KIẾM TÌM
THƯỢNG ĐẾ
Đây là chuyện tôi nghe:
Trà đồng lên Tàng Kinh Các gặp sư huynh quản thủ. Nhìn quyển
tập nơi tay chú em, quản thủ hỏi:
- Việc gì đây, hiền đệ?
- Sư huynh giúp đệ nhé? Huynh trưởng tràng kèm chúng đệ tiếng
Anh, cho dịch một bài thơ của Tagore, ngày mai tới hạn nộp bài rồi.
- Thơ tiếng Anh của Tagore là thơ xuôi, phải không? Vậy cũng
dễ đọc mà.
- Dạ, tiểu đệ cũng thấy vậy. Đệ dịch rồi, bài Searching for God. Nhưng ý thơ cao siêu
lắm, đệ sợ mình hiểu không đúng nên muốn nhờ sư huynh duyệt lại cho chắc ăn rồi
mới nộp bài.
Quản thủ cười:
- Vậy là… ăn gian rồi! Không sợ sư huynh trưởng tràng rầy rà
sao, hiền đệ?
Trà đồng vùng vằng:
- Đệ đâu có ăn gian! Đệ dịch xong hết cả rồi, chỉ nhờ sư
huynh xem giúp thôi mà!
Quản thủ lại cười:
- Mới nói đùa một chút mà đã giãy nãy thế kia à! Đâu? Đưa tệ
huynh xem nào!
Trên quyển tập học trò kẻ ô ly vuông vắn, trà đồng cẩn thận
chép ở trang bên trái nguyên bản tiếng Anh, trang bên phải chép bản dịch tiếng
Việt, đối xứng nhau. Mở rộng quyển tập, quản thủ đưa mắt nhìn từ trái qua phải,
chậm rãi dò theo từng dòng lại từng dòng chữ nắn nót, thỉnh thoảng gật gù. Trà
đồng dịch:
KIẾM TÌM THƯỢNG ĐẾ
Như tôi còn nhớ được,
trong nhiều kiếp, rất nhiều kiếp, ngay từ lúc bắt đầu hiện hữu, tôi đã không
ngừng tìm kiếm và cứ mãi kiếm tìm Thượng Đế chẳng ngừng. Đôi lúc tôi thấy Ngài
bên cạnh một vì sao xa tít mù xa, và tôi sướng vui múa hát bởi vì dẫu cho
khoảng cách kia muôn trùng diệu vợi, nhưng chẳng phải vô phương tới đó. Tôi lên
đường và tới được vì sao ấy; nhưng khi tôi tới được vì sao kia, Thượng Đế đã
dời sang vì sao khác. Và cứ tiếp diễn như thế trải qua nhiều thế kỷ.
Thách thức này lớn lao
đến độ tôi cứ tiếp tục hy vọng dẫu rằng dường như vô vọng… Tôi phải tìm được
Ngài, tôi miệt mài tìm kiếm. Cuộc kiếm tìm rất ư quyến rũ, rất đỗi diệu huyền,
rất mực đắm say, đến độ Thượng Đế hầu như đã trở thành cái cớ để tìm kiếm bởi
vì tự thân cuộc kiếm tìm đã trở thành mục tiêu của hành trình tìm kiếm.
Và ngỡ ngàng chưa, một
hôm tôi tới được ngôi nhà ở vì sao xa tít mù xa có tấm biển nhỏ treo phía
trước, viết rằng “Đây là nhà Thượng Đế”. Niềm vui tôi vô biên vô hạn bởi lẽ rốt
cuộc tôi đã tới! Tôi chạy ùa lên những bậc thềm, rất nhiều bậc thềm đưa tới ngưỡng cửa nhà
Ngài. Nhưng càng lúc càng gần ngưỡng cửa hơn, lòng tôi bất chợt nổi cơn khiếp
sợ. Khi đưa tay chực gõ lên cánh cửa, tôi bỗng đờ ra tê liệt vì nỗi sợ hãi chưa
từng biết tới, chưa từng nghĩ tới, chưa từng tưởng tượng. Tôi sợ rằng:
Nếu nhà này quả thật là
nhà của Thượng Đế, thì tôi sẽ làm gì đây sau khi đã tìm được Ngài?
Bởi chưng hành trình kiếm
tìm Thượng Đế đã trở thành chính cuộc đời tôi; tìm thấy Ngài sẽ đồng nghĩa tự
kết thúc đời mình. Và tôi sẽ làm gì với Ngài? Xưa nay tôi chưa hề nghĩ tới tất
cả những điều này. Trước khi khởi sự kiếm tìm, lẽ ra tôi nên nghĩ xem mình sẽ
làm gì với Thượng Đế?
Tôi lột giày cầm tay, và
rón rén bước thụt lùi, nơm nớp lo sợ Thượng Đế nghe động mà mở cửa ra hỏi “Con
đi đâu đấy? Thầy đây mà, hãy vào đi!” Và khi chân chạm tới những bực thềm, tôi
cuống cuồng bỏ chạy; kể từ ấy tôi lại không ngừng kiếm tìm Thượng Đế, tìm kiếm
Ngài ở mọi hướng mọi phương, và né tránh ngôi nhà Ngài thực sự ngự trong đó.
