Thứ Năm, 21 tháng 3, 2024

PHỤ LỤC I-III / HÀNH TRẠNG ĐỨC GIÁO TÔNG NGUYỄN NGỌC TƯƠNG / 2024

 


PHỤ LỤC

I. NGUỒN GỐC TÊN NAM KỲ LỤC TỈNH ([1])

Theo Ðại Nam Nhất Thống Chí của Quốc Sử Quán triều Nguyễn, vào năm Mậu Dần (1698) chúa Nguyễn Phúc Chu cho lập phủ Gia Định. Năm Nhâm Tuất (1802) vua Gia Long đổi phủ Gia Định thành trấn Gia Định; năm Mậu Thìn (1808) đổi tên trấn Gia Định ra thành Gia Định gồm năm trấn là Phiên An, Biên Hòa, Định Tường, Vĩnh Thanh, và Hà Tiên.

Năm Nhâm Thìn (1832) vua Minh Mạng đổi tên thành Gia Định ra thành Phiên An, chia năm trấn thành sáu tỉnh Phiên An, Biên Hòa, Định Tường, Vĩnh Long, An Giang, và Hà Tiên. Như vậy tên Lục Tỉnh đã có từ năm 1832. Năm Giáp Ngọ (1834), Lục Tỉnh được gọi chung là Nam Kỳ. Năm Ất Mùi (1835), tỉnh Phiên An đổi tên là tỉnh Gia Định.([2])

Sau khi chiếm xong ba tỉnh miền Đông gồm Gia Định, Định Tường, Biên Hòa (Nhâm Tuất, 1862) và ba tỉnh miền Tây gồm Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên (Đinh Mão, 1867), thực dân Pháp xóa bỏ cách phân chia địa giới hành chánh cũ của triều Nguyễn.

Lúc đầu Pháp gọi département thay cho phủ, gọi arron-dissement thay cho huyện.([3]) Khoảng năm Mậu Thìn (1868), Nam Kỳ Lục Tỉnh có hơn hai mươi arrondissements (gọi là hạt hay địa hạt, do tham biện cai trị; dinh hành chánh gọi là tòa tham biện, chịu dưới quyền thống đốc đóng ở Sài Gòn; thơ ký địa hạt cũng gọi là bang biện tức là secrétaire d’arron-dissement).

Nghị định ngày 07-6-1871 thu hẹp lại còn mười tám hạt; rồi tăng lên mười chín (1876); tăng lên hai mươi (1880); bỏ hạt hai mươi (1881); rồi lại lập thêm hạt Bạc Liêu (1882) và hạt Cap Saint Jacques (1895) thành hai mươi mốt arron-dissements.

Nghị định ngày 16-01-1899 đổi hạt thành tỉnh (province); tham biện đổi thành chủ tỉnh (chef de province); tòa tham biện gọi là tòa bố. Chữ bố này có lẽ do bố chánh (ngoài Bắc gọi bố chính) là chức quan cấp tỉnh đời nhà Nguyễn, thấp hơn tổng đốc hay tuần phủ (cũng là hai viên quan cấp tỉnh).

II. LỤC TỈNH CHIA RA HAI MƯƠI MỐT TỈNH ([4])

Vài chục năm sau mới chia tỉnh ra quận (délégation) dưới quyền chủ quận; quận chia ra tổng (canton), đứng đầu là cai tổng (chef de canton). Tổng chia thành .([5])

Do có thay đổi tên theo nghị định 1899, dân Nam Kỳ thời trước còn gọi viên chức đầu tỉnh là quan tham biện chủ tỉnh; người thông ngôn cho chủ tỉnh được gọi là thông ngôn đứng bàn ông chánh.([6]) Như vậy, do nghị định 1899, từ năm Kỷ Hợi (1899), Lục Tỉnh của Nam Kỳ chia thành hai mươi mốt tỉnh như sau:

Gia Định chia thành năm tỉnh: Gia Định, Chợ Lớn, Tân An, Tây Ninh, và Gò Công.

Biên Hòa chia thành bốn tỉnh: Biên Hòa, Bà Rịa, Thủ Dầu Một, và Cap Saint Jacques (tức Vũng Tàu).

Định Tường đổi thành Mỹ Tho.

Vĩnh Long chia thành ba tỉnh: Vĩnh Long, Bến Tre, và Trà Vinh.

An Giang chia thành năm tỉnh: Châu Đốc, Long Xuyên, Sa Đéc, Sóc Trăng, và Cần Thơ.

Hà Tiên chia thành ba tỉnh: Hà Tiên, Rạch Giá, và Bạc Liêu.

