Thứ Năm, 21 tháng 3, 2024

PHẦN 1 / HÀNH TRẠNG ĐỨC GIÁO TÔNG NGUYỄN NGỌC TƯƠNG / 2024

 


NIÊN BIỂU ĐỨC GIÁO TÔNG

NGUYỄN NGỌC TƯƠNG (PHẦN 1/3)

THỨ TƯ 22-6-1881 (26-5 Tân Tỵ)

Tiền khai ([1]) Nguyễn Ngọc Tương chào đời tại làng An Hội, tổng Bảo Hựu, tỉnh Bến Tre. Song thân là ông Nguyễn Ngọc Đẩu (1857-1882) và bà Võ Thị Sót (1856-1919). Ông tổ Nguyễn Đức Sơ là người tỉnh Bình Định, di cư vào Bến Tre hồi thế kỷ 18.([2])

THÁNG 7-1882 (tháng 6 Nhâm Ngọ)

Thân phụ tiền khai Nguyễn Ngọc Tương (ông Nguyễn Ngọc Đẩu) qua đời. Tiền khai sống với ông nội là Nguyễn Hữu Chơn (1832-1908).

1886 (Bính Tuất)

Tiền khai Nguyễn Ngọc Tương học chữ Nho và một ít chữ quốc ngữ tại nhà, do ông nội là Nguyễn Hữu Chơn (1832-1908) chỉ dạy.

1895 (Ất Mùi)

Tiền khai Nguyễn Ngọc Tương học lớp ba trường tỉnh Bến Tre.

1897 (Đinh Dậu)

Tiền khai Nguyễn Ngọc Tương thi đậu vào collège de Mỹ Tho.([3])

1900 (Canh Tý)

Tiền khai Nguyễn Ngọc Tương lên Sài Gòn theo học collège Chasseloup-Laubat.(3)

1902 (Nhâm Dần)

Tiền khai Nguyễn Ngọc Tương tốt nghiệp collège Chasseloup-Laubat.

Thi đậu vào ngạch Thơ Ký Thượng Thơ, làm việc tại Phủ Thượng Thơ ([4]) ở Sài Gòn một năm.

Kết hôn với cô Trương Thị Tài (1886-1906). Sinh được Nguyễn Thị Tú (1903-1926), Nguyễn Ngọc Thăng (trai, thuở nhỏ mất sớm), và Nguyễn Ngọc Hớn (trai, 1905-1951).([5])

1903 (Quý Mão)

Tiền khai Nguyễn Ngọc Tương đổi về Bến Tre, làm việc tại tỉnh nhà suốt mười bảy năm (1903-1920).

1906 (Bính Ngọ)

Người phối ngẫu của tiền khai Nguyễn Ngọc Tương là bà Trương Thị Tài qua đời.

1908 (Mậu Thân)

Tiền khai Nguyễn Ngọc Tương tục huyền với cô Bùi Thị Giàu (1884-1937). Bà sinh được ba con trai là Nguyễn Ngọc Kỷ (1910-1978), Nguyễn Ngọc Bích (1911-1966), Nguyễn Ngọc Nhựt (1918-1952); và được hai con gái là Nguyễn Thị Yến (1913-2004), và Nguyễn Thị Nguyệt (1915-2009).

1919 (Kỷ Mùi)

Tại Bến Tre, trước khi đổi đi quận Châu Thành (tỉnh Cần Thơ), tiền khai Nguyễn Ngọc Tương hiệp cùng một số vị thành lập Hội Buôn An NamHội Khuyến Văn.

Hội Buôn An Nam có mục đích giúp đồng bào ý thức, biết bảo vệ quyền lợi kinh tế và thương mại vì thời ấy thương trường hầu như do ngoại kiều chi phối trọn vẹn.

Hội Khuyến Văn có mục đích khuyến khích dân chúng hiếu học để tiến bộ và bảo vệ phong hóa nước nhà. Hội tổ chức những buổi diễn thuyết và lưu hành một nội san để cổ động đồng bào học chữ quốc ngữ, đọc sách báo, sáng tác thơ văn, đề cao đạo nghĩa nhân luân, tình yêu nước thương nòi, bài trừ mê tín dị đoan, hủ tục, v.v…

Cuối năm, tiền khai thi đậu ngạch tri huyện.([6])

1920-1924 (Canh Thân Giáp Tý)

Tiền khai được bổ đi làm chủ quận Châu Thành (tỉnh Cần Thơ), nhưng lại được chuyển qua Tòa Bố, như vậy thời gian làm việc tại tỉnh Cần Thơ tổng cộng khoảng hai tháng,([7]) sau đó được đổi đi làm chủ quận Hòn Chông (tỉnh Hà Tiên).([8])

