Thứ Tư, 22 tháng 3, 2017

12. CẤY MẠ / DƯỚI MÁI ĐẠO VIỆN

CẤY MẠ
Đạo là phụng thờ chân lý hay lẽ thật. Để chứng minh cho tiêu ngữ ấy chư hiền đệ, hiền muội can đảm đối diện với sự thật, đối diện với tâm linh chính mình, và khi đối diện với tâm linh nếu chư hiền đệ, hiền muội có gặp những trạng thái, những màu sắc tội lỗi lem luốc dẫy đầy, đừng vội vàng hoảng sợ, vì vội vàng hoảng sợ nó sẽ làm cho mình bị ngộp trong những mặc cảm tội lỗi xấu xa ấy. Ngược lại, thẳng thắn chấp nhận nó để cảnh cáo tâm linh, để diệt trừ phiền não, thì những cái gì nơi cõi lòng mà chư hiền xem là một quái vật ghê tởm không muốn nhìn ấy, sẽ biến thành những đóa hoa sặc sỡ của giác ngộ, của chơn như.([1])
Đức Giáo Tông Vô Vi Đại Đạo
*
Thiền sư Thiện Chiêu 善昭, họ Du , người Thái Nguyên 太原 (thuộc tỉnh Sơn Tây 山西), sinh năm 947 nhằm cuối đời Hậu Tấn (936-947) hay đầu đời Hậu Hán (947-951). Mười bốn tuổi (960) mồ côi cha mẹ, ngài xuất gia, tu theo tông Lâm Tế 臨濟. Sư từng trụ trì Thái Tử Viện 太子院 ở Phần Dương 汾陽 (thuộc tỉnh Sơn Tây), ba mươi năm không ra khỏi cửa. Kính trọng ngài nên đời và đạo kiêng đại danh, bèn mượn tên đất Phần Dương gọi thay cho pháp hiệu Thiện Chiêu. Ngài quy liễu năm 1024, đời Tống Nhân Tông (1022-1063), thụy hiệu Vô Đức Thiền Sư 無德禪師.
Đây là chuyện tôi nghe:
Một hôm chú trà đồng ngồi bên bếp lửa nấu nước. Trong lúc chờ nước sôi, chú lấy ngón trỏ tay phải liên tục vẽ vào khoảng không trước mặt, như thầy pháp vẽ bùa.
Tình cờ đi qua, đạo sư dừng lại hỏi:
- Con làm chi đó?
Giật mình, chú lật đật đứng phắt dậy, chắp tay xá thầy rồi đáp:
- Thưa thầy, con đang ôn bài học chữ Nho. Tối nay sư huynh trưởng tràng sẽ truy bài. Con phải ráng thuộc ạ.
- Con tập viết chữ Nho không cần giấy bút như thế rất tiện, vì bất cứ ở đâu, bất kể lúc nào cũng đều tập được. Mà trưởng tràng dạy bài chi vậy con?
- Thưa thầy, sư huynh bắt học bài tứ tuyệt của ngài Phần Dương:
Thủ bả thanh ương sáp mãn điền
Đê đầu tiện kiến thủy trung thiên
Thân tâm thanh tịnh phương vi Đạo
Thối bộ nguyên lai thị hướng tiền.([2])
- Trưởng tràng lựa bài hay đấy! Mà con hiểu không?
- Thưa thầy, thế này ạ: Tay cầm mạ non cấy đầy ruộng. Cúi đầu liền thấy bầu trời in bóng nước. Thân tâm thanh tịnh mới là Đạo. Bước lùi hóa ra là hướng về phía trước.
- Theo thầy biết thì câu kết có dị bản. Có chỗ người ta chép là Thối bộ nguyên tri thị hướng tiền. Họ hiểu nguyên tri 原知vốn đã biết rằng. Sư huynh con chọn hai chữ nguyên lai 原來 với nghĩa té ra là, hóa ra là. Nhưng thôi, bỏ qua chuyện dị bản cho khỏi rối. Điều thầy muốn hỏi là con hiểu câu kết ra sao.
- Thưa thầy, hồi còn ở quê, con thấy thợ cấy phải bước thụt lùi. Càng thụt lùi thì hàng mạ càng dài ra như chạy thẳng về phía trước mặt họ.
Đạo sư tủm tỉm cười, hỏi trêu:
- Ủa!? Nếu vậy câu thơ một, hai và câu kết tả cảnh cấy mạ; còn câu ba xen vô coi bộ lãng quẻ hở con?
Chú nghệch mặt ra, gãi đầu bối rối. Đạo sư từ ái vỗ về:
- Trưởng tràng thay thầy rèn cặp các con về văn hóa như thế rất tốt. Các con muốn sau này giúp thầy hoằng pháp khắp nơi thì phải chăm học. Học giáo lý, học thiền, học chữ Nho, học sinh ngữ, học văn chương để thưởng thức được thơ phú… không có món nào dư thừa đâu con. Câu kết vừa rồi con hiểu theo nghề nông, nhưng thiếu nghĩa đạo học nên không thấy nó liên quan câu thứ ba.
Nhìn chú trà đồng tròn xoe đôi mắt, đạo sư xoa đầu chú rồi nói tiếp:
- Người Anh, người Mỹ có câu này: One step back, two steps forward. Lùi một bước, tiến hai bước. Trên đường tu hành có lúc con bước hụt chân, ấy là lúc con phạm lỗi, phạm quy giới, v.v… Nghĩa là con lùi một bước. Nếu con cứ để cõi lòng mãi giày vò đau khổ vì bước hụt chân đó, tất nhiên tâm con hết thanh tịnh. Con bi quan ưu sầu, tiêu tan chí khí tu hành, hóa ra mặc cảm tự ti rồi sẽ bỏ đạo xa thầy. Trong đạo có phép sám hối, con hãy thành tâm nhận lỗi, cương quyết chừa bỏ. Nhưng quan trọng hơn cả là con phải xét kỹ vì sao con bước hụt chân, để rút kinh nghiệm mà không tái phạm. Nhờ thế con giữ được lòng thanh tịnh, gắng công tu hành. Vậy là con biến bước lùi thành bước tiến.
Ngẫm nghĩ thêm một chút, đạo sư bổ túc:
- Thiền sư Vô Đức mượn bài thơ làm ruộng để nói về mảnh ruộng lòng của chúng ta mà kinh sách gọi là tâm điền. Thầy nhớ trong kinh Cao Đài có đoạn Đức Ngọc Hoàng Thượng Đế dạy như sau:
“Ở đời có biết bao nhiêu người không làm những điều dữ nhưng lại chẳng làm một sự lành, thì nào có phước đâu! Lâu ngày lại nảy sanh những điều chẳng hay.
Hôm nay Thầy dạy lại chữ Tâm cụ thể cho các con thấy rành. Chữ Tâm nó là vô hình nên những bực giáo chủ mới ví cái tâm như miếng ruộng của con. Thật vậy đó con.
Trước kia miếng ruộng của con vẫn trống sạch, nếu con không cấy lúa lên tức nhiên nó phải sanh cỏ. Khi sanh cỏ rồi, con muốn nhổ cho tận gốc sạch trơn, rồi không cấy những giống lúa tốt lên, lâu ngày cũng biến sanh cỏ nữa. Bởi vậy, tâm con kêu là tâm điền. Chẳng những các con tránh điều dữ mà cần phải lo làm những điều lành.” ([3])
Khi đọc như vậy, thầy sực liên tưởng tới lời Đức Thế Tôn chép lại trong Kinh Pháp Cú.
Chư ác mạc tác.
Chúng thiện phụng hành.
Tự tịnh kỳ ý.
Thị chư Phật giáo.([4])
(Chớ làm các điều ác.
Vâng làm các việc lành.
Giữ ý mình trong sạch.
Là lời các Phật dạy.)
Đó, con thấy chưa? Không làm ác vẫn chưa đủ, còn phải làm lành nữa. Đức Phật ngày xưa và Đức Cao Đài ngày nay dạy cùng một chơn lý đấy thôi.
Trở lại bài thơ cấy mạ lúc nãy. Chỗ mà ngài Phần Dương bảo là bước lùi để mà sẽ thẳng tiến lên còn có ẩn ý sâu xa. Trong cuộc sống, con người vì tâm phàm tục hiếu thắng luôn muốn tranh phần hơn với người khác, và thường bị lục dục thất tình thôi thúc muốn thỏa mãn cho bằng được tham vọng này tới tham vọng khác. Nếu cứ chạy xông tới để cốt thỏa mãn cho bằng được những ham hố đó thì trái đạo, vì tâm vọng động đảo điên. Ngược lại, nếu biết lùi bước trước dục vọng để giữ tâm thanh tịnh tức là mình đang tiến lên đường đạo đức, thánh thiện đó con.
Chú hớn hở:
- Tạ ơn thầy khai sáng cho con. Sư huynh còn bắt dịch thành thơ nữa chớ! Con gò mãi mới được bài tứ tuyệt như vầy:
Mạ non tay cấy xuống đầy đồng
Cúi mặt thấy trời soi nước trong
Thân tịnh tâm thanh mới thiệt Đạo
Bước lùi để tiến ấy là thông.
Nhưng sợ sư huynh chê nên con ráng làm thêm bài lục bát nữa ạ:
Mạ non tay cấy đầy đồng
Cúi đầu liền thấy nước trong in trời
Đạo là thanh tịnh thế thôi
Bước lùi để tiến ai người tường tri.
Đạo sư bẹo má học trò cưng, rồi thong thả bước đi. Giọng ngài rơi lại phía sau:
- Nước sôi già rồi đó con!
15-4-2013
HUỆ KHẢI
CGvDT số 220, tháng 4-2013




