Thứ Năm, 23 tháng 3, 2017

22. NỖI NIỀM / DƯỚI MÁI ĐẠO VIỆN


A Nan

NỖI NIỀM
Lạ gì bỉ sắc tư phong…
Nguyễn Du (1766-1820)
*
Đây là chuyện tôi nghe:
Đọc xong bản thảo của môn sanh quản thủ Tàng Kinh Các, đạo sư nhờ trà đồng đi mời tác giả đến thư phòng đàm đạo.
Trà đồng rót nước mời thầy và sư huynh. Giữa mặt bàn là chiếc đĩa sứ bày mấy phong bánh đậu xanh vuông vắn. Đạo sư vui vẻ nói:
- Lẽ ra thầy ghé chỗ con mà trò chuyện. Nhưng nghĩ lại, mời con tới đây uống trà thơm và thưởng thức bánh đậu xanh có lẽ thú vị hơn. Coi như thầy khen công lao tim óc của con.
- Con tạ ơn thầy khích lệ con. Con tự biết hãy còn kém cỏi và xin thầy cùng các sư huynh chỉ bảo, sửa chữa cho tốt hơn. Cốt sao viết đúng lịch sử đạo viện chúng ta chứ không thể tô hồng chuốt lục.
- Con ý thức như thế rất hợp quan niệm của thầy. Lần đầu tiên biên soạn tất nhiên chưa thể toàn bích, nhưng những trang bản thảo của con quả thật rất quý…
Nhắp xong một hớp trà, đạo sư tiếp tục câu chuyện, giọng trầm xuống:
- Những đoạn con viết về sư tổ khiến thầy lắm lúc không nén được cảm xúc dạt dào. Cứ như thấy hình bóng sư tổ phảng phất quanh đây. Chưa từng gặp sư tổ, con vào đạo viện này lúc tổ quy thiên lâu rồi, vậy mà con tả lại hành trạng của tổ cứ tinh tế như thể đã có vài mươi năm cận kề bên người.
- Thưa thầy, con được ơn sư tổ soi dẫn rất nhiều. Di cảo tổ để lại trong Tàng Kinh Các quá đầy đủ, con chỉ cần dốc tâm đọc kỹ và ghi chép đừng bỏ sót mà thôi. Tổ không viết hồi ký, nhưng trong các bài giảng pháp của tổ, có những lúc cảm hứng thì tổ hay xen vào những đoạn tự sự thuật lại quãng đời tu hành của người. Các đoạn ấy thật hay, thật truyền cảm, rải rác trong từng tập di cảo. Con say sưa trích lục, rồi tìm cách sắp xếp lại… Con thấy thú vị lắm nên nhiều lúc miệt mài quên cả thời gian… Vì vậy con thường bị chữ nghĩa cầm chân, níu kéo mà trễ giờ công phu. Thầy dạy rằng khi tọa thiền thì đem thần dẫn khí mà cột cái tâm phóng tán, nhưng con ít khi làm được. Trong lúc viết có ý nào chưa sáng tỏ hoặc diễn bày chưa ưng bụng, thì khi tập thiền con cứ bị nó ám ảnh suốt!
Đạo sư nói như an ủi:
- Từ lâu thầy vẫn biết con có chướng ngại đó. Bỉ sắc tư phong mà con; hơn cái này thì kém cái kia. Con đam mê kinh sách, chữ nghĩa thì khó buông xả để đắm mình vào thiền, tụng kinh vô tự.
- Coi chừng sư huynh sẽ giống ông A Nan!
Trà đồng vui tai hóng chuyện, quên cả dè dặt nên buột mồm nói leo. Dứt câu liền đưa tay bưng miệng, sợ thầy quở.
Nhưng đạo sư gật đầu, từ tốn nói:
- A Nan thông minh nhất, kinh điển giỏi nhất hạng trong mười đại đệ tử của Phật Tổ. Vậy mà đắc quả Thánh muộn màng hơn các đại tông đồ. Lúc chuẩn bị triệu tập đại hội công đồng lần thứ nhất tại thành Vương Xá để kết tập lời Phật dạy thành các bộ kinh, có mặt khoảng năm trăm vị Thánh, nhưng Ca Diếp nhất quyết không cho A Nan tham dự. Phẫn chí, nội trong một đêm trước ngày chánh thức khai hội công đồng, A Nan ráo riết hành pháp mà đắc quả Thánh, liền được Ca Diếp mời vào để đọc lại ro ro tất cả lời Phật Tổ giảng đạo trong hơn bốn mươi năm tại thế. Nhờ vậy mà kinh Phật được lưu truyền tới nay vô cùng phong phú. Công đức của A Nan quả thật không thể nghĩ bàn được.
Ngưng một thoáng như để cân nhắc, rồi đạo sư dịu dàng khuyên:
- Không có người nặng nghiệp văn tự ắt khó rộng mở ngoại giáo công truyền,([1]) nhưng đừng vì thế mà con xao lãng thực hành nội giáo tâm truyền.([2]) Thầy luôn cầu nguyện sư tổ phù trì cho con được lưỡng toàn, con hãy cố gắng.
15-7-2013
HUỆ KHẢI
CGvDT số 1916, ngày 19-7-2013




([1]) Ngoại giáo công truyền (truyền giáo, phổ độ): Exoterism.
([2]) Nội giáo tâm truyền (tu thiền): Esoterism.