Chia lại đất Nam Kỳ thành hai mươi mốt tỉnh,([7]) có lẽ thực dân Pháp muốn xóa nhòa hai chữ Lục Tỉnh (còn gọi là Lục Châu) trong lòng người Việt, cũng là cách cắt đứt lòng lưu luyến với truyền thống, một thủ đoạn tâm lý bên cạnh các cuộc đàn áp những phong trào yêu nước kháng Pháp.

Nhưng dân Nam Kỳ vẫn hoài vọng Lục Tỉnh. Nên mãi đến năm Mậu Thân (1908) trên tờ báo Lục Tỉnh Tân Văn do ông Gilbert Trần Chánh Chiếu làm chủ bút, vẫn xuất hiện thường xuyên tên Lục Tỉnh, Lục Châu. Mùa Thu năm Bính Dần (1926), khi khởi đầu công cuộc phổ độ ở miền Nam, các vị tiền khai đạo Cao Đài đã gọi đó là cuộc phổ độ Lục Tỉnh. Mãi đến hai thập niên 1950 và 1960, ở miền Nam vẫn còn nói, nhắc đến hai chữ Lục Tỉnh xa xưa này.

Thực dân Pháp bỏ tên Lục Tỉnh nhưng còn giữ lại hai chữ Nam Kỳ, gọi là Cochinchine, phân biệt với Bắc Kỳ là Tonkin, Trung Kỳ là Annam. Tiếng Anh gọi Nam Kỳ là Cochinchina. Giới học giả trong và ngoài nước từng đưa ra nhiều cách lý giải khác nhau về xuất xứ tên gọi Cochinchine, nhưng vẫn chưa ngã ngũ.([8])

III. VÀI THUẬT NGỮ HÀNH CHÁNH Ở NAM KỲ

THỜI PHÁP CHIẾM ([9])

1. Thống Đốc và Thanh Tra

Đứng đầu bộ máy hành chánh Nam Kỳ thời Pháp chiếm là Thống Đốc Nam Kỳ (Gouverneur de la Cochinchine). Viên chức này do Toàn Quyền Đông Pháp, tức Đông Dương thuộc Pháp, giới thiệu và được Tổng Trưởng Thuộc Địa bổ nhiệm.

Toàn Quyền còn cử thêm một viên chức lưu động, hằng năm thanh tra các tỉnh một lần và báo cáo cho Thống Đốc. Đó là Thanh Tra Chánh Trị Và Hành Chánh Sự Vụ (Inspecteur des Affaires politiques et administratives).

2. Soái Phủ

Trụ sở của Thống Đốc đặt tại Sài Gòn (về sau gọi là Dinh Gia Long). Người miền Nam quen gọi là Soái Phủ Nam Kỳ (Gouvernement des Amiraux), vì cho tới năm 1878 nó còn là dinh của một quan võ Pháp, hàm Lieutenant-Gouverneur, tức Phó Soái. Từ năm 1879 mới thay quan võ bằng quan văn, và Thống Đốc Nam Kỳ (dân sự) đầu tiên là Le Myre de Vilers. Mãi đến năm 1926, khi nói tới Quyền Thống Đốc Le Fol, người Nam Kỳ vẫn còn lẫn lộn gọi là Thống Soái, Phó Soái, dù ông không phải là sĩ quan.

3. Chủ Tỉnh, Chủ Quận, Tri Phủ, Tri Huyện

Ở Trung Kỳ và Bắc Kỳ, tỉnh chia thành nhiều phủ, đứng đầu là tri phủ 知府; phủ chia thành nhiều huyện, đứng đầu là tri huyện 知縣. Ở Nam Kỳ, tỉnh chia thành nhiều quận, đứng đầu là chủ quận. Quận chia thành nhiều tổng, đứng đầu là cai tổng (chef de canton). Tổng chia thành nhiều làng.

Chủ tỉnh là người Pháp. Do Nghị định ngày 15-02-1898, chủ quận được tuyển trong số viên chức hành chánh người Việt nào đã có ngạch huyện, phủ, đốc phủ sứ. Cho nên tri huyện, tri phủ ở Nam Kỳ chỉ là ngạch trật về hành chánh, không phải là quan chức như ở Trung Kỳ và Bắc Kỳ, nhưng người miền Nam quen gọi chủ quận là quan phủ, quan huyện. Những viên chức người Việt này xuất thân là thơ ký, có thể có một ít vốn chữ Nho, học ở trường làng trước khi vào học chương trình Pháp ở collège de Mỹ Tho (nay là trường Nguyễn Đình Chiểu) và trường Bổn Quốc ở Sài Gòn, tức là lycée Chasseloup-Laubat, sau đổi tên thành Jean Jacques Rousseau (nay là trường Lê Quý Đôn). Phần lớn các bậc tiền khai đạo Cao Đài đã xuất thân từ hai trường học này. Hai trường trung học lớn khác là Petrus Ký ở Sài Gòn và collège de Cần Thơ.

