Thứ Tư, 22 tháng 3, 2017

11. CÂU CHUYỆN Ở LƯƠNG ĐÌNH / DƯỚI MÁI ĐẠO VIỆN


CÂU CHUYỆN Ở LƯƠNG ĐÌNH
Đây là chuyện tôi nghe:
Trưởng tràng lên Tàng Kinh Các gặp sư đệ và nói:
- Tệ huynh đang soạn bài hướng dẫn chữ Nho cho các em. Trong lúc loay hoay tìm vài câu cổ văn trong Luận Ngữ làm thí dụ minh họa cho một điểm ngữ pháp thì gặp phải tình huống khó nghĩ, bèn lên đây hỏi ý hiền đệ.
Quản thủ Tàng Kinh Các cười cười, đẩy nhẹ chén nước trà về phía trưởng tràng:
- Tiểu đệ mời sư huynh. Ngữ pháp cổ văn thì huynh làm thầy của đệ rồi. Đệ chẳng dám đánh trống qua cửa nhà sấm đâu.
Vừa cầm chén trà lên, trưởng tràng vừa nhăn mặt:
- Gì mà sấm với siếc! Hiền đệ chớ quá lời! Chuyện huynh sắp hỏi không thuộc về ngữ pháp, mà là vấn đề khác… Luận Ngữ, thiên mười ba, tiết mười tám, có đoạn chép cuộc trò chuyện giữa Diệp Công với Đức Khổng Tử. Diệp Công nói: “Ở xóm tôi có người chính trực đến nỗi cha ăn trộm dê thì con làm chứng cha phạm tội.” Đức Khổng nói: “Ở xóm tôi thì khác. Cha vì con mà che giấu tội, con vì cha mà che giấu tội, sự chính trực ở trong việc che giấu ấy.” ([1])
- Đệ có biết đoạn này. Nó thường được trích dẫn mỗi khi thiên hạ tranh luận về cách xử án trọng tình hay trọng lý. Nhưng ý sư huynh là sao?
- Đọc đoạn ấy, huynh nghĩ dường như Đức Khổng thiếu… công bình khi trọng tình hơn trọng lý. Điều này mâu thuẫn với luật công bình mà Ngài từng dạy Trọng Cung: “Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân.([2]) Điều gì mình không muốn thì đừng gây ra cho kẻ khác.” Phải chăng đoạn Ngài trả lời Diệp Công là ngụy tác của đời sau chen vào?
- Ngụy tác tức là apocrypha thì không hiếm trong Bách Gia Chư Tử thời Xuân Thu và Chiến Quốc. Có điều, nếu đệ không lầm, dường như chưa thấy ai đặt ra vấn đề chính thống của đoạn Đức Khổng trả lời Diệp Công.
- Ậy, thế mới khó nghĩ. Cứ như ý nghĩa câu văn ấy thì tiêu ma nguyên tắc “pháp bất vị thân” rồi. Những kẻ cầm quyền chẳng những mặc tình bao che tội lỗi người thân mà còn có thể dương dương tự đắc, huênh hoang nói rằng họ là người rất chính trực bởi vì họ đang làm đúng theo đạo đức của Khổng Tử!
Rót thêm trà vào chén của sư huynh, quản thủ Tàng Kinh Các gật đầu:
- Đệ tán thành ý kiến của sư huynh. Đức Khổng tạ thế rồi thì khoảng một trăm năm sau Đức Mạnh Tử ra đời. Đệ nghĩ rằng khi đọc Luận Ngữ tới chỗ đó, có lẽ Đức Mạnh Tử cũng không ưng bụng với cách xử lý của người xưa…
- Thế à?! Vậy Đức Mạnh Tử có giải pháp nào khác hơn sao?
