Thứ Năm, 22 tháng 9, 2016

55/10. MỘT TRONG MUÔN / Hòa Điệu Liên Tôn



MỘT TRONG MUÔN
Đường Tăng và Tâm Kinh
Trong Giải Mã Truyện Tây Du (Hà Nội: Nxb Tôn Giáo, tái bản 2011), tôi có dịp minh chứng rằng khi viết tiểu thuyết Tây Du Ký, Ngô Thừa Ân (thế kỷ 16, đời Minh) đã khéo mượn các sự kiện trong lịch sử Trung Quốc để hư cấu thành những tình tiết ly kỳ huyền bí. Hồi Mười Chín cũng là một trường hợp cho thấy họ Ngô rất giỏi trộn lẫn chuyện thật với chuyện giả.
Họ Ngô kể rằng thầy Đường Tăng và Tôn Ngộ Không cùng Trư Ngộ Năng (tức Bát Giới, mới vừa thâu phục làm đệ tử) đi đường hơn một tháng thì tới địa giới nước Ô Tư Tạng. Từ xa, nhìn thấy ngọn núi cao chớn chở, Bát Giới nói:
- Đấy là núi Phù Ðồ, có thiền sư Ô Sào ngồi tu trên tổ quạ. Sư ấy có quen biết với tôi.
Ô là con quạ, sào là cái tổ, ô sào là tổ quạ. Như vậy pháp hiệu của nhà sư là do chỗ ngồi tu.
Khi ba thầy trò vừa tới gần thân cây lớn có tổ quạ, thì thiền sư Ô Sào từ trên tổ nhảy xuống. Đường Tăng liền xuống ngựa kính cẩn cúi lạy. Thiền sư đỡ dậy, nói:
- Tôi thất lễ vì không kịp nghinh tiếp thánh tăng.
Sau khi bốn vị chào hỏi nhau xong, Đường Tăng hỏi thăm đường qua phương Tây thỉnh kinh. Nhân dịp này, thiền sư Ô Sào đọc cho Đường Tăng nghe trọn bài Tâm Kinh, dặn dò rằng kinh này rất linh nghiệm, đi đường hãy luôn nhớ tụng niệm để ngừa yêu ma, ngăn quỷ quái, biến điều dữ thành việc lành…
Nếu cứ tin theo tài kể chuyện của Ngô Thừa Ân, thì người đọc hiểu rằng Tâm Kinh (tức Bát Nhã Tâm Kinh) được lưu truyền rộng khắp từ xưa tới nay ở nhiều quốc gia là do Đường Tăng được thiền sư Ô Sào khẩu truyền trực tiếp, và nhờ có trí nhớ kiểu Lê Quý Đôn nên chỉ nghe qua một lần là Đường Tăng thuộc nằm lòng, không sót một chữ.
Thật ra lai lịch của Tâm Kinh không đúng như Ngô Thừa Ân thêu dệt.
Nhan đề đầy đủ của bài kinh danh tiếng này là Bát Nhã Ba La Mật Đa Tâm Kinh (Prajñā Pāramitā Hridaya Sūtra), các bản dịch tiếng Anh thường gọi tắt là The Heart Sutra (Tâm Kinh).
Tâm Kinh có vài bản dịch chữ Hán, chẳng hạn vào thế kỷ 4 có bản dịch của Pháp Sư Cưu Ma La Thập (Kumārajīva, 344-413). Nhưng phổ biến hơn cả là bản chữ Hán do Tam Tạng Pháp Sư Trần Huyền Trang đời Đường dịch vào giữa thế kỷ 7.
Bản dịch của Huyền Trang (tức Đường Tăng) gồm hai trăm sáu mươi chữ Hán, mở đầu như sau:
“Quán Tự Tại Bồ Tát hành thâm bát nhã ba la mật đa thời, chiếu kiến ngũ uẩn giai không, độ nhất thiết khổ ách.
