Thứ Ba, 7 tháng 1, 2025

GIẢI NGHĨA KINH NHỰT THỜI / 12. THẬP NGUYỆN

 

12. THẬP NGUYỆN

1. Rày vào cửa Tam Kỳ Đại Đạo

Dâng tấc thành thệ cáo Huyền Khung

Ngửa xin Thần Thánh chứng cùng

Tam Thanh đệ tử chẳng lòng tư riêng

5. MỘT nguyện độ vô biên sanh chúng

Vì giấc còn mờ mộng liên miên

HAI nguyện dứt cuộc não phiền

Ghi lời Thánh huấn ròng chuyên Đạo Thầy

9. BA nguyện sửa đêm ngày thói xấu

Thói xấu chừa lục cấu hết mong

BỐN nguyện rõ được lục thông

Bụi hồng phủi sạch vun trồng cội nhơn

13. NĂM nguyện nhớ bốn ơn khắng khít

Nếu lòng sai tội nghịch Thiên điều

SÁU nguyện dứt tánh tự kiêu

Trừ lòng dục vọng đặng siêu nguơn thần

17. BẢY nguyện được chân thân viên mãn

Đến Ngọc Kinh trước án chầu Thầy

TÁM nguyện Đạo phát hằng ngày

Trên trời dưới đất quyền tay Thầy cầm

21. CHÍN nguyện thấy đồng tâm bốn bể

Lòng đã không chia rẽ ta người

MƯỜI nguyện non nước nơi nơi

Thái bình thạnh trị đời đời an vui.

(Lạy 3 lạy không gật)

XUẤT XỨ

Với nhan đề “Thành Tâm Cầu Thập Nguyện”, bài này có ở hai trang 4 và 5 cuốn KTT 1938. (Không cho biết Đấng nào ban trao.)

GIẢI NGHĨA

Nhan đề:

Thập Nguyện 十願: Mười điều hứa nguyện (cầu nguyện; ước vọng; nguyện vọng; mong muốn, v.v...).

Thập (mười) thường được dùng với mấy ý nghĩa như: thập phần 十分 (hoàn hảo; trọn vẹn); thập thành 十成 (đầy đủ; hoàn toàn); thập toàn 十全 (đầy đủ; hoàn hảo). Do đó, những khi khuyên dạy môn đệ, Ơn Trên thường mượn hình thức “mười điều tâm niệm”. Chẳng hạn:

1. Đại Đức Ngô Tiên (Ngô Minh Chiêu) ban cho mười lời khuyên, mở đầu là “Một là tu cho người trông cậy ...”, và kết thúc là Mười khuyên nhau đóng góp tình thương ...([1])

2. Đức Diêu Trì Kim Mẫu ban cho mười lời khuyên, mở đầu là “Một khuyên con kính thờ Đạo Cả ...”, và kết thúc là Mười khuyên đừng để Mẹ phiền không nên.” ([2])

3. Đức Trường Canh Tiên Trưởng (Lý Thái Bạch) ban cho mười lời khuyên, mở đầu là “Một khuyên phải nhẫn kiên trọn Đạo ...”, và kết thúc là Mười khuyên đừng lướng vướng sự tình ...([3])

4. Đức Đông Phương Lão Tổ ban cho mười lời khuyên, mở đầu là “Một khuyên nhớ giữ gìn trung chính ...”, và kết thúc là Mười khuyên chung củng cố nội tình ...([4])

5. Thừa lịnh Đức Diêu Trì Kim Mẫu, Đức Khương Thái Công Quản Pháp Thiên Tôn ban cho “Thập Lệ Điều”, mở đầu là “Điều thứ nhứt kỷ cương vẹn giữ ...và kết thúc là “Điều thứ mười trước đàn nghiêm chỉnh ...([5])

6. Đức Lý Thái Bạch ban cho mười lời khuyên, mở đầu là “Một khuyên gắng hy sinh hành đạo ...”, và kết thúc là Mười khuyên nhớ lời Thầy quyền Đạo ...([6])

7. Đức Bảo Thọ Thánh Nương ban cho mười lời khuyên, mở đầu là “Một nghe ta thanh thanh tịnh tịnh ...và kết thúc là Mười lời đó nên ghi nên nhớ ...([7])

8. Trong Sấm Giảng Huỳnh Đạo (phần Sấm Giảng Trung Giang, tr. 18-21) của Hội Thánh Nhị Giang, Tòa Thánh Bửu Sơn, núi Cấm, Tri Tôn, Châu Đốc (không ghi năm xuất bản) có in mười lời khuyên của Thầy, mở đầu là “Điều thứ nhứt Thầy khuyên nên nhớ ...”, và kết thúc là “Điều chót hết mười ghi trăm nhớ ...