- Không! Đây là đệ giả dụ thôi. Tuy nhiên trong sách Mạnh Tử, ở thiên Tận Tâm Thượng có một tình huống cũng đặt người cầm quyền vào chỗ tiến thối lưỡng nan. Sách chép rằng Đào Ứng đưa ra một giả định để nhờ Đức Mạnh Tử giải quyết. Vua Thuấn là đại hiếu tử mà người cha là Cổ Tẩu thì hung ác, phạm tội giết người, theo luật phải xử tử hình. Quan án là Cao Dao bèn lập hồ sơ và trình vụ việc lên vua Thuấn xin được… chỉ đạo tổ chức phiên tòa. Cứ chiếu theo luật mà làm thì vua Thuấn phải giết cha, mất danh đại hiếu tử. Còn bao che cho cha để tròn chữ hiếu thì vua Thuấn không phải là minh quân chí công vô tư, không xứng cai trị trăm họ nữa. Đức Mạnh Tử giải quyết như sau: Vua Thuấn không thể cấm cản Cao Dao thi hành án, nhưng sẽ cố tìm cách cứu mạng cha. Đức Mạnh Tử nói với Đào Ứng rằng vua Thuấn sẽ xem việc bỏ ngai vàng như bỏ đôi dép rách, lén đưa cha đi trốn, lần theo bờ biển mà ở ẩn, suốt đời vui vẻ, quên hết thiên hạ.([3])
Trưởng tràng cau mày:
- Xử như thế có vẻ là ổn nhưng thật ra chẳng ổn chút nào. Mặc dù vua Thuấn đã tự kỷ luật mình bằng cách lìa bỏ ngôi vua, coi như tự… cách chức vì phạm luật nghiêm trọng, nhưng xét cho cùng ông vẫn vướng vào chỗ tòng phạm, cản trở việc thi hành án.
Quản thủ Tàng Kinh Các chực nói tiếp thì một hồi chuông vang lên thong thả. Trưởng tràng đưa bàn tay ra dấu ngăn lại:
- Tới giờ vào chánh điện công phu chiều rồi. Thôi gác lại, mình sẽ bàn tiếp đề tài này sau, hiền đệ nhé!
*
Sau bữa cơm chiều, trưởng tràng rủ quản thủ Tàng Kinh Các tản bộ trong khuôn viên đạo viện, vừa đi vừa bàn tiếp câu chuyện dang dở trước buổi công phu giờ Dậu.
Quản thủ nói:
- Nhắc tới hai chữ chánh trực của Đức Khổng khi trả lời Diệp Công, triết gia Phùng Hữu Lan giải thích rằng khi đứa con làm chứng việc cha hắn trộm dê, nếu không nhằm mua danh tiếng chánh trực thì kẻ đó quả là hạng bất nhân; vì vậy, việc hắn tố giác cha mình không phải thật sự chánh trực.
- Còn câu Đức Mạnh Tử trả lời Đào Ứng thì họ Phùng nói sao?
- Họ Phùng không nói. Theo đệ, cách xử lý của Đức Mạnh Tử có lẽ phần nào phản ánh não trạng người phương Đông là ít tuân thủ pháp luật nghiêm minh mà thường có xu hướng vận dụng theo lợi ích của người xử án.
- Hiền đệ vừa nói tới cái gọi là não trạng, là mentality hay mentalité; phải chăng đệ ngụ ý phương Đông khó lòng có được tinh thần thượng tôn pháp luật đúng nghĩa?
Quản thủ Tàng Kinh Các gật đầu:
- Theo đệ nhớ, tư tưởng pháp quyền vốn do phương Tây khởi xướng. Trước tiên ở Hy Lạp Plato nói rằng luật pháp là ông chủ của nhà cầm quyền và nhà cầm quyền là nô lệ của luật pháp,([4]) nghĩa là phải tùng phục trung thành chớ không được cãi lại chủ mình. Học trò Plato là Aristotle nhắc lại ý đó, nói rằng nếu ai được trao cho quyền lực tối thượng thì họ cũng chỉ nên làm tôi tớ của luật pháp.([5]) Hơn hai trăm năm sau đó, Cicero ở La Mã nói na ná rằng để được tự do tất cả mọi người phải làm tôi tớ cho luật pháp.([6]) Tổng thống thứ hai của Mỹ là John Adams cũng đề xuất tư tưởng pháp quyền khi nói rằng một nền cộng hòa được định nghĩa chính xác là một đế chế của luật pháp chớ không phải của con người.([7]) Ý ông là không một ai được đứng trên và đứng ngoài luật pháp, hoặc chi phối luật pháp.
Trưởng tràng cười:
- Sư phụ tặng hiền đệ biệt danh con mọt sách rất đúng! Bái phục, bái phục! Cứ ngỡ là tu sĩ thì đệ chỉ rành kinh kệ. Huynh kém cỏi, học triết Đông chỉ mới biết pháp giapháp trị; hôm nay nghe đệ nói tới pháp quyền, huynh hơi… lùng bùng lỗ tai.
