2. KHAI KINH
1. Biển trần khổ vơi vơi trời
nước
Ánh thái dương giọi trước
phương Đông
Lão Quân Đạo Tổ Đẩu Cung
Ra tay dẫn độ dày công giúp
đời
5. Trong Tam Giáo có lời
khuyến dạy
Gốc bởi lòng làm phải làm lành
Trung dung Khổng Thánh chỉ
rành
Từ bi Phật dặn lòng thành lòng
nhơn
9. Phép Tiên Đạo tu chơn dưỡng
tánh
Một cội sanh ba nhánh in nhau
Làm người rõ thấu lý sâu
Sửa lòng trong sạch tụng cầu
Thánh kinh.
(Cúi đầu không lạy)
XUẤT XỨ
Bài này do
Đức Lữ Tổ ban cho Minh Lý Đạo (trước tháng 5-1925).([1]) Khi mới thành lập nền tảng phổ độ
của đạo Cao Ðài vào năm 1926 (Bính Dần), Ðức Chí Tôn dạy các tiền khai Đại Đạo
đến Minh Lý Đạo thỉnh kinh. Trong lúc ấy các tiền khai ở Minh
Lý Đạo cũng được Ơn Trên giáng cơ dạy chuẩn bị truyền kinh. Bài Khai Kinh đã được Minh Lý Đạo truyền
sang đạo Cao Đài như thế.
Đức Lữ Tổ 呂祖 là vị thứ ba trong Bát Tiên 八仙. Ngài họ Lữ; tên Nham 嵒[巖] (nham là núi cao); tự Động Tân 洞賓, nên còn gọi là Lữ Động Tân. Động là nơi Tiên ở; Tân là khách; Động Tân là vị khách cõi Tiên (nhưng người
Việt quen nói chệch ra là Đồng Tân). Ngài có hiệu là: Hồi Đạo Nhân 回道人; Hồi Đạo
Sĩ 回道士 (chữ
Hồi 回 là biến thể của chữ Lữ 呂 vì đều gồm hai chữ khẩu 口). Các hiệu khác là: Phù Hựu Đế Quân 孚佑帝君; Thuần Dương Tổ Sư 純陽
祖師; Thuần Dương Tử 純陽子, Thuần
Dương Diễn Chánh Cảnh Hóa Phù Hựu Đế Quân Hưng Hành Diệu Đạo Thiên Tôn 純陽演正警化孚佑帝君興行妙道天尊 ...
Ngài sinh vào đời Đường (Trung Hoa), khoảng năm 755. Đạo
Giáo Trung Hoa kỷ niệm Thánh đán của Tổ vào ngày 14 tháng 4 âm lịch. Sư phụ
Ngài họ là Chung Ly 鐘離, tên là Quyền 權, sống vào đời Hán (Hớn), nên cũng gọi là Hán (Hớn) Chung Ly 漢離權, đứng đầu Bát Tiên.
GIẢI NGHĨA
Nhan đề:
khai kinh 開經: Mở đầu việc tụng kinh.([2]) Ở đây nghĩa là mở đầu mười một bài trong Kinh
Nhựt Thời, từ bài “Ngọc Hoàng Bửu Cáo” tới bài “Kinh Cầu Nguyện Đức Chí Tôn Và Phật Tiên,
Thánh Thần”.
Ghi chú: KNT
2016 và NĐCT 2022 đều in nhan đề
là “Khai Kinh”. Bản gốc KSH 1931 in là “Bài Khai Kinh”.
Câu 1: Biển trần khổ vơi vơi trời nước.
biển trần khổ: Cõi trần là biển khổ (khổ hải 苦海) và chúng
sanh bị chìm đắm trong đó. Chánh pháp ví như chiếc thuyền bát nhã (bát nhã thuyền 般若船) hay chiếc
bè quý (bảo phiệt; bửu phiệt 寶筏) đưa khách
trần thoát khỏi biển khổ trầm luân sang bờ giác (giác ngạn 覺岸) ở bên kia biển, tức là đáo bỉ ngạn 到彼岸 (qua tới bờ bên kia).
vơi vơi: Rộng lớn minh
mông (mênh mông). – vơi vơi trời nước: Minh mông chẳng
thấy bến bờ, chỉ thấy bầu trời và mặt nước.
u Câu 1 ý nói: Sự khổ ở đời quá lớn, vô cùng tận (vì chúng sanh sống trong màn vô
minh tăm tối).
