhiên, thú vị hơn nữa khi thấy một họa phẩm tuyệt đẹp vẽ Chúa Giêsu ngồi tòa sen với phong cách đặc trưng của mỹ thuật Phật Giáo Ấn Độ.
*
Theo Encarta Encyclopedia Standard Edition 2004, Ki Tô hữu Ấn Độ chiếm tỷ lệ 6% dân số, sống chủ yếu ở các thành thị, và tập trung nhiều ở các bang Kerala, Tamil Nādu, và Goa. Ở ba bang nhỏ nằm về Đông Bắc Ấn là Nagaland, Mizoram, và Meghalaya thì đa số là Ki Tô hữu. Đạo Thiên Chúa đến Ấn lúc nào?
Sử sách chép rằng khi đặt chân đến bờ biển Malabar phía Tây Nam Ấn Độ (1498) người Bồ Đào Nha đã có công truyền bá giáo lý Công Giáo La Mã. Nhưng K. S. Latourette trong A History of the Expansion of Christianity (Lịch Sử Mở Mang Ki Tô Giáo) cho rằng vào năm 345 chính những người Syria do trốn tránh bách hại (persecution) đã mang đạo Thiên Chúa vào đất Ấn. Trái lại, từ xa xưa cộng đồng Ki Tô hữu ở bờ biển Malabar thuộc hai bang Kerala và Karnātaka vẫn nhiệt thành tin tưởng rằng tổ tiên họ ngay từ thế kỷ thứ nhất đã sớm theo đạo Chúa bởi lẽ chính Thánh tông đồ Thomas vào năm 52 đã đến hải cảng trù phú Cranganore (nay gọi là Kodungallur) của bang Kerala để truyền đạo (theo Wikipedia).
Dù có sự tranh luận như trên, điều hiển nhiên là dòng văn hóa Thiên Chúa Giáo ở Ấn Độ đã hình thành rất lâu và cũng đã giao thoa với dòng văn hóa Phật Giáo nước Thiên Trúc. Điều này phần nào được thể hiện qua bức tranh vẽ Chúa ngồi tòa sen sau đây (trang bên cạnh). Nhìn vào tranh ta thấy có nhiều chi tiết rất thú vị:
Chúa ngồi tòa sen
Thuật ngữ Phật Giáo gọi tòa sen là liên tọa (lotus throne). Mỹ thuật Phật Giáo thường vẽ hay đắp tượng các vị Phật ngồi tòa sen, nên tòa sen còn gọi là Phật tọa (Buddha throne). Hoa sen (padma) mọc lên từ đáy bùn hôi tanh (ô nhiễm) mà tỏa hương thơm tho, tinh khiết do đó hoa sen tượng trưng cho giải thoát và tự tánh bất hoại của con người. Hoa sen còn tượng trưng cho giáo pháp (dharma) cho nên ngồi trên tòa sen có nghĩa là đấng chủ tể của giáo pháp, tức là pháp vương (the lord of dharma).
Chúa ngồi kiết già
Cách ngồi này cũng gọi là kiết già phu tọa, kiết tường tọa, liên hoa tọa (padmāsana). Khi ngồi thì kéo hai chân chéo nhau, chân phải nằm trên bắp vế trái, chân trái nằm trên bắp vế phải, hai lòng bàn chân ngửa lên và gác trên hai bắp vế. Lưng, cổ, đầu thẳng thành một hàng. Ngồi kiết già thì bàn tay luôn luôn bắt ấn.
Chúa bắt ấn
Tượng Phật và Bồ Tát có nhiều kiểu bắt ấn (mudrās), mỗi ấn có một ý nghĩa riêng và huyền diệu riêng. Chẳng hạn, có ấn để hàng ma (chế ngự ma quỷ), có ấn để giáo hóa (vitarka-mudrā), có ấn để thị hiện quả vị chứng đắc của một vị Bồ Tát hay Phật. Một số ấn thường thể hiện bằng bàn tay phải giơ lên.
Trong tranh, bàn tay phải của Chúa giơ lên, có thể là một kiểu ấn mà tôi chưa biết. Nhưng, nếu như họa sĩ vẽ hai ngón út và áp út cũng duỗi ra giống như hai ngón trỏ và ngón giữa thì sẽ rất giống với ấn vô úy (không sợ hãi). Khi tu sĩ Cồ Đàm (Gautama) chứng quả vô thượng chánh đẳng chánh giác (a nậu đa la tam miệu tam bồ đề), đắc đạo thành Phật thì Ngài đã bắt ấn vô úy (abhaya-mudrā).