- Sư huynh đừng quá lời, đệ thêm xấu hổ. Đệ làm sao sánh được với huynh. Đệ chỉ học mót, học lóm chỗ này chỗ khác tí tẹo thôi. Nhưng theo đệ biết, pháp quyền dường như là thuật ngữ người Việt mình tạo ra khoảng một, hai chục năm nay. Có người giải thích rằng pháp quyền tức là quyền lực nhà nước không thể vượt lên khỏi hiến pháp; do đó, nhà nước pháp quyền là cách dịch constitutional state trong tiếng Anh. Có người lại phân biệt pháp quyền là rule of law, khác với pháp trị là rule by law. Nhân tiện, sư huynh vừa nhắc tới pháp gia, vậy sư huynh còn nhớ trường hợp Thương Ưởng?
Trưởng tràng gật đầu:
- Một tay pháp gia danh tiếng thời Chiến Quốc. Ông ta bày cho vua Tần thi hành pháp trị theo kiểu bá đạo và rốt cuộc nền pháp trị bá đạo ấy lại giết chết chính cha đẻ ra nó.
- Vâng, như sư huynh đã biết, sau khi được vua Tần chấp thuận, Thương Ưởng liền triệt để cải cách chế độ hình pháp. Pháp lệnh ban hành được một năm thì thái tử công khai chỉ trích. Chiếu đúng luật thì cứ lôi thái tử ra trừng trị. Nhưng vuốt mặt phải nể mũi, Thương Ưởng nói rằng thái tử sẽ nối ngôi vua Tần thì không thể trị tội được; mà thái tử phạm tội là bởi thầy dạy học trò không nghiêm, bèn sai lính bắt thầy giáo là quan thái phó ra thích chữ lên mặt để trừng phạt! Điều đáng nói là Thương Ưởng đẻ ra luật và chính ông lại lách luật do mình đẻ ra. Chuyện này hoàn toàn tương phản với cách hành xử của vua Zaleucus…
Vừa đi qua chỗ nhà nghỉ chân hóng mát, gọi là lương đình, trưởng tràng kéo sư đệ ngồi xuống phiến đá kê làm ghế:
- Zaleucus là ai? Kể cho huynh nghe đi!
Trưởng tràng và sư đệ quản thủ Tàng Kinh Các ngồi nghỉ chân trên hai phiến đá kê làm ghế ở lương đình, là nhà hóng mát trong khuôn viên đạo viện. Trưởng tràng trìu mến nhìn sư đệ và nói:
- Đọc kinh Phật, thấy Đức Như Lai bảo một hột cải bé xíu mà thừa sức chứa được cả trái núi Tu Di khổng lồ. Giờ đây nghe đệ kể vanh vách hết chuyện xưa này lại tới tích cũ kia, tệ huynh không biết trong đầu của hiền đệ đang tích chứa bao nhiêu kinh sách của đạo lẫn đời.
- Huynh lại trêu đệ nữa rồi! Đức Lão Tử dạy: Theo học ngày một thêm vào, theo Đạo ngày một bớt đi. Bớt rồi lại bớt, đến mức vô vi.([8]) Đức Phật cũng răn: Say mê tìm Đạo bằng cách học rộng nghe nhiều thì ắt khó đạt Đạo.([9]) Suy ra người tu càng chất chứa nhiều kiến thức lại càng chướng ngại, càng khó tập thiền. Phật gọi đó là sở tri chướng. Làm mọt sách như đệ chỉ đáng cho các Đấng quở trách.
Trưởng tràng đặt bàn tay lên vai sư đệ, bóp nhẹ:
- Thôi, trở lại chuyện vua Zaleucus. Đệ kể cho huynh nghe đi!
- Vâng. Zaleucus là một nhà làm luật rất danh tiếng thời cổ. Ông làm vua nước Locri. Người Pháp gọi là Locride. Vương quốc của ông thành lập khoảng thế kỷ thứ bảy trước Công Nguyên, nay là một thành phố trên bờ biển nước Ý. Zaleucus làm luật rất nghiêm. Theo luật ấy, kẻ phạm tội ngoại tình phải bị móc hai con mắt. Trớ trêu thay, chính hoàng tử lại phạm tội ngoại tình! Thay vì lách luật như Thương Ưởng, vua Zaleucus chọn giải pháp khác. Sư huynh biết không? Để cứu con mình khỏi mù hai mắt, vua Zaleucus ra lệnh cho quan thi hành án chỉ móc con mắt phải của con, và để đảm bảo luật pháp được tôn trọng nghiêm minh, vua ra lệnh móc con mắt trái của chính nhà vua “bù” vào cho đủ cặp.
Trưởng tràng lắc đầu:
- Không thể tin được! Nếu sự thật đúng như thế thì Zaleucus quả là chính nhân quân tử, là minh quân từ phụ hiếm có xưa nay!
