5. KÍNH LẠY ĐỨC PHẬT TỔ NHƯ LAI
1. Nhứt tâm đảnh lễ Như Lai
Khẩn cầu Phật Tổ thương loài
chúng sanh
Đạo mầu đỗng triệt u minh
Vô biên vô lượng sanh sanh hằng
hà
5.
Vị lai quá khứ trần sa
Viên
minh chánh giác, Di Đà công phu
Chúng
tôi chí nguyện chơn tu
Nỗi
vì mối Đạo mịt mù khôn han
9.
Đại thừa muốn thấu Tam Tàng
Không
người dẫn lối chỉ đàng Bồng Lai
Chí
công dầu có rán mài
Minh
sư chưa gặp ắt sai lầm đường
13.
Kiền thiềng khẩn nguyện Tây Phương
Từ
bi tế độ rộng thương Diêm Phù
Cho
người giải thích trí ngu
Linh
Sơn chứng quả đặng chầu Thế Tôn
17.
Cho người dìu dắt gốc nguồn
Chớ
cho xiêu lạc bàng môn đạo ngoài
Nhứt
tâm đảnh lễ Như Lai
Khẩn
cầu Phật Tổ thương loài chúng sanh.
(Cúi đầu không lạy)
XUẤT XỨ
Bài Kính Lạy
Đức Phật Tổ Như Lai do Đức Thể Liên Tiên Nữ ban cho, ngày 04-7 Canh Ngũ (Thứ Tư 27-8-1930). Bài
này có ở trang 20 cuốn KNT 1932a, của
Thánh thất Định Tường (Hội Thánh Minh Chơn Lý). Theo trang 16, đàn ban kinh này do Đức Quan Thánh
Đế Quân vâng lịnh Đức Chí Tôn chứng chứng đàn. Ngài xưng danh qua bài ngũ ngôn
tứ tuyệt quán thủ là “Quan Vân Trường
chứng” và dạy: “Ta vưng lịnh Đức Chí Tôn chứng đàn cho Thể Liên
Tiên Nữ giáng bút dạy Kinh Nhựt Thời làm lễ Đức Chí Tôn, Đức Thánh Mẫu ([1]) và chư Đại Nhơn Tam
Giáo.” ([2])
GIẢI NGHĨA
Câu 1-2: Nhứt tâm
đảnh lễ Như Lai / Khẩn cầu Phật Tổ thương loài chúng sanh.
nhứt tâm 一心: Một lòng một dạ (nhứt tâm nhứt ý 一心 一意; toàn tâm toàn ý 全心全意).
đảnh lễ: Đỉnh lễ 頂禮; sấp mình lạy Phật với hai đầu gối, hai khuỷu tay, và trán áp sát đất. Tức
là “năm vóc gieo xuống đất” (ngũ thể đầu địa 五體投地). Vóc là thân thể. Năm vóc nói đầy đủ là năm bộ phận thân thể.
Như Lai 如來: Hiệu đầu tiên trong mười hiệu (thập hiệu 十號) của Đức Phật Thích Ca.([3]) Kinh Kim Cương (Chương 29)
chép: “Đức Như Lai không từ đâu đến, cũng không đi về
đâu, nên gọi Ngài là Như Lai.” ([4])
khẩn cầu 懇求:
Tha thiết cầu xin.
Phật Tổ 佛祖: Vị Tổ sáng
lập đạo Phật, tức là Đức Phật Thích Ca Mâu Ni 釋迦牟尼佛.
chúng sanh 眾生: Tất cả các loài có sự sống, gồm bốn loại chánh
(tứ sanh 四生) là: Thai sanh 胎生 (sanh ra từ bào thai, như người, động vật có vú); noãn sanh 卵生 (sanh ra từ trứng, như chim, cá, rùa, rắn, kiến, v.v...); thấp
sanh 溼生 (sanh ra từ chỗ ẩm
ướt, như con trùn, rong rêu, v.v...);
hóa sanh 化生 (sanh ra do sự biến hóa, như bướm từ
sâu biến ra, muỗi từ lăng quăng biến ra, v.v...)
u Câu 1-2 ý nói: Chúng đệ tử sấp mình kính lạy Đức Phật
Tổ Như Lai, trọn lòng thành tha thiết cầu xin Ngài thương xót chúng sanh.
