Quản Trọng (Quản Di Ngô)
TIẾNG NƯỚC
Các con hiền
mà dữ.
Các con yếu mà mạnh.
Các con nhỏ nhoi mà là
quyền thế.
Đức
Ngọc Hoàng Thượng Đế
*
Đây
là chuyện tôi nghe:
Một hôm trưởng tràng vào thư phòng gặp đạo
sư, trình ngài xem tấm hoành phi vừa đặt làm xong để đến ngày rằm tháng ấy thầy
trò đem mừng lễ lạc thành một thánh sở Cao Đài. Ngắm bốn chữ Nho Đạo Pháp Trường Lưu 道法長流 viết thảo bay bướm, đạo sư gật đầu tỏ ý hài lòng:
- Con tìm thợ khéo đấy. Nào, ngồi đây uống
với thầy chén trà đi con.
Nhân lúc thong thả, trưởng tràng gợi chuyện:
- Bốn chữ thầy chọn hay quá! Hàm ngụ tính
chất của đạo pháp vừa nhu thuận như nước, vừa luân động bất tận. Quả là lời
chúc lành cho thánh sở bạn.
- Chẳng phải ý thầy đâu, con. Thật ra là
trích lời kinh tụng của tín hữu Cao Đài đấy thôi. Nhưng con nói đúng; người xưa
luôn ví Đạo với nước. Nước nhu thuận, luôn tìm thế cân bằng khi từ chỗ cao đổ
vào chỗ trũng, đem chỗ đầy lấp vào chỗ vơi. Bởi vậy, Đức Lão Tử ví thánh nhân
giống như nước, khéo làm lợi cho muôn loài mà không tranh giành với ai…
Trưởng
tràng đọc luôn câu chữ Nho trong Đạo Đức
Kinh, như để “trả bài” thầy, rồi nói tiếp:
- Thưa thầy, nhưng nước không chỉ là nhu
thuận, mềm yếu. Nước còn mạnh mẽ, công phá dữ dội. Nên Đức Lão Tử dạy: “Trong
thiên hạ không gì mềm yếu hơn nước; thế mà nó lại công phá được tất cả những gì
cứng rắn. Chẳng chi hơn nó, chẳng chi thay thế được nó.” ([3])
- Phải
đó con. Cho nên trong lịch sử nhân loại, nhiều bậc trị nước sáng suốt, khôn
khéo không bao giờ dám coi thường tính nhu thuận, mềm dẻo như nước của đạo
giáo. Một số chính thể Đông Tây kim cổ đã từng phải cáo chung chỉ vì nhà cai trị
nơi ấy trót biến dòng nước đạo pháp ôn nhu trở nên cuồng lưu!
Nhấp
ngụm trà thơm, đạo sư đặt nhẹ chén xuống lòng dĩa, rồi thong thả nói tiếp:
- Nói
chung thì trong thuật trị nước, người xưa vẫn ví dân chúng là nước. Dân đen vốn
dĩ hiền lành, nhưng nếu cứ dồn dân lành tới chỗ cùng cực thì sức dân phản kháng
ngược lại sẽ rất khó lường hậu quả.
- Thưa
vâng, lời thầy dạy khiến con sực nhớ tới bài thơ Quan Hải của danh Nho Nguyễn Trãi có câu: “Phúc chu thủy tín dân do thủy…” ([4])
Lật thuyền rồi thì mới tin là sức dân mạnh như nước.
Đạo
sư nở nụ cười, tỏ vẻ hài lòng:
- Con
chịu để tâm học hỏi tinh hoa của dân tộc như thế, thầy mừng. Nhưng con có biết thầy
Ức Trai khi xưa ví sức dân mạnh như nước là nhắc lại tư tưởng của ai không?
- Thưa thầy, con kém cỏi. Xin thầy giúp mở trí ngu.
- Chương Vương Chế trong sách Tuân Tử có chép câu này: “Quân giả, chu dã; thứ nhân giả,
thủy dã; thủy tắc tải chu, thủy tắc phúc chu.” ([5]) Vua là thuyền; dân
là nước; nước chở được thuyền, nước lại lật úp được thuyền. Tư tưởng của Tuân Tử
chẳng những đi vào thơ thầy Ức Trai mà khoảng ba trăm năm sau hãy còn phảng phất
trong thơ Ngô Thì Nhậm.
Giọng đạo sư chợt nghe xa xôi như mơ màng:
- Khi làm sứ thần cho nhà Tây Sơn
sang Trung thổ, thầy Ngô đi qua vùng đồi núi tỉnh Quảng Đông có nhiều khe lạch,
suối sông. Bị ghềnh đá hiểm trở cản lại, dòng nước lũ cứ mãi cuộn trào, tiếng sóng
vỗ liên tục vào đá cứ vang vang những hồi ầm ĩ giữa chốn sơn khê thanh vắng.
Đạo sư khẽ hắng giọng, rồi ngâm:
Nước
không tiếng lại thành có tiếng
Vì đâu ầm ĩ réo liên thanh?