9. Đức Ngô Minh Chiêu ban cho môn sanh Chiếu Minh “Thập Thanh Điều” như sau:

Một khuyên giảm khẩu bớ con

Hai khuyên chánh kỷ cho tròn hóa nhơn

Ba khuyên giảm tánh giận hờn

Bốn khuyên giữ lễ chớ lờn oai Tiên

Năm khuyên kính mến người hiền

Sáu khuyên đậy mắt lánh miền thị phi

Bảy khuyên học chữ từ bi

Tám khuyên hành đạo kịp thì Long Hoa

Chín khuyên suy xét gần xa

Mười khuyên lập nết ôn hòa độ dân.

Ghi chú: Có lẽ vì nhan đề là “Thập Nguyện” nên trong KNT 2016 NĐCT 2022, mười câu 5, 7, 9, 11, 13, 15, 17, 19, 21, 23 đều in là “nguyện”. Trái lại, bản gốc KTT 1938 đều in là “nguyền”. Mặc dù “nguyền” (chữ Việt) cùng nghĩa với nguyện (chữ Nho), nhưng khi sửa như vậy thì không đúng về luật bằng trắc trong thơ song thất lục bát. Cụ thể:

Năm câu 7, 11, 15, 19, 23 là câu lục; chữ thứ hai phải là thanh bằng. Do đó, in “nguyền” như bản gốc KTT 1938 thì đúng luật thơ.

Năm câu 5, 9, 13, 17, 21 là câu thất; chữ thứ hai có thể là thanh bằng hay trắc. Tuy nhiên, in “nguyền” như bản gốc KTT 1938 thì nhứt quán với chữ “nguyền” ở năm câu lục.

Câu 1-2: Rày vào cửa Tam Kỳ Đại Đạo / Dâng tấc thành thệ cáo Huyền Khung.

rày: Bây giờ; lúc này; nay. Thí dụ: y đây mai đó (nay chỗ nầy, mai chỗ khác; không chỗ ở chắc chắn.)

vào cửa: Nhập môn 入門; vào (đạo); theo (tôn giáo).

tấc thành: Tấc lòng thành thật; tấm lòng thành thật. Chữ Nho gọi “tấc lòng” là thốn tâm 寸心. Thốn là tấc xưa (tương đương 3,3cm); tâm là tấm lòng.

thệ cáo 誓告: Xin thề với. Thí dụ, Thư Kinh 書經 có câu: thệ cáo nhữ. 予誓告汝. (Tôi thề với ông.)

Huyền Khung 玄穹: Nói đủ là Huyền Khung Cao Thượng Đế Ngọc Hoàng Đại Thiên Tôn 玄穹上帝玉皇大天尊.

u Câu 1-2 ý nói: Nay chúng con tu theo Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ. Chúng con dâng lòng thành mà thề với Trời.

Câu 3-4: Ngửa xin Thần Thánh chứng cùng / Tam tài đệ tử chẳng lòng tư riêng.

Ghi chú: NĐCT 2022 cũng in là “tam tài”. Bản gốc KTT 1938 in là “Tam Thanh”.([8])

ngửa: Ngước lên; ngẩng lên; ngửa mặt lên.

cùng: Với. Thí dụ: cậy cùng (cậy nhờ với); cứu cùng (cứu với); đi cùng (đi với); nguyện cùng (nguyện xin với); nói cùng (nói với); cùng (ở với); sống cùng (sống với); vái cùng (vái van với); xin cùng (xin với), v.v...

Theo luật bằng trắc trong thơ song thất lục bát, phải đặt chữ “cùng” ở cuối câu lục để có thanh bằng và ăn vần với chữ “Khung” cuối câu thất (câu 2) ở trên. Theo văn xuôi thì có thể viết: Ngửa xin cùng Thần Thánh chứng.

tam tài 三才: Ba ngôi trong vũ trụ là trời, đất, người (thiên, địa, nhân 天地人). Nghĩa bóng là trời đất và muôn loài chúng sanh.

đệ tử 弟子: Kẻ học trò; tín đồ. Lời học trò (hay tín đồ) tự xưng khi nói với thầy mình (hay bạch cùng Trời Phật).

lòng tư riêng: Tư tâm 私心; lòng ích kỷ, chỉ nghĩ tới lợi ích bản thân, chỉ biết có mình.

u Câu 3-4 ý nói: Ngước trông lên (Thánh tượng Đức Chí Tôn), chúng con cầu xin Ơn Trên (Thần Thánh) chứng giám (chứng minh) lòng thành của chúng con: Sống giữa trời đất và muôn loài chúng sanh, chúng con chẳng có bụng riêng tư, lòng ích kỷ.

Câu 5-6: MỘT nguyện độ vô biên sanh chúng / Vì giấc còn mờ mộng liên miên.

nguyện : Hứa nguyện (cầu nguyện; ước vọng; nguyện vọng; mong muốn, v.v...).