Câu 3-4: Đạo mầu đỗng triệt u minh / Vô biên vô lượng
sanh sanh hằng hà.
Đạo mầu: Đạo (của
Đức Phật) cao sâu, huyền diệu.
đỗng triệt 洞澈: Hiểu rành mạch; thấu triệt; thông suốt.
u minh 幽明: Tối (u) và sáng (minh); cõi chết vô hình (u) và cõi sống hữu hình (minh). Thí dụ: “U minh đôi ngả chia ly / Kẻ còn dương thế, người đi suối vàng.”
(Huệ Khải)
vô biên 無邊: Không giới hạn.
vô lượng 無量:
Không thể cân, đong, đo, đếm được.
sanh sanh 生生: Sanh sôi, nảy nở không dứt (tư sanh bất tuyệt 孳生不絕).
Ghi chú: KNT 1932a in là “sinh sinh”, như vậy ăn vần với chữ “minh” ở cuối câu 3 theo luật thơ lục
bát. KNT 2016, NĐCT 2022 đều in là “sanh sanh”, tuy
không khác nghĩa nhưng xét về luật thơ lục bát thì không khéo như bản gốc KNT 1932a.
hằng hà: Nói đủ là hằng hà sa số 恆河沙數 (nhiều như số cát của sông Hằng), tức là vô số, không đếm được.
u Câu 3-4 ý nói: Đạo của Đức Phật cao sâu, huyền diệu, thấu suốt
hai cõi hữu hình và vô hình. Đạo của Ngài phát triển vô biên, vô lượng, nhiều
như cát sông Hằng (không thể đếm được).
Câu 5-6: Vị lai
quá khứ trần sa / Viên minh chánh giác, Di Đà công phu.
vị lai 未來: Chưa tới; tương
lai 將來.
quá khứ 過去: Đã qua; dĩ vãng 已往.
trần sa 塵沙: Bụi bặm và cát đất (trần ai dữ sa thổ 塵埃 與沙土). Bụi bặm và cát đất có số lượng rất lớn, không thể đếm được;
do đó, trần sa còn có nghĩa là vô số 無數, vô lượng 無量. Thí dụ: trần
sa số mục 塵沙數目 (con số vô cùng
to lớn).
viên minh 圓明: Hoàn toàn sáng
suốt.
chánh giác 正覺: Trí biết chơn chánh (là
trí tuệ của Phật); vì thế, thành Phật
成佛 còn gọi là thành chánh giác 成正覺.
Di Đà: Nói đủ là A Di Đà 阿彌陀. Danh hiệu này có nghĩa là Vô Lượng Thọ 無量壽 (tuổi
thọ vô cùng). Vậy, ở đây tạm hiểu “Di Đà” có nghĩa
bóng là trải qua thời gian vô lượng.
công phu 功夫(工夫): Tốn nhiều
thời gian và sức lực. Thí dụ: “Nghề chơi
cũng lắm công phu.”
(Nguyễn Du)
Di Đà công phu: Ở đây tạm hiểu là Đức Phật đã trải qua vô lượng thời gian công phu tu
hành khổ nhọc.
u Câu 5-6 ý nói: Trải qua vô lượng thời gian công
phu tu luyện, Đức Phật hoàn toàn sáng suốt, biết rõ được vô vàn sự việc quá
khứ, tương lai.
