BA PHẢI MÀ KHÔNG BA PHẢI
Người ba phải dễ dàng đồng ý với người khác, không có ý kiến riêng của
mình, nghe ai nói gì cũng bảo phải, bảo đúng.
Đây là chuyện tôi nghe:
Một hôm, đạo sư bảo học trò:
- Các con theo thầy đã lâu. Thầy muốn xem các con tu tiến ra sao. Thầy ở
trong phòng đọc sách với chú trà đồng, từng người một vào trình bày kiến giải
của mình. Như thế, ắt các con đều hiểu thầy không muốn các con bàn bạc, trao
đổi với nhau. Đức Lão Tử dạy: “Vi Đạo
nhật tổn. Tổn chi hựu tổn dĩ chí ư vô vi.” ([1]) Các con lãnh hội thế nào?
Trước tiên, một anh vào trình:
- Thưa thầy, Đức Lão Tử dạy rằng theo Đạo thì ngày một bớt đi, bớt rồi
lại bớt nữa cho đến mức vô vi. Theo con hiểu, người tu thiền nên bớt dần việc
tầm chương trích cú vì kinh sách chữ nghĩa là chướng ngại trên đường thiền. Tu
thiền là tụng kinh vô tự, thiền là pháp vô vi; trái lại kinh sách chữ nghĩa là pháp
hữu vi.
Đạo sư mỉm cười:
- Con nói phải đó.
Anh chàng sung sướng, xá chào thầy rồi bước ra, không quên lén nháy mắt
với trà đồng, tỏ ý đắc chí.
Kế đó, anh thứ hai vào trình:
- Thưa thầy, Đức Lão Tử bảo bớt rồi lại bớt nữa tức là người tu phải tập bỏ
dần các thói hư tánh xấu của mình cho tới lúc không còn gì để bỏ. Đó là hoàn
thiện bản thân, biến phàm tâm thành thánh tâm.
Đạo sư mỉm cười:
- Con nói phải đó.
Anh chàng hớn hở, liền xá chào thầy rồi bước ra, không quên kín đáo lấy
hai ngón tay làm dấu chữ V với trà đồng, ngụ ý chiến thắng (victory).
Chú trà đồng hầu nước cho thầy không khỏi sửng sốt, bèn hỏi:
- Hai anh con nói khác hẳn nhau mà thầy đều khen trúng. Sao lạ vậy?! Theo
con hiểu thì học đạo vô vi giống như lột bẹ chuối. Lột hết lớp bẹ ngoài lại lột
tới lớp bẹ trong, lột cho tới cái lõi nhỏ xíu tận trong cùng… Người phàm trải
qua nhiều kiếp luân hồi, nghiệp chướng lâu đời kết tập vào thân dày đặc. Muốn
giải thoát thì phải lo giải nghiệp. Không gây nghiệp mới đã đành mà còn phải
siêng làm công quả để giải trừ nghiệp cũ. Nay lo bớt, mai lo bớt mà chỉ sợ
nghiệp dày quá, bớt hoài vẫn chưa chịu mỏng đi thì đã tắt thở rồi.
Đạo sư mỉm cười, gật đầu bảo trà đồng:
- Ừ, con nói cũng phải nữa.
Chẳng hiểu sao câu chuyện giữa mấy thầy trò lọt ra ngoài đạo viện, trở
thành tiếu lâm cho những người… ăn chay.
Nghe học trò xầm xì về vị đạo sư ba phải, chủ nhân một đạo viện khác bèn
gọi họ lại giảng giải:
- Các bậc chân sư không bao giờ dùng một giáo án duy nhất cứng nhắc. Các
vị tùy duyên và tùy căn trí (tức trình độ) học trò mà dạy. Nhan Hồi, Nhiễm Ung,
và Tư Mã Ngưu cùng hỏi về đức nhân, thì thầy Khổng trả lời họ chẳng ai giống
ai, tức là có tới ba đáp án khác nhau.([2])
Anh thứ nhất rất có thể là con mọt
sách. Anh ta bị kẹt vô
chữ nghĩa nên tu thiền kém. Anh ta hiểu Lão Tử theo tâm bệnh của mình.
Anh thứ hai là kẻ chuyên chú luyện kỷ, tức là tu đức, trau giồi đạo hạnh.
Anh ta hiểu Đạo Đức Kinh theo chỗ bản thân dụng công tu tập.
Trà đồng mang tâm hồn phụng sự. Chú ấy vui được làm công quả, vui thấy
mình giúp người là giúp bản thân giải nghiệp để tiến gần hơn tới chỗ giải
thoát.
Tóm lại, vị đạo sư ấy chẳng ba phải chút nào hết, vì ngài nhìn thấu gan
ruột từng học trò. Ngài chấp nhận kiến giải của họ bởi lẽ kiến giải đó phản ánh
tâm tư hay não trạng của từng môn đệ.
23-11-2012
HUỆ
KHẢI
CGvDT số 1836, ngày
30-11-2012
([2]) Nhan
Hồi hỏi về đức nhân, Đức Khổng Tử đáp: “Kiềm chế bản thân và theo lễ là nhân.
Một ngày kiềm chế bản thân và theo lễ, thiên hạ trở về nhân. Làm điều nhân là
do mình, chứ không do người.” Nhan Hồi lại thưa: “Xin hỏi thầy đặc điểm của đức
nhân.” Đức Khổng đáp: “Cái gì không hợp lễ thì đừng nhìn, đừng nói, đừng nghe,
đừng làm.” (Luận Ngữ 12:1)
Nhiễm Ung hỏi về đức nhân, Đức Khổng đáp: “Ra
khỏi nhà phải nghiêm trang như gặp khách quý; sai khiến dân thì phải thận trọng
như dự buổi cúng tế lớn. Cái gì không muốn kẻ khác gây cho mình thì đừng làm
điều đó cho họ. Như vậy trong nước không ai oán mình, mà trong nhà cũng không
ai oán mình.” (Luận Ngữ 12:2)
Tư Mã Ngưu hỏi về đức nhân. Đức Khổng đáp:
“Người có đức nhân thì biết bớt lời, ít nói”. Tư Mã Ngưu lại hỏi: “Biết bớt
lời, ít nói mà thành người có đức nhân ư?” Đức Khổng đáp: “Làm thì khó, nói thì
dễ, vậy há chẳng nên bớt lời bớt tiếng mỗi khi mình muốn nói sao?” (Luận Ngữ
12:3)