Dân địa phương phần đông là người gốc Miên (Khmer) và Hoa kiều, còn người Việt thì thưa thớt. Dân chúng hầu hết nghèo nàn, cơ cực, thất học. Tiền khai chỉ dẫn cách nung đá làm vôi, giúp họ kế sinh nhai. Tiền khai cho cất chợ, nhà thương, trường học, đào kinh dẫn nước vào các ruộng, đặc biệt là đào con kinh chạy từ quận Hòn Chông tới Rạch Giá. Tiền khai giúp vốn và chỉ dẫn dân chúng khai khẩn đất hoang, đất rừng thành đồng ruộng. Chẳng những không tìm cách chiếm hữu các thửa đất mới được khai khẩn, tiền khai còn từ khước việc chánh phủ thuộc địa muốn tưởng thưởng công lao bằng cách cấp một sở đất để tiền khai đứng tên làm chủ. Trong mấy năm làm việc ở quận Hòn Chông,([9]) tiền khai có tu theo đạo Minh Sư,([10]) ăn chay và tịnh luyện.

1924-1927 (Giáp Tý Đinh Mão)

Tiền khai Nguyễn Ngọc Tương làm chủ quận Cần Giuộc, tỉnh Chợ Lớn.([11]) Thời gian này tiền khai được thăng ngạch tri phủ.([12])

THỨ HAI 01-02-1926 (19-12 Ất Sửu)

Các tiền khai Lê Văn Trung (1876-1934), Cao Quỳnh Cư (1888-1929), và Phạm Công Tắc (1890-1959) xin Đức Cao Đài đi Cần Giuộc độ tiền khai Nguyễn Ngọc Tương lúc ấy đang làm chủ quận Cần Giuộc.

Tiền khai Nguyễn Ngọc Tương nhập môn Cao Đài tại quận Cần Giuộc. Tại quận này, sau một ngày làm việc đời, mỗi tối tiền khai lại tận tụy đi các nơi để khai đàn thượng tượng hoặc giảng đạo. Thường khi phải đi đến sáng, bất kể gió mưa ướt át, đường sá lầy lội. Số người nhập môn tăng lên rất nhanh, không chỉ trong quận Cần Giuộc mà còn ở mấy quận lân cận.

Trong buổi đầu mở đạo Cao Đài, việc phổ độ ở Cần Giuộc rất thuận lợi. Ngày nay Cần Giuộc có rất nhiều thánh thất. Một số thánh thất do tiền khai thành lập như: Mỹ Lộc, Tân Chánh, Tân Kim, Tân Quí Tây, v.v...

THỨ BẢY 27-02-1926 (15-01 Bính Dần)

Trong đàn cơ tại nhà tiền khai Nguyễn Ngọc Tương (dinh quận Cần Giuộc), Đức Cao Đài dạy:

Tương! Từ đây con trấn nhậm nơi nào thì là hồng phúc của nơi ấy. Con nghe:

Con trị ai Thầy cũng trị ai

Một lòng đạo đức chớ đơn sai ([13])

Năm năm công quả ([14]) tua ([15]) bền chí

Chỉ dẫn nhơn sanh bước lạc loài.([16])

THỨ NĂM 04-3-1926 (20-01 Bính Dần)

Tuân lệnh Đức Cao Đài, tiền khai Nguyễn Ngọc Tương (đang làm chủ quận Cần Giuộc) và một số tiền khai khác cùng đến Vĩnh Nguyên Tự (làng Long An, quận Cần Giuộc, tỉnh Chợ Lớn) xin phép lập đàn cơ.

Đức Thái Lão Sư Lê Đạo Long (khi xưa sáng lập chùa Vĩnh Nguyên)([17]) giáng cơ, dạy rằng ngài đã đắc quả vị Như Ý Đạo Thoàn Chơn Nhơn và khuyên các môn đồ cùng thân quyến quy hiệp đạo Cao Đài. Nhục tử của ngài là tiền khai Lê Văn Lịch (1890-1947) vâng lời. Sau đó tiền khai Lê Văn Trung tuân lịnh Đức Cao Đài đến làm lễ khai đàn thượng tượng cho tiền khai Lê Văn Lịch vào Thứ Bảy 10-4-1926 (28-02 Bính Dần).

THỨ BẢY 26-6-1926 (17-5 Bính Dần)

 

Tiền khai Nguyễn Ngọc Tương thọ Thiên phong Phối Sư phái Thượng, thánh danh là Thượng Tương Thanh.