Câu 7-8: Chúng tôi
chí nguyện chơn tu / Nỗi vì mối Đạo mịt mù khôn han.
chí nguyện 至願: Mong muốn thiết tha và thành khẩn (khẩn thiết đích nguyện vọng 懇切的願 望).
chơn tu (chân tu) 真修: Tu hành chơn chánh.
nỗi vì: Hiềm vì; khổ nỗi;
khốn nỗi; ngặt nỗi; ngặt vì.
mối Đạo: Hệ thống
giáo lý nhà Phật.
mịt mù: Sâu
xa, thăm thẳm, nên không thấu hiểu.
khôn han: Không thể hỏi
han ai (để được hiểu biết).
u Câu 7-8 ý nói: Chúng đệ tử thiết tha mong muốn tu
hành chơn chánh, nhưng khổ nỗi Đạo Phật quá sâu xa mà chúng đệ tử không thể hỏi
han ai cho hiểu biết.
Câu 9-10: Đại thừa
muốn thấu Tam Tàng / Không người dẫn lối chỉ đàng Bồng Lai.
đại thừa 大乘: Tạm hiểu đơn giản, đây là đường lối
tu tập với mục đích “tự lợi” 自利 (bản thân giác ngộ) song hành với
mục đích “lợi tha” 利他 (cứu độ chúng sanh).
thấu: Thấu suốt;
hiểu rõ; thông suốt.
Tam Tàng: Tam Tạng 三藏; ba kho tàng chứa kinh, luật, luận
nhà Phật. Kinh 經 chép lời Phật dạy. Luật 律 là luật lệ, giới luật. Luận 論 là các luận bàn nhằm làm sáng tỏ ý nghĩa kinh Phật, phát triển giáo lý nhà
Phật.
Ghi chú: 1/ Nói trại
“Tạng” (thanh trắc) thành “Tàng” (thanh bằng) cho đúng luật thơ
lục bát. – 2/ Câu 9 dùng cách đảo ngữ; nói xuôi
là: Muốn thấu (suốt) Tam Tạng đại thừa.
dẫn lối chỉ đàng: Chỉ dẫn đường lối để đi cho đúng, tới đúng nơi đúng chỗ mong muốn.
Bồng Lai 蓬萊: Cõi Tiên, cõi Phật, cõi giải thoát.
u Câu 9-10 ý nói: Chúng đệ tử muốn thấu hiểu ba tạng
(kinh, luật, luận) của Phật Giáo đại thừa, nhưng không có người chỉ dẫn đường lối tu hành đúng đắn để
đi cho tới cõi giải thoát.
Câu 11-12: Chí công
dầu có rán mài / Minh sư chưa gặp ắt sai lầm đường.
chí công 至功: Dốc hết công sức khó nhọc.
rán mài: Cố gắng mài
giũa, rèn luyện. Tục ngữ có câu: “Có công
mài sắt có ngày nên kim.”
minh sư 明師: Thầy sáng; thầy đã đắc Đạo. Trái lại là manh sư 盲師 (thầy
mù; thầy u tối, chưa đắc Đạo).
ắt sai lầm đường: Chắc chắn phải lầm đường lạc lối.
u Câu 11-12 ý nói: Cho dù gắng công mài giũa, rèn luyện tới đâu mà không có thầy đã đắc Đạo dẫn
dắt thì chúng đệ tử chắc chắn phải lầm đường lạc lối, tu sai tu mù.
Câu 13-14: Kiền
thiềng khẩn nguyện Tây Phương / Từ bi tế độ rộng thương Diêm Phù.
Kiền thiềng (thành) 虔誠: Chân thành và cung kính.
khẩn nguyện 懇願: Khẩn thiết (tha thiết) cầu xin.
Tây Phương 西方: Cõi Phật ở phương Tây. Đức Thích Ca
Mâu Ni là Tây Phương Giáo Chủ 西方教主.
tế độ 濟渡: Cứu vớt con người
khỏi bể khổ sông mê, giống như đưa thuyền đến vớt kẻ chết đuối chở sang bờ bên
kia. Tế là qua sông, đồng nghĩa với độ.