độ (): Đưa người từ bờ bên này là bờ mê (mê ngạn 迷岸) qua bên kia là bờ giác (giác ngạn 覺岸) để thoát khỏi sông mê (mê hà 迷河), vượt qua bể khổ (khổ hải 苦海).

vô biên 無邊: Không giới hạn; vô số 無數.

sanh chúng: Chúng sanh 眾生; mọi loài có sự sống.

giấc: Khoảng thời gian khá ngắn trong ngày. Thí dụ: giấc sáng; giấc trưa; giấc chiều; giấc tối; giấc ngủ. Ám chỉ đời người (vốn dĩ ngắn ngủi).

mờ mộng: Mờ hồ mộng ảo; không chắc chắn, không thật.

liên miên: Kéo dài không dứt; nối tiếp nhau cái này chưa xong lại tiếp tới cái khác.

u Câu 5-6 ý nói: Thứ nhứt, chúng con nguyện cứu độ (phổ độ) vô số chúng sanh vì đời người ngắn ngủi mà lại còn không dứt những cơn mộng mị (ham chuộng, đua chen theo những thứ không thật, nay còn mai mất).

Câu 7-8: HAI nguyện dứt cuộc não phiền / Ghi lời Thánh huấn ròng chuyên Đạo Thầy.

não phiền: Phiền não 煩惱; tất cả những thứ làm cho tâm hồn rối loạn, nhớ nhung, buồn sầu, khổ não. Bất kỳ thứ gì tác động đến tâm hồn, làm trở ngại sự tu tập để mất tâm thanh tịnh, không đạt được giác ngộ đều là phiền não. Vì bị mê lầm (ảo tưởng; huyễn tưởng) chi phối, vì muốn thỏa mãn ham muốn (dục vọng 欲望) mà tâm hồn bị phiền não. Trái nghĩa với phiền não là thanh tịnh 清淨.

Thánh huấn 聖訓: Lời các Đấng thiêng liêng dạy dỗ.

ròng chuyên: Chuyên ròng; thật giỏi; tinh thông 精通, ngày đêm thực hành cho lão luyện (thuần thục).

u Câu 7-8 ý nói: Thứ hai, chúng con nguyện dứt hết phiền não, giữ lòng thanh tịnh, ghi nhớ Thánh huấn, học đạo Cao Đài cho tinh thông, và luôn luôn hành đạo chuyên cần.

Câu 9-10: BA nguyện sửa đêm ngày thói xấu / Thói xấu chừa lục cấu hết mong.

đêm ngày: Luôn luôn; liên tục, ngày cũng như đêm.

chừa: Từ bỏ; dứt bỏ.

lục cấu 六垢: Sáu thứ ô nhiễm làm cho tâm mất thanh tịnh; vì thế, lục cấu cũng là phiền não. Lục cấu gồm: não (bực bội; buồn phiền; cáu kỉnh; tức giận); hại (đố kỵ; ghen ghét); hận (thù oán); siểm (nịnh nọt); cuống (gian dối; lừa gạt); kiêu (kiêu căng; ngạo mạn).

hết mong: Đừng hòng.

u Câu 9-10 ý nói: Thứ ba, chúng con nguyện luôn luôn sửa chữa thói hư tật xấu; nhờ vậy, lục cấu (hay phiền não) đừng hòng nảy sanh làm rối loạn lòng chúng con.

Câu 11-12: BỐN nguyện rõ được lục thông / Bụi hồng phủi sạch vun trồng cội nhơn.

lục thông 六通: Lục thần thông 神通. Sáu phép thần thông khi đắc quả a la hán 阿羅漢, gồm có: 1/ Thiên nhãn thông 天眼通 (thấy được mọi vật trong vũ trụ). 2/ Thiên nhĩ thông 天耳通 (nghe được mọi âm thanh trong vũ trụ). 3/ Tha tâm thông 他心通 (biết được ý nghĩ, tư tưởng người khác). 4/ Túc mạng thông 宿命通 (biết được kiếp trước, kiếp này, kiếp sau của mình và người khác). 5/ Thần túc thông 神足通 (đi khắp nơi trong nháy mắt, biến hóa tùy ý). 6/ Lậu tận thông 漏盡通 (trong sạch hoàn toàn, dứt hết phiền não, dứt luân hồi, vào được niết bàn).

bụi hồng: Hồng trần 紅塵; bụi trần; bụi đỏ trần gian. Ám chỉ những thứ ràng buộc ở cõi đời (như danh lợi, tình tiền, v.v...) làm tâm vướng bận, ô nhiễm, mất thanh tịnh, khiến cho con người không thể giải thoát.

cội nhơn: Nhơn thọ (nhân thụ) 仁樹; cội cây lòng nhơn (biết thương người). Lòng nhơn (hay đức nhân) có thể nuôi dưỡng để phát triển cho lớn rộng thêm, nên ví như cội cây có thể chăm sóc cho cao lớn, xum xuê, tươi tốt.

u Câu 11-12 ý nói: Thứ tư, chúng con nguyện tu cho đắc lục thông (đắc quả Thánh a la hán) bằng cách phủi sạch mọi thứ ràng buộc ở cõi đời, giữ tâm thanh tịnh, nuôi lớn đức nhân ở lòng chúng con.