THỨ TƯ 29-9-1926 (23-8 Bính Dần)

Trong buổi họp khai Đạo tại nhà tiền khai Nguyễn Văn Tường (1887-1939) ở Sài Gòn, có hai trăm bốn mươi lăm vị hiện diện. Trong danh sách ký tên, ở trang 9, tiền khai Nguyễn Ngọc Tương là vị có số thứ tự 158 (xem tr. 140).([18])

Trên tờ Khai Đạo ghi ngày 07-10-1926 (01-9 Bính Dần) do tiền khai Lê Văn Trung gởi Quyền Thống Đốc Nam Kỳ Le Fol,([19]) trong danh sách hai mươi tám môn đệ do Đức Cao Đài chọn đưa vào, vị đứng thứ năm là tiền khai Nguyễn Ngọc Tương (Tri Phủ, chủ quận Cần Giuộc).([20])

THỨ TƯ 13-10-1926 (07-9 Bính Dần)

Đức Cao Đài dạy: “Các con tức cấp lo phổ độ ... Thầy dặn các con phải phân nhau mà đi cho khắp.”

Sau đó các tiền khai tiến hành phổ độ Lục Tỉnh, chia làm ba nhóm. Tiền khai Nguyễn Ngọc Tương thuộc nhóm thứ nhì (cùng với các tiền khai: Lê Văn Lịch, Yết Ma Nguyễn Văn Luật, v.v...), phụ trách các tỉnh: Bến Tre, Chợ Lớn, Gò Công, Mỹ Tho, Tân An. Phò loan của nhóm là hai tiền khai Nguyễn Trung Hậu (1892-1961) và Trương Hữu Đức (1890-1976).([21])

THỨ BA 16-11-1926 (12-10 Bính Dần)

Tiền khai Nguyễn Ngọc Tương được Đức Chí Tôn phong phẩm Chánh Phối Sư phái Thượng, cùng một đợt với Chánh Phối Sư Ngọc Trang Thanh (Lê Bá Trang, 1878-1936), và Chánh Phối Sư Thái Thơ Thanh (Nguyễn Ngọc Thơ, 1873-1950).([22])

1927-1930 (Đinh Mão Canh Ngọ)

Tiền khai Nguyễn Ngọc Tương làm chủ quận Xuyên Mộc (tỉnh Bà Rịa). Quận này hẻo lánh, gần rừng núi, cạnh bờ biển, hầu như còn hoang sơ. Người Kinh chiếm khoảng phân nửa dân số, còn lại là người dân tộc.([23])

Tiền khai cho mở trường học, lập chợ để cải thiện đời sống dân chúng, mở đường giao thông, đặc biệt là con lộ từ Long Hải đi Nước Ngọt. Xin phép chánh phủ thuộc địa cho dân khẩn rừng khai hoang lấy đất canh tác.

Tại Xuyên Mộc, tiền khai mở được các thánh thất như: Hội Mỹ, Long Tân, Xuyên Mộc, v.v…

Đầu năm 1927

Thọ lệnh của Đức Lý Giáo Tông tại Từ Lâm Tự (tức Thiền Lâm Tự, thường gọi chùa Gò Kén, làng Long Thành, tỉnh Tây Ninh), Thượng Chánh Phối Sư Nguyễn Ngọc Tương cùng Nữ Chánh Phối Sư Hương Thanh (Lâm Ngọc Thanh, 1874-1937) thay mặt Hội Thánh Tây Ninh đứng tên làm chủ đất đai, tài sản mới mua của Đạo.

THỨ BẢY 11-6-1927 (12-5 Đinh Mão)

Đền Thánh Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ khởi công xây dựng tại làng Long Thành (tỉnh Tây Ninh).

THỨ BẢY 22-11-1930 (03-10 Canh Ngọ)

Tại Tòa Thánh Tây Ninh, Đức Lý Giáo Tông (vô vi) và Phạm Hộ Pháp ra Đạo Nghị Định Thứ Nhì (năm điều khoản):

Điều Thứ Nhứt: Ban quyền hành cho Thượng Đầu Sư [Lê Văn Trung] thay mặt cho Lão mà thi hành các phận sự Giáo Tông về phần xác, còn phần thiêng liêng có Lão.

Điều Thứ Nhì: Chức sắc Cửu Trùng Đài, duy bậc Chánh Phối Sư phải tùng quyền mà hành chánh về phần chánh trị của Đạo, song đặng thế mặt cho Đầu Sư, đương buổi người cầm quyền Giáo Tông của Lão.

Điều Thứ Ba: Mọi việc chi thuộc về quyền chánh trị đều giao cho Chánh Phối Sư.