Diêm Phù 閻浮: Nói
đủ là Diêm Phù Đề 閻浮提, cũng là Nam Thiệm Bộ Châu 南贍部洲, tức là cõi nhân gian.
u Câu 13-14 ý nói: Chúng đệ tử kính thành khẩn nguyện Đức Phật ở cõi Tây Phương từ bi cứu vớt chúng sanh ở cõi
trần gian.
Câu 15-16: Cho người giải thích trí ngu / Linh Sơn
chứng quả đặng chầu Thế Tôn.
cho người: Sai người thông hiểu đạo lý tới
giúp.
giải thích 解釋: Giảng giải để hiểu rõ, thông suốt việc gì.
trí ngu: Ngu trí 愚智; trí óc tăm tối, ngu muội.
Linh Sơn 靈山: 1/ Núi Linh Thứu 靈鷲山 (thứu: chim kên kên). Trên núi này Đức Phật Thích Ca đã thuyết kinh Diệu Pháp Liên Hoa 妙法蓮華經, tức là kinh Pháp Hoa 法華經. – 2/ Nghĩa
bóng là cõi Phật; đất Phật.
chứng quả 證果: Đắc Đạo
得道.
đặng: Để; để cho.
chầu: Triều kiến 朝見; vào gặp và lạy (Trời, Phật, vua).
Thế Tôn 世尊: Đấng được thế gian tôn kính. Đây là một trong
mười hiệu (thập hiệu 十號) của
Đức Phật Thích Ca.
Ghi chú: Câu 16 dùng cách đảo ngữ;
nói xuôi là: chứng quả đặng chầu Thế Tôn (tại) Linh Sơn.
u Câu 15-16 ý nói: Xin cho người giảng giải giúp chúng
đệ tử mở mang tâm trí ngu muội, để tu hành chứng quả mà được chầu Phật tại cõi
Phật.
Câu 17-18: Cho người
dìu dắt gốc nguồn / Chớ cho xiêu lạc bàng môn đạo ngoài.
dìu dắt gốc nguồn: Dìu dắt cho trở lại nguồn cội chánh pháp, chánh giáo.
xiêu lạc: Lạc loài, bơ vơ, bị tách ra
khỏi chánh giáo, xa lìa chánh pháp.
bàng môn 旁門: Cửa hông, không
phải cửa chánh. – bàng môn đạo ngoài: Các môn phái không phải là chánh giáo (bàng môn ngoại giáo 旁門外教; bàng môn tả đạo 旁門 左道).
u Câu 17-18 ý nói: Xin cho người dìu dắt chúng đệ tử
trở lại nguồn cội chánh
pháp, đừng để cho chúng đệ tử bơ vơ, xa lìa chánh giáo rồi phải lạc lầm sa chân vào tà đạo.
Câu 19-20: Nhứt tâm
đảnh lễ Như Lai / Khẩn cầu Phật Tổ thương loài chúng sanh.
Trong bài thơ “lục bát thủ vĩ”, hai câu kết này lặp lại hai câu mở đầu
(đã giải thích ở trên).
TỔNG LUẬN
Phật là đấng chánh giác, là minh sư (thầy sáng suốt) dẫn dắt chúng sanh tu
hành đắc Đạo giống như Phật.
Hai câu 11-12 (Chí công dầu có rán
mài / Minh sư chưa gặp ắt sai lầm đường) cho thấy vai trò vô cùng quan
trọng của minh sư để hướng dẫn đệ tử tu đúng và tu thành công.
Chữ “mài” trong câu 11 gợi nhớ
một tích xưa: Thiền sư Hoài Nhượng 懷讓 (677-744) đã là “minh sư” giúp cho một đệ tử đắc Đạo, trở
thành thiền sư cũng như ngài.
Hôm đó sư
Hoài Nhượng gặp một người ngồi thiền.