Giờ đây tôi biết rằng phải tránh ngôi nhà ấy. Và tôi tiếp tục kiếm tìm, vui
sướng với tự thân cuộc tìm kiếm, một hành trình tâm linh.([1])
Gấp quyển tập và trả lại trà đồng, quản thủ nhận xét:
- Có vài chỗ huynh thấy đệ dịch ... có sáng kiến. Như chỗ Thượng Đế
xưng I thì dịch là Thầy thay vì dịch là Ta; Pilgrimage nghĩa
là cuộc hành hương mà đệ dịch thoát ý là hành trình tâm linh. Để tránh
điệp ngữ, đệ đảo hai chữ tìm kiếm thành kiếm tìm mỗi khi đặt
chúng gần nhau... Tóm lại, đệ dịch như vậy có thể nói là ổn; sư huynh trưởng
tràng sẽ không chê đâu. Yên tâm nộp bài cho kịp kỳ hạn.
Trà đồng sung sướng, nét mặt lộ vẻ hớn hở:
- Sư huynh khuyến khích như vậy đệ thành thật biết ơn. Lúc mới đọc bài
thơ vài lượt, đệ có bị... khớp! Dịch xong rồi, đệ lại lấn cấn tự hỏi tại sao
ông Tagore miệt mài đi tìm Thượng Đế mà lại cứ né tránh chạm mặt Ngài? Phải
chăng bài thơ là một dụ ngôn?
Quản thủ lặng thinh một lúc như ngẫm nghĩ, rồi chậm rãi nói:
- Không phải tệ huynh muốn thối thác câu trả lời. Thật ra thơ Tagore giản
dị mà sâu thẳm vô cùng! Huynh trưởng tràng chẳng phải vô cớ chọn bài này đâu.
Huynh ấy tính toán kỹ lắm, luôn luôn là ba trong một, như mấy chai dầu gội đầu
hay quảng cáo là three-in-one. Tức là huynh trưởng tràng vừa tập cho các
đệ luyện tiếng Anh, vừa rèn tiếng Việt, đồng thời kết hợp bồi dưỡng khả năng cảm
thụ đạo học trong văn học. Chắc chắn hôm sửa bài dịch, huynh trưởng tràng sẽ
cho cả lớp thảo luận để đào sâu ý nghĩa ẩn tàng của bài thơ. Hôm ấy tệ huynh
cũng xin phép dự thính để cùng chia sẻ với các đệ một dịp thưởng thức Tagore,
giải Nobel văn chương 1913.
*
Trong buổi hướng dẫn nhóm nhỏ sư đệ
học tiếng Anh, trưởng tràng hoàn lại các bản dịch bài thơ Kiếm Tìm Thượng Đế (Searching for God) của Tagore. Sau đó, bắt đầu
phần trao đổi ý kiến, trưởng tràng mở lời:
- Bá Tước Buffon bảo văn là người.([2])
Người thanh cao thì thơ văn thanh cao, người thoát tục thì thơ văn thoát tục;
vậy, chúng ta cũng nên biết sơ qua thân thế Tagore. Kế đến chúng ta tìm hiểu
thêm tư tưởng đạo lý trong bài thơ vừa tập dịch. Mỗi hiền đệ lần lượt trình bày
kiến giải của mình, không cần tệ huynh phải mời từng người.
Sư đệ phụ trách trù phòng liền hăng
hái đứng dậy:
- Thưa sư huynh, tệ đệ hầu như cả
ngày lui cui lo việc bếp núc trong đạo viện, ít có thời gian tra cứu, nên xin
được xí phần dễ nhất. Theo đệ biết, ông Rabindranath Tagore sinh năm 1861, nhận
giải thưởng Nobel văn chương năm 1913, và tạ thế năm 1941. Ông rất có ảnh hưởng
ở Ấn Độ và nhiều nước khác, kể cả phương Tây. Ông rất tài hoa: làm thơ, soạn
nhạc, vẽ tranh, viết nghị luận, truyện ngắn, tiểu thuyết, và kịch. Ngoài ra,
ông còn nổi tiếng là nhà giáo dục, nhà cải cách xã hội, và một triết gia. Có
thể nói bài thơ Searching for God diễn
bày triết lý của ông về Thượng Đế.
Sư đệ phụ trách trồng trọt rau quả
đứng dậy tiếp lời:
- Mở đầu bài thơ Tagore liền xác định
rằng ông đã không ngừng tìm kiếm Thượng Đế từ rất nhiều kiếp, ngay từ lúc bắt
đầu hiện hữu. Theo đệ, đó không phải là cá nhân ông, mà chính là nhân loại. Từ
thiên cổ tới nay con người luôn tìm kiếm Thượng Đế. Việc ông và Thượng Đế chơi
trò cút bắt, trốn tìm, hụt hơi chạy từ vì sao này sang vì sao khác, ấy là một
ẩn dụ. Ý ông nói rằng nếu chúng ta cứ tìm Thượng Đế ở ngoài ta, một Thượng Đế
ngoại tại, thì chỉ hoài công vô ích thôi.