Câu 13-14: NĂM nguyện nhớ bốn ơn khắng khít / Nếu lòng sai tội nghịch Thiên điều.

bốn ơn: Tứ ân 四恩. Có vài cách giải thích khác nhau: 1/ Theo Cảm Ứng Thiên Trực Giảng (của Hứa Chỉ Tịnh) là: Ơn trời đất, ơn vua, ơn cha mẹ, và ơn thầy dạy.([9]) 2/ Theo Đại Thừa Bổn Sanh Tâm Địa Quán Kinh (của Thái Hư Đại Sư) là: Ơn cha mẹ, ơn chúng sanh, ơn quốc vương, ơn tam bảo.([10]) 3/ Theo Thích Thị Yếu Lãm (của Thích Đạo Thành) là: Ơn cha mẹ, ơn chúng sanh, ơn quốc vương, ơn thí chủ.([11]) 4/ Theo Đệ Tử Quy là: Ơn trời đất, ơn vua, ơn cha mẹ, và ơn thầy.([12])

khắng khít: Khăng khít; gắn bó không rời.

Thiên điều 天條: Điều luật của Trời.

u Câu 13-14 ý nói: Thứ năm, chúng con nguyện luôn luôn không quên bốn ơn to tát trong đời chúng con. Nếu chúng con sai lời nguyện là chúng con trái điều luật của Trời (Thiên luật 天律).

Câu 15-16: SÁU nguyện dứt tánh tự kiêu / Trừ lòng dục vọng đặng siêu nguơn thần.

tự kiêu 自驕: Kiêu căng; kiêu hãnh; phách lối; coi rẻ người khác; tự cho mình vượt trội hơn người khác. Bởi “cái tôi” (phàm ngã 凡我) quá lớn mà con người tự kiêu.

dục vọng 欲望: Ham muốn; thèm muốn (những thứ không chánh đáng, trái đạo lý). Dục vọng là nguyên nhân làm con người chịu khổ.

siêu : Vượt trội; vượt ra khỏi những gì tầm thường.

nguơn thần (nguyên thần) 元神: Trong Đại Thừa Chơn Giáo, Đức Chí Tôn dạy: “Trời ban cho mỗi người một điểm linh quang (nguơn thần). Điểm linh quang ấy phải đầu thai xuống thế giới hữu hình vật chất nầy, mượn xác phàm tu luyện mới thành Tiên đắc Phật. Nhờ có cái xác phàm nầy mới thành đạo mà tạo Phật tác Tiên, tiêu diêu cảnh lạc.” ([13])

siêu nguơn thần: Chế ngự thức thần 識神 để giúp cho nguơn thần làm chủ lòng mình; nhờ thế, mình không bị lục dục và thất tình sai khiến.

Thức thần là gì? Thức thần là một phần của tâm con người, liên quan tới ý thức, suy nghĩ và cảm xúc. Thức thần khiến cho mỗi người có “cái tôi” đáng ghét, trở nên ích kỷ, tự cao tự đại, v.v... Thức thần khiến cho con người ham muốn, chán chường, buồn bã, ghen ghét, tức giận, v.v... Vì thế, con người phiền não. Khi tiếp xúc thế giới bên ngoài (ngoại giới), thức thần khiến con người biết phân biệt giữa bản thân và ngoại giới; từ đó, thức thần sanh ra dục vọng, thúc đẩy con người làm lợi cho bản thân, thỏa mãn ham muốn. Người đời thường để thức thần mặc tình làm chủ lòng mình, sai khiến mình. Người tu luôn luôn kiểm soát thức thần, không để thức thần lấn át (cướp quyền) nguơn thần.

Trong Đại Thừa Chơn Giáo, Đức Chí Tôn dạy:

1/ “Trong cơ thể con người, vì bị thất tình cám dỗ, lục dục khiến sai, càng ngày càng yếu ớt. Tuy nguơn thần sáng suốt, ưa thanh tịnh vô vi nhưng bởi có thức thần nên mới hay động tác, mà nguơn thần thì thất chánh. Còn thức thần lại đương quyền; nó làm chủ nhơn thân, nên ưa sự nầy, muốn việc kia lăng xăng rộn rực, không cần đạo đức, chẳng kể tinh thần, chỉ chuộng thỏa thích lòng vui của nó; nên nhiều khi nó giục con người làm chuyện quấy điều hư, xấu xa đê tiện. Mà hễ nó sai khiến đặng thì nó lại còn khiến mãi không thôi. Nó chác lòng ác đức, gây chuyện bất lương mà con người chỉ vùa theo ([14]) nó mãi. Nó lại có quỷ thất tình phụ sự, ma lục dục giúp tay, nên chi ([15]) mới có tội lỗi, mà hễ có tội lỗi phải chịu đọa đày trong vòng quả báo.”

2/ “Vậy con người cần phải phân biệt cái nào là nguơn thần, cái nào là thức thần, sự nào chơn, điều nào giả. Có khi thức thần tính làm chuyện quấy quá, tội tình, vô đạo đức mà trong đó lại có nguơn thần không chịu cho làm những chuyện quấy quá.

Nguơn thần muốn làm điều ích lợi chung, còn thức thần thì toan bề ích kỷ.