Điều Thứ Tư: Chánh Phối Sư đặng trọn quyền thông công cùng chánh phủ và nhơn sanh, nhưng buộc phải có hội viên nhơn sanh và Hội Thánh chăm nom cơ hành động.

Điều Thứ Năm: Nghị Định nầy sẽ ban hành ngày rằm tháng 10 năm Canh Ngọ [Thứ Năm 04-12-1930].([24])

Ghi chú: Điều 1 của Đạo Nghị Định Thứ Nhì được diễn giải là Thượng Đầu Sư Lê Văn Trung được thăng lên “Quyền Giáo Tông (hữu hình)”.([25]) Điều 2 được diễn giải là ba vị Ngọc Chánh Phối Sư Lê Bá Trang, Thượng Chánh Phối Sư Nguyễn Ngọc Tương,([26]) và Thái Chánh Phối Sư Nguyễn Ngọc Thơ (1873-1950) cùng được thăng lên “Quyền Đầu Sư”.([27])

THỨ HAI 02-02-1931 (15-12 Canh Ngọ)

Tại Tòa Thánh Tây Ninh, Thượng Chánh Phối Sư Nguyễn Ngọc Tương ra Châu Tri số 1, nội dung như sau:

CHÂU TRI

Cho chư chức sắc và chủ thánh thất.

Mới vào lãnh việc, tôi gởi lời chào chư hiền hữu, và cầu xin chư hiền hữu vui lòng giúp tôi làm cho tròn phận sự. Một ngày gần đây, tôi sẽ đến viếng các thánh thất vă thăm chư đạo hữu, tôi sẽ có dịp mà bàn luận với chư hiền hữu việc đạo nơi đó.

Hiện nay có một ít việc cần tỏ dưới đây, xin cậy chư hiền hữu sốt sắng lo giùm:

1. Theo Đạo Nghị Định số 3 của Đức Giáo Tông truyền: Chánh Trị Sự làm đầu một làng, Phó Trị Sự và Thông Sự làm đầu một xóm. Muốn thi hành bổn đạo truyền nầy, tôi xin nhờ chư hiền hữu xét lại, làng nào còn thiếu Chánh Trị Sự, hãy dạy đạo hữu làng ấy công cử lên một người; làng nào đã cử lỡ dư số thì để y, sau có ai quy trước, không cử thế, để đủ số một mà thôi. Còn làng nào có ít đạo hữu, từ ba mươi sắp xuống thì được hiệp với đạo hữu làng kế cận mà cử một Chánh Trị Sự. Mấy khi hội tín đồ mà công cử, thì chư hiền hữu hãy chịu nhọc mà làm đầu hội, hoặc phái một Giáo Hữu hay Lễ Sanh thay mặt đến tại chỗ mà thị chứng. Tờ vi bằng công cử đều phải làm hai bổn: một bổn gởi về Tòa Thánh; một bổn để tại thánh thất.

2. Tôi xin chư hiền hữu nhóm Lễ Sanh, Chánh Phó Trị Sự và Thông Sự trong hội mình mà lập cho mỗi người một Tờ Công Hạnh y như kiểu tôi gởi theo đây, trả lời cho rõ ràng và cho đúng hẳn sự thật theo mấy câu hỏi trong kiểu ấy. Mấy người có mặt đồng ký tên chứng vào. Chư hiền hữu hãy để lời châm chước riêng của mình vào đó nữa rồi gởi lại Tòa Thánh. Bàn Chưởng Quản Đại Đạo sẽ xét lại mà đem đứng vào bộ phái nhơn sanh và phát Đạo cấp cho mỗi người.

3. Mỗi năm hai kỳ (rằm tháng Giêng và rằm tháng 7), mấy người được đem vào bộ phái nhơn sanh sẽ nhóm nơi thánh thất sở tại, có chư hiền hữu tọa chủ mà bàn tính các việc đạo nơi đó. Đạo nơi nào sẽ được thạnh hành là nhờ Hội Ngánh nhơn sanh nơi ấy cần chuyên sửa đặt theo vẻ đạo đức.

4. Kỳ nhóm 15 tháng 7 mỗi năm, Hội Ngánh nhơn sanh công cử người thay mặt về Tòa Thánh mà nhóm đại hội trong kỳ rằm tháng 10 mà bàn tính chung hết thảy việc đạo.

Người thay mặt nầy sẽ chọn trong hàng Chánh, Phó Trị Sự, Thông Sự hay là trong hàng tín đồ cũng được, miễn là người có đạo đức, trí thức thì tốt. Mỗi họ cử từ một đến năm người thay mặt là nhiều, tùy số tín đồ nhiều ít.

Định như vầy:

Họ có từ 500 đạo hữu sắp xuống, cử một phái viên.

