Thứ Tư, 22 tháng 3, 2017

7. BỎ ĐƯỢC VÀ KHÔNG ĐƯỢC BỎ / DƯỚI MÁI ĐẠO VIỆN


BỎ ĐƯỢC VÀ KHÔNG ĐƯỢC BỎ
Đây là chuyện tôi nghe:
Hằng năm vào dịp lễ trung nguơn (rằm tháng bảy) đạo viện đều tổ chức phát chẩn, tức là tặng quà và tiền cho những người quá nghèo trong vùng. Để công việc đạt kết quả tốt, đạo viện phải chuẩn bị nhiều tháng trước.
Một hôm, vào đầu mùa hè, nhóm môn đệ chuyên trách công tác từ thiện vào gặp đạo sư trình bày trở ngại. Vì làm ăn thua lỗ, nhà tài trợ chánh của chương trình phát chẩn đột ngột xin rút tên. Cả nhóm chuyên trách băn khoăn, muốn tạm bỏ phát chẩn một năm.
Không đắn đo suy nghĩ, đạo sư nói ngay:
- Không được, các con! Vẫn giữ thông lệ y như mọi năm. Thầy trò ta không được thất hứa với ai, nhất là đừng làm những người bần cùng khổ sở mất lòng tin. Các con biết chuyện Thương Ưởng chăng?
Các môn đệ lặng thinh, mỉm cười nhìn nhau ngượng nghịu. Đạo sư kể:
- Thương Ưởng sống vào thế kỷ thứ tư trước Công Nguyên, tức là thời Chiến Quốc. Ông tên thật là Công Tôn Ưởng, người nước Vệ, nên cũng gọi Vệ Ưởng. Vua Tần Hiếu Công biết ông tài giỏi, dùng làm tả thứ trưởng. Các con tạm hiểu nó như chức thủ tướng các nước thời nay. Quả nhiên ông sớm đưa nước Tần đến chỗ cường thịnh, được vua Tần cắt đất phong thưởng. Phần đất ban cho ông nằm trong đất Thương, nên vua Tần phong cho ông tước hiệu Thương Quân, bởi vậy sử sách còn gọi ông là Thương Ưởng.
Mới vừa nhậm chức, Thương Ưởng liền canh cải toàn bộ luật lệ để chấn chỉnh trật tự nước Tần. Pháp lệnh làm xong ông chưa cho ban hành mà sai thuộc cấp đem một cột gỗ dài chừng vài thước tây dựng ở cửa nam chợ tại kinh thành. Đó là nơi sầm uất, đông đảo dân chúng qua lại đều nhìn thấy. Ông ra thông báo rằng ai dời được cột ấy qua bên cửa bắc chợ thì lãnh thưởng mười lượng vàng. Dân chúng nửa tin nửa ngờ, thành thử không ai dám thử sức. Thấy vậy Thương Ưởng bèn ra thông báo khác, nói rằng ai dời được cột gỗ ấy thì lãnh thưởng ngay năm mươi lượng vàng. Món lợi quá hấp dẫn mà yêu cầu đặt ra cũng đơn giản; rốt cuộc có kẻ liều mạng làm thử. Y dời cột xong liền được thưởng năm mươi lượng vàng, khỏi phải đóng thuế lợi tức cá nhân do thu nhập bất thường.
Các môn đệ cười ồ. Đạo sư cũng cười, và hỏi:
- Tại sao Thương Ưởng phải làm thế? Chuyện dễ ợt mà phần thưởng quá hậu!
- Thưa thầy, để dân chúng tin rằng khi ông trị nước, hễ nói là làm, đã hứa thì không nuốt lời. Ông muốn pháp lệnh ban hành rồi sẽ không còn ai dám nghi ngờ chi nữa.
- Phải đó các con. Chữ tín quan trọng lắm, cho nên Luận Ngữ chép chuyện ông Tử Cống hỏi Đức Khổng Tử về phép trị nước. Ngài đáp: “Lương thực đầy đủ, binh lực đầy đủ, dân chúng tin tưởng chánh quyền.”
Tử Cống hỏi nữa: “Thưa thầy, trong ba điều ấy, nếu phải bỏ đi một, thì bỏ điều nào trước nhất?” Đức Khổng đáp: “Bỏ binh lực.”
Tử Cống lại hỏi: “Nếu còn phải bỏ thêm nữa, thì có thể bỏ đi điều gì?”
Ngài đáp: “Bỏ lương thực. Từ xưa tới nay vẫn có người chết đói, nhưng nếu dân chúng không tin tưởng nhà cầm quyền thì chánh quyền phải sụp đổ.” (Luận Ngữ 12:7)
Như thế, lý tưởng của Đức Khổng là người lãnh đạo đất nước không được đánh mất lòng tin của dân chúng; chánh trị phải xây dựng trên nền tảng chữ tín. Trong năm đức tính của người quân tử (nhân, nghĩa, lễ, trí, tín) thì tín đặt dưới cùng, có nghĩa rằng tín là nền tảng cho bốn đức còn lại. Một khi đã không tin được nhau nữa thì miễn bàn tới trí, tới lễ nghĩa, hay nhân ái! Các con ơi, chúng ta mang tiếng tu hành mà không giữ được chữ tín phát chẩn hàng năm thì còn mong chi đắc đạo!
Trưởng nhóm chuyên trách chắp tay xá đạo sư:
- Thầy tha lỗi cho chúng con nông cạn. Nhưng đạo viện chúng ta làm sao cáng đáng nổi khoản kinh phí lớn lao, thưa thầy!?
- Thầy sẽ ráng tìm cách. Nhưng từ bây giờ các con hãy thành tâm cầu nguyện với thầy. Trời Phật, Tiên Thánh đâu nỡ bỏ mặc chúng ta.
06-5-2013
HUỆ KHẢI
CGvDT số 1906, ngày 17-5-2013