Chúa khoác cà sa
Cà sa (kasāya) mặc choàng qua vai trái, nhưng để trần vai phải. Cà sa kết hợp màu đỏ với màu vàng, nên nhìn như màu nâu. Tranh đã vẽ và tô màu áo của Chúa chính xác như thế. Phật Giáo có nhiều cách gọi tên cà sa để diễn tả nhiều khía cạnh đạo lý qua biểu tượng cà sa. Chẳng hạn: liên hoa y, giải thoát y (áo hoa sen, áo của bậc giải thoát và đấng làm chủ giáo pháp); vô cấu y, ly trần phục, xuất thế phục (áo không ô nhiễm, áo của bậc không còn bị tham dục, sai lầm của thế gian chi phối)… Vẽ Chúa khoác cà sa, phải chăng là để hàm ngụ những đức tính ấy ở Chúa?
Những chi tiết khác trong tranh cũng rất đáng chú ý.
Hai voi trắng đứng chầu hai bên Chúa.
Tranh Phật Giáo thường vẽ Bồ Tát Phổ Hiền (Samantabhadra) cỡi voi trắng. Theo Phật Giáo, voi trắng tượng trưng cho sức dũng mãnh của trí huệ (trí minh triết giác ngộ) có năng lực nhiệm mầu vượt qua mọi chướng ngại.
Ở dưới đài sen Chúa ngự, cũng như ở góc phải phía trên của tranh, ta thấy rất nhiều vị mặc cà sa đứng hoặc ngồi rải rác trong đền điện. Các vị ấy hoặc khoác cà sa để trần vai phải, hoặc mở phơi cả bụng. Hình ảnh này dễ khiến ta liên tưởng tới các vị Bồ Tát (bodhisattvas) và La Hán (arhats) trong mỹ thuật Phật Giáo.
Ngoài ra còn thấy vẽ một vài vị dung mạo dữ dằn, nhìn rất “ngầu”. Hình ảnh này gợi ta nghĩ tới các vị mà Phật giáo gọi là chư thiên hộ pháp (dharmapāla), có nhiệm vụ canh giữ nơi tu hành, bảo vệ người tu học chân chánh.
Vầng hào quang trên đầu Chúa cũng như vòng tròn điểm hoa văn tỉ mỉ sau lưng Chúa là hình ảnh rất quen thuộc trong mỹ thuật Phật Giáo. Trên chóp nhọn ở đỉnh, ta thấy một con chim thần ba mắt, đuôi chim như đuôi công rất đẹp, nhưng thay vì hai cánh chim lại là hai cánh tay người dang rộng ra. Hình ảnh này khiến ta liên tưởng tới ca-lâu-la (garuda), cũng gọi là kim sí điểu. Đây là giống chim thần thường hay phù hộ, bảo vệ cho người biết tu hành.
*
Tiếc rằng tôi chưa biết tên của họa sĩ và năm họa phẩm ra đời. Đây chỉ là một bản sao do nhiếp ảnh gia Sankalan chụp lại và in trên tạp chí Asiaweek (19-12-1997). Sự mạo muội “liên tưởng” về mấy chi tiết trong bức tranh như vừa khái quát trên đây dẫu sao vẫn mang nhiều cảm tính, và rất nhiều khả năng tôi nhầm lẫn. Nhưng theo tôi việc đó không phải là điều quan trọng. Điểm mà tôi thán thưởng chính là chỗ thể hiện được hình ảnh Đức Chúa hoàn toàn theo quan điểm dung hợp văn hóa tín ngưỡng. Đạo là bao dung và cởi mở chứ không phải để trói buộc và khép chặt. Đạo là hòa hiệp chứ không phải chia ly. Nhân loại càng thực hành được tinh thần này thì càng có nhiều khả năng làm tắt ngòi nổ chiến tranh và triệt tiêu mầm mống thù hận do khác nhau về ý thức hệ tôn giáo.
HUỆ KHẢI
CGvDT số 122, tháng 02-2005


 Quý đạo hữu gần xa muốn nhận các kinh sách do Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo xuất bản, được gởi biếu qua bưu điện, xin vui lòng gởi e-mail về: daidaovanuyen@gmail.com
Và xin quý đạo hữu hoan hỷ trả giúp cước phí cho bưu điện ngay khi nhận được sách biếu.
Ban Ấn Tống trân trọng cảm ơn quý đạo hữu.