Câu 2: Ánh thái dương giọi trước phương
Đông.
thái dương 太陽: Mặt trời.
giọi: Rọi;
chiếu.
u Câu 2 ý nói: Ánh mặt trời chiếu sáng
ở phương Đông, nghĩa là
bình minh xuất hiện, xóa tan màn đêm tăm tối. Nghĩa bóng là ánh sáng chánh pháp
xuất hiện, dẫn dắt chúng sanh ra khỏi vô minh tăm tối, thoát khỏi biển khổ.
Câu 3: Lão Quân Đạo Tổ Đẩu Cung.
Lão Quân 老君: Nói đủ là Thái
Thượng Lão Quân 太上 老君, cũng gọi Lão Tử 老子.
Đạo Tổ 道祖: Ông Tổ của
đạo Lão (Lão Giáo 老教, Đạo Giáo 道教, Tiên Giáo 仙教), cũng nói là Thái Thượng Đạo Tổ 太上道祖, tức là Đức Lão Tử.
Đẩu Cung: Nói trại từ
“Đâu Cung”, tức là Đâu Suất Cung 兜率宮, nơi ngự của Đức Lão Tử.
Ghi chú: KNT 2016 và NĐCT 2022 đều in là “Lão Quân
Đạo Tổ Đẩu Cung”. Bản gốc KSH 1931 in là “Tổ Sư Thái
Thượng Đức Ông”.
Câu 4: Ra tay dẫn độ dày công giúp đời.
ra tay: Đưa tay làm việc gì (chữ Nho là hạ thủ 下手).
dẫn độ 引渡: Cũng như độ dẫn 渡引, dẫn dắt ai bước vào đường tu hành.
dày công giúp đời: Tốn nhiều thời gian và công sức trợ giúp người đời học Đạo, tu luyện
thành Tiên, không còn luân hồi (trường
sanh bất tử 長生不死). Một trong các kỳ công giúp đời của
Đức Lão Tử là bộ Đạo Đức Kinh 道德經, gồm hai quyển, tám mươi mốt chương, tổng cộng
gần năm ngàn chữ Nho.
u Câu 3-4 ý nói: Đức Lão Quân là Tổ Sư của đạo Lão, ngự tại cung Đâu Suất, rất dày công
dẫn dắt người đời
bước vào đường tu Tiên.
Câu 5-6: Trong Tam Giáo có lời khuyến dạy /
Gốc bởi lòng làm phải làm lành.
Tam Giáo 三教: Gồm có Nho (đạo Khổng), Lão (đạo
Tiên), Thích (đạo Phật). Đạo Nho và đạo Lão ra đời ở Trung Hoa; đạo Phật ra đời
ở Ấn Độ.
Ghi chú: KNT 2016 và NĐCT 2022 đều in là “khuyến dạy”. Bản gốc KSH 1931 in là “khuyên dạy”. Cả hai nghĩa
như nhau; “khuyến” 勸 tức là “khuyên”.
u Câu 5-6 ý nói: Tam Giáo đều dạy chúng sanh rằng căn bản của con người là làm phải làm
lành.
Câu 7-8: Trung dung Khổng Thánh chỉ rành / Từ
bi Phật dặn lòng thành lòng nhơn.
trung dung 中庸: Người đời thường
hiểu trung dung là không nghiêng về
bên nào, không quá mức (thái quá 太過) mà cũng
không thiếu sót (bất cập 不及). Thí dụ:
Suốt cả học kỳ cứ bỏ bê sách vở, chẳng thèm học hành; vậy là bất cập. Gần tới kỳ thi mới thức khuya
dậy sớm, bỏ cả ngủ nghỉ để học bài; vậy là thái
quá. Học hành như thế thì người đời trách là không biết trung dung.