Sư hỏi: “Ngồi
thiền để làm gì?”
Người ấy đáp:
“Để thành Phật.”
Sư bèn lượm
một miếng ngói bể và ngồi xuống bên cạnh người ấy cặm cụi mài.
Thấy lạ, người
ấy hỏi: “Mài ngói làm gì?”
Sư đáp: “Để
làm kiếng.” ([5])
Người ấy cười:
“Làm sao mài ngói thành kiếng được?”
Sư đáp: “Ngồi
thiền cũng không thành Phật được.”
Người ấy tỉnh
ngộ, bèn xin theo sư làm đệ tử, về sau đắc Đạo, tức là thiền sư Mã Tổ 馬祖 (707-786).
Thật ra thiền
thoại này không hề chỉ trích pháp môn tọa thiền. Nó mang ý nghĩa sâu sắc về thực
chất của việc tu hành và con đường đi tới giác ngộ hoàn toàn (viên giác 圓 覺).
“Ngồi thiền
để làm gì?” Câu hỏi này có nghĩa: “Mục đích tu hành là gì?”
“Để thành Phật.”
Câu trả lời này thể hiện khát vọng đạt đến giác ngộ hoàn toàn (viên giác).
Nhưng thành Phật đâu phải chỉ bằng cách ngồi thiền, và sư Hoài Nhượng muốn giúp
người kia nhận ra điều này. Thay vì thuyết giảng dông dài, sư ngồi xuống, im lặng
mài miếng ngói.
“Làm sao mài
ngói thành kiếng được?” Câu hỏi này thể hiện lòng nghi ngờ về phương
pháp (cách thức) của sư.
“Ngồi thiền
cũng không thành Phật được.” Câu nói này xác nhận người kia nói đúng và ám chỉ
rằng cách thức của sư sai bét cũng như phương pháp của người kia trật lất.
Sư Hoài Nhượng
đã thành công khi giúp người kia tỉnh ngộ rằng tu thành Phật không phải chỉ là
ngồi thiền một cách máy móc. Con đường đi tới chánh giác không hề ngắn ngủi
và dễ dàng. Chánh giác là một quá trình tự khám phá bản thân và vượt qua những
giới hạn của bản thân. Tu hành không đơn giản chỉ là ngồi thiền, mà còn là biết
sống sao cho đạo đức (chơn thật, tử tế), giúp ích người khác, và có ý nghĩa xứng
đáng với kiếp làm người, v.v...
Bởi vậy,
ngày nay Đức Cao Đài dạy môn đệ tu theo pháp môn “Tam Công”, cùng lúc thực hành cả ba công là: “công quả” (giúp ích cho đời); “công
trình” (rèn luyện bản thân cho đạo đức, gương mẫu); “công phu” (tu tịnh).
Huệ Khải
([3]) Mười
hiệu là: 1/ Như
Lai 如來; 2/ Ứng
Cúng 應供 (xứng đáng nhận sự cúng dường); 3/ Chánh Biến Tri 正徧知 (biết đúng đắn hết các pháp); 4/ Minh
Hành Túc 明行足 (đầy đủ trí huệ và phước đức); 5/ Thiện Thệ 善逝 (đi một
cách tốt đẹp tới bờ giác); 6/ Thế Gian Giải
世間解 (hiểu biết trọn vẹn về thế gian và con đường thoát
khỏi thế gian); 7/ Vô Thượng Sĩ 無上士 (bậc tối cao, không còn ai cao hơn); 8/ Điều Ngự Trượng Phu 調御丈夫 (đấng khéo điều phục và chế ngự chúng sanh để
giúp họ tu hành đắc Đạo); 9/ Thiên Nhơn
Sư 天人師 (bậc thầy của cả cõi trời và cõi người); 10/ Phật Thế Tôn 佛世尊 (đấng giác ngộ được thế gian tôn kính).