Thứ Năm, 23 tháng 3, 2017

31. VÔ QUY / DƯỚI MÁI ĐẠO VIỆN

Giả Đảo 賈島 (779-843) 
VÔ QUY
Đây là chuyện tôi nghe:
Một hôm đạo sư bất ngờ đến dự buổi giảng chữ Nho của trưởng tràng. Cuối buổi học, trưởng tràng mời thầy để lời phủ dụ các môn đệ. Đạo sư nói:
- Thầy cảm ơn trưởng tràng thay thầy kèm các em học chữ Nho rất tận tụy. Các con đừng phụ lòng sư huynh, phải cố gắng không ngừng. Lúc nãy, thầy nghe trưởng tràng giảng câu thơ Quy ngọa cố sơn thu của nhà sư Giả Đảo ([1]) rất hay, thú vị lắm! Quy là về, trở về; các con ai cũng biết rõ. Nhân dịp này thầy muốn giảng thêm hai chữ vô quy 無歸 là không về.
Đưa mắt nhìn qua cả lớp một lượt, đạo sư nói tiếp:
- Chuyện như vầy: Xưa có thiền sư Ngu Đạo 愚道 là thầy của Nhật Hoàng. Tính ngài xuề xòa giản dị, hay đi vào thôn xóm bình dân mà chẳng ai biết đấy là quốc sư cao trọng đương triều. Một hôm, dọc đường mắc mưa ướt nhem làm đôi dép rơm rã nát, ngài ghé một nhà trong làng hỏi mua đôi khác. Chị chủ nhà tử tế biếu dép, rồi cầm ngài nán lại đợi khô ráo hẵng đi.
Đêm ấy tụng kinh trước bàn thờ gia tiên của họ, thấy mấy mẹ con ủ rũ, ngài hỏi nguồn cơn thì biết anh chồng là kẻ nát rượu, bê tha. Ngài bèn đưa chị chủ nhà ít tiền, bảo mua rượu ngon và thức nhắm mang về để ngài cải hóa ông chồng. Thế rồi mấy mẹ con họ đi ngủ, ngài ngồi thiền trước bàn thờ gia tiên, bên cạnh mâm rượu.
Khuya lơ anh chồng chân nam đá chân chiêu trở về. Ngài nói vắn tắt lý do mắc mưa xin tá túc, và mời y thưởng thức món quà của ngài. Con sâu rượu chả thèm chất vấn cho phí hơi, y sà ngay vào mâm rượu rồi say mèm, lăn quay ra ngủ khò.
Sáng hôm sau tỉnh dậy, thấy sư vẫn trang nghiêm tọa thiền bên cạnh, y hỏi ngài là ai. Khi biết là quốc sư Ngu Đạo, y xấu hổ, rối rít xin lỗi. Ngài khuyên y bỏ rượu, lo gầy dựng gia đình. Y hối hận, xin quảy giúp túi hành trang tiễn ngài lên đường, gọi là tạ ơn dạy dỗ.
Đi được ba dặm, sư bảo y quay về. Y xin đi thêm năm dặm. Hết năm dặm, ngài nhắc quay về, y xin đi thêm mười dặm. Hết mười dặm, ngài lại nhắc thì y dõng dạc nói: “Con theo thầy tới hết đời con!” Về sau người ấy trở thành thiền sư, pháp hiệu Vô Quy, nghĩa là không trở lại.
Đạo sư dừng lại, như muốn cả lớp kịp suy gẫm câu chuyện. Rồi ngài tiếp tục:
- Chúng ta hàng ngày có nghi thức quy y Tam Bảo. Thầy trò chúng ta niệm: Quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng. Mấy người bạn của thầy bên đạo Cao Đài niệm: Nam mô Phật, nam mô Pháp, nam mô Tăng. Nam mô tức là quy y đấy thôi; bên ấy nói theo tiếng Phạn, còn ta theo chữ Nho.
Quy là trở về. Y là nương theo, dựa theo. Chúng ta xin trở về nương theo Phật, theo Pháp, theo Tăng. Phật vô hình, ai thấy được? Pháp trừu tượng, ai sờ được? Vậy thì biết chỗ nào cụ thể để nương theo mà trở về? Chỉ có Tăng là con người bằng xương bằng thịt thì thấy được, sờ được. Vậy nương theo Tăng để tới Pháp, tới Phật.
Ngày xưa Đức Lão Tử viết Đạo Đức Kinh năm ngàn chữ chia làm hai quyển: quyển thượng mở đầu với chữ Đạo, quyển hạ chữ Đức. Đạo vô hình đâu ai thấy. Nhưng Thánh Nhân có Đức, cảm hóa chúng sanh. Qua Đức của Thánh Nhân người ta thấy được Đạo. Đạo là Pháp, là Phật. Thánh Nhân là Tăng.
Sư Ngu Đạo là Tăng. Đạo đức của ngài có thần lực cảm hóa kẻ nát rượu dễ dàng. Qua ngài mà kẻ hối lỗi nọ tới được Pháp, tới được Phật rồi trở thành thiền sư Vô Quy. Nếu Ngu Đạo tu hành giả dối thì muôn kiếp cũng không xuất hiện thiền sư Vô Quy, và gã làm chồng bê tha kia lập tức quay trở về với hũ rượu rồi trầm luân đọa lạc muôn đời.
Cũng thế, nếu thầy trò ta tu hành giả dối, chúng sanh đâu thể nào nương theo ta mà tới Pháp, tới Phật. Cho nên mỗi khi niệm Quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng thầy trò ta đều phải nhớ khép mình vào giới luật cho xứng đáng là những vị Tăng đạo đức mới mong đủ sức giúp chúng sanh trở về với Pháp, với Phật.
Các Thánh tông đồ của Chúa cũng là Tăng. Giảng đạo trên núi, Chúa dạy các ngài: “Chính anh em là ánh sáng cho trần gian.” ([2]) Nhưng nếu các tông đồ không sáng lòa cái đức của mình thì đâu có thể soi đường dẫn lối được cho ai trở về với Chúa, về với Đạo, phải không các con?
16-4-2013
HUỆ KHẢI
CGvDT số 1893, ngày 19-4-2013




([1]) Giả Đảo 賈島 (779-843): Nhà sư, nhà thơ đời Đường, nổi tiếng vì tánh gọt giũa chữ nghĩa chi li (thôi xao 推敲). Bài thơ trưởng tràng dạy các sư đệ như sau:
Nhị cú tam niên đắc
Nhất ngâm song lệ lưu
Tri âm như bất thưởng
Quy ngọa cố sơn thu.
二句三年得
一吟雙 淚流
知音如不賞
歸卧故山秋.
Huệ Khải dịch:
Ba năm làm được hai câu
Một lần ngâm để rơi châu đôi hàng
Tri âm như chẳng hiểu chàng
Quay về núi cũ nằm tràn với thu.
([2]) Matthêu 5:14.