Họ có từ 501 đạo hữu tới 1.500 đạo hữu, cử hai phái viên.

Họ có từ 1.501 đạo hữu tới 2.500 đạo hữu, cử ba phái viên.

Họ có từ 2.501 đạo hữu tới 3.500 đạo hữu, cử bốn phái viên.

Họ có từ 3.501 đạo hữu sắp lên cử năm phái viên.

Năm nay mới khỏi sự sắp đặt nên kỳ nhóm 15 tháng Giêng, Hội Ngánh mỗi thánh thất hãy cử người thay mặt đặng sẽ có nhóm đại hội ngoại lệ nơi Tòa Thánh mà lập Hội Nhơn Sanh cho hoàn toàn. Người được cử thay mặt một năm, song đặng tái cử hoài. Người được cử lần đầu nầy thay mặt tới ngày 15 tháng 7 năm Nhâm Thân.

Nhờ chư hiền hữu ân cần giúp thi hành liền Châu Tri nầy. Tôi rất cám ơn.

Tòa Thánh, ngày 2-2-1931

Chánh Thượng Phối Sư

Thượng Tương Thanh.([28])

THỨ TƯ 25-02-1931 (09-01 Tân Mùi)

Tại Tòa Thánh Tây Ninh, Đức Chí Tôn dạy tiền khai Thượng Tương Thanh:

Tương! Thầy đã có dặn con từ trước mà ngần ngại nỗi gì? (...) Con đã rõ thấu chơn lý đạo Thầy, con lại sợ chi mà không từ quan hành đạo, con?([29])

THỨ BẢY 09-5-1931 (22-3 Tân Mùi)

Tiền khai Nguyễn Ngọc Tương nghỉ việc đời, về Tòa Thánh Tây Ninh hành đạo.([30]) Hội Thánh cất cho tiền khai một ngôi nhà bằng cây lợp tranh, có gác, gần mặt đường (Bình Dương đạo).

Tiền khai Nguyễn Ngọc Tương tự nguyện làm hai văn bản giao cho Hội Thánh giữ làm bằng chứng.

Trong văn bản thứ nhất, tiền khai minh xác rằng thửa đất cất Tòa Thánh tại Tây Ninh do tiền bổn đạo mua, Thượng Chánh Phối Sư Nguyễn Ngọc Tương và Nữ Chánh Phối Sư Hương Thanh chỉ ghi tên đứng bộ ([31]) thay mặt Hội Thánh.

Trong văn bản thứ hai, tiền khai minh xác rằng kể từ ngày 09-5-1931 là ngày tiền khai xuất gia, thì họ tên của tiền khai không còn dùng để làm sở hữu chủ tài sản tư riêng nào nữa. Từ ngày này về sau, bất kỳ tài sản chi mang tên Nguyễn Ngọc Tương thì đều là tài sản của Hội Thánh Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ.

Hai văn bản này có chánh quyền làng Long Thành thị thực, và có công chứng tại Tòa Bố tỉnh Tây Ninh.

THỨ BẢY 04-7-1931 (19-5 Tân Mùi)

1. Tại Tây Ninh, Quyền Giáo Tông Lê Văn Trung gởi Thống Đốc Nam Kỳ Jean-Félix Krautheimer (1874-1943) văn thư số 202, thông báo đã giao Thượng Chánh Phối Sư Nguyễn Ngọc Tương cầm giềng mối đạo (trích):

“J’ai l’honneur de vous faire connaître qu’à partir de ce jour M. NGUYỄN NGỌC TƯƠNG est chargé de la direction du Caodaïsme (...). M. NGUYỄN NGỌC TƯƠNG est chargé d’entretenir des relations avec le Gouvernement en ce qui concerne le Caodaïsme (...).”

Dịch:

Tôi hân hạnh cho Ngài hay kể từ nay ông NGUYỄN NGỌC TƯƠNG được ủy thác nhiệm vụ cầm giềng mối đạo Cao Đài (...). Ông NGUYỄN NGỌC TƯƠNG chịu trách nhiệm giao thiệp với chánh phủ về mọi vấn đề của đạo Cao Đài.([32])

2. Tại Tòa Thánh Tây Ninh, Quyền Giáo Tông Lê Văn Trung ra Châu Tri số 19 thông báo việc Thượng Chánh Phối Sư Nguyễn Ngọc Tương đã từ quan, phế đời hành đạo. Trích Châu Tri số 19:

Trong nền Đại Đạo, ai ai cũng có nghe ông Thượng Chánh Phối Sư Thượng Tương Thanh, nay đã phế đời hành đạo.