([1]) Thánh tịnh Ngọc Minh Đài, 13-11-1970.
([2]) 手把青秧插滿田. / 低頭便見水中天. / 身心清淨方為道. / 退步原來是向前.
([3]) Thánh Huấn Hiệp Tuyển, quyển 1. Bài Tâm Điền.
([4]) 諸惡莫作.眾善奉行.自淨其意.是諸佛教. Bài kệ thứ 183 trong phẩm 14 của Kinh Pháp Cú (Dhammapada). Trong quãng thời gian truyền giáo bốn mươi chín năm (hay bốn mươi lăm năm, tính theo Nam Tông), Đức Phật Thích Ca đã thuyết giảng rất nhiều. Sau khi Đức Thế Tôn nhập niết bàn, các vị đại tông đồ đã họp đại hội để kết tập thành Tam Tạng (kinh, luật, luận). Riêng những câu dạy ngắn gọn của Như Lai trong vài trăm trường hợp khác nhau được kết tập thành Kinh Pháp Cú, gồm hai mươi sáu phẩm (tức là chương), với bốn trăm hai mươi ba bài kệ. Kinh Pháp Cú gồm những câu rời, độc lập, được xếp chung thành từng đề mục. Xét về hình thức, Kinh Pháp Cú nhắc ta nhớ tới Luận Ngữ của đạo Nho, cũng do các đại tông đồ của Đức Vạn Thế Sư Biểu kết tập những lời dạy của Đức Khổng Tử trong vài trăm trường hợp khác nhau.