CÁI ỐNG KHÓI
Mỗi người trong anh chị em
chớ nên
chỉ quan tâm lợi ích riêng
của mình,
mà còn nên biết quan tâm
tới
Philípphê 2:4
Đây là chuyện tôi nghe:
Hôm ấy đạo sư được mời dự lễ mãn khóa một chương trình đào
tạo ở tôn giáo bạn. Tan lễ, ngài và trưởng tràng ra về. Dọc đường, trưởng tràng
hỏi:
- Hôm nay con thấy thầy vui lắm, phải không ạ?
Đạo sư cảm thấy hơi lạ, bèn chăm chú nhìn vẻ mặt phảng phất
nét đăm chiêu của trưởng tràng như muốn tìm hiểu lý do sâu kín của câu hỏi ấy.
Rồi ngài thủng thỉnh nói:
- Vui thật chớ, con! Mặc dầu so sánh thì công việc đào tạo ở
chỗ mình hãy còn mặt này mặt khác dường như chưa sánh kịp với tôn giáo bạn; nhưng
khi thấy kết quả rực rỡ của bạn, không lẽ vì tự ái mà mình không thể mở lòng ra
để cùng vui trọn vẹn với bạn sao, con?
Ngừng một chút, ngài nói tiếp, giọng dịu dàng để trưởng tràng
khỏi hiểu lầm là bị thầy trách móc:
- Con à, trên đường hành đạo, nếu mình chưa bằng bạn ở khoản
nào thì phải cố gắng hơn, tìm cách học tập ưu điểm của bạn ở khoản đó. Tôn giáo
nào cũng tốt cho đời cả. Hễ tôn giáo bạn làm tốt ở mặt này hay mặt khác để giúp
ích cho đời thì cũng xem như mình làm tốt cho đời vậy thôi. Trần gian này rộng
lớn quá, một tôn giáo làm sao ôm hết cả thiên hạ đây! Cho nên có chi bằng các tôn
giáo cùng hiểu biết nhau, tương kính nhau, hợp tác với nhau xây dựng cuộc đời.
Người tu hành mà ích kỷ, chỉ muốn độc tôn và xem đạo của mình là hạng nhất
trong càn khôn thế giới này thì rõ ràng đã sai chánh pháp rồi.
Trưởng tràng vẫn lặng thinh. Đạo sư vỗ nhẹ vào vai học trò,
nói qua chuyện khác:
- Hồi xưa bên Nhật có một nữ cư sĩ rất sùng bái Phật Tổ. Bà
có một pho tượng Phật nhỏ, rất đẹp và rất quý vì tượng được bọc bằng vàng lá.
Đi đâu cũng mang theo kè kè. Một hôm đi xa lỡ đường, bà ghé vào một ngôi chùa.
Đến giờ công phu, bà đem tượng Phật của mình đặt lên bệ thờ và lấy vài nén
nhang trầm rất quý của bà ra để chuẩn bị hành lễ. Nhưng bà lưỡng lự vì thấy trên
bệ thờ có bày vài tượng Phật khác. Bà không muốn làn hương trầm quý giá của
mình tỏa rộng ra, mà chỉ muốn dồn hết vào pho tượng Phật của riêng mình thôi.
Suy nghĩ một lúc, bà tìm tờ giấy lớn, quấn lại làm cái ống khói hình phễu che trùm
lấy đầu những ngọn nhang, và hướng đầu kia chỉa thẳng vào mũi tượng Phật của
mình. Hết thời công phu, bà xem lại thì mũi tượng Phật vàng đã bị ám khói đen
sì!
Trưởng tràng phì cười, nét mặt dãn ra:
- Con cũng biết chuyện này. Thiền sư Vô Trú chép trong Sa Thạch Tập khoảng cuối thế kỷ mười ba.
Chuyện vui vui, lâu nay con chỉ nghĩ là muốn răn dạy thói ích kỷ. Sâu xa hơn
thì con chưa thấu đáo!
- Cái thâm thúy của chuyện chính là chỗ bà cư sĩ đó rất sùng
bái Phật nhưng lại còn nỡ phân biệt Phật của riêng bà và Phật của người khác.
Con biết đấy, có một số tôn giáo xưa nay trên thế giới, trải theo dòng lịch sử
mà phân hóa ra nhiều tông phái hay chi phái (sects) khác nhau. Thế thì, tuy cùng thờ chung một Đấng giáo chủ,
nhưng người phái này lại xem phái kia là xa lạ, thậm chí còn kình chống nhau.
Họ chỉ muốn phái của mình hưng thịnh, và không vui khi thấy phái của bạn dường
như nổi trội hơn mình về một khía cạnh nào đó.
Đạo sư thở dài:
- Cùng một giáo chủ hay giáo tổ mà lòng dạ đã thế, hà huống
là khác tôn giáo, khác giáo chủ, hở con?! Cho nên… thầy chỉ giả sử thôi, con
nhé! Hôm nay, nếu con thật sự chưa vui trước những thành công của tôn giáo bạn
thì cũng là lẽ thường tình của nhân loại mấy ngàn năm rồi, thầy chẳng trách chi
con. Có điều, người tu hành chơn chánh phải biết vượt lên não trạng hay thoát
khỏi tâm lý đáng buồn ấy. Đừng sắm cho mình cái ống khói, nghe con!
14-5-2013
HUỆ KHẢI
GGvDT số 1907, ngày
17-5-2013