Sự nào không cắn rứt lương tâm là của nguơn thần muốn vậy, còn sự nào nhức nhối lương tâm là của thức thần ham muốn, khiến sai.

Trong tâm con người có nguơn thần và thức thần, khi thì muốn động tác, lúc lại chịu vô vi, ấy là hai điều khá chọn lựa.([16])

u Câu 15-16 ý nói: Thứ sáu, chúng con nguyện dứt bỏ tánh kiêu căng, ngạo mạn và lòng ham muốn thấp hèn để chế ngự thức thần, giữ cho nguơn thần làm chủ lòng chúng con.

Câu 17-18: BẢY nguyện được chân thân viên mãn / Đến Ngọc Kinh trước án chầu Thầy.

chân thân (chơn thân) 真身: Nhị xác thân; cái thân bất diệt phải do tu thiền (công phu, tịnh luyện) mới tạo ra được. Trái lại, thân thể xác thịt là giả thân 假身, phải chịu bịnh tật, hao mòn, và tan rã sau khi chết. Vì thế, nhà Phật gọi thân phàm này là thân tứ đại giả hợp 四大假合. Nói “giả hợp” vì sự hợp lại của bốn yếu tố đất, nước, gió, lửa (tứ đại) chỉ tạm thời, không vĩnh viễn; người chết rồi thì xác thân sẽ tan rã, tứ đại chia lìa.

Trong Đại Thừa Chơn Giáo, Đức Chí Tôn dạy: “Ngoài cái giả thân nầy, còn một cái chơn thân khác nữa. Chơn thân ấy là chi? Là nhị xác thân vậy. Cái xác thân ấy vững bền muôn kiếp, sống mãi bằng Trời, không tử không sanh, không thêm không bớt. Luyện đặng cái chơn thân nầy thì trường sanh bất tử, khỏi chịu quả báo luân hồi, đời đời kiếp kiếp an hưởng vui chơi nơi Bồng Lai Tiên Cảnh, ấy là Chơn Nhơn vậy.([17])

viên mãn 圓滿: Vẹn toàn; trọn vẹn; đầy đủ.

Ngọc Kinh: Bạch Ngọc Kinh 白玉京; kinh thành ngọc trắng, nơi Đức Thượng Đế ngự.

án : Cái bàn (đặt trước ngai Đức Chí Tôn).

chầu Thầy: Triều kiến Chí Tôn 朝見至尊; kính lễ Thượng Đế 敬禮上帝. Người tu chơn chánh, đắc đạo sẽ được phép vào quỳ trước mặt Thầy và lạy Thầy (Đức Thượng Đế) trên Thiên Đình 天庭. Khi vào thánh thất cúng kính thì đây cũng là cách chúng ta “chầu Thầy”, bởi lẽ Đức Chí Tôn dạy: “Ai cũng muốn Tây phương lạy Phật / Sao không lo thánh thất chầu Thầy?” (Tu Chơn Thiệp Quyết 修真捷訣)

u Câu 17-18 ý nói: Thứ bảy, chúng con nguyện tu luyện cho đắc đạo (có được chơn thân toàn vẹn) để được phép vào Bạch Ngọc Kinh chầu Đức Chí Tôn.

Câu 19-20: TÁM nguyện Đạo phát hằng ngày / Trên trời dưới đất quyền tay Thầy cầm.

Đạo phát hằng ngày: 1/ Đạo Cao Đài luôn luôn phát triển (hoằng dương 弘揚). 2/ Mỗi người đều có sẵn (tự hữu 自有) điểm Đạo nơi mình (tức là Thượng Đế Tánh 帝性, Phật Tánh 佛性, tự tánh 自性). Người tu chừa bỏ được thói hư tật xấu, diệt trừ được tham, sân, si, dục thì chẳng khác nào vẹt khoát được bức màn vô minh tăm tối đang che lấp ánh sáng của điểm Đạo sẵn có nơi mình, và làm cho điểm Đạo này mỗi ngày mỗi sáng thêm hơn; như thế gọi là “Đạo nhựt tăng huy. 道日增輝.” Đây chính là cách hoằng dương Đạo Trời một cách đích thực và bền vững, bởi lẽ “Chùa linh, Đạo sáng, mọi người tin theo. ([18])

u Câu 19-20 ý nói: Thứ tám, dưới quyền Đức Chí Tôn cai quản khắp cả vũ trụ càn khôn, chúng con nguyện cầu đạo Cao Đài được phát triển, mỗi ngày một lớn rộng hơn, bằng cách tu hành tinh tấn để cho điểm Đạo tự hữu trong chúng con mỗi ngày một sáng hơn thì chúng con mới có thể góp phần hoằng dương Đạo Trời.

Câu 21-22: CHÍN nguyện được đồng tâm bốn bể / Lòng đã không chia rẽ ta người.

Ghi chú: NĐCT 2022 cũng in là “được”. Bản gốc KTT 1938 in là “thấy”.

