Thứ Sáu, 9 tháng 9, 2016

91/3. TIỀN BỐI TÔ VĂN PHO RA HÀ NỘI LẦN THỨ HAI / Lịch Sử Thánh Thất Cao Đài Thủ Đô Hà Nội



TIỀN BỐI TÔ VĂN PHO RA HÀ NỘI
LẦN THỨ HAI (1939)

Khoảng cuối tháng 01 hoặc đầu tháng 02-1939 (Mậu Dần), Hội Thánh Cao Đài Ban Chỉnh Đạo (Bến Tre) cử ra Hà Nội hai chức sắc vừa được phong. Hai vị đều khoảng ba mươi tuổi, là Bảo Đức Chơn Quân Nguyễn Văn Cui (Hiệp Thiên Đài) và Thượng Lễ Sanh Huỳnh Minh Chư (Cửu Trùng Đài). Tiền bối Tô Văn Pho cùng đi với hai vị chức sắc này.
Tô Văn Pho (1919-1998)
Thứ Tư 20-8-1919 (25-7 Kỷ Mùi), tiền bối Tô Văn Pho chào đời tại làng An Hội, tổng Bảo Hựu, tỉnh Bến Tre.([1]) Song thân đều làm ruộng, là ông Tô Văn Ký sinh năm 1890 (Canh Dần), và bà Bùi Thị Tiềm sinh năm 1892 (Nhâm Thìn). Tiền bối Tô Văn Pho thứ sáu và là con trai duy nhất, tuy nhiên vẫn được song thân chấp thuận cho hiến thân trọn đời hành đạo, làm thanh đồng theo hầu tiền khai Giáo Tông Nguyễn Ngọc Tương. Chị thứ tư của Tô tiền bối là Giáo Sư Tô Thị Nhiên và em thứ tám là Lễ Sanh Tô Thị Mão cùng hành đạo tại Bến Tre.
Thánh thất tạm ở phố Bạch Mai
Đến Hà Nội, ba vị thuê nhà số 12 ngõ Mai Hương ở phố Bạch Mai,([2]) giá ba đồng Đông Dương một tháng.([3]) Tại đây các vị tạm thời thiết lập Thiên Bàn, nhưng chưa có bảng tên thánh thất. Nghi lễ Cao Đài thu hút sự chú ý một số công chức hưu trí. Họ đến tìm hiểu rồi dần dần có người xin nhập môn. Sau ba tháng số tín đồ ở phố Bạch Mai lên được gần một trăm người. Tháng 5-1939 nhà này bị đòi lại vì các vị không còn tiền thuê tiếp.
Thánh thất tạm ở phố Mã Mây
Một tín đồ là bà Vương Thị Tống (thường gọi Chánh Tống) mời các vị dời thánh thất về nhà bà (một tầng lầu) ở số 61 phố Mã Mây, đầu ngã tư Mã Mây ([4]) và Lương Ngọc Quyến (xưa là phố Galet nối với phố Nguyễn Khuyến). Mặc dù nơi đây không đủ điều kiện kiến trúc của một thánh thất, ba vị tiền bối Cui, Chư và Pho vẫn lập đủ Thiên Bàn, bàn thờ Hộ Pháp trên lầu một. Cúng tứ thời vẫn có một ban đồng nhi. Kinh sách bấy giờ có các bài kinh cúng tứ thời, Thánh Ngôn Hiệp Tuyển, Tân Luật...
Số người xin nhập môn tiếp tục tăng thêm, các tín đồ trước sinh hoạt ở phố Bạch Mai cũng tìm về đây. Phần đông tín đồ chưa lập Thiên Bàn tại nhà riêng, đến thánh thất tạm vào các ngày sóc vọng (mùng 1 và 15), hoặc các ngày lễ vía, kỷ niệm...
Về Nam
Tháng 7-1939 (Kỷ Mão), Hội Thánh Cao Đài Ban Chỉnh Đạo triệu hồi ba vị tiền bối Nguyễn Văn Cui, Huỳnh Minh Chư và Tô Văn Pho về Nam sau khi các vị đã gây dựng thánh thất tạm ở phố Mã Mây với hàng ngũ chức sắc đầu tiên gồm có: ông Phủ Lê Tụng (Thượng Giáo Sư); ông chủ đồn điền Phạm Đồng Hưng (Ngọc Giáo Sư); bà Vương Thị Tống (Giáo Sư); bà Bé Tý ở phố Hàng Bạc (Giáo Sư); và ba vị Giáo Hữu...
Thánh thất ở phố Hàn Thuyên (1940)
Sau khi ba vị tiền bối Cui, Chư và Pho về Nam khoảng hơn một tháng thì sinh hoạt ở thánh thất tạm tại số 61 phố Mã Mây không còn thuận lợi.
Cuối năm 1939 (Kỷ Mão), Ngọc Giáo Hữu Hoàng Đức Hữu (thầu khoán) dời thánh thất tạm về nhà ông ở số 25 phố Hàn Thuyên.([5]) Tín đồ lại đông thêm, trong đó có nhiều thợ đang làm công cho ông Hữu.
Năm 1940 (Canh Thìn), ông Hữu chính thức trương bảng
Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ
THÁNH THẤT HÀ NỘI
Năm 1941 (Tân Tỵ), nơi đây tổ chức lễ kỷ niệm đệ nhất chu niên thành lập thánh thất Hà Nội.
HUỆ KHẢI