Xá Lợi Tử, sắc bất dị không, không bất dị sắc, sắc tức thị không, không tức thị sắc. Thọ, tưởng, hành, thức diệc phục như thị…”
Một vị tu sĩ (khuyết danh) đã dịch Tâm Kinh ra thơ lục bát. Theo đó, đoạn kinh mở đầu trên đây có nghĩa:
Khi hành bát nhã ba la
Ngài Quán Tự Tại soi ra tột cùng
Thấy ra năm uẩn đều không
Bao nhiêu khổ ách khốn cùng độ qua
Nầy Xá Lợi Tử xét ra
Không là sắc đó, sắc là không đây
Sắc cùng không chẳng khác sai
Không cùng sắc vẫn sánh tài như nhau
Thọ, tưởng, hành, thức uẩn nào
Cũng như sắc uẩn, một màu không không
Các nhà học Phật cho rằng Tâm Kinh chữ Phạn do Bồ Tát Long Thọ (Nāgārjuna, khoảng 150-250) viết. Như thế, Tâm Kinh chẳng có liên quan gì tới thiền sư Ô Sào như Ngô Thừa Ân bịa ra cả. Mà Ô Sào là ai?
Thiền sư Ô Sào
Truyền thuyết cho rằng Ô Sào là một nhà sư khác thường sống vào đời Đường. Khi bà mẹ sinh con, không hiểu vì sao lại lén đem bỏ hài nhi đỏ hỏn vào tổ quạ nằm trên chảng ba một đại thụ trước ngôi chùa nọ rồi trốn biệt. Có lẽ các sư trong chùa đã cứu sống đứa trẻ bị bỏ rơi, nuôi dưỡng, và cho tu theo Phật. Khi có thể thuyết pháp và được nhiều người đến nghe giảng thì nhà sư ấy lại thích leo lên tổ quạ ngồi. Tổ quạ (ô sào) vì thế vừa là chỗ hành thiền, vừa là nơi giảng đạo của sư và dân chúng gọi sư là Ô Sào.
Trong quyển Histoire des Croyances Religieuses et des Opinions Philosophiques en Chine ([1]) của vị Giáo Sĩ Dòng Tên người Pháp danh tiếng là Léon Wieger (1856-1933) có in lại tranh vẽ thiền sư Ô Sào ngồi trong tổ quạ như sau:


Đường Tăng sinh năm 602 và viên tịch năm 664. Ô Sào thì không rõ tuổi tác, năm sinh, năm mất. Nhưng Ngô Thừa Ân bất chấp các tiểu tiết về niên kỷ; chỉ cần biết Đường Tăng và Ô Sào cùng sống vào đời nhà Đường thì họ Ngô cứ vô tư bố trí cho cả hai gặp nhau, không phải ở Trung Quốc, mà tuốt bên xứ sở Ô Tư Tạng mù mờ nào đó!
Sách vở Trung Quốc còn có một giai thoại về thiền sư Ô Sào và nhà thơ Bạch Cư Dị (772-864). Căn cứ theo tuổi tác của họ Bạch thì suy ra Ô Sào phải sinh sau đẻ muộn so với Đường Tăng rất lâu; làm sao có cuộc hội ngộ ly kỳ ở miền núi non hoang vắng như Tây Du Ký kể?!
Bạch Cư Dị
Bạch Cư Dị tự là Lạc Thiên nên cũng gọi là Bạch Lạc Thiên. Ông còn có hiệu là Hương Sơn Cư Sĩ, và Túy Ngâm Tiên Sinh. Đây là nhà thơ lớn thường được xem là chỉ đứng sau Lý Bạch (701-762) và Đỗ Phủ (712-770). Hai bài thơ rất nổi tiếng của họ Bạch được nhiều người Việt Nam hâm mộ xưa nay là Trường Hận CaTỳ Bà Hành.
Trường Hận Ca dài tám trăm bốn mươi chữ, tả mối ly tình đau thương giữa vua Đường Minh Hoàng và người đẹp Dương Quý Phi trong loạn An Lộc Sơn vào năm 756.
