Thứ Tư, 22 tháng 3, 2017

6. BÊN CHÉN TRÀ / DƯỚI MÁI ĐẠO VIỆN


BÊN CHÉN TRÀ
Muốn thực hiện thế nhơn hòa
mà không dùng ngôn từ của người đời nay
thì mong gì người hiểu được ta mà phổ độ.([1])
Đức Cao Triều Phát
*
Đây là chuyện tôi nghe:
Một hôm vừa nhắp chén trà đầu ngày, đạo sư hỏi:
- Trà này ở đâu mà ngon vậy con?
- Thưa thầy, của vị hòa thượng hôm nọ ghé thăm và biếu thầy.
Chú trà đồng vừa nói vừa mau mắn đi lấy hộp trà trình đạo sư.
Đạo sư cầm lấy, ngắm nghía vỏ hộp trang trí đẹp mắt. Rồi ngài trả lại trà đồng, bảo:
- Trên hộp có in mấy chữ Nho. Con đọc cho thầy nghe.
Hai tay đón lấy hộp trà, nhưng chú nhỏ không nhìn vỏ hộp mà đọc liền một mạch:
- Dạ. Bình minh sổ trản trà. Nhật nhật đắc như thử, lương y bất đáo gia.([2])
- Úy! Con học thuộc hồi nào? Hay vậy!
- Thưa thầy, ngay bữa đó đem cất hộp trà, con săm soi mãi vì thấy vỏ hộp đẹp quá. Thế là con nhẩm học luôn. Chữ nào không biết, con đem hỏi sư huynh trưởng tràng.
Đạo sư cười:
- Vậy con dịch thử để thầy xem trưởng tràng kèm cặp con học hành tới đâu rồi.
- Dạ, thế này ạ: Bình minh mấy chén trà. Ngày ngày được như vậy, thầy thuốc khỏi ghé nhà.
- Ừ, con học chữ Nho tốt đó. Cứ cố gắng sẽ mau giỏi thôi.
Nhân lúc thầy vui, chú nhỏ bắt chuyện:
- Bữa đó con thấy vị hòa thượng và thầy chuyện trò rất tương đắc. Trong câu chuyện, hòa thượng trích dẫn lời kinh nhà Phật đã đành; còn thầy thì cứ phụ họa bằng cách nhắc lại lời Đức Thích Ca. Con thấy ngộ thiệt!
- Ngộ là sao? Con nói rõ thầy nghe.
- Con thấy hễ trò chuyện với khách bên Công Giáo thì thầy trích lời Chúa. Gặp khách nhà Phật thì thầy dẫn lời Phật. Bữa nào có mấy vị tu sĩ Hòa Hảo ghé thăm đạo viện thì thầy lại trao đổi về sấm giảng thi văn của Đức Huỳnh Giáo Chủ... Dường như đối với khách bên tôn giáo bạn thì thầy rất ít khi muốn trích dẫn kinh sách đạo mình. Thưa thầy, ý thầy là sao ạ?
Đạo sư hoan hỷ gật đầu:
- Con hỏi khéo lắm. Cũng là dịp tốt cho thầy hướng dẫn con thêm. Này nhé! Giả tỷ như con du lịch bên Pháp, con biết nói tiếng Pháp thì có phải dễ dàng giao tiếp với người dân xứ đó, hai bên mau hiểu nhau không? Trong tôn giáo cũng vậy. Mỗi đạo đều có những chữ nghĩa hay khái niệm đặc thù mà người ngoài khó lãnh hội được hết. Vả lại, thói thường phần đông ai cũng quý trọng đạo của mình hơn là đạo của người khác, bởi thế nên dân gian truyền tụng câu này: Tu Phật thì cho Phật lớn; theo Trời thì bảo Trời cao! Suy ra, con nói chuyện với người tôn giáo khác mà chỉ toàn đem tôn giáo của con ra thôi thì chắc gì người nghe dễ dàng hiểu đúng ý con, mà họ cũng không thích nghe con.
Đạo sư ngưng lại, nâng chén trà lên thưởng thức. Nhân lúc ấy chú nhỏ hít hà nói:
- Con hiểu rồi. Bởi vậy thầy cho sư huynh trưởng tràng dạy chúng con chữ Nho rồi còn kèm thêm sinh ngữ, lại khuyến khích chúng con đọc kinh sách tôn giáo bạn. Chúng con lắm lúc tối tăm mặt mũi mà chớ dám than thở!
Đạo sư gật đầu:
- Phải thế thôi con ơi! Ngày nay năm châu chung chợ, bốn biển một nhà, mà ngoài đời thường bảo là xu thế toàn cầu hóa. Sự giao tiếp qua lại giữa các nước, các khối, các khu vực càng lúc càng gia tăng và thuận lợi. Các con phải cố gắng để biết xưa mà cũng biết nay, cổ kim hòa điệu. Cốt yếu là nắm được những tri thức căn bản hay tổng thể. Riêng ai có sức chuyên sâu một lãnh vực nào thì tùy.
- Nhưng dường như thầy và sư huynh trưởng tràng vẫn muốn chúng con chú ý tới Kinh Thánh nhiều hơn.
- Kinh điển đạo mình có phần nào kế tục triết giáo Trung Hoa nên hay nhắc điển tích, cố sự trong sử sách nước họ. Mai kia nếu các con đi truyền đạo phương Tây mà chỉ biết nhắc tới các vị như Hoàng Thạch Công, Trương Tử Phòng, Khương Tử Nha, Hồng Quân Lão Tổ, v.v… thì người phương Tây thấy lạ hoắc; các con buộc lòng phải dông dài giải thích. Nhưng nếu các con nhớ nhiều tích hay trong Kinh Thánh và biết nhiều giai thoại lý thú của các vị Thánh bên Công Giáo, mỗi khi con viện dẫn ra thì người phương Tây ắt mau lãnh hội hơn. Nhịp cầu tương tri giữa con và họ sẽ sớm thiết lập.
Trà đồng cười bẽn lẽn:
- Thảo nào sư huynh trưởng tràng cứ khuyên con nên tập đọc Kinh Thánh bằng tiếng Anh để vừa học được lời Chúa, vừa trau dồi tiếng Anh thì sau này sẽ có thể phụ giúp thầy trong việc truyền giáo. Con nghe lời, bèn lên Tàng Kinh Các hỏi mượn sư huynh quản thủ một cuốn dày cộm, mở ra đọc vài câu muốn xỉu luôn! Con thấy cuốn đó có nhiều hình vẽ đẹp nên thích quá. Sư huynh quản thủ cản, nói con chưa xem được, hãy mượn cuốn khác mà con vẫn cố nài. Vậy mới khổ!
Đạo sư ngạc nhiên:
- Ủa! Con mượn bản kinh nào?
- Dạ, bản King James.
Đạo sư cười xòa:
- Con thiệt hết nói nổi! Thầy đọc bản đó cũng xỉu nữa là con. Thôi được, bữa nào thầy kiếm cho con bản in giản lược, tiếng Anh không khó, lời văn ngắn gọn mà hiện đại. Ngày nay có một số ấn bản tiếng Anh dành riêng cho thiếu niên, kèm nhiều ảnh màu vui mắt. Hồi xưa thầy đã từng đọc một bản như thế, khá vừa sức nên không chán.
21-4-2013
HUỆ KHẢI
CGvDT số 1894, ngày 26-4-2013




([1]) Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Đại Đạo, 11-02 Ất Sửu.
([2]) 平明數盞茶. 日日得如此, 良醫不到家.