DẤU GẠCH NỐI
Đây là chuyện tôi nghe:
Một hôm vị đạo sư đưa nhóm môn đệ về tổ đình viếng nơi an nghỉ của tổ sư.
Ngôi mộ nhỏ khiêm nhường, nằm dưới một tàn cây xanh um tùm cao lớn. Thầy trò
bày hoa quả tươi trước mộ, thắp nhang, rồi theo thứ tự lớn trước nhỏ sau, lần
lượt kính cẩn bái lạy.
Trong lúc đợi nhang tàn, sẵn bóng râm mát và bầu khí yên ả, tĩnh mịch,
đạo sư cùng nhóm học trò trải chiếu ngồi bên gốc cổ thụ. Có lẽ mới vào dòng tu,
một đệ tử trẻ nhất trong nhóm rụt rè lên tiếng:
- Thưa thầy thứ lỗi nếu con hỏi không phải.
Đạo sư ôn tồn khuyến khích:
- Được, con đừng ngại.
- Thưa thầy, thân phận tổ sư chúng con không kém ai, cớ sao ngôi mộ của
người lại khiêm tốn đến thế?
Đạo sư mỉm cười:
- Lành thay! Lành thay! Con hỏi khéo lắm! Âu cũng là dịp tốt để thầy trò
chúng ta ôn lại hạnh đức tổ sư. Mấy mươi năm rồi, môn sanh của tổ hàng năm chỉ có
thể tu bổ chút ít để mộ khỏi hư hỏng chứ không dám tùy tiện xây lại cho bề thế,
phô trương hình thức như thói tục thường tình. Đó là tuân thủ đúng di chúc
thiêng liêng của tổ. Người bảo xác thân vốn giả tạm, hễ tới lúc phải trả về với
cát bụi thì thôi, hà tất phải tốn kém tiền của trút vào tang ma và mồ mả quá vô
ích. Có chi bằng đem khoản tiền lớn ấy cứu giúp người nghèo đói ốm đau.
Trước ngày quy thiên, tổ đã để dành sẵn một khoản tiền trang trải hậu sự
của người, lại căn dặn thiếu đủ mặc dầu, phải cố vén khéo chi dùng trong khoản
tiền đó. Tổ còn khuyên môn đệ cứ nhận tiền phúng điếu, vì nếu không, người
viếng tang đi tay không sẽ lúng túng, ắt phải sắm sửa lễ phẩm có khi còn tốn
kém nhiều hơn số tiền bỏ trong phong bì. Tất cả tiền phúng điếu hãy bỏ vào một
thùng niêm kỹ. Tang sự xong tất thì mở thùng, đem hết tiền phúng điếu làm từ
thiện. Đó là thay mặt bá tánh tạo duyên lành cho họ làm việc phước đức, tạo âm
chất.
Tổ đã như thế, các đời sư bá, sư thúc các con đâu dám vô lễ, nên cứ theo
gương tổ mà quy định việc hậu sự của mỗi người. Các con hãy nhìn quanh đây,
nghĩa trang riêng của môn phái chúng ta, mộ ai cũng khiêm tốn như nhau… Tổ căn dặn,
sau này chôn mãi hết cả đất thì lại xem ai xuống trước sẽ bốc lên trước rồi hỏa
táng, đem tro bón hoa kiểng trong nghĩa trang, nhường chỗ đất cũ cho người mới.
Tổ đùa, bảo là nguyên tắc FIFO, nghĩa
là First In, First Out (hễ chôn xuống
trước thì cứ đào lên trước). Có điều, chúng ta không nỡ xâm phạm tới tổ, mộ
người mãi mãi là ngoại lệ.
Các con xem kìa, trên mộ bia của tổ, giữa con số năm sinh và năm tạ thế
chỉ là một dấu gạch nối ngắn ngủn. Nó đâu phản ánh được những việc làm, tâm tư,
đạo nghiệp của tổ giữa trần gian trong mấy mươi năm… Nhưng chỗ tồn tại bền bỉ của
tổ là trong lòng thương tưởng, kính nhớ của chúng ta…
23-01-2013
HUỆ
KHẢI
CGvDT số 1892, ngày 25-01-2013