Thứ Năm, 23 tháng 3, 2017

24. RỤNG LÔNG VỊT / DƯỚI MÁI ĐẠO VIỆN

Image result for duck drawing

RỤNG LÔNG VỊT
Đây là chuyện tôi nghe:
Trà đồng lên Tàng Kinh Các, hoàn trả quyển truyện cổ tích. Sư huynh quản thủ hỏi:
- Hiền đệ đọc nhanh thật. Mới mượn hôm kia, nay đã trả. Hay lắm không?
- Dạ, có truyện hay, truyện không. Tiểu đệ có thắc mắc này muốn hỏi: Truyện cổ tích mà sao cũng cất trong Tàng Kinh Các vậy, sư huynh? Lẽ ra chỉ có kinh điển các tôn giáo thôi chớ?
- Kinh điển là phần đạo học. Truyện cổ tích và các sách khác là phần thế học. Mà có lưu trữ truyện cổ tích thì mới có sách cho hiền đệ mượn đọc chớ! Còn thắc mắc nỗi gì!
Thấy trà đồng nghệch mặt ra, sư huynh vui vẻ giải thích:
- Đạo học dĩ nhiên rất cần cho chúng ta, nhưng thế học không phải hoàn toàn vất đi. Hai thứ bổ sung nhau, vấn đề là mình biết dung hòa cho phù hợp. Hiền đệ đừng coi thường những chuyện cổ tích lưu truyền trong dân gian. Kinh điển, giáo lý cao siêu, thâm sâu ẩn áo, do đó khó phổ truyền trong xã hội, nhất là thời xưa số người được ăn học để biết chữ nghĩa không nhiều. Nhưng chuyện kể thì khác. Nó vui tai, hấp dẫn, dễ nhớ, nên dễ lưu truyền đời này qua đời kia. Vì thế hiền thánh ngày trước hay mượn chuyện cổ tích để chuyên chở đạo lý răn đời.
- Điều đó đệ hiểu. Nhưng chuyện cổ tích hoang đường đâu có tác dụng giáo dục.
Sư huynh mỉm cười, gật đầu:
- Chấp nhận ý kiến một bạn đọc khó tánh. Đâu? Chuyện nào hoang đường? Hiền đệ kể lại đi!
- Quyển truyện vừa hoàn trả có chuyện rụng lông vịt rất vô lý. Tác giả kể đời xưa có ông lão hiền lành bị tên bất lương cùng xóm bắt trộm một con vịt. Ăn xong con vịt thì toàn thân tên trộm ngứa ngáy, rồi lông vịt mọc ra tùm lum. Hắn trốn biệt trong nhà, tha thiết cầu Trời khẩn Phật xin cứu mạng. Đêm nằm mộng, hắn thấy một vị Thần mách rằng chỉ cần ông lão chửi một tiếng thì lông vịt rụng hết. Không dám ra đường, hắn năn nỉ vợ tới gặp ông lão, méc rằng kẻ trộm ở cùng xóm, ông cứ chửi lớn tiếng thì nó sẽ đem vịt trả lại. Ông lão lắc đầu, nói chẳng có bằng chứng, chửi bậy bạ mang tội. Vợ hắn hết cách, bèn quỳ xuống khóc và thú thật đầu đuôi. Ông lão thương tình, vừa mở miệng chửi thì ở nhà kia kẻ trộm liền rụng hết lông vịt, tức là sạch luôn tội ăn trộm.
Kể dứt, trà đồng bình luận:
- Hoang đường như vậy làm sao có tác dụng khuyên người ta ăn hiền ở lành!
- Đệ có lý. Nhưng chuyện này không nhằm khuyên đời ăn hiền ở lành, mà nhằm khuyên anh em chúng mình đấy chứ. Thật ra đây là một dụ ngôn và rụng lông vịt là một ẩn dụ.
Trà đồng trố mắt; sư huynh hiểu ý, không chờ câu hỏi mà giải thích luôn:
- Có lần tệ huynh nghe sư phụ kể lại đức hạnh của sư bá. Thuở trung niên sư bá thường bị một vài đồng môn xấu bụng cứ tìm những cớ vu vơ để đả kích, xiểm gièm. Chung quy chỉ vì họ đố kỵ sư bá là học trò xuất sắc của sư tổ. Bị đối xử tệ như thế, sư bá một mực làm thinh chịu đựng… Trước thái độ đó, sư phụ chúng ta lắm lúc không khỏi bất bình giùm sư bá.
Biết thế nên một hôm sư bá gặp riêng sư phụ, khuyên nhủ rằng anh em đồng đạo cùng học tu với nhau khác gì chén dĩa úp chung một rổ. Không thể tránh khỏi cái này va chạm cái kia, khua động lanh canh; không khéo, lỡ mạnh tay còn làm sứt mẻ nữa kìa! Phải ráng mà nhẫn nhịn cho qua.
Đã biết tu hành thì phải biết vui trả nợ cũ, tức là những nghiệp xấu trót gây tạo trong kiếp trước. Nợ kiểu chi thì trả theo kiểu đó, mà phải tính luôn lời lãi nữa! Xưa kia ta lỡ độc mồm độc miệng tạo ra nghiệp khẩu thì bây giờ thiên hạ xỉa xói, hoặc mắng chửi thậm tệ chăng nữa cũng đành cam chịu thôi. Họ giúp mình trả nợ cũ mà.
Nhân dịp ấy sư bá kể cho sư phụ chúng ta chuyện rụng lông vịt. Rồi sư bá giải thích: Miệng thèm ăn ngon mà bắt trộm vịt là ẩn dụ tạo nghiệp khẩu; ăn xong bị mọc lông vịt là ẩn dụ quả báo của nghiệp khẩu; nhờ bị chửi mà rụng lông vịt là ẩn dụ trả nghiệp khẩu bằng cách phải chịu ác khẩu.
26-6-2013
HUỆ KHẢI
CGvDT số 1913, ngày 28-6-2013