ÍT TRONG NHIỀU
Lớn lấy nhỏ
mà thành, nhiều lấy ít làm chủ…
Văn
Tử, Thông Huyền Chân Kinh,
Nước Trời cũng giống như nhúm men
mà chị kia đem vùi vào ba
đấu bột,
Matthêu 13:33
*
Đây
là chuyện tôi nghe:
Trà đồng đang theo khóa nhập môn Kinh
Dịch do sư huynh trưởng tràng hướng dẫn. Một hôm vừa tan lớp, sư huynh giữ trà
đồng nán lại và hỏi:
- Hiền đệ theo kịp bài học, phải
không? Hồi nãy, có lúc tệ huynh thấy hiền đệ nhăn nhăn nét mặt. Huynh giảng rối
rắm, khó hiểu chăng?
- Thưa không, sư huynh giảng rõ ràng
và tiểu đệ theo kịp. Nhưng về chỗ lấy ít làm chủ thì đệ chưa thông. Sư huynh bảo
các quẻ kép gồm sáu hào chồng lên nhau. Trong những quẻ gồm có cả hào âm lẫn
hào dương thì hào nào ít sẽ làm hào chủ. Chẳng hạn, quẻ Đồng Nhân chỉ có hào
hai là âm, còn lại năm hào kia là dương, vậy thì hào hai là hào chủ…
Trưởng tràng cười:
- Mới đó mà thuộc bài rồi, giỏi quá!
Vậy chưa thông chỗ nào?
- Như khi biểu quyết, ý kiến nào ít
người ủng hộ thì bị bác bỏ, ý kiến của đa số mới được chọn. Vậy chẳng phải nhiều
làm chủ mà ít thì lép vế sao?
-
Chà chà… Chỗ này hơi khó à!... Có điều, trong việc chọn lựa, không phải lúc nào
ý kiến của số đông cũng tốt và đúng. Chẳng hạn, trong văn học thế giới, từng có
những bản thảo liên tiếp bị hết nhà xuất bản này tới nhà xuất bản kia chê dở, từ
chối vì sợ bán ế. Sau cùng, có một chỗ chịu in thử thì lại thắng lớn, sách tái
bản liền liền, hốt bạc!
Trà
đồng lắc đầu:
-
Tiểu đệ thấy trường hợp đó chưa thuyết phục.
Nhíu
mày tỏ vẻ khó xử, trưởng tràng ngẫm nghĩ một lúc rồi nói:
- Huynh có đọc số liệu thống kê dân số
nước mình, cũ rồi… Dường như năm 2009. Theo đó, hơn tám mươi phần trăm đồng bào
mình không có tôn giáo; số tín đồ các tôn giáo chiếm mười mấy phần trăm. Đệ là
một trong mười mấy phần trăm ít ỏi ấy, vậy đệ đúng hay số đông hơn tám mươi phần
trăm đúng? Đệ sẽ bỏ tu hành mà trở ngược ra đời theo số đông, phải không?
Trà đồng cự nự:
- Sư huynh ví dụ kỳ cục! … Mà thôi,
tiểu đệ xin lỗi, đợi sư huynh có thêm lý luận nào vững chắc hơn thì giảng cho đệ
thông suốt. Bây giờ đệ muốn hỏi chuyện khác.
Trưởng tràng gật đầu, cười:
- Vậy cũng được. Nào, hiền đệ hỏi
chi?
- Sư huynh nhắc tới số thống kê về
tín đồ khiến đệ sực nhớ lời thầy dạy. Sư phụ thường bảo người tu hành có nghĩa
vụ đem đạo vào đời để hoàn thiện cuộc đời. Nhưng ai cũng biết rằng người tu ít
hơn người đời, và trong số ít ỏi người tu thì bậc chân tu thánh thiện lại càng
hiếm hoi hơn. Vậy làm sao có thể đem số ít xịu này mà cải hóa nổi số đông trùm
khắp thiên hạ? Một đóm sáng nhỏ nhít đâu thể nào xua tan màn đêm mịt mùng, dày
đặc!
Trưởng tràng đặt hai bàn tay lên đôi
bờ vai nhỏ của đứa em, siết chặt. Ngạc nhiên trước cử chỉ ấy, trà đồng ngẩng
lên nhìn, và bối rối khi bắt gặp ánh mắt sư huynh đang chăm chăm nhìn xuống, đầy
trìu mến.
- Nếu cả thế gian biết tu hết rồi thì
có cần ai đem đạo vào đời chi nữa! Điều hiền đệ vừa nói cho thấy giá trị của số
ít khi nó góp mặt với số nhiều. Vấn đề là số ít đó đừng để bị số nhiều đồng
hóa. Tức là người tu nhập thế thì đừng để bị thế tục hóa. Đệ biết cách người ta
ủ cơm rượu chớ? Cứ khoảng một ký nếp nấu chín thì trộn đều với vài viên men cỡ
đầu ngón tay cái. Men ít thôi, nhưng vừa đủ để chuyển hóa cơm nếp thành cơm rượu.
Bên Tây không làm cơm rượu mà làm bánh mì. Họ trộn bột mì với yeast tức là men. Trộn đúng cách thì chỉ
cần một nhúm men cũng đủ cho cả khối lớn bột mì nở ra để chế biến thành những ổ
bánh mì xốp dòn, thơm ngon. Đâu có cần tới một ký men để trộn với một ký cơm nếp
hay một ký bột mì. Chỉ một nhúm vừa đủ thôi. Trong Kinh Thánh, Đức Giêsu có kể
một dụ ngôn về men. Một số ít chân tu hòa mình vào cuộc đời bao la là để làm chất
men cho cuộc đời đó, hiền đệ ơi!
23-7-2013
HUỆ KHẢI
CGvDT
số 1917, ngày 26-7-2013