Đức Khổng Tử dạy đạo trung dung. Cháu đích tôn của Ngài là Tử Tư 子思 soạn lại lời
Ngài giảng thành sách Trung Dung; đây là
quyển thứ hai trong bộ Tứ Thư 四書 (gồm có: Đại Học, Trung Dung, Luận Ngữ, và Mạnh Tử 大學, 中庸, 論 語, 孟子). Trung Dung vốn là một chương trong sách Lễ Ký 禮記. Theo Nhân Tử Nguyễn Văn Thọ
(1921-2014), sách Trung Dung gồm ba
mươi ba chương, nhưng thâu tóm lại chỉ có một chữ thành 誠. Thành là hoàn thiện, khởi đầu từ
lòng kính sợ có Trời tiềm ẩn ngay trong lòng mình, rồi trải qua quá trình tu
học, rèn luyện, phát huy mọi phẩm chất cao quý sẵn có ở bản thân cho tới chỗ vô
cùng tốt đẹp (chí thiện 至善), và kết
thúc bằng sự hợp nhứt với Trời (phối
Thiên 配天).([3])
Khổng Thánh 孔聖: Đức Khổng Tử 孔子.
chỉ rành: Chỉ dạy,
dẫn dắt rõ ràng, rành rẽ.
từ bi 慈悲: Tình thương yêu (từ)
và lòng thương xót (bi). Trời Phật, Tiên Thánh, Bồ Tát luôn luôn tìm cách ban vui cứu khổ cho tất
cả chúng sanh, cho nên các Đấng có lòng đại từ đại bi. Đại Trí Độ Luận (quyển 27) chép: “Đại từ là ban vui cho tất cả chúng sanh. Đại bi là diệt khổ cho tất cả
chúng sanh.” ([4])
dặn: Dặn dò; nói cho nhớ mà
làm theo. Thí dụ: Ra đi mẹ có dặn rằng / Làm thân con gái chớ
ăn trầu người. (Ca dao)
lòng thành lòng nhơn: Lòng
thành thật và nhơn ái (thương người thương vật).
u Câu 7-8 ý nói: Đức Khổng Tử dạy đạo trung
dung. Đức Phật dạy từ
bi, dặn dò chúng sanh hãy sống lương thiện (làm
phải làm lành).
Câu 9: Phép Tiên Đạo tu chơn dưỡng tánh.
phép: Pháp 法; phương pháp 方法;
cách thức.
Tiên Đạo: 仙道: Đường
lối tu Tiên. (Tu theo đạo Lão là tu Tiên.)([5])
tu chơn dưỡng tánh 修真養性: Học đạo tu hành, hàm dưỡng tánh tình 學道修行, 涵養性情.
Ghi chú: Dưỡng tánh là nuôi dưỡng
bổn tánh sẵn có, không để bổn tánh bị tổn thương. Nuôi dưỡng bằng cách tự xem
xét bản thân, làm cho thân và tâm đạt tới trạng thái hoàn hảo.([6])
Câu 10: Một cội sanh ba nhánh in nhau.
một cội: Một gốc lớn,
ám chỉ Đại Đạo 大道.
ba nhánh: Tức là Tam
Giáo, phát xuất từ Đại Đạo, giống như ba nhánh mọc ra từ một cội cây to lớn.
in nhau: Giống nhau;
y hệt nhau; không khác nhau.
u Câu 10 ý nói: Tam Giáo (Nho, Lão, Phật) về hình thức có khác nhau nhưng thực chất là
y hệt nhau, ví như ba nhánh cây cùng mọc ra từ một gốc lớn là Đại Đạo.
Câu 11-12: Làm người rõ thấu lý sâu / Sửa lòng
trong sạch tụng cầu Thánh kinh.
rõ thấu: Hiểu rõ ràng, thấu suốt (từng
kẽ tóc chân tơ).
lý sâu: Nghĩa lý sâu xa (không dễ hiểu; do đó, cần gắng công học hỏi, nghiền
ngẫm).
sửa lòng trong sạch: Bỏ lòng gian tà, tham sân si, dục vọng; nuôi lòng
đạo đức, thanh tĩnh, lương thiện.
Theo chủ đích bài kinh này, “sửa lòng trong sạch” còn có nghĩa là gạt
bỏ lòng đố kỵ, phân biệt tôn giáo, kỳ thị tín ngưỡng (khen đạo mình mà chê bai,
chống đối đạo khác).
tụng cầu 誦求: Tụng kinh và cầu nguyện.
