Thứ Tư, 22 tháng 3, 2017

5. BẤT THỐI CHUYỂN / DƯỚI MÁI ĐẠO VIỆN


BẤT THỐI CHUYỂN

Đây là chuyện tôi nghe:
Một hôm đạo sư vời hết môn đệ họp lại cho ngài dạy việc. Ngài bảo:
- Lúc này thầy thấy các con dễ bất bình với nhau. Một phần vì thời tiết nóng bức, khó nhẫn nại. Một phần sâu xa hơn, thầy nghĩ bởi đã lâu các con cứ ru rú trong khuôn viên đạo viện, khung cảnh hạn chế làm tâm hồn gò bó, khiến lòng phàm tục dễ tẹp nhẹp mà chấp nhất lẫn nhau. Thầy quyết định tháng sau sẽ đưa phân nửa các con chơi núi chơi non một chuyến, phân nửa ở lại giữ gìn đạo viện. Khi trở về, phân nửa còn lại sẽ đi chơi miền biển. Ta luân phiên như vậy, ý các con thế nào?
Trưởng tràng bước ra xá đạo sư, cung kính nói:
- Chúng con tạ ơn thầy từ bi tha thứ cho chúng con nhiều lầm lỗi làm nhọc đến thầy. Nhân dịp này kính xin thầy giảng cho chúng con rõ vì sao Đức Khổng Tử lại dạy “Trí giả nhạo thủy, nhân giả nhạo sơn.”
Gật đầu, ra dấu cho phép trưởng tràng trở về chỗ, đạo sư mỉm cười:
- Đức Vạn Thế Sư Biểu nói đầy đủ thế này: “Kẻ trí tuệ vui nơi sông nước, người nhân ái vui nơi núi non. Kẻ trí tuệ hiếu động, người nhân ái trầm tĩnh. Kẻ trí tuệ vui vẻ, người nhân ái sống lâu.” ([1]) Thầy hiểu lời ấy như sau: Người trí tuệ đạt thấu cái lý của sự vật nên tâm trí hoạt động không ngừng, giống như dòng nước chảy hoài, do đó họ thích nước (trí giả nhạo thủy). Người nhân ái sống vui với đạo lý nên điềm tĩnh, giống như trái núi vững vàng bất động, do đó họ thích núi (nhân giả nhạo sơn).
Ngừng lại, đảo mắt nhìn khắp các học trò một cách trìu mến, rồi đạo sư nói tiếp:
- Các con biết không? Đức Khổng thích chơi núi. Một hôm ngài cùng học trò trèo lên đỉnh núi Thái.([2]) Trước thiên nhiên bao la, ngài cảm khái: “Ta lên núi Đông thì thấy nước Lỗ nhỏ lại, lên núi Thái thì thấy thiên hạ bé đi.” Các con hiểu ý ngài chăng?
Mọi người lặng thinh. Lúc sau, vị huynh trưởng trông coi Tàng Kinh Các bước ra chắp tay xá đạo sư và nói:
- Thưa thầy, con thấy trong sách Mạnh Tử có nhắc lại lời nói ấy của Đức Khổng, và Đức Mạnh Tử bình luận: “Ai đã thấy biển cả rồi thì khó chấp nhận dòng nước sông lạch, ao hồ. Ai đã vào học ở cửa Thánh rồi thì khó chấp nhận những học thuyết thế tục.” ([3])
Đạo sư cười tươi, mắng yêu:
- Con không hổ danh là mọt sách của đạo viện ta. Vậy theo con, Đức Mạnh Tử nói đúng hay sai?
Thấy học trò lúng túng, đạo sư quay sang hỏi chung các môn đệ:
- Các con cứ tự nhiên nói ra ý nghĩ của mình.
Vì đàn anh của mình đều tỏ vẻ rụt rè, chú trà đồng từ sau lưng thầy bèn làm gan bước ra nói:
- Thưa thầy, thưa các huynh trưởng cho phép. Theo con thì Đức Mạnh Tử mới nói đúng phân nửa thôi ạ.
Mọi người trợn mắt, hết hồn. Ai cũng nghĩ chú sẽ bị thầy rầy rà vì dám vô lễ với bậc Á Thánh của nhân loại. Nhưng đạo sư chỉ mỉm cười, khuyến khích:
- Thế ư? Con nói rõ hơn được không?
- Thưa thầy, từ khi thọ ơn thầy cho phép nương náu ở mái ấm thương yêu này để tiện bề tu học, con từng thấy nhiều vị đến đây rồi trụ lại vững vàng. Nhưng cũng không ít người chỉ sau một thời gian ngắn hay dài, họ lại bỏ thầy mà quay trở ra đời. Đạo thầy truyền sâu xa và cao siêu đến thế, số người đó ắt hẳn đã nếm được mùi ngon vị ngọt rồi, nhưng rốt cuộc họ vẫn bỏ biển cả mà trở về với ao vũng, vẫn lìa núi cao mà trở xuống gò nỗng, đồng bằng đấy thôi.
Đạo sư chớp nhanh đôi mắt ươn ướt như muốn che giấu nỗi thương cảm. Giọng ngài trầm hẳn lại:
- Các con ôi! Ngày xưa Đức Mạnh Tử nói thế là ngài nhắm tới các thiện căn xuất chúng mà Đức Thích Ca gọi là các bậc bồ tát bất thối chuyển, tức là không quay gót trở lui, không nửa đường gãy gánh tu hành. Lời em các con nói vừa rồi khiến thầy chạnh lòng, tủi hổ mình kém đức nên không đủ sức giữ chân những học trò có duyên mà chẳng trọn tình sư đệ, đã vào bái sư rồi mà còn nỡ cởi trả áo đạo, hoàn tục để lăn quay theo vòng đời điên đảo.
21-3-2013
HUỆ KHẢI
CGvDT số 1890, ngày 29-3-2013




([1]) Luận Ngữ 6:23.
([2]) Đức Khổng Tử người nước Lỗ. Núi Thái ở nước Lỗ.
([3]) Mạnh Tử, Tận Tâm Thượng, 24.