CHUYỆN ÔNG
UPALI
Công việc của họ sẽ được phơi bày thực
chất, vì Ngày của Chúa sẽ đem công việc đó ra ánh sáng. Lửa sẽ khám phá nó, và
lửa sẽ kiểm định chất lượng công việc của mỗi người.([1])
I Côrintô 3:13
Đây là chuyện tôi nghe:
Được đạo sư chấp thuận, nhóm môn sanh trẻ hăng hái lập
trang mạng để giới thiệu đạo viện và kết nối với vài trang mạng của một số tôn
giáo bạn.
Sau buổi
tổng duyệt trang mạng thử nghiệm, trưởng tràng mời nhóm sư đệ chuyên trách họp
lại để nghe thầy huấn thị.
Đạo sư
bảo:
- Các con đăng
lại một bài có nguồn từ một nhóm tín đồ của tôn giáo A. Tác giả bài đó không
tiếc lời ca ngợi một tân tín đồ vừa rời bỏ tôn giáo B mà đến với họ. Tác giả ấy
hào hứng viết rằng tân tín đồ kia đã “thức tỉnh, kịp thời đoạn tuyệt con đường
lầm lạc cũ để bước lên con đường mới chánh đại quang minh”, v.v… Các con nên ý
thức đúng đắn và phải rất thận trọng khi chạm tới vấn đề này.
Quay sang
trưởng tràng, đạo sư hỏi:
- Con biết
chuyện ông Upali chớ?
Trưởng
tràng chắp tay, cung kính đáp:
- Thưa
thầy, có phải là ngài Upali, vốn là thợ hớt tóc nhưng về sau trở thành một
trong mười đại đệ tử của Đức Phật Tổ? Ngài được tôn xưng là vị giỏi nhất về
giới luật. Vì vậy, sau khi Đức Phật nhập niết bàn, trong hội công đồng lần thứ
nhất do ngài Ca Diếp chủ trì để kết tập ba tạng Kinh, Luật, Luận, trước mặt năm
trăm vị thánh tăng đã chứng quả A La Hán, ngài Upali đọc lại tất cả giới luật
do Đức Phật dạy để kết tập nên tạng Luật còn truyền đến ngày nay.
- Không
phải vị đó đâu, con. Còn có ông Upali thứ hai nữa.
Nhìn nhóm
học trò trẻ tuổi vẫn còn tiu nghỉu vì lời răn dạy vừa rồi, đạo sư nhỏ nhẹ vỗ
về:
- Này các
con! Nhân vật Upali thầy nói đây nguyên là học trò của một vị giáo chủ nổi
tiếng. Nhờ rất giàu nên ông Upali thường xuyên tài trợ mạnh mẽ cho sư phụ mình.
Ông rất giỏi ăn nói, khéo biện bác; bởi vậy được sư phụ phái đến tranh luận
giáo lý với Đức Phật. Rốt cuộc ông Upali đại bại. Tuy nhiên ông hoàn toàn tâm
phục khẩu phục, bèn quỳ xuống xin quy y theo Phật. Các con biết không? Đức Phật
Tổ liền từ khước, khuyên ông là hàng trí thức học cao hiểu rộng, vậy càng phải
suy xét thận trọng, cân nhắc kỹ càng trước khi quyết định đi theo Phật.
Vẫn quỳ
mọp xuống chân Đức Phật, ông Upali thành khẩn nói: “Nếu con mới mở miệng xin
làm đệ tử một sư phụ nào khác, lập tức con sẽ được hân hoan đón nhận. Các đệ tử
của vị ấy sẽ làm kiệu hoa rực rỡ rước con dạo khắp đường sá ngõ ngách trong
thành phố để tưng bừng rêu rao cho thắng lợi của môn phái họ. Nhưng nay Đức Thế
Tôn từ chối thì con càng thêm bội phần ngưỡng phục. Một lần nữa con tha thiết
cầu xin được quy y theo Phật.” Cuối cùng Đức Phật chấp thuận nhưng khuyên ông Upali
vẫn tiếp tục tài trợ cho sư phụ cũ của ông.
Ngừng
một chút cho các học trò kịp suy gẫm ý nghĩa câu chuyện, đạo sư ôn tồn nói:
-
Trong việc hoằng pháp, phẩm chất tín đồ luôn luôn quan trọng hơn số lượng tín đồ.
Trong Kinh Thánh, khi viết lá thư thứ nhất gởi cho các tín hữu Côrintô, Thánh
Phaolô hàm ngụ rằng chất lượng là điều Chúa sẽ xét tới chứ không phải số lượng.
Thế nên Thánh Phaolô viết “lửa sẽ kiểm định chất lượng công việc của mỗi
người”.
Trở
lại bài viết của tác giả nọ, thầy khuyên các con chớ nên vô tình tiếp sức khua
chiêng gióng trống cho một số trường hợp “cải giáo” như thế. Hơn nữa, các con
đừng bao giờ bắt chước họ mà cổ vũ ồn ào cho bất kỳ ai xuất thân từ một tín
ngưỡng khác nhưng sau cùng lại bước chân vào đạo viện chúng ta. Hãy thản nhiên xem
những việc ấy rất bình thường, chẳng hề là thất bại hay thắng thế của một bên
nào cả.
21-5-2013
HUỆ KHẢI
CGvDT số 1908, ngày 24-5-2013