Thứ Bảy, 21 tháng 1, 2017

54/38. SEN NỞ TRÊN CÀNH THẬP GIÁ / BẮC CẦU TÂM LINH



SEN NỞ TRÊN CÀNH THẬP GIÁ

Đây là chuyện tôi nghe:
Trong lần điền dã phương xa, vị giáo sư tình cờ lạc bước đến nơi ẩn cư của một tu sĩ. Sau khi uống chén trà do chủ nhân mời, khách xin tu sĩ giải thích vì sao trên vách ván đơn sơ sau lưng chủ nhân treo bức tranh lạ, vẽ bằng mực đen trên nền giấy trắng đã ngả vàng cũ kỹ.
Tu sĩ cho biết đây là kỷ niệm của một bạn thân đã qua đời. Người quá cố làm linh mục coi một giáo xứ lân cận. Những khi thư nhàn, linh mục hay ghé chơi, uống trà và trao đổi về những tương đồng giữa Phật và Chúa. Những lần trò chuyện đầy cảm hứng đã khiến vị linh mục ấy, vốn chẳng có tài họa sĩ, một hôm chợt cầm bút vẽ bức tranh duy nhứt trong đời tặng tu sĩ – một đóa sen mà cuống hoa là cây thánh giá được cách điệu.
Vị giáo sư gật gù ra vẻ đã hiểu. Nhưng ông chợt nhíu mày, thắc mắc:
- Thầy nói rằng Phật và Chúa tương đồng, nghe sao lạ quá! Chúa dạy nhiều về một Đấng Thiên Chúa có ngôi vị cai quản Nước Trời. Còn Phật không bao giờ nhắc tới một ông Trời hữu ngã. Từ căn bản là đã khác nhau lắm rồi.
Tu sĩ mỉm cười thông cảm. Rót mời khách chén trà thứ hai, ông từ tốn bảo:
- Tôi và linh mục bạn tôi cũng từng nghĩ như vậy. Xưa nay phần đông đại chúng vẫn thường nghĩ như vậy. Hồi trẻ, tôi nghe nói bên Ấn Độ người ta vẽ Chúa ngồi kiết già, tay bắt ấn, tham thiền trên tòa sen, và tôi cứ trách thầm rằng tay họa sĩ nào đó đáng mang tội báng bổ. May là tôi và ông bạn linh mục thân quý của tôi đã thoát khỏi ngộ nhận ấy. Bức tranh trên vách kia có thể xem như một thừa nhận của bạn tôi rằng Phật là Chúa mà Chúa là Phật.
Khách vừa nâng chén trà lên ngang miệng, định hớp một miếng, nghe tới đó bèn đặt chén xuống, khẽ lắc đầu:
- Thầy nói rất hay, nhưng tôi vẫn thấy chưa có sức thuyết phục.
Tu sĩ nhoẻn miệng cười bao dung. Ông hơi lim dim con mắt như mơ màng:
- Tôi không biết quý khách từng đọc Kinh Thánh bao nhiêu lần, và đã đọc được mấy quyển kinh căn bản nhất của nhà Phật. Trong Tân Ước, bốn Thánh Matthêu, Maccô, Luca, và Gioan chép tỉ mỉ từng lời Chúa dạy. Cũng thế, Luận Ngữ chép chi tiết từng câu Khổng Tử thốt ra. Tương tự, Kinh Pháp Cú chép đúng bốn trăm hai mươi ba lời răn dạy của Như Lai. Tôi thích suy gẫm những câu văn đầy tính khẩu ngữ ấy. Nghe có vẻ như mình được các Đấng trực tiếp nói ra với mình, trực diện khuyên nhủ mình.
Khách hơi bẽn lẽn. Ông ngập ngừng, định phân trần chi đó thì tu sĩ khoát tay:
- Quý khách đừng nghĩ bụng tôi dám có ý thế này thế kia với quý khách. Xin đừng hiểu lầm tôi muốn tranh biện hơn thua nơi đây. Người trí thức vốn dĩ hiếu tri, quen nói có sách mách có chứng. Đức tính này rất tốt, vì chân lý không thể cầu tìm bằng lời nói suông, vô căn cứ.