đồng tâm 同心: Cùng một lòng; đồng lòng.

bốn bể: Tứ hải 四海; khắp nơi trong cõi thế gian.

ta người: Mình (kỷ ) và người khác (tha ).

u Câu 21-22 ý nói: Thứ chín, chúng con cầu nguyện cho người thế gian khắp nơi đều một lòng với nhau, không còn bụng phân biệt ta và người (vô kỷ vô tha 無己無他).

Câu 23-24: MƯỜI nguyện non nước nơi nơi / Thái bình thạnh trị đời đời an vui.

u Câu 23-24 ý nói: Thứ mười, chúng con nguyện khắp nơi trong nước chúng con cũng như mọi quốc gia trên thế gian đều được hưởng thái bình, thạnh trị mãi mãi.

TỔNG LUẬN

Trước khi thành tâm dâng lên mười lời nguyện, chúng ta xác định rằng ngày nay mình may mắn đã vào cửa Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ, và là tín đồ đạo Cao Đài. Khi ngửa trông lên Thánh tượng Đức Chí Tôn, chúng ta cầu xin Ơn Trên (Thần Thánh) chứng giám (chứng minh) cho lòng thành của mình, và những điều nguyện cầu này xuất phát từ lòng vị tha, vì hướng tới lợi ích của chúng sanh.

1. Dâng lời nguyện thứ nhứt, chúng ta hướng về vô số chúng sanh, mong muốn cứu độ tất cả. Đây chính là hạnh Bồ Tát. Mỗi người tu hành không phải chỉ để riêng cho bản thân mình được giải thoát, mà còn để góp phần vào công cuộc tận độ toàn linh của Đức Chí Tôn, chung tâm góp sức với Thầy xoay chuyển bánh xe tiến hóa cho vạn loại. Minh Đức Đạo Nhơn nhắc nhở: “Kết quả đạt được không chỉ để giải thoát cho riêng mình, mà chính là góp phần vào Thiên cơ cứu độ chúng sanh trong buổi đời cùng cuối.” ([19])

2. Dâng lời nguyện thứ hai, chúng ta hứa dứt hết phiền não, giữ lòng thanh tịnh. Muốn được vậy, chúng ta hãy học hiểu cho thông suốt Đạo Thầy và ghi nhớ Thánh huấn để thực hành, áp dụng vào bản thân hằng ngày hằng giờ.

3. Dâng lời nguyện thứ ba, chúng ta hứa luôn luôn sửa thói hư tật xấu bản thân. Được như vậy thì lục cấu (hay phiền não) không còn cơ hội làm rối loạn lòng chúng ta.

4. Dâng lời nguyện thứ tư, chúng ta hứa tu cho đắc lục thông (đắc quả Thánh) bằng cách phủi sạch mọi thứ ràng buộc ở cõi đời, giữ tâm thanh tịnh, nuôi lớn đức nhân ái (thương chúng sanh) ở lòng chúng ta.

5. Dâng lời nguyện thứ năm, chúng ta hứa luôn luôn không quên bốn ơn to tát trong đời mình. Nếu sai lời nguyện thì chúng ta làm trái điều luật của Trời (Thiên luật). Vậy, chúng ta nên hiểu rõ hơn về bốn ơn này.

5.1. Sanh ra và sống trên cõi đời, mỗi người chúng ta đều phải chịu bốn ơn sâu nặng (trọng ân 重恩):

Ơn cha mẹ tạo cho chúng ta hình hài xác thịt, lại nhọc nhằn nuôi dưỡng, cho ăn học, gầy dựng gia đình, v.v...

Ơn Thầy giáo, cô giáo thế gian mở mang trí óc, truyền trao kiến thức, kỹ năng để chúng ta có nghề nghiệp kiếm sống (mưu sinh). Nhưng trên hết chính là ơn đức vô biên từ vị Thầy vô vi (Đức Chí Tôn) mở Đạo dạy dỗ chúng ta con đường giải thoát, siêu phàm nhập Thánh.

Ơn đồng bào, nhơn loại đã cống hiến những tiện ích mà chúng ta đang thừa hưởng.

Ơn Tổ Quốc (đất nước) và tiền nhân đã cho chúng ta thụ hưởng một bờ cõi sông núi xinh đẹp, một văn hóa phong phú làm giàu đời sống vật chất và tinh thần chúng ta.

5.2. Đã biết ơn thì chúng ta nên biết cách trả ơn hay đền ơn (báo ân 報恩) để khỏi phạm Thiên điều (luật Trời).

Đối với cha mẹ (hiểu rộng ra là gồm cả ông bà), thì ngoài việc báo hiếu về vật chất (phụng dưỡng cha mẹ, ông bà), chúng ta còn phải làm tròn trách nhiệm nuôi dạy con cái của mình trở nên người tử tế để ông bà, cha mẹ vui lòng, để gia đình và gia tộc được tiếng thơm. Đồng thời chúng ta còn biết thêm cách báo hiếu về tâm linh, tức là hãy tu hành chơn chánh để hồi hướng về ông bà, cha mẹ, con cái. Câu “tu cứu cửu huyền thất tổ” nhằm khuyên chúng ta nên biết báo hiếu một cách tốt nhứt là tu hành.