([1]) Một số tài liệu của Hội Thánh Cao Đài Ban Chỉnh Đạo ghi năm sinh là 1920. Năm 1993, tiền bối Tô Văn Pho xác nhận với tôi ngày sinh là 20-8-1919; tiền bối cũng cho tôi xem thẻ chứng minh nhân dân (căn cước) cấp tại Hà Nội, trên đó ngày sinh là 20-8-1919. (Huệ Khải)
([2]) Phố Bạch Mai (nay thuộc quận Hai Bà Trưng) chạy dài từ Ô Cầu Dền đến ngã tư Trung Hiền, cuối phố là chợ Mơ. Phố này có các đền cổ như đình Đại, đình Đông, đền Quang Minh thờ bà Chúa Liễu Hạnh và chùa Liên Phái với nhiều tháp cổ… [Hà Nội Tự Điển 1990: 10]
([3]) Theo Bernard, Problème Économique Indochinoise, Paris 1934, dẫn lại trong [Hà Nội 1984: 108], một tạ gạo ở Hà Nội giá 9,40 đồng (1931); giảm còn 7,50 đồng (1932). Theo [Nguyễn Thế Anh 1970: 204], cuộc khủng hoảng kinh tế năm 1930 làm gạo mất giá nhanh; một tạ gạo giá 3,20 đồng (tháng 11-1933).
([4]) Phố Mã Mây xưa kia bán song mây và gạo. Thời Pháp thuộc có tên là phố Quân Cờ Đen (rue des Pavillons noirs) vì lúc Pháp rục rịch chiếm Hà Nội có quân Cờ Đen của tướng Lưu Vĩnh Phúc đóng nơi đây. [Hà Nội Tự Điển 1990: 36]
([5]) Nhà số 25 Hàn Thuyên (Pavie) nay không còn, thay vào đó là một tòa nhà lớn thuộc về nhà xuất bản Giáo Dục.


 Quý đạo hữu gần xa muốn nhận các kinh sách do Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo xuất bản, được gởi biếu qua bưu điện, xin vui lòng gởi e-mail về: daidaovanuyen@gmail.com
Và xin quý đạo hữu hoan hỷ trả giúp cước phí cho bưu điện ngay khi nhận được sách biếu.
Ban Ấn Tống trân trọng cảm ơn quý đạo hữu.