Thứ Tư, 22 tháng 3, 2017

13. CHUYỆN HAI CON SÓI / DƯỚI MÁI ĐẠO VIỆN

 CHUYỆN HAI CON SÓI
Ba trăm bài Kinh Thi,
gom trọn trong một câu: Chớ nghĩ bậy.([1])
Luận Ngữ (Vi Chính)
Anh em đừng có rập theo đời này,
nhưng hãy hoán cải anh em
bằng cách đổi mới tâm hồn,
ngõ hầu có thể nhận ra đâu là ý Thiên Chúa:
cái gì tốt, cái gì đẹp lòng Chúa, cái gì hoàn hảo.
Rôma 12:2
*
Đây là chuyện tôi nghe:
Một hôm, sau giờ công phu nơi chánh điện, đạo sư mời học trò ngồi nán lại.
- Này các con, người Cherokee là thổ dân định cư ở Đông Nam Hoa Kỳ, sống tại các bang như Georgia, Nam và Bắc Carolina, và Đông Tennessee. Người Cherokee tin rằng bên trong mỗi người chúng ta, ai ai cũng có một trận đấu sống chết… Đó là cuộc tử chiến giữa hai con sói. Con sói thứ nhất tượng trưng cho sợ hãi, nóng giận, ghen tỵ, buồn rầu, hối tiếc, tham lam, kiêu ngạo, vị kỷ, tội lỗi, oán hận, hèn hạ, dối trá, tự cao tự đại… Con sói thứ hai tượng trưng cho hoan hỷ, an lạc, yêu thương, hy vọng, sẻ chia, thanh tịnh, khiêm nhượng, vị tha, tử tế, nhân ái, hiếu hòa, cao thượng, cảm thông, đại lượng, chân thật, tự trọng tự tin…
Kết thúc câu chuyện vắn vỏi, đạo sư mỉm cười hỏi:
- Vậy, theo các con, trong trận tử chiến ấy, con sói nào sẽ thua? Con nào sẽ thắng?
Biết thầy đang kể ngụ ngôn để dẫn dắt vào bài học đạo lý, các học trò không khỏi ngần ngại, và họ muốn đùn đẩy cho người khác gánh vác việc trả lời.
Đạo sư bèn mời một anh. Miễn cưỡng đứng dậy, anh cung kính chắp tay xá thầy và nói:
- Thưa thầy, đương nhiên con nào khỏe hơn sẽ thắng.
Đạo sư cười hiền, ra dấu cho anh ngồi xuống, nhỏ nhẹ bảo:
- Con nói cũng phải, nhưng chưa rõ ràng lắm.
Chờ thêm một lúc, không thấy có ý kiến gì khác. Đạo sư nhìn xuống cuối chánh điện, nơi một chú học trò nhỏ đang khép nép ngồi cách xa các anh mình. Đạo sư gọi:
- Kìa, con! … Phải, thầy gọi con đó. Ý con thế nào?
Chú luống cuống đứng dậy, xá thầy rồi nói:
- Thưa thầy, con mới vô tu, gần như cả ngày chỉ biết quét dọn quẩn quanh, lui cui bếp núc. Con học đạo còn lâu lắm mới có thể bén gót các sư huynh con. Thưa thầy, con không dám ạ.
- Ngộ đạo nhiều khi do căn cơ chứ không nhất thiết do thâm niên tuổi đạo. Vả lại, mọi người đều bình đẳng, con cứ mạnh dạn nói ra ý nghĩ của con.
- Thưa thầy, thưa các sư huynh cho phép. Con sói ta bỏ đói sẽ thua. Con sói ta cho ăn no sẽ thắng.
Đạo sư gật đầu, khuyến khích:
- Nghĩa là sao? Nói rõ hơn đi con!
- Thưa thầy, trong ta vừa là ma quỷ vừa là Thánh Thần. Con sói thứ nhất là bản năng xấu của ta. Con sói thứ hai là tánh thiện Trời phú bẩm nơi ta. Nếu nuôi con sói thứ nhất ăn no nê, tức là ta chỉ chăm chú thỏa mãn các bản năng xấu của mình, thì tánh thiện bẩm sinh ngày một bị lấn át, tiêu mòn. Rốt cuộc ma quỷ thắng. Trái lại, nếu nuôi con sói thứ hai ăn uống đầy đủ, tức là ta siêng năng trau giồi, bồi dưỡng các tánh thiện sẵn có, cứ bớt dần các tánh xấu cho tới khi dứt sạch, thì ma quỷ thua, Thánh Thần thắng.
Ra dấu cho chú học trò nhỏ ngồi xuống, đưa mắt từ ái nhìn khắp các học trò, đạo sư bảo:
- Phải đó các con. Mỗi một giây phút trong ngày, ta đều bị tư tưởng của mình ngấm ngầm sai khiến. Ta phải ráng tập dùng chánh tư duy, ráng tập trung vào tư tưởng lành để chuyển hóa tư tưởng tới chỗ hoàn toàn tốt lành. Cuộc tử chiến giữa hai con sói bên trong chúng ta sẽ còn kéo dài cho tới khi ta tắt thở.
29-10-2012
HUỆ KHẢI
CGvDT số 1882, ngày 02-11-2012




([1]) Thi tam bách, nhất ngôn dĩ tế chi, viết: Tư vô tà. 詩三百,一言以蔽之, 曰:思無邪.