Minh
họa của Laurence Musgrove
DUY TÂM
Đây là chuyện tôi nghe:
Có vị khách đến viếng đạo viện. Trong lúc được đạo sư mời uống trà, khách
hỏi:
- Thưa thầy, con thường nghe nhắc câu
“Vạn pháp duy tâm tạo” mà không hiểu lắm. Kính mong thầy từ bi giáo hóa cho.
- Vạn pháp hay muôn pháp nghĩa là tất cả các pháp. Mà pháp là gì? Nó là
một từ đa nghĩa, nghĩa lý bao hàm rất rộng. Phương Tây tiếp cận thuật ngữ này
bèn mượn luôn chữ dharma của nhà Phật,
vì lẽ ngôn ngữ của họ chẳng có từ nào tương đương khả dĩ diễn tả trọn vẹn mọi
nghĩa lý hàm chứa trong chữ pháp. Pháp có thể là luật lệ, quy tắc; là giáo lý,
đạo lý; là hiện tượng hay sự vật hữu hình; là nhận thức cảm quan hay tâm lý
trừu tượng, v.v… Nói khác đi, những gì ta thấy, ta cảm nhận, ta suy tư, ta hành
động, tất cả đều là pháp, và tất cả pháp đều là sản phẩm của tâm chúng ta.
Thành thử, câu “Vạn pháp duy tâm tạo” có thể tùy duyên, tùy hoàn cảnh, tùy đối
tượng mà giảng giải theo nhiều góc độ khác nhau…
Khách thành thực nói:
- Con ngu muội, mải lo kiếm ăn là chánh; thiếu phước đức nên cả đời chẳng
được rảnh rang tìm học giáo lý. Xin thầy nói thấp thấp cho con dễ tiếp thụ.
Đạo sư mỉm cười:
- Sách Liệt Tử có chép chuyện
mất búa. Không chừng ông cũng biết rồi, nhưng tôi cứ kể vắn tắt nhé. Có người lạc
mất cái búa, nghi ngờ trẻ con hàng xóm ăn cắp, bèn để tâm theo dõi. Ông ta nom
dáng nó đi, thấy rõ tướng kẻ gian; nhìn mặt nó, thấy rõ diện mạo ăn trộm. Thậm
chí nghe tiếng nó nói, cũng bộc lộ giọng trộm cắp. Ít hôm sau, tình cờ tìm ra
cái búa nằm lẫn trong mớ tạp nham ở xó nhà, thế thì ông ta lại thấy đứa trẻ
hàng xóm rất hồn nhiên, chẳng có tí gì gian manh cả.
Khách mỉm cười:
- Thưa thầy, con hiểu rồi. Cái tâm tạo ra thành kiến hay định kiến, nó
chỉ huy tư tưởng của mình. May mà ông đó chưa có hành vi gì làm hại đứa trẻ.
Xin thầy giảng cho con cao cao hơn chút nữa, được không ạ?
- Chuyện này chép bên Nhật hồi thế kỷ 13. Tập tục hồi đó là một thầy tăng
du phương có thể tới tranh luận với chủ chùa, nếu thắng thì ở lại, chủ cũ phải dọn đi. Bởi vậy một thầy tăng tìm tới mái
am nọ xin tranh luận. Am này nhỏ, chỉ có hai huynh đệ tu với nhau. Sư huynh hôm
ấy đang bệnh, không muốn đấu lý nên nhờ sư đệ ứng phó. Sư đệ bị chột mắt, ít
học, vì thế sư huynh dặn nhỏ: “Buộc đối phương dùng ý, không dùng lời. Chỉ im
lặng mà ra dấu.”
Không đầy mười lăm phút sau, kẻ thách đấu bước vào cung kính từ biệt sư
huynh, tán thán: “Sư đệ ngài đạo pháp cao thâm, tôi bái phục.”
Sư huynh hỏi: “Xin kể rõ đầu đuôi tôi nghe.”
Người kia đáp: “Thoạt tiên tôi giơ cao một ngón tay, ngụ ý nói Đức Phật
là Đấng Chí Tôn, duy nhất và tối thượng. Em ngài lập tức giơ hai ngón tay sửa
sai tôi, ngụ ý rằng ngoài Phật còn có Pháp; nhờ Pháp thâm diệu mà chúng sanh tu
hành được giải thoát. Tôi tỉnh ngộ, bèn giơ ba ngón tay để bổ túc. Ý tôi nói
ngoài Phật và Pháp còn có Tăng, là người chơn tu dẫn dắt chúng sanh tìm đến
Pháp để tu thành Phật. Lập tức em ngài đanh mặt lại, tỏ vẻ rất cương quyết và
dứ dứ nắm tay trước mặt tôi, ngụ ý rằng Phật Pháp Tăng tuy ba mà một. Chúng ta
phải quyết chí tu hành thì mới thành chánh quả. Ôi, cao siêu thật! Tôi chịu
thua.”
Người ấy vừa khuất bóng thì sư đệ xồng xộc chạy vào: “Nó đâu rồi? Phải
cho nó một trận!”
Sư huynh ngạc nhiên: “Sao thế!? Đệ
thắng cuộc rồi mà!”
Sư đệ mặt đỏ bừng: “Thắng gì mà
thắng! Nó rất vô lễ! Thoạt tiên nó giơ lên một ngón tay để ghẹo em chỉ còn một
mắt. Em nén giận, giơ hai ngón tay lên để chúc mừng nó còn đủ hai mắt. Thế mà
nó táo tợn giơ ba ngón tay lên ra điều em và nó cộng lại vẫn là ba mắt! Em vừa
giơ nắm đấm lên dọa thì nó đứng phắt dậy bỏ đi.”
Khách cố nén tiếng cười khoái chá, sợ
thất lễ với đạo sư. Lát sau, khách nói:
- Tạ ơn thầy,
con hiểu rồi. Muôn sự chi cũng do tâm. Tâm tưởng quấy thì ta làm quấy;
tâm tưởng lành thì ta làm lành. Cùng một sự việc mà có mười cái tâm khác nhau
thì sẽ nhận thức theo mười kiểu khác nhau, rồi sẽ tạo ra mười hành vi, mười hệ
quả khác nhau.
Đạo sư gật đầu:
- Hôm rồi người bạn bên đạo Cao Đài
đọc tôi nghe mấy câu thánh giáo này, xin tặng lại ông làm quà:
Đọc
kinh sách tâm làm quân tử
Sĩ
diện đời tâm giữ nghĩa nhân
Vào đời chen lấn thua hơn
Thì tâm lại nổi nhiều cơn bão bùng.
. . .
Một lời nói tâm thường chủ động
Một việc làm chết sống do tâm
Chủ quan, tâm phải sai lầm
19-11-2013
HUỆ KHẢI
CGvDT số 1934, ngày 22-11-2013