Đối với thầy cô thế gian, chúng ta đừng lạm dụng kiến thức, kỹ năng đã học được ở nhà trường để làm những điều trái đạo đức, vi phạm luật pháp. Đối với Thầy vô vi (Đức Chí Tôn), chúng ta cố gắng học hiểu giáo lý, chăm lo tu hành và giữ gìn đạo hạnh để làm sáng danh Thầy danh Đạo, góp phần hoằng dương Đạo Trời ra khắp năm châu.

Đối với đồng bào, nhơn loại, và Tổ Quốc, chúng ta tùy khả năng mà phụng sự xã hội đất nước, góp phần xây dựng xã hội đất nước phát triển bền vững, thanh bình, hạnh phúc. Làm công dân tốt, trung thành với Tổ Quốc, biết đem đạo lý Thầy (Đức Chí Tôn) truyền dạy tô điểm cuộc đời (đem Đạo vào đời) trong khả năng của mình, đó là cách báo ân Thầy (Đức Cao Đài Thượng Đế).

6. Dâng lời nguyện thứ sáu, chúng ta hứa dứt bỏ tánh kiêu căng, ngạo mạn và lòng ham muốn thấp hèn để chế ngự thức thần, giữ cho nguơn thần làm chủ lòng chúng ta.

Nếu mất quyền làm chủ trong tâm chúng ta thì nguơn thần không còn là ông chủ (chủ nhơn ông 主人翁). Khi ấy thức thần soán quyền nguơn thần, lòng chúng ta luôn luôn bị lục dục thất tình sai khiến. Kiêu ngạo (ngã mạn 我慢) là một trong những nguy hại ghê gớm mà thức thần khiến chúng ta vướng mắc, phá tan công đức tu hành của chúng ta. Vì thế, xưa nay các Đấng đều dạy chúng ta hãy rất khiêm tốn (khiêm nhường, hạ mình). Chẳng hạn:

Thời Nhị Kỳ Phổ Độ, trong Thư 1 Phê-rô (chương 5; câu 5), Thánh Phê-rô khuyên: “Tất cả anh em hãy lấy đức khiêm nhường mà đối xử với nhau, vì Thiên Chúa chống lại kẻ kiêu ngạo, nhưng ban ơn cho kẻ khiêm nhường.”

Thời Tam Kỳ Phổ Độ, Đức Chí Tôn dạy:

“Các con coi bậc Chí Tôn như Thầy mà h mình đặng độ rỗi nhơn sanh là thế nào. Phải xưng là một vị Tiên Ông và Bồ Tát là hai phẩm chót của Tiên, Phật. Ðáng lẽ thế thường phải để mình vào phẩm tối cao tối trọng, còn Thầy thì khiêm nhường là thế nào. Vì vậy mà nhiều kẻ môn đệ cho Thầy là nhỏ. Cười . . .

Hạnh khiêm nhường là hạnh của mỗi đứa con. Phải noi theo gương Thầy mới độ rỗi thiên hạ đặng. Các con phải khiêm nhường sao cho bằng Thầy.” ([20])

7. Dâng lời nguyện thứ bảy, chúng ta hứa tu luyện cho đắc đạo (để có được “chân thân viên mãn”) ngõ hầu được phép vào Bạch Ngọc Kinh lạy chầu Đức Chí Tôn.

Muốn có chơn thân toàn vẹn, chúng ta phải tu tịnh (tham thiền, công phu, luyện đơn nấu thuốc) chớ không phải chỉ biết lo phổ độ. Bởi vậy, NĐCT 2022 (tr. 560) có lời Đức Chí Tôn khuyên chúng ta: “Luyện đơn nấu thuốc công phu / Long thăng, hổ giáng, thập thu niên đài...” ([21])

8. Dâng lời nguyện thứ tám, chúng ta cầu xin rằng dưới quyền Đức Chí Tôn cai quản khắp cả vũ trụ càn khôn, đạo Cao Đài được phát triển, mỗi ngày một lớn rộng.

Muốn Đạo Thầy được hoằng dương mạnh mẽ như vậy, chúng ta không thể phó thác hết mọi việc cho Thầy làm. Trong Nhị Kỳ Phổ Độ, Đức Khổng Tử dạy: “Con người có thể làm cho Đạo phát triển lớn mạnh... ([22]) Vì vậy, chúng ta hãy ra sức học đạo, hiểu đạo, rồi dốc lòng cộng tác với Thầy hoằng dương đạo Cao Đài, đúng như điều Thầy dạy chúng ta: “Thiên nhơn hợp nhứt. 天人合一.”