Tỳ Bà Hành dài sáu trăm mười sáu chữ, nói về cuộc đời trôi nổi truân chiên của nữ ca kỹ tài sắc sở trường ngón đàn tỳ bà. Nhà nho Phan Huy Vịnh (1800-1870) để đời bản dịch ra thơ song thất lục bát, mở đầu như sau:
Bến Tầm Dương canh khuya đưa khách
Quạnh hơi thu, lau lách đìu hiu
Người xuống ngựa, khách dừng chèo
Chén quỳnh mong cạn, nhớ chiều trúc ty…
Năm 800 Bạch Cư Dị thi đỗ tiến sĩ, làm quan trong triều, giữ chức Tả Thập Di rồi bị đổi làm Hộ Tào Tham Quân ở Kinh Triệu. Đường hoạn lộ của ông lắm nỗi thăng trầm: lúc làm Thứ Sử ở Hàng Châu (821-824), rồi qua Tô Châu (825), v.v… Về sau ông được triệu về kinh làm Thiếu Phó dạy Thái Tử. Ông làm tới chức Thượng Thư ở Bộ Hình rồi về hưu (842).
Bài Tỳ Bà Hành có lẽ sáng tác trong thời gian ông bị đày làm Tư Mã đất Giang Châu (năm 815) vì buổi tái ngộ người đẹp, khi than thở ngón đàn năm xưa của nàng đã đuối rồi, thì họ Bạch có nhắc tới Giang Châu Tư Mã. Phan Huy Vịnh dịch bốn câu kết như sau:
Nghe não ruột khác tay đàn trước
Khắp tiệc hoa sướt mướt lệ rơi
Lệ ai chan chứa hơn người?
Giang Châu Tư Mã đượm mùi áo xanh.
Đây là giai thoại về thiền sư Ô Sào và nhà thơ Bạch Cư Dị:
Một hôm đi qua chỗ sư đang ngồi trên tổ quạ, nhà thơ khuyên:
- Ngồi trên đó nguy hiểm lắm! Sơ sẩy một chút té chết!
Sư đáp ngay:
- Chỗ ngồi của quan lớn hiện nay còn nguy hiểm hơn cả bần tăng nữa kìa.
Bạch Cư Dị ngạc nhiên:
- Sao lại nguy hiểm?!
- Quan lớn ngồi dưới vua nhưng lại trên các quan đồng liêu và dân chúng. Được vua thương thì đồng liêu ganh ghét; được lòng dân thì lại mất lòng vua. Tính mạng của quan lớn cùng với vợ con thân quyến đều phụ thuộc vào tình yêu ghét của vua và lòng ganh ghét đố kỵ của đồng liêu. Chiếc ghế quan lớn ngồi vì thế được kê trên đầu lưỡi không xương ngoắt ngoéo của thiên hạ thì làm sao vững chắc cho bằng cháng ba của cội cây này. Có đúng vậy không, thưa quan lớn?
- Nói hay lắm! Nếu thầy tóm tắt được hết tinh ba giáo lý nhà Phật gọn trong mấy chữ, ta sẽ xin làm học trò.
- Có khó gì! Quan lớn nghe đây:
Chư ác mạc tác.
Chúng thiện phụng hành.
Tự tịnh kỳ ý.
Thị chư Phật giáo.([2])
(Chớ làm các điều ác.
Vâng làm các việc lành.
Giữ ý mình trong sạch.
Là lời các Phật dạy.)
Bạch Cư Dị phì cười:
- Lời thầy vừa thuyết, con nít lên ba cũng nói được.
Thiền sư đáp:
- Con nít lên ba nói được, nhưng ông lão bảy, tám mươi chưa chắc đã làm được.
Tương truyền, ngay lúc đó Bạch Cư Dị tỉnh ngộ; thế là nhà thơ tài danh xin bái thiền sư Ô Sào làm thầy.
Chúng ta không biết thêm phần sau của giai thoại này, tức là kết quả con đường học Phật của chàng áo xanh Tư Mã Giang Châu lãng mạn, đa tình. Có điều, mười sáu chữ mà thiền sư Ô Sào dùng để giải mê cho Bạch Cư Dị chính là bài kệ thứ 183 trong phẩm 14 của Kinh Pháp Cú (Dhammapada).
Trong hơn bốn mươi năm truyền giáo, Đức Phật Thích Ca đã thuyết giảng rất nhiều. Sau khi Đức Thế Tôn nhập Niết Bàn, các vị đại tông đồ đã họp đại hội để kết tập thành Tam Tạng (kinh, luật, luận). Riêng những câu dạy ngắn gọn của Như Lai trong vài trăm trường hợp khác nhau được kết tập thành Kinh Pháp Cú, gồm hai mươi sáu phẩm (tức là chương), với bốn trăm hai mươi ba bài kệ.