Quản thủ Tàng Kinh Các gật đầu:
- Vụ xử án hy hữu này có chép trong một số bộ bách khoa từ điển danh tiếng, kèm theo cả minh họa tỉ mỉ. Theo đệ nghĩ, Zaleucus đã cân phân giữa tình và lý một cách sáng suốt và rất công bình. Về tình cha con, ngài giữ trọn bề; về luật, ngài chẳng hề lạm quyền chúa tể trên ngôi cao chín bệ mà vi phạm. Thời đại của Zaleucus không hề nói tới pháp quyền, nhưng xử án như thế chính là thực thi nguyên lý nhà nước pháp quyền.
- Nhưng… để giữ được đức công bình đến mức như thế, xét ra vua Zaleucus cam đành hy sinh quá nhiều. Hiền đệ đồng ý không?
Nhìn ngọn liễu mảnh mai đu đưa trong gió, quản thủ Tàng Kinh Các chậm rãi nói:
- Vâng. Xưa nay ai muốn giữ lẽ công bình cũng phải hy sinh quá lớn! Đức Giêsu há đã chẳng phải như thế ư khi Chúa chấp nhận đổ máu hồng trên thập giá? Đó là quy luật muôn đời: Đánh đổi.
Trưởng tràng tỏ vẻ ngạc nhiên:
- Đánh đổi ư? Có vẻ… trần tục quá!
- Vâng. Nhưng dù đời hay đạo, có gì mà không phải đánh đổi đâu! Huynh đệ chúng ta bấy lâu khép mình vào giới luật để tu hành tức là đánh đổi thú vui phàm tục để tìm lấy hạnh phúc tâm linh; còn kẻ đắm say dục lạc là đánh đổi thời gian, tiền bạc, sức khỏe, và thanh danh để hưởng thụ cuộc truy hoan nghiêng ngửa.
Trưởng tràng cười:
- Hiền đệ luận như vậy thì tệ huynh đâu còn lý do gì mà bất đồng ý kiến. Có điều, bảo rằng Đức Chúa cũng phải đánh đổi thì nghe chưa thuận tai, lại e có điều phạm thượng, bất kính với Đấng thiêng liêng cao trọng chăng?
Quản thủ lắc đầu:
- Đệ chẳng nghĩ thế. Đã là luật công bình thì làm sao lấy đi cái này mà không phải đem cái khác trả lại. Hồi trước, thoạt mới nghe hai chữ “cứu chuộc” bên tôn giáo bạn, đệ không khỏi ngỡ ngàng. Nhưng rồi ngẫm nghĩ nhiều, đệ ngộ ra nghĩa lý thâm sâu ẩn tàng trong đó. Lấy cái lẽ ở đời thì dễ hiểu: Ta thiếu nợ, bị chủ nợ xiết nợ bằng cách cưỡng đoạt của ta món tài sản nào đó. Muốn lấy lại, phải đem tiền tới trả, chuộc nó về. Giả sử ta không tự mình trả được, nhưng có ai đó thương ta mà trả nợ giùm, chuộc giùm món tài sản đó thì tất nhiên chủ nợ cũng đồng ý thôi.
Trưởng tràng gật gù:
- Huynh thấy được chiều hướng lý luận của đệ rồi. Theo luật nhân quả chí công vô tư, hễ con người gây tạo tội lỗi thì phải chịu trừng phạt để đền tội. Tội quá lớn quá nặng thì phải chịu chết cho xứng tội. Để cứu con người thoát tội và chuộc lại sự sống cho con người, thì Chúa phải đánh đổi lấy mạng sống của Chúa. Cứu chuộc là thế, mà đánh đổi cũng là thế.
- Nhắc tới sự kiện Chúa bỏ mình trên thập giá, theo ý huynh thì chỗ nào là rất mực bi tráng?
Trưởng tràng ngẫm nghĩ rồi nói:
- Đêm trong vườn cây dầu.
- Vâng, đêm ấy Chúa buồn khủng khiếp, buồn chết đi được! ([10]) Đệ nghĩ rằng chính lúc đó Ngài vừa là Thánh vừa là phàm. Là Thánh nên Ngài biết trước việc sắp sửa thọ nạn; là phàm nên Ngài không khỏi đau buồn và cô đơn cùng cực trong đêm khuya, chẳng một ai chia sẻ nỗi lòng của Ngài lúc ấy.([11]) Là phàm nên Ngài buột miệng cầu xin Đức Chúa Cha cất giùm chén đắng; nhưng là Thánh nên Ngài trọn bề cam chịu chứ không khước từ chén đắng.([12]) Đệ cũng nghĩ rằng lúc chịu khổ hình trên thập giá, Chúa đã tự nguyện quên đi các phép lạ thần thông mà Ngài sẵn có.
