Thứ Tư, 22 tháng 3, 2017

10. CÁNH NHẠN LƯNG TRỜI / DƯỚI MÁI ĐẠO VIỆN

CÁNH NHẠN LƯNG TRỜI
Đây là chuyện tôi nghe:
Trong đạo viện theo định kỳ lại tổ chức cho môn sanh thực tập thuyết trình giảng đạo. Hôm ấy một môn sanh chọn đề tài Tâm Không, và minh họa bằng bốn câu thơ đã đi vào văn học sử Phật Giáo nước Nam.
Thuyết trình viên kể rằng vào đời Hậu Lê, ở tỉnh Quảng Nam xuất sinh một bậc chân tu tài đức hiếm có là thiền sư Hương Hải (1628-1715). Ngài đã ra Cù Lao Chàm tu chứng, hiển lộng thần thông chinh phục yêu quái tà ma, và sự tích lừng lẫy ấy được Lê Quý Đôn (1726-1784) chép lại trong bộ sách Kiến Văn Tiểu Lục.
Năm tám mươi tuổi (1707) thiền sư triều kiến vua Lê Dụ Tông (trị vì 1706-1729), bấy giờ nhằm niên hiệu Vĩnh Thịnh (1706-1719). Vua Lê hỏi: “Ý Phật và ý Tổ như thế nào?” Sư ứng khẩu đáp liền:
Nhạn quá trường không
Ảnh trầm hàn thủy
Nhạn vô di tích chi ý
Thủy vô lưu ảnh chi tâm.([1])
(Nhạn qua trời rộng
Nước lạnh bóng chìm
Nhạn nào có ý lưu dấu
Nước đâu rắp dạ ghi hình.)
Buổi thực tập sẽ kết thúc êm thắm giá như trong phần góp ý cho thuyết trình viên không xảy ra sự cố.
Một anh (có lẽ là mọt sách thứ thiệt) muốn chứng tỏ kiến thức quảng bác của mình trước đồng môn, nên đứng lên đề quyết rằng thiền sư đã “luộc” bài thơ của một thiền sư đời Tống là Thích Phổ Tế. Bài thơ gốc có chép trong Ngũ Đăng Hội Nguyên, quyển 14, nguyên văn như sau:
Nhạn quá trường không
Ảnh trầm hàn thủy
Nhạn vô di tung chi ý
Thủy vô trầm ảnh chi tâm.([2])
Trưởng tràng lúng túng, bèn quay sang hỏi sư đệ trông coi Tàng Kinh Các xem hư thực thế nào. Sư đệ lẹ làng truy cập Google tra cứu một chốc rồi xác nhận rằng quả có sư Thích Phổ Tế, có quyển sách ấy với bài thơ ấy.
Nhà Tống bên Trung Quốc kết thúc năm 1279. Thiền sư Hương Hải ra đời ở Việt Nam muộn hơn ba trăm năm. Xét ra bài thơ của sư Hương Hải chỉ khác có chữ tung / tích ở câu ba, chữ trầm / lưu ở câu bốn, nhưng nghe hay hơn bài của sư Phổ Tế.
Trưởng tràng đăm chiêu nghĩ ngợi. Vấn đề là… thể diện quốc gia. Mà bạo mồm nói sư Việt “luộc” thơ sư Tống thì khó chịu quá.
Chuyện lùm xùm đến tai đạo sư. Ngài ghé vào lớp học phân giải:
- Con nhạn là hình ảnh quen thuộc trong văn học Trung Hoa, Việt Nam. Tiếng Anh gọi nó là wild goose, tức là con ngỗng trời, một loài chim thiên di. Hình tượng cánh nhạn in bóng trên dòng sông lạnh quả thật rất lãng mạn. Chả trách thuở trước ở Sài Gòn có một ông chuyên dịch truyện chưởng của Kim Dung và ký bút danh Hàn Giang Nhạn, nghĩa là con nhạn trên sông lạnh. Có lẽ ông ấy thích bài thơ của sư Hương Hải lắm. Ông ấy mất lâu rồi, thọ tám mươi tuổi.([3]) Hồi trẻ, thầy cũng ghiền truyện chưởng do ông dịch rất tài hoa.
Cả lớp cười ồ. Đạo sư cũng cười, rồi nói tiếp:
- Các con nên biết rằng sư Hương Hải rất giỏi chữ Nho. Mười tám tuổi Ngài thi đậu Hương Tiến (nghe nói tương đương Cử Nhân), được bổ làm quan trong phủ chúa Nguyễn Phúc Lan, rồi làm tri phủ Triệu Phong năm hai mươi lăm tuổi, sau đó mới xuất gia tu Phật.
Chắc chắn Ngài đã học nhiều kinh điển Phật Giáo Hán tạng truyền qua nước Nam. Thầy đoán là Ngài có đọc thơ của Thích Phổ Tế. Mấy câu ngắn gọn, ý tứ thâm trầm, thanh thoát, ai mà không thích. Có lẽ nhiều lúc thư nhàn, bên chén trà thơm, sư Hương Hải từng ngâm nga rồi khắc ghi trong tâm trí. Thường thì những gì đã vào ký ức, lâu ngày mình cũng không nhớ chính xác là đã đọc ở đâu, của ai. Hôm ấy, lúc vua Lê hỏi đạo, thiền sư ngẫu hứng bật ra. Bài thơ khớp vào câu hỏi, ngụ ý bảo cho vua Dụ Tông biết rằng Phật và Tổ tâm ý đều rỗng rang, không chấp trước.
Rất có thể sư Hương Hải không hề trả lời vua Lê như thế. Nhưng về sau môn đệ khi chép lại Ngữ Lục của thiền sư đã nương theo lời truyền khẩu mà thêm thắt bốn câu đó. Lâu đời tam sao thất bổn, giữa bản gốc của sư Thích Phổ Tế và bản đem gán cho sư Hương Hải có chênh nhau hai chữ vẫn là chuyện thường xưa nay. Lỗi lầm ắt ở đời sau chép sách thiếu cẩn thận. Hương Hải là đại sư đắc đạo, thần thông linh diệu, thì sá gì mấy câu thơ lẻ tẻ mà phải luộc với xào. Chúng ta phát ngôn không cẩn thận e phải chịu khẩu nghiệp làm tổn hại đức hạnh người tu.
01-5-2013
HUỆ KHẢI
CGvDT số 1905, ngày 03-5-2013




([1]) 鴈過長空 / 影沉寒水 / 鴈無遺跡之意 / 水無留影之心.
([2]) 雁過長空 / 影沉寒水 / 雁無遺蹤之意 / 水無沉影之 心 / 釋普濟 (宋) / 五燈會元 (卷十四).
([3]) Đạo sư nhớ lầm. Hàn Giang Nhạn thọ bảy mươi mốt tuổi (1909-1979), tên thật là Bùi Xuân Trang, người tỉnh Thái Bình, dạy học và làm công chức ngành công chánh (Sài Gòn). Bút danh Hàn Giang Nhạn xuất hiện khoảng năm 1963.