Thánh kinh 聖經: Kinh dạy đạo lý mầu nhiệm, cao
siêu.
u Câu 11-12 ý nói: Hình thức ba tôn giáo (Nho, Lão, Phật) tuy khác nhau
nhưng cốt tủy lại giống nhau, cũng như ba nhánh nảy sanh từ một gốc lớn. Hiểu
rõ lý lẽ sâu xa này rồi thì hãy bỏ óc phân biệt tôn giáo, kỳ thị tín ngưỡng, và
hãy giữ lòng ngay thẳng, trong sạch để tụng kinh, cầu nguyện.
TỔNG LUẬN
Câu 1 cho thấy cảnh khổ của chúng sanh như biển khơi trời nước minh
mông.
Câu 2 cho thấy hình ảnh mặt trời lố dạng buổi bình minh (ví như chánh pháp
tỏ sáng). Như vậy, câu 2 ngụ ý nói rằng chánh pháp xuất hiện ở thế gian là để
cứu vớt chúng sanh ra khỏi biển khổ. Nếu không vì mục đích cứu khổ của chúng
sanh thì có lẽ chẳng cần chánh pháp ra đời. Như vậy, chánh pháp và chúng sanh
không thể chia lìa.
Từ câu 5 đến câu 10 ngụ ý rằng tuy đạo Nho dạy trung dung, đạo Phật dạy từ
bi, đạo Lão dạy tu chơn dưỡng tánh, rốt cuộc đều không ngoài cái nền tảng căn
bản là con người phải có lòng nhân ái, đức độ, lương thiện.
Câu 9 nói về tu chơn dưỡng tánh. Đây
là phương pháp tu luyện của đạo Lão
để được giải thoát (thành Tiên), thoát khỏi luân hồi (trường sanh bất tử). Tu chơn dưỡng tánh chủ yếu gồm có: (a)
Thực hành các bài tập dưỡng sanh (để điều hòa hơi thở, vận động khí huyết, giúp
tăng cường sức khỏe và tinh thần); (b) Học hỏi kinh điển như Đạo Đức Kinh; Thanh Tĩnh Kinh; Huỳnh Đình
Kinh, Dịch Kinh, v.v...; (c)
Thiền định (tĩnh tọa; tọa thiền); (d) Tu dưỡng đạo đức (bác ái, thương người
thương vật; khiêm tốn; nhẫn nhịn; giản dị; thật thà); (e) Sống hòa hợp với thiên
nhiên; ăn uống điều độ (ăn chay); biết đủ (không tham lam, chẳng ham muốn tích
trữ của cải).
Tu chơn dưỡng tánh là một quá trình lâu dài để hoàn
thiện bản thân và đòi hỏi người tu luyện (hành
giả 行者) có lòng kiên trì, nhẫn nại, và thực
hành thường xuyên. Mục tiêu cuối cùng của tu chơn dưỡng tánh là đạt Đạo, tức là
giác ngộ, thấu hiểu bản chất của vũ trụ và cuộc sống, bản thân sống một đời an
nhiên, không bị ràng buộc (tự tại 自 在), và hạnh
phúc.
Câu 10 ngụ ý nói rằng Tam Giáo đồng
nguyên (Nho, Thích, Lão cùng một nguồn gốc), ví như ba nhánh đều nảy sanh
từ một gốc cội lớn (Đại Đạo). Không chỉ riêng Tam Giáo mà mọi chánh giáo khác
cũng xuất phát từ Đại Đạo, cũng vì mục đích cứu khổ chúng sanh.
Phương tiện (cách tu hành, giáo lý...)
của mỗi tôn giáo có thể khác biệt nhưng cái chung vẫn là “gốc bởi lòng làm phải làm lành”. Thế nên, Cao Đài xướng lên: Tam Giáo đồng nguyên, vạn giáo nhứt lý 三教同源, 萬教一理.
Khi người tu hành, học đạo hiểu rõ những lý lẽ sâu xa nói trên (câu 11: Làm người rõ thấu lý sâu) thì phải biết
bỏ óc phân biệt, kỳ thị tín ngưỡng, và hãy biết giữ lòng ngay thẳng, trung thực
để tụng kinh, cầu nguyện (câu 12: Sửa lòng trong sạch tụng cầu Thánh
kinh).
