Thứ Năm, 23 tháng 3, 2017

15. CHỮ VÀ NGHĨA / DƯỚI MÁI ĐẠO VIỆN


CHỮ VÀ NGHĨA
Đây là chuyện tôi nghe:
Sau giờ cơm chiều, trưởng tràng rủ sư đệ quản thủ Tàng Kinh Các ra lương đình hóng gió, tiện thể trao đổi về công việc tu thư trong đạo viện.
- Hiền đệ à, thầy giao cho đệ công việc kết tập các bài giảng giáo lý, bấy lâu nay có lẽ đệ đã tiến hành được khá nhiều rồi, phải không?
- Thưa sư huynh, cũng còn chậm lắm. Nhiều khi đệ cứ loay hoay mãi một chỗ!
- Thầy từng bảo hiền đệ chậm mà chắc, văn từ minh bạch, lý giải khúc chiết, có tính sư phạm. Việc tu thư nếu không có hiền đệ thì đạo viện chẳng còn ai.
- Sư huynh cứ quá lời làm tiểu đệ ngượng muốn chết! Vấn đề đệ quan tâm là khi trình bày giáo lý chúng ta thường hay dùng nhiều từ Hán Việt. Đại chúng ngày nay tìm đọc kinh sách của đạo viện mình dễ ngán ngại vì gặp phải cả đống từ ngữ khó hiểu. Do đó đệ chủ tâm chú thích thật kỹ các từ ngữ cho bà con đỡ khổ; nhưng làm thế thì lại khiến cho trang sách rườm rà, rối mắt!
Trưởng tràng cười:
- Nói chi đại chúng ngoài đạo viện! Ngay như tệ huynh đây, mang tiếng kèm cặp đàn em học chữ Nho mà vẫn không dễ dàng hiểu hết các từ ngữ trong kinh sách đạo viện mình. Chú thích từ ngữ vì vậy thật cần thiết, có điều không thể lan tràn, tức là phải cân nhắc chọn lựa.
Quản thủ Tàng Kinh Các gật đầu:
- Mà đâu phải chỉ gặp từ Hán Việt. Nhiều từ thuần Việt (hoặc Việt ghép với Hán Việt) cũng chẳng đơn giản. Người đọc thấy khó đã đành nhưng chính người viết cũng không dễ dàng mỗi khi suy nghĩ về ý nghĩa từ ngữ mình muốn dùng, sao cho thích hợp, xác đáng.
Sư huynh biết đấy, có nhiều từ thoạt nghe ngỡ rằng đồng nghĩa, nhưng xét kỹ thì không hẳn đồng nghĩa vì còn ẩn chứa chút xíu khác biệt. Thử nêu một thí dụ với từ Hán Việt, là chữ cứu . Cứu được dùng rộng rãi trong kinh sách xưa nay. Ta hay nói các đấng giáo chủ mở đạo để cứu đời, để cứu thế.
Ta còn nói cứu vớt. Từ này dính dáng tới quan niệm đời là bể khổ, là sông mê. Con người sống trên đời ví như đang bị chìm đắm trong bể khổ, lặn hụp trong sông mê. Thế nên các đấng đem đạo đến để vớt ta lên thuyền, để cứu ta. Ở đây, tôn giáo được ví von là con thuyền.
Vớt lên thuyền rồi không lẽ cứ bập bềnh theo dòng nước, mà phải đưa họ vào bờ cho an toàn. Do đó lại nói cứu độ. Chữ độ nghĩa là chở qua sông mê, đưa qua biển khổ.
Trưởng tràng tỏ vẻ thích thú, bèn nói chen vào:
- Hiền đệ nói hay lắm! Tệ huynh sực nghĩ tới một từ nữa là cứu chuc. Chuộc là đem tiền hay vàng để đánh đổi nhằm lấy lại cái gì đã mất. Chẳng hạn, anh ấy tốn hết một triệu đồng chuộc lại cái bóp. Nữ sĩ Hồ Xuân Hương viết: Nghìn vàng khôn chuộc dấu bôi vôi.
Tệ huynh nghĩ rằng từ cứu chuộc gốc gác bên Công Giáo. Theo Kinh Thánh con người đã phạm tội, và Đức Giêsu đổ máu trên thập giá để chuộc tội cho con người. Con người đánh mất linh hồn; Chúa đến giúp con người chuộc lại linh hồn đã mất.