9. Dâng lời nguyện thứ chín, chúng ta cầu xin cho người thế gian khắp nơi đều một lòng với nhau, không còn bụng phân biệt ta và người (vô kỷ vô tha 無己無他). Muốn được như vậy, trước hết chính bản thân chúng ta hãy có lòng vô ngã 無我, không phân biệt ta với người; đừng vì không cùng một Hội Thánh Cao Đài mà xem tín đồ, chức việc, chức sắc thuộc Hội Thánh Cao Đài khác là “bàng môn tả đạo” 旁門左道. Chúng ta cũng rán bỏ thói quen gọi các Hội Thánh hay tổ chức Cao Đài là “chi phái” 支派, để tiêu trừ lòng tự tôn xem mình mới là “gốc cội” còn các chỗ khác chỉ là “nhánh nhóc”. Có như vậy mới mong đạo Cao Đài quy hiệp thành một (nhứt thể), chấm dứt rẽ chia, phân biệt.

10. Dâng lời nguyện thứ mười, chúng ta cầu xin cho khắp nơi trong nước mình cũng như mọi quốc gia trên thế gian đều được hưởng thái bình, thạnh trị mãi mãi. Muốn được như vậy, trước hết chính bản thân chúng ta cố giữ mình trong đạo đức, đừng làm điều gì gây bất hòa, rối loạn trong gia đình mình, nơi mình đang làm việc, đang tu học.

*

Tóm lại, cầu nguyện không phải là thụ động cầu xin tha lực 他力 (ban ơn hộ trì từ các Đấng thiêng liêng), mà còn có tự lực 自力 (với ý chí và rán sức của bản thân). Đó là ý nghĩa của Thiên nhơn hợp nhứt (Trời và người hợp một).

Huệ Khải



([1]) Thánh thất Minh Trung (Phú Hòa, Phú Yên), 02-12 Mậu Tuất (Thứ Bảy 10-01-1959).

([2]) Thánh thất Tịnh Quang (Tuy An, Phú Yên), 07-12 Mậu Tuất (Thứ Năm 15-01-1959).

([3]) Trung Hưng Bửu Tòa (Đà Nẵng), 13-01 Kỷ Hợi (Thứ Sáu 20-02-1959).

([4]) Trung Hưng Bửu Tòa, 17-01 Kỷ Hợi (Thứ Ba 24-02-1959).

([5]) Thánh tịnh Ngọc Linh (Nhơn Trạch, Đồng Nai), 16-4 Kỷ Hợi (Thứ Bảy 23-5-1959).

([6]) Trung Hưng Bửu Tòa, 28-11 Kỷ Hợi (Chủ Nhựt 27-12-1959).

([7]) Trung Hưng Bửu Tòa, 15-7 Canh Tý (Thứ Hai 05-9-1960).

([8]) Theo đạo Lão, Tam Thanh là ba cảnh (cõi) mang tên Ngọc Thanh 玉清 (Nguyên Thủy Thiên Tôn 元始天尊 cai quản); Thượng Thanh 上清 (Linh Bửu Thiên Tôn 靈寶天尊 cai quản);Thái Thanh 太清 (Đạo Đức Thiên Tôn 德天尊 cai quản).

([9]) Thiên địa, quân, thân, sư chi ân điển. 天地, 君親, 之恩典. (許止淨, 感應篇直講)

([10]) Phụ mẫu ân, chúng sanh ân, quốc vương ân, tam bảo ân. 父母 , 生恩, 國王恩, 三寶恩. (太虛大師, 大乘本生心地觀經)

([11]) Phụ mẫu ân, sư trưởng ân, quốc vương ân, thí chủ ân. 父母恩, 師長恩, 王恩, 施主恩. (釋道誠, 釋氏要覽)

([12]) Thiên địa, quân, thân, sư đích ân đức. 天地, , , 師的恩德. ( )

([13]) Đàn 03-8 Bính Tý (1936), bài “Luận về Đại Đạo Tâm Truyền”.

([14]) vùa: A tòng 阿從; hùa theo; dua theo.

([15]) nên chi: Vì vậy; vì thế.

([16]) Đàn 16-8 Bính Tý (1936), bài “Xuất Thần”.

([17]) Đàn 16-8 Bính Tý (1936), bài “Xuất Thần”.

([18]) Đức Giáo Tông Vô Vi Đại Đạo, Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Đại Đạo, 19-02 Bính Dần (Thứ Sáu 28-3-1986).

([19]) Minh Đức Tu Viện (Bãi Dâu, Vũng Tàu), 06-7 Nhâm Tuất (Thứ Ba 24-8-1982). Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Cao Đài Giáo Việt Nam thông công.

([20]) Thánh Ngôn Hiệp Tuyển, quyển I. Đàn Thứ Bảy 11-9-1926.

([21]) Long (rồng) và hổ (cọp) là hai ẩn ngữ trong phép tham thiền (tịnh luyện, công phu). Trong tam bửu (tinh, khí, thần) thì long là thần, chỉ tim, thuộc hỏa, tánh chất bốc lên cao, nên nói “long thăng” 龍升; còn hổ là khí, chỉ thận, thuộc thủy, tánh chất đi xuống, nên nói “hổ giáng” 虎降.

([22]) Nhơn năng hoằng Đạo. 人能弘道. (Luận Ngữ 論語, chương 15, câu 29)