Bấy lâu, tôi hằng trông mong chư Thiên phong có trách nhậm trọng về Tòa Thánh lo đạo y như Thầy dạy hồi ban sơ.

Nay ba Chánh Phối Sư ba phái đã về đủ ở Tòa Thánh và cũng có một Phối Sư, mấy vị Giáo Hữu phế đời về Tòa Thánh hiến thân cho Đạo. Vậy thể đạo đã thành.

Chiếu y theo lời của Đấng Chí Tôn dạy tôi hồi ban sơ, chiếu y Pháp Chánh Truyền, chiếu y Đạo Nghị Định [thứ nhì, ngày 22-11-1930] của Đức Giáo Tông, tôi đã giao việc hành chánh cho ba Chánh Phối Sư y theo thơ của tôi gởi cho ba ông đề ngày 22-6-1931 (07-5 Tân Mùi), tôi sao lục gởi luôn theo đây.

Từ đây, chư hiền hữu phải tùng quyền ba Chánh Phối Sư mà hành sự. ([33])

THỨ BA 01-9-1931 (19-7 Tân Mùi)

Ngài Nguyễn Ngọc Tương gởi Thống Đốc Nam Kỳ Jean-Félix Krautheimer văn thư số 284 thông báo kể từ ngày 31-8-1931, tiền khai chánh thức nhận trách nhiệm cầm giềng mối đạo ở Nam Kỳ. (Thuở ấy đạo Cao Đài chưa truyền ra Trung Kỳ và Bắc Kỳ. Số tín đồ lúc ấy được hơn ba trăm ngàn người; có sáu mươi hai thánh thất và bốn mươi ba thánh thất tạm.) Văn thư này có ngài Lê Văn Trung và ngài Lê Bá Trang cùng ký tên chuẩn y (approuvé).([34]) Trích văn thư số 284:

 “J’ai l’honneur de vous faire connaître qu’en obéissant aux instructions divines, je prends effectivement aujourd’hui la direction du Caodaïsme (...) en Cochinchine.

(...)

Avec l’aide du Très-Haut, je m’efforcerai de réagir de telle façon à pouvoir bien mériter la complète confiance du Gouvernement et à étaler devant le monde la vraie figure du Caodaïsme (...).

Le jour où les Annamites, du Nord au Sud, le pratiqueront avec toute la liberté d’un culte national, le Gouvernement n’aura plus aucun souci de troubles ou de désordres quelconques, car tout vrai Caodaïste est sincèrement respectueux de l’autorité et amoureux de la paix.”

Dịch:

Tôi hân hạnh cho ngài hay, vâng theo các thánh giáo, kể từ nay tôi chánh thức cầm giềng mối đạo Cao Đài ở Nam Kỳ.

(...)

Với sự ủng hộ của Đấng Tối Cao, tôi sẽ cố gắng hành động chỉnh đốn lại như thế nào cho được xứng đáng với sự tín nhiệm hoàn toàn của Chánh Phủ, và phô bày trước mọi người chân tướng của đạo Cao Đài (...).

Ngày nào mà người Việt Nam, từ Bắc chí Nam, được giữ đạo Cao Đài với trọn quyền tự do của một Quốc Đạo, chánh phủ sẽ không còn một sự lo ngại nào về biến động hay loạn lạc nữa, vì người tín đồ Cao Đài chơn chánh rất thật tâm kính trọng chánh quyền và yêu chuộng hòa bình.([35])

HUỆ kHẢI

(Còn tiếp)



([1]) Các vị tiền khai là những tông đồ Cao Đài đầu tiên, có công giúp Đức Chí Tôn khai Đạo tại Nam Kỳ vào năm 1926.

([2]) Theo Thanh Minh và Phạm Khoa (xem Thư Tịch, tr. 125).

([3]) Xem Phụ Lục, phần III, mục 4 và 5. Xem minh họa, tr. 10.

([4]) Phủ Thượng Thơ cũng gọi là Dinh Thượng Thơ (Direction de l’Intérieur) hay Dinh Hiệp Lý, thay cho tên gọi Dinh Đổng Lý Nội Vụ (Direction de l’Intérieur), trụ sở cất xong năm 1864. Từ năm 1946 gọi là Dinh Thủ Hiến Nam Việt, rồi trở thành Tòa Đại Biểu Nam Phần, sau đó là Bộ Kinh Tế Việt Nam Cộng Hòa với mặt tiền hướng ra đường Gia Long, tọa lạc ở góc đường Tự Do (nay là Đồng Khởi) và Gia Long (nay là Lý Tự Trọng).

([5]) Theo Thanh Minh và Phạm Khoa.

