Tử Sản
QUÂN TỬ BỊ LỪA
Trong ba ngàn môn đệ của Đức Khổng Thánh, có bảy mươi
hai vị xuất sắc được gọi chung là thất thập
nhị hiền. Hiền nghĩa là người có đức hạnh và tài năng; các học giả Anh Mỹ dịch
bảy mươi hai người hiền là seventy-two worthies.
Trong bảy mươi hai người hiền đó có ông họ Cơ, tên Kiều
(không rõ năm sinh, mất năm 522 trước Công Nguyên), được gọi là Công Tôn Kiều. Ông
tự là Tử Mỹ, nhưng tự thứ hai là Tử Sản được nhắc tới nhiều hơn. Làm quan hai
mươi hai năm dưới hai triều Giản Công và Định Công nước Trịnh thời Xuân Thu,([1]) ông nổi tiếng là một
chính khách lỗi lạc. Bộ Hình Thư do
ông soạn được khắc trên đỉnh đồng là bộ luật thành văn đầu tiên của Trung Quốc.
Luận Ngữ (5:16) chép lời Đức Khổng
Thánh nhận định về học trò mình như sau: “Tử Sản có bốn điểm hợp
đạo quân tử: Đối với người khác thì khiêm cung. Phụng sự vua thì tôn kính. Nuôi
dân thì ban ân huệ. Sai khiến dân thì hợp đạo nghĩa.” ([2])
Đây là chuyện tôi nghe:
Trà đồng đang ngồi đọc sách ở hàng hiên. Đạo sư đi
qua, hỏi:
- Con xem gì thế?
Chú lật đật đứng phắt dậy:
- Con chào thầy! Thưa thầy, quyển này con mua ve
chai, mất cả bìa và vài tờ đầu, tờ cuối nên không biết ai là tác giả, không biết
nhan đề là gì ạ.
Thấy quyển sách cũ mèm, đạo sư khuyên:
- Sách ve chai thường không sạch sẽ, thiếu vệ sinh.
Con cẩn thận, kẻo nhiễm bệnh. Nhưng có gì vui mà lúc nãy con cười? Thú vị lắm
à?
Trà đồng liếng thoắng:
- Thưa thầy, chuyện ông Tử Sản bị xí gạt ạ. Ông sai
người nhà đi chợ mua cá nhưng hắn tấp vào sòng bạc thua hết tiền, trở về bịa
chuyện: “Con ra chợ thấy bán con cá chép vừa béo vừa tươi roi
rói, còn giãy đành đạch. Biết ông thích gỏi cá chép nên con cứ dốc hết tiền ra mua
cho bằng được, bất chấp giá quá mắc. Dọc đường về, thấy nó ngáp ngáp sắp chết,
con tìm cái ao gần đó nhúng nó xuống nước cho lại sức; nào dè nó quẫy mạnh một
cái, rồi lặn mất!” Nghe vậy, ông Tử Sản vỗ tay reo lên: “Ðắc kỳ sở tai! Ðắc
kỳ sở tai! Đúng chỗ nó đấy! Đúng chỗ nó đấy!” Không bị trách phạt, gã
đó lại đi chê ông chủ: “Chuyện xạo vậy mà ổng cũng tin! Sao thiên hạ cứ khen ổng
là người trí tuệ cao minh nhỉ?”
Đạo sư cười:
- Chuyện này thầy nhớ mang máng dường như ông Paulus
Huình Tịnh Của có chép trong Chuyện Giải
Buồn. Nhưng thật ra gốc tích ở trong sách Mạnh Tử đó con. Đức Mạnh Tử kể cho ông Vạn Chương rằng có người biếu
ông Tử Sản con cá còn sống. Ông sai người nhà thả xuống ao nuôi nhưng hắn đem cá
tươi nấu ăn phứt rồi trình với chủ rằng mới thả xuống ao cá còn lờ đờ, giây lát
sau nó quẫy mạnh đuôi bơi mất dạng. Đoạn cuối thì như con vừa kể. Nhưng con biết
vì sao Đức Mạnh Tử thuật lại chuyện này không? Ngài muốn nói rằng người quân tử
có thể bị lừa dối bằng cách hợp lý lẽ, nhưng khó bị lừa gạt bằng cách trái với
đạo lý.([3]) Sách Luận Ngữ chép
lời Đức Khổng Thánh dạy học trò cũng giống như thế; Ngài nói rằng người quân tử có thể bị
gạt vì chuyện hợp lý, nhưng không thể bị lừa vì chuyện vô lý.([4])
18-6-2013
HUỆ KHẢI
CGvDT số 1912 ngày 21-6-2013