Thứ Năm, 23 tháng 3, 2017

28. TIẾNG RAO KHUYA / DƯỚI MÁI ĐẠO VIỆN


TIẾNG RAO KHUYA
Người bán bánh dầy, bánh giò luôn cất tiếng rao khuya lúc đi ngang đạo viện. Cần cù mưu sinh từ buổi còn trẻ, tiếng ông rao lanh lãnh trong đêm vắng lặng: “Ai ăn bánh dầy, bánh giò…”
Năm tháng trôi qua, ông già đi, hơi sức mòn mỏi, tiếng rao cụt lủn: “Dầy giò… dầy giò…” Tiếng rao khuya quen thuộc len qua bức tường đạo viện, lọt vào chốn thanh u tịch tĩnh, nghe buồn buồn như lời than thở: “Giày vò… giày vò…”
Đây là chuyện tôi nghe:
Một khuya nọ, sau cữ thiền giờ Tý, đạo sư chưa trở về phòng ngơi nghỉ. Ngài nán lại ngoài thềm chánh điện, nét mặt thoảng nét trầm tư. Thấy vậy, trưởng tràng nhẹ gót bước tới bên thầy, khẽ nhắc:
- Thưa thầy, muộn lắm rồi. Con xin thầy giữ gìn sức khỏe.
Trìu mến đặt bàn tay lên vai đệ tử, đạo sư nói:
- Cảm ơn con. Con có nghe tiếng rao hàng vừa rồi không?
- Dạ có ạ. Khuya nào cũng đều đặn như đồng hồ, hễ thầy trò mình vừa đánh chuông xả thiền là nghe tiếng rao hàng bên ngoài đạo viện. Thấy ông lão cực khổ, chúng con cũng chạnh lòng. Nhưng mình ăn chay, có muốn mua giúp ông cũng không được.
Đạo sư gật đầu:
- Kiếp người mưu sinh cùng cực quá. Vừa rồi nghe ông lão rao hàng, thầy bỗng nhớ lời Đức Khổng Tử và không dằn được nỗi xót xa; thế nên mới thẩn thơ ngoài thềm sương như vầy!
Trưởng tràng cung kính cúi đầu, chắp tay trước ngực:
- Cầu thầy từ bi dạy rõ, con xin lắng nghe.
- Một hôm Đức Khổng bảo Tử Lộ và Nhan Hồi: “Tại sao mỗi anh không nói chí hướng cho thầy biết?” Tử Lộ đáp: “Con mong có xe, ngựa và áo lông cừu nhẹ để cùng chung hưởng với bạn bè. Dẫu dùng chúng cũ nát vẫn không tiếc.” Nhan Hồi nói gọn: “Con không muốn khoe điều tốt và kể công của con.” Thế rồi Tử Lộ hỏi: “Chúng con xin nghe chí hướng của thầy.” Đức Khổng nói: “Thầy mong cho người già được phụng dưỡng mà an vui...” ([1])
Như để trưởng tràng kịp suy nghĩ, đạo sư dừng lại một chốc rồi nói tiếp:
- Đức Khổng ước mơ như thế cách nay mấy ngàn năm rồi. Người già đau khổ suốt từ thời Đức Khổng đến thời chúng ta, đâu đâu cũng có và lúc nào cũng nhiều. Cái ăn cái mặc muôn đời cứ mãi trói buộc kiếp người tần tảo, nhọc nhằn! Con thử nghĩ xem, trong lúc ngoài kia có biết bao người khổ nhọc, lăn lóc đầu hôm sớm mai cốt mong kiếm từng miếng ăn bèo bọt, thì thầy trò chúng ta được hồng ân Thượng Đế dành cho một khoảng trống an lành mà thanh thản tu hành. Nói theo lời Chúa, thì chúng ta đâu khác chi bông huệ ngoài đồng, không làm lụng, không kéo sợi nhưng vẫn được Đức Chúa Trời chăm lo đầy đủ.([2]) Đây là duyên phước vô biên từ nhiều kiếp trước dồn lại, nhưng chính đây cũng là món nợ lớn hơn núi, sâu hơn biển mà ngày lại ngày thầy trò chúng ta cứ tiếp tục đeo mang chồng chất!
Đạo sư xoay người lại, đưa mắt nhìn quanh. Nãy giờ có thêm một nhóm nhỏ học trò hiếu kỳ đứng xúm xít sau lưng thầy và trưởng tràng, dỏng tai nghe lóm.
Đạo sư mỉm cười từ ái, nhẹ nhàng giơ bàn tay lên, ra dấu cho môn đệ yên lòng, khỏi sợ thầy phiền trách. Rồi ngài ôn tồn nhắc lại:
- Đúng vậy đó các con! Hàng ngày thầy trò chúng ta thọ ơn bá tánh cúng dường nên không làm lụng mà vẫn có cái ăn cái mặc. Chúng ta càng được rảnh rang tu hành nhiều chừng nào thì món nợ của bá tánh càng thêm sâu nặng như biển cả non cao. Thế nên mỗi khi ngồi thiền xong chúng ta phải đem hết lòng thành hồi hướng, cầu nguyện cho bá tánh an bình, quốc dân đồng bào hạnh phúc. Hơn thế nữa, nếu chúng ta không ráng tu cho trọn vẹn để thành chánh quả, thì làm sao chúng ta có đủ quyền năng mầu nhiệm mà mong ra tay cứu khổ cứu nạn cho bá tánh. Chúng ta tu hành lôi thôi thì món nợ sâu dày của bá tánh, ơn huệ bao la của Trời Phật ban bố, còn biết kiếp nào mới trả xong, hở các con!?
08-4-2013
HUỆ KHẢI
CGvDT số 1892, ngày 12-4-2013




([1]) Luận Ngữ 5:26.
([2]) Matthêu 6:28.