([6]) Những năm trước 1925, trường cao đẳng dạy luật và hành chánh ở Hà Nội (école supérieure de droit et d’administration) chưa đào tạo và cung cấp đủ người dùng, thì ngạch tri huyện cũng được tuyển chọn trong hàng thơ ký lâu năm, nhưng buộc họ phải qua hai kỳ thi gay go: (a) examen de culture générale, khảo về học lực phổ thông; (b) concours professionnel, khảo về chuyên nghiệp và khả năng. Ngạch tri huyện có hai bậc: Hạng nhì (huyện de 2e classe), và cao hơn là hạng nhất (huyện de 1er classe). Năm 1920, mức lương tri huyện hạng nhất khoảng 1.222 đồng. (Huệ Khải, Ngô Văn Chiêu Người Môn Đệ Cao Đài Đầu Tiên. Hà Nội: Nxb Tôn Giáo, 2012, tr. 10.)

([7]) Theo Thanh Minh và Phạm Khoa: Tính theo lịnh thuyên chuyển của Thống Đốc Nam Kỳ ngày 30-5-1920 và 05-7-1920 đăng trên báo Lục Tỉnh Tân Văn ngày 07-6-1920 và 09-7-1920. (Xem minh họa, tr. 14.)

([8]) Do nghị định ngày 15-02-1898, chủ quận được tuyển trong số viên chức hành chánh người Việt đã có ngạch huyện, phủ, đốc phủ sứ. Chủ tỉnh vẫn là người Pháp. (Xem Phụ Lục, phần III, mục 3.)

([9]) Xem Phụ Lục IV: Bài chúc tụng khi tiền khai rời khỏi Hòn Chông.

([10]) Tổ sư đời thứ mười lăm của đạo Minh Sư là Đông Sơ đưa đạo Minh Sư từ Trung Quốc truyền sang Xiêm (Thái Lan) rồi qua Việt Nam năm 1863 (đời vua Tự Đức). Trước tiên, tổ sư Đông Sơ lập Quảng Tế Phật Đường tại tỉnh Hà Tiên.

([11]) Đổi về quận Cần Giuộc không lâu, tiền khai xử vụ kiện như sau: Lấy chồng được sáu tháng, cô vợ bỏ về nhà cha mẹ; bên chồng đệ đơn kiện lên quận. Tại công đường, cô vợ giãi bày rằng trong nửa năm ở nhà chồng, cô chỉ làm dâu chứ không hề được làm vợ. Người chồng thú thật đã vay số tiền lớn lo cưới vợ, nên sau đám cưới phải đi ở đợ để trả cho tới khi nào dứt vốn lẫn lời, vợ chồng mới cưới vì thế đành phân ly. Chủ nợ xác nhận sự việc như vậy. Đau lòng trước cảnh khổ của vợ chồng son, tiền khai lấy tiền riêng trả nợ thay cho họ.

([12]) Cũng như ngạch tri huyện, ngạch tri phủ có hai hạng. Người có ngạch tri huyện hạng nhất, nếu đủ thâm niên sẽ được thăng lên ngạch tri phủ hạng nhì (phủ de 2e classe), mức lương năm 1924 khoảng 1.672 đồng. Cao hơn là ngạch tri phủ hạng nhất (phủ de 1er classe), mức lương năm 1926 khoảng 1.933 đồng. Cao hơn ngạch tri phủ là đốc phủ sứ, thường gọi tắt là đốc phủ. (Huệ Khải, Ngô Văn Chiêu Người Môn Đệ Cao Đài Đầu Tiên, tr. 11-12.)

([13]) Đơn sai: Từ Việt cổ, nghĩa là giả trá, không trung thực.

([14]) Năm năm công quả: Tính từ lúc tiền khai nhập môn Cao Đài (1926) tới khi từ quan về Tòa Thánh Tây Ninh hành đạo (1931).

([15]) Tua: Từ Việt cổ, nghĩa là nên; hãy nên (do chữ Hán tu ).

([16]) Thánh thất An Hội, Châu Tri Chỉnh Đạo 1934-1936. Bến Tre: Nhà in Bùi Văn Nhẫn, 1936, tr. 51.

([17]) Đức Thái Lão Sư Lê Đạo Long, thế danh Lê Văn Tiểng (1843-1913), khai sáng Vĩnh Nguyên Tự năm 1908 (Mậu Thân). Xem minh họa, tr. 20.

([18]) Huệ Khải, Lược Sử Đạo Cao Đài: Thời Tiềm Ẩn 1920-1926 / A Concise Caodai History: The Earliest Beginnings 1920-1926. Hà Nội: Nxb Hồng Đức, 2017, 2023. Phụ bản 13-09.