Kinh Pháp Cú gồm những câu rời, độc lập, được xếp chung thành từng đề mục. Xét về hình thức, Kinh Pháp Cú nhắc ta nhớ tới Luận Ngữ của đạo Nho, cũng do các đại tông đồ của Đức Vạn Thế Sư Biểu kết tập những lời dạy của Đức Khổng Tử trong vài trăm trường hợp khác nhau.
Vạn giáo nhất lý
Nếu đối chiếu Kinh Pháp Cú và Luận Ngữ, chúng ta có thể tìm thấy không ít những ý đạo cao siêu mà tương đồng. Chẳng hạn, với bài kệ 183 trên đây, nếu đọc ngược lại, chúng ta dễ thấy logic của bài giáo pháp ngắn ấy:
Các vị Phật dạy rằng
Chính mình giữ ý trong sạch
[Thì có thể] vâng làm các việc lành
Không làm các điều ác.
Con người làm lành hay gây ác là do tư tưởng (tâm ý) sai khiến. Cho nên muốn chặn đứng hành vi tội ác từ gốc, hay muốn phát huy việc lành từ căn bản, thì trước hết phải kiểm soát tư tưởng, không để tâm ý của mình buông lung theo tà vạy, bất chánh.
Cũng vậy, Đức Khổng Tử hay nhắc nhở môn đệ học Kinh Thi để tu dưỡng tánh tình. Có lần vị Tố Vương này tóm tắt cốt tủy của Kinh Thi trong ba chữ gọn lỏn. Luận Ngữ, Thiên thứ nhì (Vi Chính), chép câu này:
“Thi tam bách, nhất ngôn dĩ tế chi, viết: Tư vô tà.” ([3])
(Kinh Thi có ba trăm bài, chỉ lấy một lời mà bao quát hết, đó là: Đừng nghĩ bậy.)
Đức Phật dạy “Tự tịnh kỳ ý” (Chính mình giữ ý trong sạch) đâu có khác Đức Khổng khuyên “Tư vô tà” (Đừng nghĩ bậy).
Đức Giêsu cũng dạy rõ tư tưởng xấu xa là khởi nguồn của biết bao tội ác:
“Vì từ bên trong, từ lòng người, phát xuất những ý nghĩ xấu: tà dâm, trộm cắp, giết người, ngoại tình, tham lam, độc ác, xảo trá, trác táng, ganh tỵ, phỉ báng, kiêu ngạo, ngông cuồng. Tất cả những điều xấu xa đó, đều từ bên trong xuất ra, và làm cho con người ra ô uế.” (Máccô 7:21-23)
Trong đạo Cao Đài, Đức Giáo Tông Lý Thái Bạch ban cho bài Giới Tư Tưởng Kinh (1938) để giúp môn sanh hàng ngày kiểm soát tư tưởng, vì nghĩ quấy thì sẽ làm quấy:
Cũng vì tư tưởng xấu xa
Gây nên tội lỗi khó qua lưới Trời.
Phải kềm tư tưởng một đường
Tà gian ác quả nó thường dỗ con.
Vậy, chúng ta có thể tin rằng vạn giáo nhất lý: các tôn giáo đều có chung một lẽ thật. Đối thoại liên tôn là thiện chí đi tìm thấy chỗ một ấy trong muôn vẻ khác nhau của các nền chánh pháp kim cổ Đông Tây.
HUỆ KHẢI
19-10-2011
CGvDT số 202, tháng 10-2011




([1]) Nxb Hien-hien, 1927, tr. 516.
([2]) 諸惡莫作.眾善奉行.自淨其意.是諸佛教.
([3]) 詩三百,一言以蔽之,曰思無邪.


 Quý đạo hữu gần xa muốn nhận các kinh sách do Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo xuất bản, được gởi biếu qua bưu điện, xin vui lòng gởi e-mail về: daidaovanuyen@gmail.com
Và xin quý đạo hữu hoan hỷ trả giúp cước phí cho bưu điện ngay khi nhận được sách biếu.

Ban Ấn Tống trân trọng cảm ơn quý đạo hữu.