4. Collège de Mỹ Tho

Nghị định ngày 14-6-1880 của Thống Đốc Nam Kỳ Le Myre de Vilers thành lập collège de Mỹ Tho tại tỉnh Mỹ Tho. Ngày 02-12-1942, trường đổi tên là collège Le Myre de Vilers. Do nghị định 179-NÐ ngày 22-3-1953 của Tổng Trưởng Giáo Dục Nguyễn Thành Giung, trường đổi tên là trung học Nguyễn Ðình Chiểu cho tới nay.

Ông Giung sinh năm 1894 tại Sa Đéc, đậu tiến sĩ vạn vật học tại Marseille (Pháp), làm Tổng Trưởng Bộ Giáo Dục nhiệm kỳ 1952-1953 thời Bảo Đại làm Quốc Trưởng Quốc Gia Việt Nam (l’État du Việt Nam). Bấy giờ Thủ Tướng là Nguyễn Văn Tâm, nhiệm kỳ từ 23-6-1952 đến 07-12-1953.

Charles Marie le Myre de Vilers là cựu tỉnh trưởng (préfet), cựu giám đốc dân sự vụ (directeur des affaires civiles) ở Algérie, được bổ làm thống đốc Nam Kỳ ngày 13-5-1879, nhậm chức từ 07-7-1879 đến 11-01-1883, vắng mặt ở Sài Gòn từ 04-3-1881 đến 31-10-1881. (Xem: Commission française du Guide des Sources de l’Histoire des Nations, Sources de l’Histoire de l’Asie et de l’Océanie dans les Archives et Bibliothèques françaises. Part I: Archives. [Ouvrage préparé avec l’aide et sous les auspices de l’Unesco.] München: K.G. Saur, 1981, pp. 538-539.)([10])

5. Collège Chasseloup-Laubat

Lược sử trường Chasseloup-Laubat: Pháp thành lập école Normale colonial (trường sư phạm thuộc địa, 10-7-1871); xây trên nền cũ chùa Khải Tường (12-8-1871). Đổi tên thành collège Indigène (trường bản xứ, 1874). Đổi tên thành collège Chasseloup-Laubat (1876), chia ra khu Âu (quartier européen) và khu bản xứ (quartier indigène). Tách khu bản xứ nhập sang collège de Cochinchine (trung học Nam Kỳ, 15-7-1927). Collège de Cochinchine đổi tên thành lycée Petrus Ký, còn collège Chasseloup-Laubat đổi tên thành lycée Chasseloup-Laubat (1928). Từ 1966 tới nay lycée Chasseloup-Laubat đổi tên là trường trung học Lê Quý Đôn.

Chasseloup-Laubat là Bộ Trưởng Hải Quân và Thuộc Địa của triều đình Pháp, chủ trương chiếm Sài Gòn để làm căn cứ thuận lợi cho quân viễn chinh Pháp ở Viễn Đông. Ông ta tác động vua Napoléon III rất nhiều trong chính sách xâm lược, cướp Nam Kỳ làm thuộc địa.([11])



([1]) Huệ Khải, Đất Nam Kỳ Tiền Đề Pháp Lý Mở Đạo Cao Đài. Hà Nội: Nxb Tôn Giáo, 2010, tr. 7-8.

([2]) Đại Nam Nhất Thống Chí. Tập V. Phạm Trọng Điềm dịch. Đào Duy Anh hiệu đính. Huế: Nxb Thuận Hóa, 1992, tr. 122, 133, 200, 201.

([3]) Bulletin de la Société des Études Indochinoises (Nouvelle série, Tome XX). Sài Gòn: 1945, p. 16.

([4]) Huệ Khải, Đất Nam Kỳ Tiền Đề Pháp Lý Mở Đạo Cao Đài, tr. 8-10.

([5]) Theo Bulletin de la Société des Études Indochinoises (Nouvelle série, Tome XX). Sài Gòn: 1945, p. 16-35; và theo Nguyễn Đình Đầu, “Địa Bàn Thành Phố Qua Các Thời Kỳ”, in trong Địa Chí Văn Hóa Tp.HCM. Nxb Tp.HCM, 1988, tr. 485-486. Theo Đào Văn Hội, Lịch Trình Hành Chánh Nam Phần. Sài Gòn: 1961, Chương IV, tham biện là inspection; viên chức trông coi inspection gọi là inspecteur hay résident. Về tên bang biện, xem Paulus Huình Tịnh Của, Sách Quan Chế. Sài Gòn: Bản in Nhà nước, 1888, tr. 15.

[Đúng ra, tổng chia thành làng; về sau, gọi làng xã.]