Sư đệ lo việc nhang đèn, bông trái,
rượu trà cúng trong chánh điện phân tích:
- Thượng Đế của Tagore không phải là
hình ảnh một vị Chúa Tể vũ trụ càn khôn như phần đông thế gian quan niệm. Nói
khác đi, Thượng Đế của Tagore không phải là Đấng hữu ngã, không là Personal God. Thượng Đế ấy là Đấng vô ngã, là Impersonal God. Đó là một Tuyệt Đối Thể
tượng trưng cho Toàn Thiện, Toàn Chân, Toàn Mỹ… Mục tiêu cuộc kiếm tìm là Thượng Đế, nhưng Tagore lại đồng hóa
hành trình tìm kiếm với mục tiêu kiếm tìm. Ở đây ông muốn nói hành trình tìm
kiếm Thượng Đế chính là hành trình hoàn thiện hóa bản thân mỗi người chúng ta.
Cũng vì thế mà cuộc hành trình của ông trở nên bất
tận, không có hồi kết thúc. Suốt hành trình thiên thu ấy, ông vui sướng trong
từng khoảnh khắc được soi rọi vào trong để hoàn hảo hóa chính con người ông,
mỗi ngày được tốt đẹp thêm một chút.
Giữ phận em út, trà đồng lên tiếng sau cùng:
- Tiểu đệ thấm thía ở chỗ Tagore hỏi rằng trước khi khởi sự
kiếm tìm Thượng Đế, tại sao chưa bao giờ nghĩ xem ông sẽ làm gì với Thượng Đế
nếu gặp được Ngài. Tức là mục đích ta tìm thấy Thượng Đế để mà chi? Để cầu xin
ơn huệ? Để dựa hơi Ngài? Để làm Thần Thánh hưởng hồng phúc bên cạnh Ngài? Cho
dù mục đích thật sự của ta là gì chăng nữa, liệu ta có xứng đáng gặp Ngài không
nếu như lòng ta vẫn đầy nhóc xấu xa, thấp hèn? Việc Tagore tránh né bước vào
ngôi nhà của Thượng Đế khiến tiểu đệ nghĩ tới bản thân; có những lúc tệ đệ phạm
lỗi, tự xấu hổ với chính mình, và khi nghe chuông báo tới giờ công phu, tệ đệ
không muốn bước vào chánh điện nữa. Miễn cưỡng tìm chỗ quỳ ở sau chót, tệ đệ cứ
cúi gầm mặt suốt thời cúng, chẳng hề dám ngẩng lên nhìn biểu tượng của Thượng
Đế uy nghiêm trên bàn thờ!
Ngồi cuối lớp, quản thủ Tàng Kinh Các chợt thấy hình ảnh trước mắt trở
nên nhòe nhoẹt, nhưng vẫn kịp bắt gặp trưởng tràng vội quay mặt đi, như muốn
giấu các em mình một xúc cảm nào đó vừa mới dâng trào.
11-9-2013
/ 17-9-2013
HUỆ KHẢI
CGvDT số 1924, ngày 13-9-2013
CGvDT
số 1925, ngày 20-9-2013
([1]) I have been seeking and searching
God for as long as I can remember, for many many lives, from the very beginning
of existence. Once in a while, I have seen him by the side of a faraway star,
and I have rejoiced and danced that the distance, although great, is not
impossible to reach. And I have traveled and reached to the star; but by the
time I reached the star, God has moved to another star. And it has been going
on for centuries.
The challenge is so great that I go on hoping against hope... I have to
find him, I am so absorbed in the search. The very search is so intriguing, so
mysterious, so enchanting, that God has become almost an excuse - the
search has become itself the goal.
And to my surprise, one day I reached a house in a faraway star with a
small sign in front of it, saying, “This is the house of God.” My joy knew no
bounds - so finally I have arrived! I rushed up the steps,
many steps, that led to the door of the house. But as I was coming closer and
closer to the door, a fear suddenly appeared in my heart. As I was going to
knock, I became paralyzed with a fear that I had never known, never thought of,
never dreamt of. The fear was:
If this house is certainly the house of God, then what will I do after I
have found him?
Now searching for God has become my very life; to have found him will be
equivalent to committing suicide. And what am I going to do with him? I had
never thought of all these things before. I should have thought before I
started the search: what am I going to do with God?
I took my shoes in my
hands, and silently and very slowly stepped back, afraid that God may hear the
noise and may open the door and say, “Where are you going? I am here, come in!”
And as I reached the steps, I ran away as I have never run before; and since
then I have been again searching for God, looking for him in every direction - and
avoiding the house where he really lives. Now I know that house has to be
avoided. And I continue the search, enjoy the very journey, the pilgrimage.