Có một từ nữa, quen thuộc trong lời ăn tiếng nói nhiều người, là cứu rỗi. Chữ rỗi gợi ta nghĩ tới rỗi rảnh, nhàn rỗi, nghĩa là thong thả, không bị ràng buộc. Con người sống trên đời bị ràng buộc vào tham muốn, sân hận, si mê (ngu muội), vì thế gây nên tội lỗi rồi bị vướng vào tù ngục thế gian; chết đi linh hồn lại chịu đày đọa nơi địa ngục. Các đấng giáo chủ đem đạo tới để giác ngộ cho ta thoát khỏi tham sân si, khỏi phạm tội; nhờ thế, khi còn sống thì tâm hồn và đời ta được rỗi, lúc chết đi thì linh hồn ta cũng được rỗi. Tuy nhiên, mỗi khi nói cứu rỗi phần đông chúng ta có lẽ chỉ nghĩ tới chữ cứu mà bỏ sót ý nghĩa sâu xa của chữ rỗi.
Hiền đệ à, phân tách tỉ mỉ thì cứu vớt, cứu độ, cứu chuộc, cứu rỗi khác nhau chút xíu như trên, chứ không hẳn hoàn toàn đồng nghĩa. Tệ huynh hiểu như vậy, nhưng lúc dịch ra tiếng Anh thì huynh đành phải xóa nhòa chỗ khang khác ấy, chỉ nói gọn là to save, salvation mà thôi.
Quản thủ cười, góp lời:
- Đệ đọc thánh giáo đạo Cao Đài thấy có dùng từ cứu cánh. Đức Cao Đài mở đạo là để cứu cánh con người. Thuở ban đầu, chưa hiểu sâu xa, đệ lầm tưởng kinh sách in sai. Vì đệ quen hiểu cứu cánh là mục đích sau cùng, tương phản với phương tiện. Chúng ta thường nói cứu cánh biện minh cho phương tiện (the end justifies the means).
Về sau đệ vỡ lẽ mình dốt! Kinh Phật dùng từ paramita, người Hoa mượn âm viết thành chữ Hán 波羅蜜多 mà người Việt đọc ba la mật đa. Người Hoa dịch nghĩa là đáo bỉ ngạn 到彼岸, tức là sang bờ bên kia. Thuật ngữ này dính dáng tới quan niệm đời là bể khổ, sông mê; bên này là bến mê lầm (mê tân), bên kia là bờ giác ngộ (giác ngạn).
Kinh Phật lại nói prajna paramita, tức là bát nhã ba la mật đa, nghĩa là trí huệ đáo bỉ ngạn. Ta hiểu, do luyện đạo (tu thiền) mà con người có trí huệ giúp mình vượt sông mê bể khổ để bước lên bờ giác ngộ. Từ quan niệm này, kinh sách ví đạo pháp là thuyền bát nhã (prajna boat) để cứu vớt, cứu độ con người.
Paramita (hay đáo bỉ ngạn) còn được người Hoa dịch là cứu cánh 究竟. Trong chữ Hán, cánh là hoàn tất (complete); cứu là sau cùng (final), khác với chữ cứu trong cứu độ, cứu rỗi, cứu giúp (to save). Cứu cánh (danh từ) là thành tựu sau rốt, kết quả trọn vẹn. Nhưng dùng như động từ thì cứu cánh nghĩa là cứu độ, tức là cứu vớt con người khỏi chìm đắm trong biển khổ tham sân si và đưa lên bờ giác ngộ.
Tóm lại, nhờ truy cứu lòng vòng như vậy mà đệ xác tín rằng thánh giáo Cao Đài chẳng hề dùng sai từ khi nói Thượng Đế mở đạo để cứu cánh con người.
Trưởng tràng cười, quàng tay lên vai em mình:
- Nãy giờ nghe hiền đệ giảng giải, tệ huynh học thêm được nhiều đấy. Nhưng nếu chú giải từ ngữ chi li như thế cũng khổ cho người đọc lắm, hiền đệ nhỉ?
- Thì đệ cũng khổ lắm, nào phải riêng người đọc đâu!
07-11-2012 / 25-10-2013
HUỆ KHẢI
CGvDT số 1883, ngày 09-11-2012