Thứ Năm, 23 tháng 3, 2017

30. VÔ NGÃ / DƯỚI MÁI ĐẠO VIỆN


VÔ NGÃ
Đây là chuyện tôi nghe:
Đạo sư mở một khóa ngắn hạn để truyền dạy giáo lý đại cương và đạo pháp khai tâm dành riêng cho các đạo tâm đang tu tại gia, tức là những cư sĩ.
Phần lớn họ là thân quyến, bè bạn các đồ đệ của ngài. Không đủ nhân duyên xuất gia vào tu trong đạo viện, nhưng lâu nay họ vẫn hay lui tới làm công quả, tham dự các thời cúng, lễ lạt... Vì lòng từ bi, và thể theo lời thỉnh cầu của các đại đệ tử, đạo sư muốn tạo duyên lành cho họ trưởng dưỡng hạt giống bồ đề sẵn có nơi mảnh tâm điền, ngõ hầu họ có thể giữ mình trong khi còn phải lăn lóc với cuộc mưu sinh trên đường trần đa đoan bất trắc, hiểm ác rập rình.
Hôm ấy, sau khi giảng xong một bài giáo pháp, đạo sư ôn tồn hỏi mọi người:
- Tính ra quý vị về đây vừa tròn một con trăng, nghĩa là đã đi được một phần ba con đường trù định cho khóa học này. Nay có điều chi muốn nói không? Tôi xin lắng nghe.
Giảng đường im phăng phắc.
Hiểu ý, đạo sư khuyến khích:
- Quý vị tầm đạo là mong giải thoát cho chính mình trước đã. Một trong những điều cần giải thoát là sợ hãi. Ở ngoài đời, vì miếng cơm manh áo, vì quyền chức danh vọng, vì thế lực bề trên, hay vì lẽ này lẽ khác mà lắm khi quý vị phải ép lòng không dám nói thật bụng dạ của mình. Nhưng nơi thanh bần này đây không phải là chỗ đổi chác áo cơm hay chức quyền bổng lộc, vậy còn ngại gì mà không mạnh dạn bày tỏ ý nghĩ, thổ lộ mong muốn của mình?
Sau cùng, một học viên rụt rè đứng dậy:
- Thưa thầy, con nghe nói pháp môn niệm Phật A Di Đà để cầu cho mình khi tắt thở được rước hồn về cõi tịnh độ rất dễ tu và rất linh diệu. Cho nên con xin phép thầy ngày mai được rút lui…
Thấy ông ta lúng túng khó nói hết câu, đạo sư mỉm cười, dịu dàng đỡ lời:
- Hay lắm! Hay lắm! Trong tám mươi bốn ngàn pháp môn nhà Phật, pháp môn niệm Phật cầu vãng sanh tịnh độ xưa nay rất mầu nhiệm. Tôi cầu chúc ông sẽ được thành tựu như ý và ngày mai đi đường bình an.
Vạn sự khởi đầu nan. Đã có người mở lối rồi thì liền có thêm hai người nữa lần lượt đứng lên, cũng xin rút tên để tìm tới một pháp môn khác ở nơi khác. Cả hai người đều được đạo sư hoan hỷ tán thành và để lời chúc lành.
Khi trở về thư phòng trà đồng bực mình, nói với đạo sư:
- Thưa thầy, ba người đó bất lịch sự quá đáng!
- Không, họ rất lịch sự mà con! Họ lẳng lặng bỏ đi cũng được nữa kìa; đằng này có trình có thưa, có giã từ minh bạch. Không hổ thẹn là người đang tìm đạo, biết giữ lễ.
- Nhưng…
Đạo sư cười xòa, bẹo má chú:
- Con phiền vì họ chê thầy, bỏ đi tìm chỗ khác, đúng vậy không nào? Nhưng có hề chi, con ơi! Giả sử mai kia con thành tài, con đứng lớp giảng một môn học, rồi trong số học viên có người mang theo sách của tác giả khác vào lớp, lại đúng cái môn con đang dạy, thì con sẽ tự ái mà ghét bỏ kẻ đó, trù dập họ ư? Hay là con nên hoan hỷ khuyến khích học viên hãy tìm thêm sách cùng đề tài của nhiều tác giả khác để mở rộng thêm những gì con giảng dạy? Thậm chí, nếu con đã từng đọc sách đó, con sẽ cầm nó giơ cao trước lớp và lớn tiếng vạch ra những chỗ mà con cho là tác giả viết sai, kém cỏi? Hay là con chỉ nên nhấn mạnh những chỗ đặc sắc của cuốn sách và khuyên mọi người lưu ý?
Trà đồng rót mời thầy chén trà thơm và chuyển đề tài:
- Thầy luôn xưng “tôi” và gọi học viên trong khóa này là “quý vị”, chớ không xưng là “thầy”, không gọi họ là “con” như đối với anh em chúng con trong đạo viện.
Đạo sư gật đầu:
- Bèo nước gặp nhau, tan hiệp mấy hồi! Nếu đã chịu nhận nhau là thầy trò thì sư phụ sẽ phải chịu trách nhiệm trước sự thành bại của đệ tử. Trò tu không xong, lỡ phạm tội mà bị luân hồi kiếp nữa, thì ông thầy đâu có được thanh thản, cũng phải tìm cách này cách khác mà cứu học trò xưa cho tròn nghĩa vụ. Đừng ham làm thầy thiên hạ, con ơi! Nặng gánh lắm!
01-7-2013
HUỆ KHẢI
CGvDT số 1914-1915, ngày 05-7-2013