Xuôi chiều sông chảy thường im ắng
Vấp đá dòng ngăn nổi bất bình
Cứng chửa đẩy lùi còn ứ giận
Lượng mà dung nổi chẳng cần tranh
Ai người hòa khí nên ngầm hiểu
Đợi giọng thơ của thầy lắng xuống một
lúc, trưởng tràng hỏi sang chuyện khác:
- Thầy Ngô Thì Nhậm làm quan đời Hậu Lê. Nhà Lê suy, vua Tây Sơn vào
Thăng Long trọng dụng thầy Ngô. Xét về công trạng vẻ vang với dân tộc và đất
nước, không thể nào không khâm phục tài trí Hải Lượng Thiền Sư Ngô Thì Nhậm.
Nhưng… phải chăng hành xử như thế ắt khó tránh khỏi miệng đời chê trách ngài vì
phù thịnh mà thiếu lòng trung với vua cũ suy vong?
Đạo sư lắc đầu:
- Thì vốn đã có thị phi như thế. Trung thần bất sự nhị quân. Bề tôi trung
không thờ hai vua. Cho nên nhà Tây Sơn vào Thăng Long, hoàng đế Quang Trung hạ
chiếu cầu hiền giúp nước, thì không ít nhân tài Bắc Hà ngoảnh mặt làm ngơ bất
hợp tác, hoặc ngầm chống đối, hoặc bỏ chạy theo vua Lê sang bên Trung thổ cho
trọn nghĩa vua tôi. Những hành vi ấy nào có đúng với chân truyền đạo Nho đâu,
con! Đạo Nho truyền từ Đức Khổng xuống mấy ngàn năm, bị các triều đình lợi dụng
canh cải mà sai lệch nhiều. Cho nên ngày nay các bạn của thầy bên đạo Cao Đài chủ
trương Nho Tông Chuyển Thế, tức là
hàm nghĩa phục hồi chân truyền đạo Nho từ Đức Khổng Thánh để cải sửa xã hội.
Nho Tông chứ không phải học thuyết Nho Giáo đã bị canh cải mấy ngàn năm sau,
con nhé!
Trưởng tràng ngẫm nghĩ một chốc rồi nói:
- Con vẫn chưa lãnh hội hết ý của thầy.
- Con biết danh Quản Trọng ([7]) chứ? Ông là tác giả câu nói “Kế hoạch trọn đời chẳng gì bằng trồng
người. Chung thân chi kế mạc như thụ nhân.” Một hôm thầy Tử Cống nói với
Đức Khổng Tử rằng Quản Trọng không đáng gọi là người có đức nhân bởi vì khi ông
chủ của Quản bị Tề Hoàn Công giết thì Quản Trọng chẳng những không chết theo
chủ mà lại còn cúc cung tận tụy trợ giúp Tề Hoàn Công làm nên đại nghiệp nữa
chứ! Nghe vậy, Đức Khổng liền “sửa lưng” Tử Cống: “Quản Trọng giúp Tề Hoàn Công
làm nên nghiệp bá, nhờ vậy mà thiên hạ từ loạn đổi sang trị. Há vì tấm lòng
trung quân nhỏ hẹp tầm thường mà Quản Trọng lại treo cổ bên bờ lạch hay sao?!” ([8]) Cho nên, nếu đem trường hợp thầy Ngô
tận tụy phò tá tân trào Tây Sơn mà hỏi Đức Khổng, chắc chắn Đức Vạn Thế Sư Biểu
sẽ chỉ ca ngợi mà thôi. Xét cho cùng, Quản Trọng sống với nước chứ chẳng sống
vì thuyền. Thuyền luôn dời đổi chứ nước mãi chẳng đổi dời. Đức Khổng khen Quản
Trọng tức là ngài đứng về phía nước (là dân) chứ chẳng ủng hộ thuyền (là vua).
Bởi vậy, suốt cuộc đời Đức Khổng bôn ba khắp nơi, đâu có ông vua nào dám dùng
Ngài!
27-5-2013
HUỆ
KHẢI
CGvDT số 221, tháng 5-2013
([6]) Tiếng Nước (Khương Hữu Dụng dịch). Nguyên
văn: Thủy Thanh // Thủy bản vô thanh, khước
hữu thanh / Tăng oanh giang thượng vị thùy minh? / Trường lưu thuận chú, nguyên
thường tĩnh / Đoạn thạch hoành lan, nãi bất bình / Ngạnh vị khứ thời, ưng hữu nộ
/ Lượng năng dung xứ, tiện vô tranh / Thái hòa quân tử tu tiềm hội / Thấu triệt
ngân quang đáo để minh. 水聲 // 水本無聲卻有聲 / 噌轟江上為誰鳴 / 長 流順注原常靜 / 斷石橫欄乃不平/ 哽未去時應有怒 / 量能容處便 無爭 / 太和君子須潛會 / 透徹銀光到底明. Thơ Ngô Thì Nhậm (1746–1803).