Thứ Năm, 23 tháng 3, 2017

32. XIN CẦU NGUYỆN CHO TÔI / DƯỚI MÁI ĐẠO VIỆN


Đức Giê-su rửa chân cho môn đệ.

XIN CẦU NGUYỆN CHO TÔI
Hạ mình xuống thấp mà cao
Trèo cao sẽ té lộn nhào chẳng không.
Đại Thừa Chơn Giáo
Đây là chuyện tôi nghe:
Một hôm đạo sư không hẹn mà có khách phương xa đến viếng, cũng là bậc cao niên tôn túc trong chốn tòng lâm. Bấy lâu vẫn nghe thanh danh nhưng chưa có duyên lành hội ngộ, nay bỗng dưng được quý nhân đại đức quang lâm, đương nhiên đạo sư rất hoan hỷ.
Trong phòng khách thanh tĩnh của đạo viện chỉ có một chủ một khách, thêm chú trà đồng hầu nước. Tuy sơ ngộ mà hai bên đều tỏ ra khoan khoái, dường như đã tương tri tương đắc tự thuở nào. Bởi thế, buổi đàm đạo dẫu kéo dài nhưng không dễ dứt.
Tiễn khách về rồi, trở vào phòng thấy chú trà đồng dọn dẹp vừa xong, đạo sư ôn tồn bảo:
- Từ sáng đến giờ con cũng khá nhọc. Thôi, nghỉ ngơi đi con.
Chú trà đồng nhoẻn miệng cười tươi, khoe chút lúm đồng tiền trên gò má phính:
- Nghe lóm câu chuyện giữa thầy và vị đạo trưởng ấy, con chưa hề biết chán. Con thật diễm phúc được thầy ban ơn cho phép hầu nước. Một buổi sáng như hôm nay con học được bao nhiêu điều quý báu. Đọc vài pho sách cũng khó sánh nổi!
Đạo sư mỉm cười tỏ vẻ yêu mến chú học trò mẫn tiệp. Khi chú chân ướt chân ráo bước vào đạo viện xin tu, đạo sư đã nhìn thấy căn cơ sâu dày ẩn tàng trong thân thể còm nhom của đứa trẻ mồ côi phiêu dạt. Biết chú có nhân duyên với mình, đạo sư sớm chọn chú làm trà đồng để tiện gần gũi dạy dỗ, uốn nắn từ thuở măng non. Bởi vì:
Lập một nước dễ hơn truyền giáo
Truyền dạy người đắc đạo khó thay
Biết bao kềm sửa đêm ngày
Làm nên Tiên Phật rất dày công phu.([1])
Thấy thầy đang vui, chú không ngại ngần, liền tỏ bày:
- Nhưng nãy giờ con cứ phân vân một việc. Vị đạo trưởng ấy đâu phải tầm thường, vậy mà khi giã biệt lại nói: “Xin đạo sư cầu nguyện cho tệ hữu.” Lạ thay! Nghe thế thì thầy liền chắp tay xá vị khách và đáp: “Vâng, xin đạo trưởng cũng cầu nguyện cho bần đạo. Ta hãy cầu nguyện cho nhau nhé!”
- Con à, đó nào phải là lời khách sáo của chúng ta. Vị đạo trưởng ấy đức độ hơn người nên ngài khiêm tốn tự nhiên và thành thực, chẳng chút lịch sự giả tạo. Đối với người khác, đó là cách ngài tạo duyên cho họ học theo đức khiêm tốn của thánh hiền. Thầy đã dạy quẻ Địa Sơn Khiêm, con vẫn nhớ chứ?


y-nghia-cua-64-que-dich-que-15-dia-son-khiem.png
- Thưa thầy, đó là quẻ Dịch thứ mười lăm. Quẻ Địa Sơn Khiêm gồm quẻ Khôn là Địa (đất thấp) đặt đè lên trên quẻ Cấn là Sơn (núi cao) bên dưới. Tượng quẻ Khiêm nhắc mọi người hãy nhớ lời Đức Chúa dạy: “Ai tôn mình lên cao sẽ bị hạ xuống thấp; ai hạ mình xuống thấp sẽ được tôn lên cao.” ([2])
Đạo sư gật đầu hài lòng:
- Phải đó con. Là người tu hành, mỗi khi nghe ai xin con cầu nguyện giùm cho họ thì con phải biết sợ hãi mà tự kiểm điểm lại bản thân. Con phải thành thật xét xem con có đầy đủ đức hạnh, có trọn vẹn giới luật để xứng đáng thay mặt người ấy mà đứng ra cầu nguyện Trời Phật giùm họ hay không. Sợ nhất là khi người tu được mang chức sắc lớn, phẩm vị cao và đứng trên muôn người. Lúc ấy, nếu để lòng tự cao tự đại lấn át chơn tâm thánh thiện, và thấy tự đắc tự mãn với áo mão, uy quyền của một bậc giáo phẩm thì đâu còn xứng đáng để thay mặt chúng sanh mà ra trước bàn thờ cầu nguyện Trời Phật giùm cho chúng sanh. Người tu càng cao, càng được bá tánh trọng vọng thì càng phải dè dặt giữ gìn. Bởi thế, Kinh Thi khuyên “như lâm thâm uyên, như lý bạc băng”,([3]) nghĩa là lòng phải nơm nớp như kẻ đang men bước tới chỗ vực sâu, như đang dò dẫm đi trên lớp băng mỏng phủ che đáy nước, chả biết sẽ hụt chân mất mạng lúc nào! Chúa Giêsu rửa chân cho môn đồ là dạy bài học ấy.
19-02-2013
HUỆ KHẢI
CGvDT số 1895, ngày 22-02-2013




([1]) Đại Thừa Chơn Giáo.
([2]) Luca 14:11.
([3]) 如臨深淵,如履薄冰.