Theo bản gốc KSH 1931, tụng Bài Khai Kinh trước khi tụng Kinh Sám Hối (Cuộc danh lợi là phần thưởng
quý...). Thế nên, theo bản gốc KSH 1931, nói “Thánh kinh” tức là Kinh Sám
Hối. Nhưng khi đưa Khai Kinh vào Kinh Nhựt Thời, thì “Thánh kinh” tức là mười một bài từ bài “Ngọc Hoàng Bửu Cáo” tới bài “Kinh
Cầu Nguyện Đức Chí Tôn Và Phật Tiên, Thánh Thần”. Chữ “Thánh” trong “Thánh kinh”
có nghĩa là thiêng liêng, không phải trần tục.
Câu 11-12 còn ngụ ý rằng một khi đã hiểu rõ những nghĩa
lý sâu xa do Tam Giáo dạy bảo, thì hãy làm đúng theo những lời dạy này để sửa
lòng cho trong sạch, bản thân trở nên người đạo đức. Đây mới là mục đích thực
sự của việc tụng kinh: Tụng kinh không phải để cho Trời Phật nghe, mà tụng kinh
cốt để nhắc nhở mình trau dồi đạo đức, hạnh kiểm. Đức Quan Âm Bồ Tát dạy:
Không phải Phật
thiếu kinh thường dụng
Bảo chúng sanh
đem tụng Phật nghe
(...)
Sách kinh là
đuốc rọi đàng
Dạy đời học Đạo
hành tàng thế nao
Vì lẽ đó, cùng
nhau rán hiểu
Đọc kinh coi Phật biểu làm chi
Rán làm ăn ở cho y
Tánh tình cùng những hành vi Phật Trời.([7])
*
Kinh Nhựt Thời xưng tán Tam Giáo và Chúa Giê-su
(Gia Tô Giáo Chủ). Thế nên, Kinh Nhựt
Thời là kinh cho cả Tứ Giáo (Tam Giáo cộng thêm đạo Chúa).
Xưa kia, nhơn sanh chỉ mới biết tới Tam
Giáo đồng nguyên, nhưng đạo Cao Đài ra đời lại phát triển thành Tứ Giáo đồng nguyên 四 教同源.
Chẳng hạn, Đức Ngô Minh Chiêu dạy
như sau:
Kìa
Tứ Giáo (Phật, Tiên, Gia, Khổng)
Khai sanh môn
truyền thống khắp nơi
Đều do nguyên lý của Trời
Giáng sanh cõi
thế cứu đời độ dân.([8])
Người nào đã biết tụng Kinh Nhựt Thời thì cũng nên biết kính
trọng Tứ Giáo ngang nhau, và lãnh hội được lý lẽ Tứ Giáo đồng nguyên trong Tam Kỳ Phổ Độ.
Kinh Nhựt Thời dạy cho chúng sanh hiểu rõ rằng Tứ Giáo đồng nguyên, vạn giáo nhứt lý, cốt
để giác mê cho những ai còn nặng óc
kỳ thị tín ngưỡng (phân biệt tôn giáo), giúp họ thức tỉnh.
Biết rõ như thế thì hiểu thêm vì sao giới nghiên cứu tôn giáo trên thế
giới đem lòng ngưỡng mộ và hoan hỷ đồng thuận rằng đạo Cao Đài là một tôn giáo
bao dung, hòa đồng vạn giáo, luôn luôn cổ võ cho tình thân ái liên tôn giáo để cùng
nhau hợp tác xóa bỏ mọi mầm mống độc hại gây chia rẽ tôn giáo, ngăn chận nguy
cơ xảy ra chiến tranh tôn giáo như đã được ghi chép trong các trang sử đau
thương của loài người vào mấy thế kỷ tăm tối trước kia.
Huệ Khải
([2]) Theo bản gốc KSH 1931, tụng Bài Khai Kinh để
mở đầu việc tụng Kinh Sám Hối (Cuộc
danh lợi là phần thưởng quý ...).
([4]) Đại từ năng dữ nhứt thiết chúng sanh chi lạc. Đại bi năng bạt nhứt
thiết chúng sanh chi khổ. 大慈能與一切眾生之樂. 大悲能拔 一切眾生苦. (大智度論)
([5]) Tu theo Cao Đài cũng là tu Tiên,
vì Giáo Chủ đạo Cao Đài là Cao Đài Tiên
Ông. Thánh giáo gọi môn sanh Cao Đài là học
trò Tiên.