- ?!
- Huynh biết đấy, Chúa từng làm nhiều phép lạ. Kẻ mù sáng mắt, kẻ liệt được đi, kẻ câm được nói, kẻ chết rồi Ngài còn làm cho sống lại… Thế nhưng Chúa không dùng bất kỳ một phép lạ mầu nhiệm nào để thoát khỏi nhục hình trên thập giá. Chúa chấp nhận làm người phàm lúc ấy để gánh chịu trọn vẹn mọi thống khổ của con người trần gian. Đó mới là tuyệt đối của lẽ công bằng trong việc đánh đổi. Thử nghĩ xem, chỉ cần Chúa dùng một phép lạ cỏn con, chẳng hạn như để … giảm đau thì ý nghĩa cứu chuộc sẽ ra thế nào?
Hai huynh đệ đứng dậy, thong thả sóng đôi trên lối đi rải sỏi. Trưởng tràng chậm rãi nói:
- Đệ luận bàn về chỗ vừa phàm vừa Thánh như thế liệu sẽ được các vị cao minh bên tôn giáo bạn tán đồng? Nhưng mà… cuộc đời Đức Giêsu là nguồn sáng tỏa rạng muôn màu soi đường dẫn lối chúng sanh. Tùy căn trí và trình độ tu học, mỗi người đều tự do cảm thụ nguồn sáng ấy theo nhận thức của riêng mình để bước tới Đạo.
06-8-2013 / 26-8-2013
HUỆ KHẢI
CGvDT số 1919, ngày 09-8-2013
CGvDT số 1920, ngày 16-8-2013
CGvDT số 1921, ngày 23-8-2013
CGvDT số 1922, ngày 30-8-2013





([1]) Diệp Công ngữ Khổng Tử viết: “Ngô đảng hữu trực cung giả, kỳ phụ nhương dương, nhi tử chứng chi.” Khổng Tử viết: “Ngô đảng chi trực giả dị ư thị. Phụ vị tử ẩn, tử vị phụ ẩn, trực tại kỳ trung hỹ.” (Luận Ngữ 13:18)
葉公語孔子曰: “吾黨有直躬者, 其父攘羊, 而子證之.” 孔子曰: “吾黨之直者異於是. 父為子隱, 子為父隱, 在其中矣.”
([2]) 己所不慾, 勿施于人. (Luận Ngữ 12:2)
([3]) Thuấn thị khí thiên hạ, do khí tệ sỉ dã; thiết phụ nhi đào, tuân hải tân nhi xử, chung thân hân nhiên, lạc nhi vong thiên hạ. (Mạnh Tử, Tận Tâm thượng, 35).
舜視棄天下, 猶棄敝蹝也. 竊負而逃, 遵海濱而處, 終身 訢然, 樂而忘天下. (盡心上, 35)
([4]) Plato (khoảng 428-348 trước Công Nguyên): law is the master of the government and the government is its slave
([5]) Aristotle (384-322 trước Công Nguyên): “… if it is advantageous to place the supreme power in some particular persons, they should be appointed to be only guardians, and the servants of the laws, …” (A Treatise on Government, Book III, Chapter XVI).
([6]) Cicero (106-43 trước Công Nguyên): “We are all servants of the laws in order that we may be free.”
([7]) John Adams (1735-1826): “… the very definition of a republic is ‘an empire of laws, and not of men.’…” (Thoughts on Government, viết vào tháng 4-1776, Papers 4:86-93.)
([8]) 為學日益, 為道日損. 損之又損, 至於無為. Vi học nhật ích, vi Đạo nhật tổn. Tổn chi hựu tổn dĩ chí ư vô vi. (Đạo Đức Kinh, chương 48)
([9]) 博聞愛道,道必難會. Bác văn ái Đạo, Đạo tất nan hội. (Tứ Thập Nhị Chương Kinh, chương 9)
([10]) Tâm hồn Thầy buồn đến chết được. (Matthêu 26:38)
([11]) Thế ra anh em không thể canh thức nổi với Thầy một giờ sao? (Matthêu 26:40)
([12]) Cha ơi, nếu được, xin cho chén này rời khỏi con. Nhưng xin đừng theo ý con, mà xin theo ý Cha. (Matthêu 26:39)