([19]) Ngày 09-4-1926 Aristide Eugène le Fol, ngạch tham biện hạng nhất (administrateur de 1er classe), được bổ làm quyền thống đốc Nam Kỳ, nhậm chức ngày 19-4-1926. Như vậy các sách sử Cao Đài hay chép Le Fol là thống đốc thì không đúng. Ông chỉ là quyền thống đốc, đảm nhiệm chức vụ trong khoảng hơn nửa năm trong lúc chờ một thống đốc chánh thức từ Pháp bổ sang. Trong cách xưng hô (như trên Tờ Khai Đạo ngày 07-10-1926), mọi người vẫn gọi ông là thống đốc vì phép lịch sự.

([20]) Nguyễn Trung Hậu, Đại Đạo Căn Nguyên. Sài Gòn: Impr. Đức Lưu Phương, 1930, tr. 47.

([21]) Nguyễn Trung Hậu, Đại Đạo Căn Nguyên. Sài Gòn: 1930, tr. 49. (Về nguồn gốc tên gọi Lục Tỉnh, xem Phụ Lục, phần I.)

([22]) Châu Tri Chỉnh Đạo 1934-1936 có cách viết “Thượng Chưởng Pháp Lê Bá Trang” (tr. 19) thì gọn hơn là “Chưởng Pháp Thượng Trang Thanh (Lê Bá Trang)”. Sau đây cũng sẽ noi theo cách đó khi cần ghi thế danh kèm với thánh danh và phẩm vị.

([23]) Thời Pháp thuộc, người dân tộc bị gọi là mọi, về sau gọi là đồng bào thiểu số, rồi gọi là dân tộc ít người.

([24]) Nguyễn Văn Hồng, Đạo Sử Nhựt Ký. Bản thảo.

([25]) Nguyễn Văn Hồng, Danh Nhân Đại Đạo. Bản thảo.

([26]) Trong Châu Tri Chỉnh Đạo 1934-1936, Châu Tri số 3 (tr. 1) ghi là “Chánh Phối Sư quyền Đầu Sư Thượng Tương Thanh gởi cho chư chức sắc, chức việc và đạo hữu nam nữ.” Châu Tri số 4 (tr. 2) khi nhắc tới hai vị Nguyễn Ngọc Tương và Lê Bá Trang thì ghi là “Thượng và Ngọc Chánh Phối Sư Quyền Đầu Sư”.

([27]) Trong Danh Nhân Đại Đạo (bản thảo), Nguyễn Văn Hồng viết rằng tiền khai Nguyễn Ngọc Thơ được thăng lên Quyền Thái Đầu Sư vào Chủ Nhật 12-3-1933 (17-2 Quý Dậu). Nhưng trong Đạo Sử Nhựt Ký (bản thảo), riêng về những năm 1933-1935, không thấy ông Hồng sưu tập văn kiện nào ghi ngày 12-3-1933.

([28]) Nguyễn Văn Hồng, Đạo Sử Nhựt Ký. Bản thảo.

([29]) Nguyễn Văn Hồng, Đạo Sử Nhựt Ký. Bản thảo.

([30]) Trong vi bằng (biên bản) cuộc nhóm chức sắc, chức việc nhân lễ Đức Quan Thánh Đế Quân ngày Thứ Tư 12-6-1935 (12-05 Ất Hợi), Thượng Chưởng Pháp Lê Bá Trang nhắc lại: “Vưng lời Thầy dạy[,] ông Thượng Tương Thanh liền gởi đơn xin từ chức quan; được nhà nước cho nghỉ rồi, ông Thượng Tương Thanh về thẳng nơi Tòa Thánh Tây Ninh ngày 9 Mai 1931.” (Châu Tri Chỉnh Đạo 1934-1936, tr. 51.)

([31]) Đứng bộ: Bộ (hay bạ, nói tắt từ địa bạ 地簿) là sổ sách ghi chép về ranh giới ruộng đất ở các làng, xã trong từng tỉnh. Đứng bộ là ghi họ tên người làm chủ ruộng đất trong sổ sách do làng, xã lập.

([32]) Tiểu Sử Đức Giáo Tông Nguyễn Ngọc Tương 1881-1951. Sài Gòn: Nhà in Hòa Chánh 1958, tr. 21-22.

([33]) Nguyễn Văn Hồng, Đạo Sử Nhựt Ký. Bản thảo.

([34]) Cuối văn thư, ba vị chỉ ghi thế danh, không ghi kèm chức sắc.

([35]) Tiểu Sử Đức Giáo Tông Nguyễn Ngọc Tương, tr. 22-24.