Nét mặt như dãn ra, vị giáo sư chân thành nói:
- Xin đa tạ thầy rộng lòng hỷ xả. Vậy, xin thầy cho một chứng minh điển hình.
Tu sĩ xoay người lại, lấy ra hai quyển sách cũ kỹ trên kệ nhỏ phía sau lưng. Liếc nhanh hai quyển sách tu sĩ vừa đặt lên mặt bàn, khách nhận ra quyển dày là Kinh Thánh, quyển nhỏ và mỏng như sách bỏ túi là Kinh Pháp Cú.
Không vội giở kinh ra, tu sĩ thủng thỉnh nói:
- Phật và Chúa đều dạy ta về tình yêu vô ngã, tình yêu vượt lên cái tôi nhỏ hẹp của phàm tục. Tình yêu đó vượt ra ngoài gia đình, bè bạn, đồng bào, nó không loại trừ kẻ nghịch thù mặc dầu thái độ này phải nói quá khó cho chúng ta. Tình yêu đó, ở Chúa là đức bác ái, ở Phật là hạnh từ bi.
Mở quyển nhỏ và mỏng, tu sĩ nói tiếp:
- Xin quý khách nghe chương mở đầu Kinh Pháp Cú, ba câu 3, 4 và 5. Tỳ kheo Thích Minh Châu dịch như sau:
“Nó mắng tôi, đánh tôi, / Nó thắng tôi, cướp tôi. / Ai ôm hiềm hận ấy, / Hận thù không thể nguôi. / Nó mắng tôi, đánh tôi, / Nó thắng tôi, cướp tôi. / Không ôm hiềm hận ấy, / Hận thù được tự nguôi. / Với hận diệt hận thù, / Ðời này không có được. / Không hận diệt hận thù, / Là định luật ngàn thu.
Cầm lên quyển Kinh Thánh, tu sĩ bảo:
- Tôi xin đọc Tin Mừng theo Thánh Luca, chương 6, câu 27, 28, 32 và 35. Thánh Luca chép lời Chúa như sau:
“Thầy nói với anh em là những người đang nghe Thầy đây: Hãy yêu kẻ thù và làm ơn cho kẻ ghét anh em, hãy chúc lành cho kẻ nguyền rủa anh em và cầu nguyện cho kẻ vu khống anh em. (…) Nếu anh em yêu thương kẻ yêu thương mình, thì có ân nghĩa gì đâu? Ngay cả người tội lỗi cũng yêu thương kẻ yêu thương họ. (…) Trái lại, anh em hãy yêu kẻ thù, hãy làm ơn và cho vay mà chẳng hề hy vọng được đền trả. Như vậy, phần thưởng dành cho anh em sẽ lớn lao, và anh em sẽ là con Ðấng Tối Cao, vì Người vẫn nhân hậu với cả phường vô ân và quân độc ác.”
*
Tiễn khách ra cửa, tu sĩ dịu dàng bảo:
- Tôi quen sống thui thủi nơi cô tịch lâu rồi. Hôm nay quý khách ghé uống chén trà nhạt, trò chuyện làm vui, âu cũng là cái duyên ngàn dặm. Chuyện đạo nói hoài khó dứt. Nếu quý khách để tâm tìm hiểu, ắt sẽ tìm thêm trong kinh Phật và Kinh Thánh được nhiều chỗ tương đồng về cốt tủy, vượt ra ngoài dị biệt văn tự. Tôi nhớ Thánh Matthêu chép câu này: “Hễ ai xin thì nhận được, ai tìm thì sẽ thấy, ai gõ cửa thì sẽ mở cho.” Tôi xin chúc lành quý khách.
HUỆ KHẢI
15-01-2011
Nguyệt san CGvDT số 193, tháng 01-2011




 Quý đạo hữu gần xa muốn nhận các kinh sách do Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo xuất bản, được gởi biếu qua bưu điện, xin vui lòng gởi e-mail về: daidaovanuyen@gmail.com
Và xin quý đạo hữu hoan hỷ trả giúp cước phí cho bưu điện ngay khi nhận được sách biếu.
Ban Ấn Tống trân trọng cảm ơn quý đạo hữu.