([6]) Sơn Nam, Miền Nam Đầu Thế Kỷ XX: Thiên Địa Hội Và Cuộc Minh Tân. 1971, tr. 99.

([7]) Sau này, ngày 11-5-1944, Pháp lập tỉnh thứ hai mươi hai là Tân Bình, gồm một phần tỉnh Gia Định và Chợ Lớn nhập lại.

([8]) Để tham khảo, sau đây là cách giải thích của Nguyễn Đình Đầu (“Thay lời giới thiệu”, in trong: Pierre Pegneaux de Béhaine [Bá Đa Lộc Bỉ Nhu], Tự Vị An Nam La Tinh. Hồng Nhuệ Nguyễn Khắc Xuyên dịch và giới thiệu. Nxb Trẻ, 1999, tr. 5-6.):

“Chúng ta có thể tóm tắt: địa danh COCINCINA chia ra làm hai phần COCIN và CINA. Cocin nguyên trước là Co Ci, do phiên âm hai tiếng Giao Chỉ mà thành (vì thế Tự Vị An Nam La Tinh mới dịch Người Giao Chỉ là Cocincinenses). Còn Cina thì bởi âm Sin hay Ts’inn và người mình đọc là Tần mà ra. Bên Ấn Độ có một thành phố tên COCHIN, sợ lẫn với Cochi hay Cochin, nên phải ghi rõ “Giao Chỉ (gần) Tần” và chữ La Tinh ghi thành COCINCINA (mà người Nhật hay Trung Hoa ghi ra Giao Chỉ Chi Na). Trên các bản đồ Tây phương vẽ Đông Nam Á, từ trước cho tới thế kỷ XVII, đều ghi trên địa phận nước ta tên COCINCINA, CAUCHINCHINA, COCHINCHINA, COCHINCHINE hoặc dạng tự nào đại khái như thế để nói lên đó là xứ GIAO CHỈ GẦN NƯỚC TẦN. Do đó, ta có thể đoán địa danh ấy đã xuất hiện từ khi nước ta gọi là quận Giao Chỉ bị nhà Tần đô hộ.

“Từ đầu thế kỷ XVII, hai họ Trịnh-Nguyễn tranh giành quyền lực, phân chia nước ta thành hai vùng cai trị Đàng Trong và Đàng Ngoài, lấy sông Gianh làm ranh giới phân ly. Trên bản đồ cũng như trong văn kiện, người Tây phương gọi Đàng Ngoài là TUNQUYN (hoặc nhiều dạng tương tự như TUMQUYN, TUNKIN, TONGKING, TONKIN...) tức lấy tên thủ đô ĐÔNG KINH để gọi bao quát cả Đàng Ngoài. Còn Đàng Trong thì họ vẫn dùng tên cũ COCINCINA mà gọi. Đàng Trong dưới thời Đắc Lộ (Từ Điển Việt BồLa) rộng từ sông Gianh tới núi Đá Bia ở dinh Phú Yên. Trên một thế kỷ sau – thời của Bỉ Nhu với Tự Vị An NamLa Tinh –, địa danh COCINCINA lại chỉ thêm phần đất phương nam rất rộng lớn. Phần Nam Bộ xưa được mệnh danh là xứ Đồng Nai. Năm 1698, xứ Đồng Nai được thiết lập phủ huyện. Phủ GIA ĐỊNH tồn tại suốt từ đó đến năm 1800 và bao gồm toàn thể đất Nam Bộ. (...) Lại từ sau 1885, khi Pháp đã chiếm hết Việt Nam, Pháp chia cắt nước ta thành ba khúc và mệnh danh:

TONKIN là BẮC KỲ

ANNAM là TRUNG KỲ

COCHINCHINE là NAM KỲ

“Cả ba địa danh Đông Kinh, An Nam, Giao Chỉ (gần) Tần đã bị Tây ngữ hóa và đặt tên cho những phần đất chẳng ăn nhằm gì với ý nghĩa của nguyên ngữ.”

Huệ Khải nói thêm: COCHIN mà Nguyễn Đình Đầu nói tới là một cảng trên bờ biển Malabar ở tây nam Ấn Độ, là nơi người phương Tây đặt chân lên nước Ấn trước tiên. Cảng bị thực dân Bồ Đào Nha chiếm từ năm 1502.

([9]) Huệ Khải, Đất Nam Kỳ Tiền Đề Pháp Lý Mở Đạo Cao Đài, tr. 11-16.

([10]) Huệ Khải, Ngô Văn Chiêu Người Môn Đệ Cao Đài Đầu Tiên. Hà Nội: Nxb Tôn Giáo, 2012, tr. 38.

([11]) Huệ Khải, Ngô Văn Chiêu Người Môn Đệ Cao Đài Đầu Tiên, tr. 39.